Hội nghị góp ý lần này sẽ tập trung thảo luận, góp ý cụ thể vào các nội dung như: Quyền và nghĩa vụ thanh niên; Chính sách của nhà nước đối với thanh niên; Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên; Mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; Các quy định về tổ chức thanh niên; Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, “Thanh niên là mùa xuân của dân tộc, là tương lai của đất nước”, do đó, dự thảo Luật cần phải thể hiện rõ các chính sách của nhà nước đối với thanh niên; đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên.
Bộ Nội vụ mong muốn các đại biểu với tâm huyết của mình đưa ra được nhiều nội dung mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp để dự thảo Luật được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, cần đổi mới các tiếp cận để hoàn thiện dự thảo Luật lần thứ 7. Theo ông, trước hết, cần nhấn mạnh bối cảnh ra đời của Luật là trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, thanh niên là lực lượng quan trọng, là rường cột nước nhà.
Với tinh thần đó phải tạo động lực cho thanh niên phát triển, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của gia đình, xã hội; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội.
Theo ông Vũ Trọng Kim, Luật Thanh niên 2005 đã tập trung vào 8 vấn đề nhưng cơ chế thực thi được đánh giá chưa thỏa đáng, làm cho Luật chưa đi vào cuộc sống một cách sâu rộng. Do vậy, dự thảo Luật lần này có nhiều điểm được tiếp thu sau kỳ họp Quốc hội thứ 8, đã quy định khung pháp lý, đảm bảo quy định các chủ thể.
Dự thảo cần điểu chỉnh, bổ sung để làm nổi bật hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên; mặt khác, quy định cụ thể trách nhiệm các cơ quan liên quan, nghiên cứu thực hiện các chính sách nhằm bồi dưỡng, phát huy lực lượng thanh niên để xây dựng đất nước.
Luật chỉ nên quy định khung nhưng phải có quy định chi tiết nhằm bồi dưỡng, đào tạo thanh niên “vừa hồng vừa chuyên”, nhằm phát huy thế mạnh của thanh niên; xác định chế định pháp luật nhằm phát huy tốt nhất vai trò thanh niên.
Ông Trần Văn Mão, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cơ quan soạn thảo đã có nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng, tiếp thu ý kiến để xây dựng dự thảo Luật đầy đủ nội dung. Tuy nhiên, cần bố cục, sắp xếp các Chương, Điều phù hợp, đảm bảo kỹ thuật xây dựng Luật chặt chẽ; cùng với đó, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, không quy định trùng lắp với chính sách của nhà nước đối với thanh niên.
Bà Cầm Thị Mẫn, Đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị thiết kế lại bố cục các Chương, Điều để đảm bảo kỹ thuật xây dựng Luật và cũng cho rằng, đây là một Luật khó.
Bà Mẫn cho biết, đối với quyền, nghĩa vụ và chính sách nhà nước đối với thanh niên, cần xác định thanh niên là lực lượng hùng hậu, là lực lượng xung kích, do đó, thanh niên cần được học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực, tay nghề; đồng thời, thanh niên phải tích cực học tập để nâng cao trình độ, năng lực; phải tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức mới có thể đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Nhà nước cần có chính sách hướng nghiệp trong đào tạo, thanh niên được tự do lựa chọn các loại hình học tập, các cơ sở giáo dục, đào tạo thanh niên được nhà nước hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất.
Trên cơ sở tiếp thu một cách triệt để nhất ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học và đặc biệt là ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) với 7 Chương và 52 Điều.
Dự thảo Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 4-2020.
Theo saigongiaiphongonline