Giải quyết chính sách, chế độ cho cựu TNXP nói riêng, người có công nói chung: những khó khăn, trăn trở

Đăng lúc: 03-07-2024 9:37 Sáng - Đã xem: 40 lượt xem In bài viết

Ban biên tập trân trọng giới thiệu bản ghi lại chương trình Đối thoại ngày 27/4/2024 của VOV1 về chế độ chính sách đối với cựu TNXP. Tiêu đề do Ban biên tập đặt.

Kính chào quý vị và các bạn!

Thưa quý vị và các bạn, trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc: kháng chiến chống thực dân Pháp và thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, lực lượng TNXP với tinh thần dũng cảm hi sinh vượt qua mọi gian khổ đã cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Đền đáp một phần hi sinh mất mát đó, nhiều năm qua Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã có nhiều chính sách đối với người có công và gia đình có công với cách mạng. Nhưng dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau đến nay vẫn còn cựu TNXP và gia đình họ chưa được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa. Bên cạnh đó những sai sót nhầm lẫn tiêu cực trong việc thực hiện chính sách chế độ đang xảy ra ở một số nơi đã gây không ít khó khăn phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội. Kịp thời giải quyết tồn tại chính sách đối với cựu TNXP là nội dung chúng tôi bàn luận trong chương trình đối thoại hôm nay. Chương trình được phát trên kênh thời sự VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia chương trình: ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Ông Vũ Trọng Kim: xin chào biên tập viên (BTV) của Đài Tiếng nói Việt Nam! Xin chào quý vị thính giả!

BTV: vâng! Và vị khách mời thứ hai là ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ạ. 

Ông Đỗ Đăng Khoa: xin chào quý vị khán giả!

BTV: vâng! Trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia đối thoại hôm nay. Trước hết xin mời quý vị và các vị khách mời nghe một tổng hợp ngắn sau đây:

 Chế độ chính sách đối với TNXP hi sinh, bị thương, nhiễm chất độc hóa học được thực hiện theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ trợ cấp một lần đối với TNXP còn sống, TNXP đã từ trần; chế độ trợ cấp hàng tháng; chế độ bảo hiểm y tế; chế độ trợ cấp mai táng khi TNXP từ trần được thực hiện theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện cải cách tiền lương cùng với việc điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức từ ngày mồng 1 tháng 7 tới đây, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng được đề xuất tăng. Đây là chính sách đặc biệt thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. 

BTV: thưa quý vị khán giả! Chúng ta vừa mới nghe một tổng hợp ngắn và thưa ông Đỗ Đăng Khoa, nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách cụ thể tri ân những người có công với đất nước với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Việc hoàn thiện các chính sách ưu đãi với người có công thì được thể hiện như thế nào, thưa ông! 

Ông Đỗ Đăng Khoa: chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu trong tổng thể mặt bằng chính sách xã hội của đất nước. Cụ thể là trong những năm qua chúng ta đều thấy các quy định về ưu đãi người có công cách mạng thì luôn được hoàn thiện theo tư tưởng và quan điểm là không ngừng mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn, bổ sung thêm chế độ ưu đãi và nâng mức trợ cấp, phụ cấp phù hợp với những điều kiện phát triển kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn. Cụ thể là từ khi Pháp lệnh 04 năm 2012 có hiệu lực đến nay, chúng ta đã bổ sung thêm nhiều chế độ đãi. Ví dụ như là người hoạt động cách mạng bị tù đày được chuyển từ hưởng trợ cấp một lần sang hưởng trợ cấp hàng tháng; rồi bổ sung trợ cấp người phục vụ bà mẹ Việt Nam anh hùng; bổ sung trợ cấp thờ cúng liệt sĩ hàng năm và chế độ điều dưỡng luân phiên thì giảm từ 5 năm xuống còn 2 năm một lần… Về điều kiện tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ thương binh cũng được chúng ta mở rộng bổ sung thêm những tiêu chuẩn, tiêu chí ở trong thời chiến. Ví dụ như là trước đây lực lượng TNXP của chúng ta thì hay đưa vào là trực tiếp phục vụ chiến đấu. Thế nhưng với trực tiếp phục vụ chiến đấu thì cũng có quá nhiều ý kiến khác nhau. Thì vừa rồi chúng ta cũng đã bổ sung vào trong pháp lệnh là điều kiện là gì? Là làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh tại vùng địch chiếm đóng, vùng tiếp giáp vùng địch chiếm đóng và vùng có chiến sự. Như thế này chúng ta sẽ giải quyết được trực diện hơn. Đặc biệt là về mức chuẩn trợ cấp thì hiện nay là chúng ta đã nâng lên được 2.055.000đ và đang tiếp tục trình Bộ Chính trị, trình Chính phủ để nâng lên tiếp tục từ mùng 01 tháng 07 tới đây. Với trợ cấp TNXP hiện chúng tôi đang làm thủ tục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nâng mức trợ cấp TNXP hàng tháng theo Quyết định số 40, hiện nay đang là 540.000 đồng một tháng. Dự kiến tới đây chúng tôi đề xuất nâng lên khoảng trên 900.000 đến 1.000.000đ một tháng với mức trợ cấp hàng tháng.

BTV: vâng ạ, có thể thấy là ưu đãi và chăm sóc người có công thì luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Các chính sách ưu đãi chăm sóc người có công thì cũng đã được hoàn thiện qua từng thời kỳ. Và như chia sẻ của ông Đỗ Đăng Khoa thì chúng ta cũng thấy là những chính sách không ngừng được mở rộng, bổ sung điều kiện rồi là nâng mức trợ cấp. Thế nhưng mà với một đất nước trải qua nhiều năm tháng chiến tranh như là Việt Nam thì theo ông Vũ Trọng Kim, việc này cần được làm như thế nào nữa để có thể đền đáp tốt hơn những mất mát hi sinh của người có công và gia đình người có công với cách mạng? 

Ông Vũ Trọng Kim: trước hết tôi xin nói rằng, để có được độc lập tự do và bảo vệ được tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta thì đồng bào ta, chiến sĩ, TNXP, nhiều lực lượng phải hi sinh gian khổ rất là nhiều. Có thể nói rằng, từ đó Đảng, Nhà nước có quan điểm rất nhất quán là luôn luôn coi trọng chính sách liệt sĩ, thương binh và chính sách ưu đãi với người có công. Chính vì thế, từ trước đến nay việc hoàn thiện chính sách diễn ra liên tục. TNXP cho tới ngày nay về mặt chính sách cơ bản là hoàn thiện. Nếu như đề xuất gì thì cũng khó đề xuất. Nhưng vấn đề khó khăn là áp dụng. Vấn đề áp dụng vào các đối tượng đòi hỏi một quá trình thực hiện phải bắt nguồn từ cơ sở và bắt nguồn từ người được hưởng chính sách. Chính vì thế cho nên làm như thế nào? Trả lời câu hỏi đó tôi muốn nói rằng chúng ta phải qua phải qua những bước rất khó khăn. Bây giờ không còn hồ sơ gốc thì phải có những giấy tờ mà đủ chứng cứ như văn bản đã yêu cầu. Phải chứng minh được là mình đã tham gia TNXP và tham gia ở đâu? Tham gia bao lâu thì được hưởng chính sách? Tất cả những câu hỏi đặt ra như thế yêu cầu người được hưởng chính sách phải cung cấp và giải trình một cách đầy đủ. Bên cạnh đó thì tôi nghĩ rằng đòi hỏi các cơ quan làm chính sách, mà đặc biệt từ cơ sở phải đem hết cố gắng của mình, tức là tâm của mình và sức của mình để có thể tìm kiếm, giúp đỡ các đối tượng này hoàn thành được bộ hồ sơ để có thể xác minh làm chế độ.

BTV: nhân câu chuyện mà ông Vũ Trọng Kim Vừa mới nói về quá trình giải quyết đối với từng trường hợp TNXP cụ thể thì đúng là rõ ràng là vẫn đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt là trong những ngày mà cả nước đang Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm người còn, người mất và vẫn còn những người những gia đình của những TNXP ngày ấy thì chưa nhận được chế độ. Và sau đây mời quý vị và các bạn cùng hai vị khách mời sẽ nghe ý kiến của ông Hạ Bá Linh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ.

Ông Hạ Bá Linh: hiện nay Đảng và Nhà nước mình đang lấy thời gian chiến dịch Điện Biên khống chế là trong 56 ngày thôi. Nếu nói rộng ra thì có những người vào rồi xong người ta lại ra. Như thế hiện nay đang phải rà soát rất nhiều. Đây là một điều mà chúng tôi rất trăn trở, những người đã từng tham gia chiến dịch, nếu như sau này phát triển thành cán bộ, là sĩ quan trong quân đội, hoặc chuyển ra bên ngoài làm cán bộ thì rất là rõ rồi. Có những người như dân công hỏa tuyến, TNXP, giải quyết chế độ chính sách cho họ rất khó khăn. Kể cả những người là chiến sĩ Điện Biên thật, sau này người ta không thành đạt, người ta giải ngũ, người ta đi làm kinh tế, đến các nông trường như xây dựng Điện Biên, hay quay về xây dựng một số khu công nghiệp của tỉnh Phú Thọ chẳng hạn thì hình ảnh lưu trữ hay những văn bản giấy tờ mà bây giờ người ta lưu giữ lại rất khó. Thế thì chúng tôi cũng đang rất là trăn trở, mong muốn rằng chế độ chính sách của của Đảng, Nhà nước rất tốt nhưng ngược lại chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước phải đến được cựu chiến binh, phải đến được những người mà thực chất nằm trong 56 ngày đêm đó. Để nay mai những người kể cả người ta mất hết tất cả giấy tờ rồi nhưng hiện nay người ta còn sống hoặc gia đình người ta còn sống thì mình phải có những chính sách ưu đãi như thế nào đấy. Thế mới gọi là lan tỏa được. Thế mới gọi là 70 năm, 70 năm là một đời người rồi đấy!

BTV: vâng ạ, trăn trở của ông Phạm Bá Linh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ, 70 năm là một đời người rồi đấy ạ! Và chúng ta cũng biết là chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 05 năm 1954 là đỉnh cao thắng lợi của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện để mà giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược. Trung ương Đảng và Chính phủ thì đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc; trong đó có lực lượng thanh niên xung phong. Và thưa ông Đỗ Đăng Khoa qua, ý kiến vừa rồi thì mang lại những suy nghĩ gì cho ông?

Ông Đỗ Đăng Khoa: chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc. Giờ đây, chúng ta, những thế hệ đi sau khi mà xem lại những thước phim về chiến thắng Điện Biên Phủ thì chúng ta cũng thấy hết sức là xúc động. Xúc động với những tấm gương hi sinh, những tấm gương gian khổ của các chiến sĩ bộ đội và cùng với đó là các chiến sĩ TNXP, dân công hỏa tuyến cực kỳ gian khổ để đóng góp làm nên một chiến thắng lẫy lừng của dân tộc ta. Về chế độ chính sách thì bên cạnh những chính sách ưu đãi người có công để tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh thì ngay từ năm 1999 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 104 về trợ cấp đối với lực lượng TNXP. Đây là một chế độ chính sách cũng khá là sớm. Chúng ta phải biết là với nhiều những lực lượng khác gần tương tự như TNXP. Ví dụ như dân công hỏa tuyến đến năm 2015 mới bắt đầu có Quyết định số 49 về chế độ chính sách. Còn những lực lượng khác trực tiếp tham gia cách mạng đến bây giờ, đến hiện nay vẫn chưa có những chế độ chính sách ưu đãi riêng. Thí dụ như lực lượng dân quân du kích, lực lượng cơ sở cách mạng. Như vậy chúng ta thấy chế độ chính sách đối với chiến sĩ TNXP, đối với lực lượng dân công hỏa tuyến, cho dù chưa thể đáp ứng hết nguyện vọng của những người đã cống hiến, hi sinh một phần xương máu, cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Nhưng dù sao đây cũng đã thể hiện những nỗ lực, những cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước đến lực lượng người có công nói chung, những lực lượng đã tham gia kháng chiến nói riêng. Chúng tôi với góc độ là những người làm chính sách cũng tiếp tục cố gắng, nỗ lực, đề xuất nâng cao trợ cấp, để giải quyết được những trường hợp hiện nay đang còn khó khăn vướng mắc như là mất giấy tờ, không còn cơ sở, căn cứ để chứng minh sự tham gia cách mạng như là bác Linh vừa nói.

BTV: vâng, trong quá trình nhiều năm quan tâm dõi theo việc thực hiện chinh sách đối với người có công thì chắc hẳn có nhiều câu chuyện khác mà khiến ông day dứt, trăn trở có thể chia sẻ thêm với chương trình hôm nay ạ!

Ông Đỗ Đăng Khoa: vâng! này thì cũng có rất nhiều trăn trở, day dứt, đặc biệt trong giải quyết tồn đọng. Anh em chúng tôi nhiều khi cũng nói vui với nhau là giá như mình có một kính như là kính chiếu yêu, để làm sao mình nhìn vào đấy mà phân biệt được thật giả thì tốt quá. Bởi vì chúng tôi là những thế hệ đi sau. Đặc thù của người có công với cách mạng là tham gia ở trong chiến tranh. Có những sự kiện, những nhân vật trải qua bẩy, tám mươi năm lịch sử, bây giờ rất khó có căn cứ gì để chúng minh. Cho nên là trong giải quyết chúng tôi rất trăn trở, không biết làm thế nào? Đặc biệt là những trường hợp hoạt động đơn tuyến, những trường hợp hoạt động bí mật. Vừa rồi chúng tôi cũng nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về cách giải quyết chế độ chính sách đối với các chiến sĩ biệt động. Phải nói là rất xúc động nhưng mà người hoạt động bây giờ cũng không xác định được quê hương, không xác định được bản quán, không xác định được người thân. Đồng đội thì chỉ biết là có tên ấy, ngày xưa có tên ấy. Nhưng mà bản thân tên đó cũng không phải là tên thật. Bây giờ chỉ có mỗi tên thôi mà không phải là tên thật. Cũng không có một gì để mà phản ánh để mà chứng minh. Bây giờ cũng chưa biết giải quyết như thế nào để cho thấu đáo, để cho đầy đủ để đáp ứng được những nguyện vọng, những mong muốn của người có công với cách mạng!

BTV: dạ vâng! Thưa ông Vũ Trọng Kim ạ! Như chia sẻ của ông Đỗ Đăng Khoa thì chúng ta thấy vẫn tồn đọng những hồ sơ người có công, đặc biệt là những cựu TNXP chưa nhận được ưu đãi của nhà nước dù là đất nước đã hòa bình nhiều năm rồi. Và đó là điều mà thế hệ hôm nay vẫn còn mang nợ họ và gia đình họ. Và khi mà nghe ý kiến của ông Hà Bá Linh ở Phú Thọ và những câu chuyện mà ông Khoa vừa nói thì ông có chia sẻ điều gì trong chương trình hôm nay thưa ông Vũ Trọng Kim.

Ông Vũ Trọng Kim: tôi thì nhận thấy rằng đối với cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây, cụ thể là chiến dịch Điện Biên Phủ thì TNXP cơ bản đã làm xong chính sách. Nhưng mà thời gian sau này, thời gian chống Mĩ cứu nước thì hồ sơ thất lạc hơi nhiều. Cho nên là mong muốn làm sao chúng ta có một đợt tổng kiểm tra lại để cấp ủy Đảng, chính quyền ở cấp như tôi nói ở trên là bắt nguồn từ cơ sở. Và qua ý kiến của ông Hạ Bá Linh tỉnh Phú Thọ nói rất rõ điều đó. Và qua trình bày của ông Đỗ Đăng Khoa, Cục Người có công của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; tôi cũng nghĩ rằng chúng ta rất băn khoăn, nhiều lúc nhận được thư cảm thấy nhức nhối vì giấy tờ của mình không bảo đảm, để thất lạc, thậm chí là không còn. Chính vì thế nó gây ra cho chúng ta điều rất khó khăn là anh phải lấy gì làm căn cứ đê mà giải quyết chính sách, chế độ co TNXP. Nhà nước bây giờ cũng mở ra những cách làm cụ thể như xác nhận tại địa bàn dân cư. Bây giờ các bác đi làm ăn nơi xa và nó thay đổi tình hình dân cư ở nơi đó. Số đông người có sự phân tán, không còn lại ở đó nhiều. Cho nên thậm chí là không biết họ cụ thể. Nên cố gắng con đường mà chúng ta giải quyết từ địa bàn dân cư để xác nhận cho được. Dù anh mất giấy tờ, dù anh không còn có gì chứng minh. Nhưng mà tường trình của anh rõ là thời điểm đó tôi đi đơn vị nào và tôi phục vụ ở đâu thì bà con lối xóm ở đó cố gắng làm sao giúp cho chính quyền, cấp ủy xã xác nhận cho được. Nếu chúng ta có cố gắng, nỗ lực, tận tụy một cách cụ thể như thế thì may ra mới làm được. Nếu không cũng là khó khăn thôi. Như ý kiến của bác cựu chiến binh Phú Thọ và anh Khoa ở đây, thì tôi nghĩ đúng là chúng ta rất băn khoăn, lo lắng đối với tình trạng còn để tồn đọng lâu dài một số đối tượng không giải quyết được.

BTV: vâng, và qua quá trình công tác của mình thì ông có thể cho biết hiện nay còn khoảng bao nhiêu TNXP chưa được nhận chế độ ưu đãi của Nhà nước? Và qua các trường hợp thực tế thì theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Vũ Trọng Kim: hiện nay thì số các đồng chí TNXP đã hi sinh được hưởng chế độ liệt sĩ là gần 6.500 đồng chí rồi. Số còn lại theo kê khai khoảng hơn 200 người. Đây là kê khai, sự thực như thế nào là một vấn đề. Cho nên bằng việc tổng điều tra như tôi nói cố gắng để tìm kiếm sự thật. Và trong số đó còn tới số thương binh chưa giải quyết chính sách là trên 4.000. Đây là vấn đề nan giải. rồi chính sách đối với người bị chất độc hóa học thì số này tương đối là lớn. Trợ cấp một lần theo Quyết định 104, các Nghị định 40, 61, 112 hiện nay còn hơn 50.000 người chưa có điều kiện để giải quyết. Nguyên nhân hiện nay thì cũng lặp lại câu chuyện là hồ sơ gốc và giấy tờ để làm căn cứ và xác nhận đúng anh là TNXP có thời gian phục vụ như thế và được hưởng chính sách chế độ của Nhà nước thì câu chuyện vẫn là nằm ở chỗ hồ sơ gốc hoặc là một giấy tờ nào chứng minh. Tôi thì tôi vẫn chú ý đến biện pháp như là việc xác nhận ở khu dân cư. Địa bàn dân cư có thể niêm yết danh sách đó và trên cơ sở là danh sách niêm yết đó phải nói rõ thời gian phục vụ, phục vụ ở đâu và có đủ điều kiện để hưởng chính sách hay không thì là nhờ bà con, nhờ chính quyền địa phương để thực hiện ngay tại cơ sở. Nếu như anh đi làm ăn xa thì anh cũng phải cố gắng về làm. Vấn đề này liên quan đến tặng thưởng của nhà nước về Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang mà năm vừa qua chúng tôi đã báo cáo Quốc hội và đã quyết định rồi. Đầu năm này, tháng 3 vừa rồi thì Chính phủ đã ra nghị định rồi. Vấn đề hiện nay là triển khai thực hiện thôi. Triển khai thực hiện mà không đủ những điều kiện thì cũng không thể là trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước là Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang được. Cho nên phải bắt nguồn từ cơ sở.

BTV: vâng! Ông Đỗ Đăng Khoa có phân tích thêm những nguyên nhân đặc thù nào nữa không ngoài những điều mà ông Vũ Trọng Kim vừa phân tích ạ?

Ông Đỗ Đăng Khoa: vâng, anh Kim đã phân tích rất là rõ những nguyên nhân dẫn đến việc tồn đọng. Hiện nay vẫn còn những số lượng người tham gia cách mạng, TNXP mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Thì đúng như anh Vũ Trọng Kim vừa phân tích. Bây giờ cơ bản nhất là những cơ sở, giấy tờ, tài liệu để chứng minh họ tham gia cách mạng. Với góc độ cơ quan Nhà nước thì chúng ta cũng đã mấy chục năm giải quyết tồn đọng. Kể từ ngay sau giải phóng chúng ta cũng rất chú trọng công tác giải quyết tồn đọng, mở ra các cơ chế khác nhau. Ví dụ như sử dụng hai người làm chứng, sử dụng xác nhận của chính quyền cơ sở, của bà con lối xóm, nhân dân. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn đây đó những trường hợp lập hồ sơ nhưng chưa được hưởng chế độ. Thì ngoài những nguyên nhân như bác Vũ Trọng Kim vừa mới phân tích thì tôi cho rằng có một nguyên nhân nữa. Tức là vẫn còn những sự thờ ơ, vẫn còn sự thiếu trách nhiệm đây đó của những cá nhân của những cơ quan từ dưới cơ sở lên. Bởi vì chúng tôi đã đi kiểm tra thì thấy cũng có những trường hợp đủ điều kiện nhưng nhiều năm vẫn cứ đẩy lên đẩy xuống. Thậm chí là để quên hồ sơ mà đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ. Do vậy là tới đây thì chúng ta cũng cần phải tiếp tục có những biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cá nhân cán bộ công chức vào việc xét tuyển của hồ sơ người có công với cách mạng nói chung.

BTV: vâng, xin cảm ơn các vị khách mời và trước khi tiếp tục cuộc trao đổi thì xin mời các vị khách mời sẽ cùng quý vị thính giả nghe một số ý kiến sau đây ạ.

Đảng và Nhà nước quan tâm đến người có công với cách mạng. Bố tôi được suy tôn là liệt sĩ thì gia đình rất vinh dự và tự hào trong niềm hân hoan của tôi và các con tôi. Suy cho cùng bố tôi phải được liệt sĩ chứ không thể không! Tại sao lịch sử Đảng huyện, tỉnh có tên mà không được công nhận liệt sĩ là vô lý!”

Thực tế người có công là những người hoạt động kháng chiến mà nhiễm chất độc hóa học, bây giờ tuổi trên dưới 70, 80.

Chúng tôi theo dõi ở các tỉnh thành thì bình quân mỗi năm là số này mất là khoảng 5 đến 6%. Bây giờ càng tới đây nữa thì tỉ lệ này càng ngày càng cao. Vậy thì chúng ta hỏi là 10 năm nữa thì không biết là còn ai trong số này. Cho nên là phải rất khẩn trương. Đừng để cứ khắc khoải chờ đợi. Phải làm nhanh nhưng mà cũng phải chặt chẽ. Thế cho nên anh phải triển khai rất là nhiều nội dung. Anh hướng dẫn làm sao để cấp ủy chính quyền vào. Anh làm phải dứt điểm và khi phát hiện có những khác nhau thì anh phải gặp lại để cùng nhau giải quyết.

BTV: vâng ạ, chúng ta vừa nghe một số ý kiến gửi đến chương trình nói rằng là thậm chí là có không ít trường hợp còn làm hồ sơ giả, làm sai lệch hồ sơ để mà được hưởng lợi tham nhũng nữa. Và thưa ông Đỗ Đăng Khoa, ông có suy nghĩ gì sau khi nghe những ý kiến như vậy?

Ông Đỗ Đăng Khoa: vâng, câu chuyện làm sao để giải quyết được tồn đọng đồng thời với việc chống được hiện tượng gian lận, khai man giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ cũng là hai vấn đề khó khăn nhất trong hoạch định chính sách với người có công với cách mạng hiện nay. Bởi vì đây là hai vế gần như là đối lập. Vì khi giải quyết cho người có công không còn giấy tờ, chúng ta phải mở rộng chính sách, chúng ta phải đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đơn giản hóa thủ hành chính đó sẽ tạo điều kiện cho người công dễ dàng lập hồ sơ, kê khai hồ sơ để hưởng chế độ thì đồng thời cũng sẽ tạo ra những sơ hở để các đối tượng lợi dụng để khai man giả mạo hồ sơ, thì Nhà nước, Chính phủ và Bộ Lao động cũng đã có những giai đoạn rất là quyết liệt trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng. Tôi lấy ví dụ như là từ năm 1999 Bộ Lao động đã có Thông tư số 09. Lúc đó là hạ quyết tâm là hoàn thành xác nhận người có công với cách mạng trong ba thời kỳ. Vào lúc đó tôi nhớ là được hơn 50 tỉnh trên 64 tỉnh[1] báo cáo là kết thúc giải quyết tồn đọng ở địa phương rồi. Thế nhưng mà sau đấy thì lại tiếp tục. Vẫn tiếp tục có những trường hợp kê khai lên hồ sơ người có công, hồ sơ thương binh liệt sĩ đề nghị lên. Thế như vậy là công tác giải quyết tồn đọng chúng ta cũng chưa thể chấm dứt được, vẫn phải tiếp tục. Chẳng có cách nào khác được, chúng ta cũng vẫn phải tiếp tục giải quyết công tác tồn đọng; đồng thời cũng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý rất là nghiêm. Thậm chí là phải khởi tố những đường dây giả mạo hồ sơ thì mới mong đạt được cùng lúc là hai mục đích: một là giải quyết nhanh những tồn đọng và hai là hạn chế, tôi nói là hạn chế thôi, bớt những chuyện giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ.

BTV: vâng, có thể thấy là giải pháp mà ông Đỗ Đăng Khoa đưa ra. Đó là việc tiếp tục thực hiện một cách có trách nhiệm cộng với việc là thanh tra kiểm tra để chúng ta có thể là khắc phục được tình trạng tồn đọng giải quyết chế độ đối với người có công. Và bên cạnh đó thì cũng hạn chế được những hiện tượng trục lợi, tiêu cực. Thế còn việc hoàn thiện pháp luật, khắc phục những lỗ hổng, kẽ hở trong chính sách với người có công nói chung và cựu TNXP thì sao thưa ông Vũ Trọng Kim?

Ồng Vũ Trọng Kim: bây giờ thì lỗ hổng trong chính sách cũng không phải hoàn toàn là như vậy mà cơ bản là bây giờ áp dụng chính sách đó vào đối tượng cụ thể. Có nghĩa là tổ chức thực hiện. Trong khâu mà tổ chức thực hiện này như anh Khoa vừa mới nêu đấy thì tôi thấy rằng là phải tăng cường trách nhiệm, trách nhiệm thật cao của những người mà thực hiện công tác này ở các cấp, các ngành. Bởi vì có tăng cường được trách nhiệm thì mới đi đến tới cùng những kiến nghị, đề nghị mà của những người, mà người ta có là tập trung từ trước đến nay. Bên cạnh đó là phải thừa nhận rằng đây là một công việc rất là công phu. Cho nên phải dành tâm sức cho việc này. Nếu như hời hợt thì không bao giờ làm được đâu. Cho nên tôi nghĩ rằng là phải cố gắng. Chứ còn bây giờ bảo lỗ hổng chính sách để mà mở mang ra làm nó dễ dãi hơn thì lại bị lợi dụng. Trước đây đã khó khăn như thế mà còn bị lợi dụng thì bây giờ mình bảo mở ra cho dễ hơn, làm cho nó thuận lợi hơn thì có khi là bị khai man rồi giả mạo hồ sơ giấy tờ là nhiều hơn thì rất là nguy hiểm. Cho nên chúng ta phải cố gắng làm trúng và làm đúng đối tượng để chính sách đó có ý nghĩa. Chứ còn việc làm xong rồi lại không những đối tượng được hưởng là nó sai chính sách mà là cán bộ là phải chịu trách nhiệm, là đi tù, đi tội thì rất là khổ. Cho nên biện pháp thanh tra, kiểm tra như anh Khoa nói nó đi liền với vấn đề là giao trách nhiệm cho cấp ủy và chính quyền cơ sở. Từ đó để mà làm xác nhận, làm cơ sở để mà xác nhận tính đích thực của việc mà thực hiện chính sách đối với đối tượng người có công.

BTV: dạ vâng, xin cảm ơn ông! Quý vị và các bạn đang nghe chương trình đối thoại phát trên kênh thời sự VOV1 với chủ đề kịp thời giải quyết tồn đọng chính sách đối với cựu TNXP với sự tham gia của ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP và ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Và tiếp tục chương trình hôm nay ạ, thưa các vị khách mời, như các vị cũng đã chia sẻ: chính sách, chế độ với người có công đã khá đầy đủ. Chúng ta cũng thấy các chính sách liên tục được hoàn thiện. Chính vì vậy hiện nay Bộ Nội vụ đang phối hợp với Hội Cựu TNXP Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức khảo sát xác định tiêu chí và thống kê số liệu làm cơ sở để nghiên cứu chính sách đối với TNXP tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế giai đoạn sau 30 tháng 04 năm 1975. Vậy thì theo các vị khách mời Đây có phải là giải pháp thể hiện sự quan tâm xứng đáng với sự kế thừa phát triển tiếp nối của các thế hệ TNXP hay không? Và trước hết thì xin mời ông Vũ Trọng Kim!

Ông Vũ Trọng Kim: Tôi thấy rằng chính sách đối với TNXP sau 30 tháng 04 năm 1975 thì hoàn toàn là cần thiết. Và tôi nghĩ rằng là cố gắng giải quyết sớm thì nó sẽ có ý nghĩa động viên cho lực lượng trẻ hôm nay đi tới những vùng miền xa khó khăn. Có nghĩa là lên rừng xuống biển thì họ cũng thấy đó là sự vinh dự, sự vinh quang cho cá nhân cũng như gia đình và cho đất nước. Số liệu cũng như những điều kiện để có cơ sở xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về vấn đề này thì cơ bản các ngành, đặc biệt là lao động thương binh xã hội, cơ quan nội vụ cũng như các bên cũng đã có là xây dựng cơ bản rồi thì tôi nghĩ rằng Chính phủ phải có thời gian là xem xét nghiên cứu và sớm quyết định việc này. Vì tôi là người là đã từng tham gia chỉ đạo công tác TNXP sau năm 1975 ở những công trường khai khoang vỡ hóa. Rồi là làm thủy điện, rồi làm thủy lợi, rất nhiều địa bàn khác nhau. Đặc biệt TNXP Thành phố Hồ Chí Minh có trên 10.000 người tham gia việc này. Và sau đó anh em còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới nữa. Cho nên số các đồng chí này tham gia TNXP ở thời kỳ đó là chính sách chế độ chưa có gì cả. Cho nên rất cơ cực. Có khi phải tự sản xuất để nuôi nhau mà làm việc. Cho nên tôi nghĩ rằng cố gắng chúng ta sớm có chính sách này để động viên anh chị em thời đó cũng như là thanh niên hiện nay người ta thấy rằng mình đền ơn đáp nghĩa. Cũng như việc thực hiện chính sách ưu đãi phù hợp với điều kiện mà bây giờ mình đang có. Cho nên tôi nghĩ rằng là phải cố gắng làm sớm.

BTV: tôi muốn thêm ý kiến của ông Đỗ Đăng Khoa ạ!

Ông Đỗ Đăng Khoa: rất nhất trí với ý kiến của ông Kim vừa trình bày. Tức là đối với lực lượng TNXP tham gia sau năm 1975 cũng rất xứng đáng có những chế độ chính sách riêng và đáng ra chúng ta còn phải làm sớm hơn rất là nhiều. Tuy nhiên như tôi cũng đã nêu ở phần trước, trong điều kiện kinh tế của đất nước chúng ta hiện nay là số lượng các lực lượng, các đối tượng chính sách rất là lớn. Riêng người ở công với cách mạng thì chúng ta đã xác nhận được trên 9 triệu người. Tổng số trên 9 triệu người để trong mấy chục năm qua tức là bằng khoảng độ 1/10 dân số. Và hiện nay số đang hưởng trợ cấp hàng tháng bao gồm cả người có công và thân nhân khoảng 1 triệu. Ngoài ra còn các lực lượng khác nữa. Do vậy là người làm chính sách phải cân nhắc thời điểm nào giải quyết chế độ, đề xuất chính sách với lực lượng nào, ở giai đoạn nào là điều chúng ta phải tính toán cân đối. Cũng không phải ngay một một lúc mà đáp ứng được tất cả các lực lượng, cá nhân những người tham gia cách mạng. Và cũng rất là mong là tới đây thì chúng ta cũng sẽ tiếp tục mở rộng thêm chính sách để cho các diện đối tượng tham gia trong các công cuộc kháng chiến và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đều được hưởng những chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.

BTV: trở lại với chủ đề hôm nay của chương trình đối thoại đó là kịp thời giải quyết tồn tại chính sách đối với cựu TNXP và chúng ta đã trao đổi rất nhiều những vấn đề, nội dung từ đầu chương trình. Và thưa Đỗ Đăng Khoa để mà công bằng, kịp thời, và khả thi trong việc giải quyết các chính sách ưu đãi với người có công thì theo ông đâu là giải pháp căn cơ bền vững?

Ông Đỗ Đăng Khoa: vâng, trong quá trình thực hiện chính sách mấy chục năm qua chúng ta đã bàn thảo rất là nhiều. Rất là nhiều những cuộc hội nghị, hội thảo, những thảo luận, những đóng góp ý kiến để làm sao mà quay lại câu chuyện là giải quyết cho nó căn cơ, nó bền vững. Tức là hạn chế được thấp nhất việc lợi dụng khai man, giả mạo. Các biện pháp cũng đều được đặt ra. Những gì mà khả thi thì cũng đã đều được triển khai rồi. Theo tôi thì hiện nay bước khó nhất bây giờ mà chúng ta cần phải tập trung, cần phải nâng cao. Đó là sự vào cuộc và trách nhiệm của các cấp các ngành và của nhân dân. Phải nói là những người có công bây giờ giấy tờ thì cơ bản là không còn. Thế thì chỉ còn gì? Nhà nước đầu tiên là trông chờ vào Nhân dân, bà con Nhân dân và chính quyền địa phương nơi mà trước đây người có công đó tham gia cách mạng. Trong thời gian vừa qua tôi vẫn thấy có những sự thờ ơ, hoặc là sự nể nang. Vì là cùng địa phương, cùng bà con, thậm chí là cùng họ hàng. Thế cho nên là xác nhận cho nhau rất là dễ dãi. Và mặc dù là với mẫu hồ sơ thì đều được công khai bằng nhiều hình thức, cả niêm yết công khai rồi thông báo trên loa đài, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng mà bà con thì nhiều người biết đấy, không phải chính xác thế đấy nhưng mà ngại, cả nể rồi cũng chẳng có ý kiến. Tất cả những điều đó đều thông đồng, bén giọt từ dưới lên trên. Đến lúc mà các cơ quan chức năng nhà nước phát hiện ra thì lúc ý mới biết là gì, biết là những người đó kê khai không đúng sự thật. Và một vấn đề nữa là chúng ta cứ nói là phải biểu dương, động viên và có chế độ chính sách đối với người tố cáo đúng. Nhưng mà tôi rất tiếc là đến bây giờ chúng ta cũng chưa triển khai được bao nhiêu sự đó. Thậm chí những người mà đứng ra tố cáo những việc làm sai trái để bảo vệ sự công bằng, bảo vệ lẽ phải thì còn nhận được những sự kỳ thị ở địa phương cơ sở. Thế thì cũng rất là khó khăn. Rồi là những chuyện mà chúng ta vẫn bàn là gì, phải có những chế độ khen thưởng ngoài tinh thần, kể cả về vật chất đối với những người tố cáo đúng. Nhưng mà bây giờ chúng ta cũng chưa triển khai được. Có những người tố cáo mà chúng ta phát hiện được ra những đường dây làm hồ sơ giả, thu hồi cho nhà nước hàng tỉ đồng. Thế nhưng mà bản thân người tố cáo thì hiện nay là cũng chưa được khuyến khích động viên ở trong số mà thu hồi đấy. Thì tôi cũng rất là tiếc này và cũng mong là tới đây nữa chúng ta thúc đẩy được này thì mới mong là có thêm những bước đột phá trong việc giải quyết hồ sơ của người có chông với cách mạng.

BTV: vâng, vậy còn lực lượng mà giải quyết các chính sách, lực lượng mà đi thực hiện các chế độ chính sách này thì như thế nào nữa?

Ông Đỗ Đăng Khoa: chúng ta đã nói đến các cơ quan nhà nước, công chức trong bộ máy nhà nước thì tôi cũng đã nói. Cơ bản đều là nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm. Nhưng mà đây đó qua thanh, kiểm tra thì đây đó vẫn còn những tình trạng là thờ ơ, thậm chí là vẫn còn những tình trạng tiêu cực. Trong những năm vừa qua về một số địa phương thì cơ quan công an cũng đã phải khởi tố những đường dây mua bán, làm giả hồ sơ. Có sự thông đồng của người bên ngoài và một số cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước. Như vậy là cũng đều có những nguyên nhân từ dưới lên trên. Tuy nhiên tôi muốn nói là quan trọng nhất là làm sao mà nâng cao được ý thức trách nhiệm của cơ sở, của bà con nhân dân. Vì đây là chỗ mà biết rõ nhất là người có phải người có công hay không, có phải tham gia cách mạng không, có phải tham gia TNXP. Thì đây tất cả là từ cơ sở này. Nếu chúng ta không phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành ở cơ sở và đặc biệt là quần chúng nhân dân thì chúng ta rất là khó để mà khẳng định một sự đúng sai trong một hồ sơ của người có công với cách mạng.

BTV: cảm ơn ông! Và với tư cách là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam thì theo ông Vũ Trọng Kim đâu là giải pháp quan trọng và ông có những đề xuất như thế nào để mà giải quyết công bằng kịp thời chính sách cho TNXP các thời kỳ?

Ông Vũ Trọng Kim: tôi rất nhất trí ý kiến của ông Khoa, Cục người có công vừa mới nói đấy. Tức là mình giải quyết ngay vào những điểm yếu của mình. Bây giờ làm sao cán bộ công chức không thờ ơ với việc giải quyết chính sách. Như vậy là phải tăng cường các trách nhiệm lên. Mà nếu ai không tăng cường, ngồi ở vị trí đó mà không giải quyết được vấn đề hồ sơ chính sách để tồn động nhiều thì người đó phải chịu trách nhiệm, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Phải làm rõ như thế thì mới được. Chứ còn để lâu dài quá thì không được. Bên cạnh vấn đề này thì tâm lý hiện nay của một số cán bộ làm chính sách rất sợ. Sợ vì nó sai, sợ vì nhầm lẫn. Cho nên cứ bệnh mà sợ trách nhiệm trong vấn đề giải quyết chính sách này là còn tồn tại, có thế còn lâu dài nữa. Cho nên phải xem lại chỗ này. thứ bà nữa là hiện tượng anh Khoa nói và tôi cũng nhìn thấy là vấn đề còn vòi vĩnh. Khi mà nhờ tới luật sư hay là nhờ tới là người này, người kia để mà đi giúp cho hồ sơ này đó thì có tình trạng vòi vĩnh. Giống như là chính sách này nó được gì lớn lắm. Cho nên người ta cứ là nhìn vào đó để mà vòi vĩnh, tiêu cực. Cho nên chỗ này phải giải quyết cho được vấn đề. Không được có chuyện đối xử với anh em hưởng chính sách ở mức không tốt như vậy. Tới đây thì chúng tôi nghĩ rằng là chính phủ nên có một văn bản, một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý để yêu cầu các cấp thực hiện vấn đề này theo tinh thần chúng tôi đề xuất ở trên. Tức là chế độ trách nhiệm với vấn đề này như thế nào, tránh chuyện thờ ơ và sợ trách nhiệm, chống lại việc vòi vĩnh, tiêu cực đi và phải đánh giá cho được số lượng hồ sơ còn tồn đọng, vì sao tồn đọng phải phân loại cho nó kỹ đi. Còn tới đây ngày 15 tháng 7, nhân dịp Kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng TNXP, chúng tôi sẽ làm một hội nghị về Nhân chứng lịch sử trong giải quyết chính sách TNXP. Tức là trách nhiệm của TNXP là làm nhân chứng lịch sử, anh đề xuất, anh xác nhận hồ sơ và anh hoàn chỉnh bước mà trách nhiệm của Hội Cựu TNXP để gửi sang chính quyền thì anh phải làm cho tốt. Đánh giá ai làm tốt thì tuyên dương, khen thưởng. Nhưng nơi nào còn tồn đọng thì nơi đó hội phải đề cao trách nhiệm lên. Từ đây đến 15 tháng 7 chúng tôi chuẩn bị để việc đánh giá cho rõ ràng.

BTV: thưa quý vị và các bạn, xây dựng chính sách đối với người có công với cách mạng đã khó nhưng mà thực hiện tốt chính sách này thì còn khó hơn. Và khó không nằm ở vật chất mà khó ở chỗ làm sao thể hiện được trách nhiệm lương tâm và đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tăng cường hiệu quả chế độ ưu đãi với mục tiêu quan tâm chăm lo nhiều hơn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho việc thực hiện công bằng xã hội đúng theo nguyên tắc đã được ghi nhận trong cương lĩnh xây dựng đất nước: không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước trong suốt quá trình phát triển tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Một lần nữa thì xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời: ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP và ông Đỗ Đăng Khoa Trưởng phòng Chính sách 1, Cục người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham gia chương trình cùng chúng tôi. Chương trình hôm nay do các biên tập viên Thu Huyền, Đỗ Minh thực hiện; chịu trách nhiệm nội dung Hoàng Trung Dũng. Cảm ơn quý vị thính giả đã quan tâm theo dõi.

Ban biên tập


[1] Lúc đó Hà Tây chưa sát nhập vào Hà Nội.