Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Đăng lúc: 28-02-2024 10:27 Sáng - Đã xem: 130 lượt xem In bài viết

Lực lượng TNXP Việt Nam được Bác Hồ sáng lập, dìu dắt và lãnh đạo, đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi giành được chính quyền và tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; trước yêu cầu xây dựng lực lượng và phát triển của cách mạng Việt Nam, để đáp ứng cho cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Lực lượng TNXP Việt Nam. Ngày 15/7/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam ra quyết định thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên gồm 225 đội viên lấy từ các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Cuối tháng 8/1950, Đội lấy phiên hiệu là Đội 50, làm lễ xuất quân tại Núi Hồng thuộc xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó tập kết về căn cứ Lam Sơn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng nhận nhiệm vụ.

Tháng 9/1950, tham gia chiến dịch Biên giới[1], đêm 16/9/1950 đội đã phục vụ bộ đội chủ lực đánh đồn Đông Khê. Ngày 18/9/1950 trận đánh đồn Đông Khê thắng lợi, TNXP đã thu dọn chiến trường, cáng tải thương binh và vận chuyển 8 tấn đạn chiến lợi phẩm về kho an toàn. Tiếp theo là các trận đánh tiêu diệt các binh đoàn Sác-tông (Charton), Lơ-Pa-Zơ (Le Page)… Chiến dịch Biên giới thắng lợi, ta tiêu diệt 10 tiểu đoàn[2], giải phóng 350.000 dân và 4.500 km2. Trong chiến dịch này, TNXP Trung ương đã xông xáo khắp mặt trận, thu gom súng đạn, quân trang quân dụng, chiến lợi phẩm khắp chiến trường và áp giải hàng binh, chôn cất tử sĩ. Thắng lợi của chiến dịch Biên giới có ý nghĩa chiến lược quan trọng đã làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và Pháp, là bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của ta từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy. Với những thành tích đã đạt được, Đội TNXP công tác Trung ương đã được Bác Hồ gửi thư khen. Tại lễ mừng chiến thắng ở thị xã Cao Bằng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tuyên dương Đội “Nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ”. Tiếp đà thắng lợi tháng 10/1950, Trung ương Đoàn chỉ đạo thành lập Đội TNXP công tác thứ 2, lúc đầu Đội gồm 1.732 người chia làm 8 phân đội, ngày 22/12/1950 Đội lên đường đi phục vụ chiến dịch Trung du[3], làm nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, sửa đường…trên mặt trận Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Liêu, Bến Tam (Quảng Ninh). Tháng 3/1951 Đội phát triển lên 3.000 người với 9 Liên phân đội gồm: Hoàng Hoa Thám, Hoàng Hữu Nam[4], Hồ Tùng Mậu[5], Trần Phú, Tô Hiệu, Hà Huy Tập, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong. Đội chia làm 2 mũi đi phục vụ chiến dịch Hoàng Hoa Thám (trên đường 18 Phả Lại – Uống Bí, Quảng Ninh) và đảm bảo giao thông đường số 3 từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn. Ngay từ ngày đầu thành lập Bác Hồ đã theo dõi từng bước trưởng thành của Lực lượng TNXP, Người chỉ rõ: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”.

Bác Hồ thăm Liên phân đội TNXP 312, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường số 3 phục vụ kháng chiến, tại cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, Cẩm Giàng, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh internet  

Ngày 28/3/1951, toàn Liên phân đội 312 đang làm nhiệm vụ tại Cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), Bác Hồ đã ghé thăm và tặng Đội lá cờ “Thi đua khá nhất” và Bác tặng TNXP 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”

Tháng 5/1952, Đội tham gia chiến dịch Tây Bắc, đội viên đã tham gia làm đường ở Việt Bắc, đào đắp 106.000m3 đất đá, làm 50 cầu, vận chuyển 2.858 tấn gạo, đạn dược phục vụ chiến dịch. Tiếp đó Đội TNXP công tác Trung ương tiếp tục tham gia chiến dịch Thượng Lào; đảm bảo giao thông đèo Pa Háng và đường 41. Đến tháng 12/1953, Đội TNXP công tác Trung ương đã có 20 liên Phân đội với 3.000 đội viên, tăng gấp 10 lần so với ngày mới thành lập để phục vụ các chiến dịch. Thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch về việc xây dựng và phát triển các Đội TNXP công tác ở địa phương từ khu V trở ra. Từ tháng 11/1953 đến tháng 6/1954 đã có 15.000 TNXP chủ yếu ở 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh tham gia các Đội TNXP phục vụ các chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Thu – Đông 1953-1954. Tháng 12/1951, Tỉnh đoàn Hòa Bình thành lập Đội TNXP phục vụ chiến dịch Hòa Bình. Tháng 10/1953 thành lập đội TNXP mang tên Cù Chính Lan, đảm bảo giao thông, trên đường 41 phục vụ kháng chiến. Từ tháng 11/1952 các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình thành lập các Đội TNXP phục vụ các chiến dịch và làm các nhiệm vụ cấp bách tại địa phương.

Đầu năm 1953, các tỉnh Quảng Nam, Bình Định thành lập các Tổng đội TNXP với 2.000 người phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Ngày 20/4/1954, liên Đoàn khu V thành lập Tổng đội TNXP liên khu V gồm 4.000 người (Tổng đội TNXP 204) phục vụ chiến dịch An Khê.

Cả Nam Bộ cũng thành lập trên 1.000 Đội TNXP phục vụ bộ đội chiến đấu và công tác đột xuất ở địa phương, vận chuyển hàng chục vạn tấn gạo, đạn dược, bắc gần 3.000 cầu, chở hàng chục vạn bộ đội qua các kênh rạch chằng chịt để phục vụ các chiến trường.

Sau thất bại liên tiếp ở Biên giới 1950, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào năm 1951, 1952, 1953, thực dân Pháp đã đề ra “Kế hoạch Nava[6]” hòng ngăn chặn bước tiến của ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đang ở giai đoạn “Cầm cự” chuyển sang giai đoạn “Tổng phản công”. Ngày 25/5/1953, Bác Hồ giao cho ban Thanh vận Trung ương và các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến xây dựng Đoàn TNXP Trung ương theo mô hình mới, được tổ chức chặt chẽ hơn, dài ngày hơn, là nơi rèn luyện, đào tạo cán bộ, là trường học thực tiễn cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, huấn luyện chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 26/3/1953, Đại đội 261 đơn vị đầu tiên của Đội TNXP kiễu mẫu được thành lập. Đội do ông Vũ Kỳ làm chỉ huy trưởng, nhiệm vụ ban đầu của Đội là đảm bảo giao thông, xây dựng kho tàng ở Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang và phục vụ cho An toàn khu (ATK).

Năm 1953, Bác đã Chỉ thị thống nhất các Đội TNXP. Đến tháng 1/1954, ba đội TNXP đã sáp nhập lại lấy tên là “Đoàn XP”. “Đoàn XP” có các Đội 34 và 40 đóng quân tại Sơn La, Lai Châu; Đội 36 làm nhiệm vụ phục vụ An toàn khu (ATK), nơi Trung ương Đảng và Chính phủ làm việc; Đội 38 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông chiến lược (từ Thái Nguyên đến biên giới phía Bắc), tiếp nhận hàng viện trợ của các nước XHCN. Nhiệm vụ của “Đoàn XP” là “Xung phong trong mọi công việc, phục vụ kháng chiến đến thành công”. Lúc này “Đoàn XP” có 10.000 người (không có nữ) hoạt động trên địa bàn rộng lớn từ Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III và Liên khu IV. Đến tháng 4/1954 do nhu cầu của mặt trận Điện Biên Phủ, 8.000 đội viên của Đoàn XP đã chuyển bổ sung cho quân đội. Đội 36 tại ATK được thành lập nhằm phối hợp với lực lượng quân đội, công an, công nhân xây dựng, làm các nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ ATK; khôi phục, mở rộng tuyến đường bộ Tuyên Quang – Thái Nguyên và đường nội bộ trong ATK; đào hầm trú ẩn, nhà làm việc cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xây dựng kho tàng, trung tâm thông tin liên lạc ATK; sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Trung ương và Bác Hồ khi có địch xâm nhập ATK.

Đội 34, 40 phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Đoàn XP” Trung ương được huy động 18.200 TNXP, biên chế thành 40 Đại đội tham gia chiến dịch lịch sử này. Tháng 11/1953, những đơn vị TNXP đầu tiên đã cùng bộ đội bí mật xuyên rừng lên Tây Bắc. Để đánh lạc hướng địch, một số đơn vị TNXP đã hành quân đi Việt Bắc, còn bộ phận của Đội 34 và 40 đã cùng bộ đội Công binh khai thông 80km đường Tuần Giáo – Điện Biên. Sau đó 8.000 đồng chí đã chuyển sang quân đội. Để phục vụ chiến dịch, ta mở đường 1B dài 140km nối thị xã Thái Nguyên với cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đội TNXP 38 đã được giao nhiệm vụ quan trọng này trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Bằng phương pháp hoàn thành từng đoạn, đường 1B đã được nối liền, đúng thời điểm chiến dịch bắt đầu. Đường lên Tây Bắc phải qua 2 phà Chợ Bờ và Suối Rút, cách nhau 12 km, địch đánh phá ác liệt, nhiều đợn vị TNXP đã dũng cảm bám cầu, bám đường, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Đội 34, 40 được giao nhiệm vụ phá thác ghềnh trên sông Đà, sông Mã, sông Nậm Na để vận tải bằng thuyền trên sông thuận lợi. 40 Đại đội của 2 Đội 34, 40 với 14.000 người được bố trí cài răng lược, rải đều trên các tuyến đường dài 300 đến 400 km từ phà Tạ Khoa, Nghĩa Lộ quan Đèo Chẹn; từ Cò Nòi đến Pha Đin, Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Cụ thể:

  • Tại Ngã Ba Mộc Châu có 2 Đại đội: 301, 302 (Đội 34);
  • Rại Cầu Tà Vài có 3 Đại đội: 292, 297 (Đội 34), C407 (Đội 40);
  • Tại Đèo Chiềng Đông có 1 Đại đội: C 411 (Đội 40);
  • Tại bến đò Tạ Khoa, Đèo Chẹn có 2 Đại đội 403, 405 (Đội 40);
  • Tại Ngã ba Cò Nòi có các Đại đội: C293, 300 (Đội 34), C403, 408 (Đội 40) và 6 Đại đội ứng cứu là C 292, 297, 302, 401, 404 và 407;
  • Tại Tổng Kho T100 đến Hát Lót có 3 Đại đội: 298, 409, 410;
  • Tại Đèo Pha Đin có 4 Đại đội 293, 294, 295, 296 (Đội 34);
  • Tại Ngã ba Tuần Giáo có 2 Đại đội: 290, 293 …

Tại trọng điểm Ngã ba Cò Nòi (Sơn La), điểm giao giữa Đường 41 (Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và Đường 13 (Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc) tiếp tế sang, là nơi địch đánh phá ác liệt nhất, có ngày Pháp đã huy động 69 máy bay, ném trên 300 quả bom, do đó Cò Nòi được mệnh danh là chảo lửa, túi bom, cửa tử. Đội 34 và 40 đã bám trụ ngoan cường dưới con mưa bom của địch, đảm bảo giao thông thông suốt suốt trong thời gian chiến dịch, có hàng trăm TNXP đã hy sinh. Tại đây xuất hiện những TNXP phá bom nổ chậm nổi tiếng, thông minh, gan dạ như Cao Xuân Thọ, Trần Văn Cam, Nguyễn Tiến Thụ, Trịnh Văn Huyền[7].

Đèo Pha Đin[8] là một trong những trọng điểm đánh phá của địch[9], một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ của quân ta đi qua đèo này. Lực Lượng TNXP đều bố trí ở đây 9 Đại đội của Đội 40, 34 lao động hết mình để đảm bảo thông xe ra mặt trận. Tháng 4/1954 có 10 xe chở hàng ra mặt trận bị địch đánh phá. Các đồng chí đã dũng cảm dập lửa, cứu hàng, cứu được cả đoàn xe an toàn. Hành động dũng cảm ấy đã được Bác Hồ tặng áo lụa và thưởng Huân chương. Kết thúc chiến dịch, 16.000 TNXP đã sửa chữa, mở rộng 3.300 km đường, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông 60 bến phà … Cùng với dân công, gùi thồ hàng 100 ngàn tấn gạo, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm phục vụ chiến dịch.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 8/5/1954, Bác Hồ gửi thư khen Bộ đội, TNXP, dân công và đồng bào Tây Bắc, trong đó có đoạn: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, TNXP và đồng bào các địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”. Lực lượng TNXP đã được tặng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 60 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, 120 huy hiệu Bác Hồ. Ngày 31/3/1955 Đại hội Chiến sỹ thi đua lần thứ 2 Đoàn TNXP họp tại Hà Nội đã bầu được 20 chiến sỹ thi đua và cá nhân xuất sắc, được tặng 10 Huy hiệu của Bác, 15 Huân chương Kháng chiến các loại và nhiều danh hiệu cao quý khác. Năm 2010 Lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVT Nhân dân. Khi đánh giá về Lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho rằng: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ nếu không có TNXP thì bộ đội sẽ gặp nhiều khó khăn, TNXP thực sự đem tinh thần xung phong của thanh niên trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc…”

Bộ đội Việt Nam vẫy cờ trên nóc một hầm chỉ huy của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1954. Ảnh: AFP. 

Hàng vạn TNXP đã cùng với các lực lượng dân công, Nhân dân Tây Bắc tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, chia lửa cùng bộ đội góp phần làm nên thắng lợi lịch sử. Khu tưởng niệm tâm linh Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được xây dựng để tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và lực lượng TNXP. Tỉnh Điện Biên cũng đã có Dự án xây dựng Khu Di tích lịch sử TNXP tại đèo Pha Đin để tri ân những TNXP đã hy sinh và góp phần giáo dục thế hệ trẻ không quên lịch sử. Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng thống nhất chủ trương tổ chức ở cấp quốc gia nhằm tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tiếp thêm động lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI.

Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam


[1] Còn gọi là Chiến dịch Lê Hồng Phong 2thực hiện từ ngày 16 tháng 9 đến 14 tháng 10 năm 1950 nhằm phá vòng vây mà quân viễn chinh Pháp bố trí nhằm cô lập các căn cứ địa Việt Bắc. Để từ đó khai thông biên giới Việt-Trung để mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc…

[2] Loại khỏi vòng chiến đấu 8.300 tên, thu được hơn 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh…Trong đó có 8 tiểu đoàn bị diệt gọn, là lực lượng chiến lược toàn Đông Dương của Pháp.

[3] Chiến dịch Trung du hay Chiến dịch Trần Hưng Đạo là một trong những cuộc tiến công lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam vào phòng tuyến trung du Bắc Bộ của quân Liên hiệp Pháp trong đông-xuân 1950-1951.

[4] Phan Bôi (1911 – 1947), tức Hoàng Hữu Nam, là nhà hoạt động cách mạng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I.

[5] Hồ Bá Cự còn được biết đến nhiều hơn là Hồ Tùng Mậu (15/6/1896 – 23/7/1951) là một nhà hoạt động cách mạng và chính khách Việt Nam. Ông từng là đảng viên của cả Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ.

[6] Kế hoạch Navarre hay Kế hoạch 09 là một tài liệu hoạch định chiến lược quân sự do Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương Henri Navarre (1898-1983) vạch ra năm 1953, nhằm xoay chuyển cục diện Chiến tranh Đông Dương. Mục tiêu của kế hoạch này là trong vòng 2 năm sẽ giúp thực dân Pháp “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

[7] Bốn đồng chí này được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23/7/2014.

[8] Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Pha đin, trong đó Pha nghĩa là “Trời”, Đin là “Đất” hàm nghĩa nơi đây là chỗ nơi đất trời gặp nhau. Đèo dài khoảng 32 km, từ km số 360 đến km số 392 trên Quốc lộ 6, là nơi tiếp giáp theo hướng Đông-Tây giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn. Điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước biển

[9] Năm 1954, suốt 48 ngày đêm ròng rã máy bay Pháp oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi.