Sáng mãi tinh thần thanh niên Thủ đô

Đăng lúc: 15-08-2023 3:11 Chiều - Đã xem: 185 lượt xem In bài viết

60 năm trước, họ là những trai thanh nữ tú của đất Hà thành, tuổi đời mới 17-20, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Đoàn, xung phong tình nguyện đi tham gia xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi. Với tinh thần “sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”, hàng nghìn thanh niên Hà Nội đã lên đường từ mùa Thu năm ấy. Cho đến hôm nay âm hưởng của một thời hào hùng vẫn vang mãi, nhắc nhở các cựu thanh niên xung phong cùng nhau tiếp tục cống hiến xây dựng Thủ đô, vun đắp cho thế hệ trẻ hôm nay.

Các cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô cùng đoàn viên thanh niên trong buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống.

Thanh xuân đầy tự hào

Mùa Thu năm ấy vẫn in dấu trong lòng ông Trần Hữu Mai, Trưởng ban liên lạc Cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô. Ông Mai nhớ lại: “Sáng 15-8-1963, tại ga Hàng Cỏ Hà Nội gần 1.000 đội viên TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô được biên chế thành 12 “Đội Thanh niên Tháng 8 Thủ đô” đầu tiên. Đội Thanh niên Tháng 8 Thủ đô được cử đến tham gia lao động sản xuất tại các đơn vị của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp; tham gia mở đường… ở các tỉnh miền núi từ Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, đến các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình”.

Đang là học sinh cấp 3 trường Ngô Quyền (khu Hai Bà), chàng trai Phạm Đức Nam (sinh năm 1946) đã viết đơn tình nguyện, trốn cả gia đình để lên đường, chỉ mang theo tấm “Thẻ tình nguyện đi xây dựng miền núi, làm giàu cho Tổ quốc” của Thành đoàn. Ông Nam bồi hồi kể: “Nhiệm vụ của tôi là nổ mìn, đục đá mở đường ở khu vực miền núi tỉnh Phú Thọ. Lúc đó vất vả lắm, nhưng chúng tôi luôn nhớ lời Bác Hồ căn dặn TNXP “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Anh chị em đồng cam cộng khổ, động viên nhau khắc phục khó khăn, làm ngày đêm không nghỉ, chỉ cố gắng làm sao hoàn thành nhiệm vụ”.

Từ những học sinh vừa tốt nghiệp lớp bảy, lớp mười; những giáo sinh mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm; thanh niên đang làm việc trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp…, tuổi còn rất trẻ, quen với phố phường và ánh đèn thành phố, những ngày đầu tham gia lao động sản xuất ở miền núi, nhà tranh vách nứa, không điện, không nước máy, không rạp chiếu bóng… thực sự là những thử thách to lớn đối với các đoàn viên, thanh niên Thủ đô. Những công việc mới mẻ, vất vả như lên rừng chặt gỗ, chặt nứa, tự làm lán trại để ở, khai hoang lấy đất trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn, chăn nuôi, làm đường… đã rèn luyện ý thức và nghị lực để họ vượt qua tất cả và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

 Vừa tuổi trăng tròn, đang học lớp 7, vóc dáng nhỏ bé, nhưng cô gái Long Thị Vy Phúc đã vô cùng háo hức khi được tham gia TNXP đi Tây Bắc. Niềm tự hào vẫn ánh lên trong mắt bà Phúc khi nhớ lại: “Đội chúng tôi được cử lên Nông trường quốc doanh Tô Hiệu (tỉnh Sơn La). Nhiệm vụ của tôi là dạy học cho các anh chị ở nông trường, đi hái bông, trông trẻ… Dù điều kiện gian khổ thiếu thốn, nhưng ai nấy cũng vẫn vui vẻ, vì mong giúp được người dân. 3 năm sau, khi giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, tôi gia nhập bộ đội. Tôi được cử đi học lớp quân y và sau đó được điều động sang chiến trường Lào chiến đấu và phục vụ chiến đấu cứu chữa thương bệnh binh…”.

          “Trong quá trình lao động, chiến đấu, học tập, rèn luyện và phấn đấu, nhiều đội viên TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô đã được kết nạp vào Đảng khi mới 20 tuổi đời. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, nhiều đội viên TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô được tuyển vào bộ đội, trực tiếp chiến đấu. Nhiều người trong số họ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, vĩnh viễn nằm lại chiến trường”, ông Trần Hữu Mai nghẹn lời chia sẻ.

Tiếp bước cha anh

Trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống TNXP tình nguyện tháng 8 Thủ đô, những cựu TNXP năm xư­a hầu hết đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” gặp nhau tay bắt mặt mừng. Họ như sống lại một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết. “Sau 35 xung phong tình nguyện đi tham gia xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi, anh chị em đội viên đã tập hợp nhau lại và thành lập Ban Liên lạc cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô. Hiện hơn 300 hội viên vẫn sinh hoạt đều đặn. Các cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô đã làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia lúc ốm đau, hoạn nạn…”, ông Trần Hữu Mai chia sẻ thêm.

Những cựu TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô năm xư­a hầu hết đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, song nhiều người vẫn tích cực tham gia hoạt động ở quận huyện và xã, phường, thị trấn. Với tinh thần “lúc trẻ xông pha, về già gương mẫu”, sau những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho những con đường, ông Phạm Đức Nam về công tác ở Bưu điện Hà Nội. Khi về hưu, ông vẫn tích cực tham gia công tác địa phương, làm Bí thư Chi bộ khu dân cư số 2, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) mười lăm năm mới nghỉ. Còn bà Long Thị Vy Phúc hiện vẫn đang là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Kim Mã (quận Ba Đình). “Thế hệ chúng tôi đã sống, làm việc, học tập, lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Chúng tôi rất tự hào về những năm tháng đẹp đẽ ấy và tiếp tục xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống ở khu dân cư, sống vui, sống khỏe có ích cho gia đình và xã hội”, bà Phúc bày tỏ.

Từ những đội viên TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô, qua quá trình rèn luyện và phấn đấu, nhiều người đã trở thành các nhà trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, giảng viên đại học, cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp…, đóng góp không nhỏ vào công cuộc dựng xây Thủ đô và đất nước. Phong trào TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô năm xưa đã để lại truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ thanh niên tuổi trẻ hôm nay.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, truyền thống đó đã và đang được kế tục và phát huy rộng khắp với nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng như phong trào thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ sáng tạo, tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc…, bằng những công trình thanh niên mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, để lại dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng.

“Thời gian tới, Đoàn Thanh niên thành phố sẽ phối hợp với Hội Cựu TNXP thành phố tìm cách tháo gỡ cho các hội viên mất giấy tờ gốc không chứng minh được là TNXP, được hưởng đầy đủ quyền lợi, chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn; đồng thời làm tốt công tác giáo dục truyền thống để mỗi thế hệ tiếp nối, khoác trên mình chiếc áo thanh niên, càng phải cố gắng học tập và lao động, rèn luyện, xung kích tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó, nhiệm vụ mới. Đó là sự tiếp nối truyền thống đầy tự hào của các thế hệ thanh niên đi trước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến chia sẻ.

Nguyệt Ánh