Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam

Đăng lúc: 04-08-2017 11:52 Sáng - Đã xem: 122 lượt xem In bài viết

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 276/TB-VPCP ngày 06/9/2016 về “… phấn đấu năm 2017 cơ bản giải quyết dứt điểm các tồn đọng chính sách đối với Cựu Thanh niên xung phong”, ngày 27/12, Đoàn công tác của Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam do Chủ tịch Vũ Trọng Kim làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ LĐ-TBXH về giải quyết một số chế độ, chính sách đối với lực lượng cựu TNXP. Tiếp đoàn có Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các đơn vị: Người có công, Pháp chế, Thanh tra Bộ và Văn phòng Bộ.

Theo báo cáo của Hội Cựu TNXP Việt Nam, tổng số TNXP hy sinh là 10.496 người, trong đó các đơn vị TNXP trước đây đã giải quyết được 8.970 người; giải quyết theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ là 845 người. Hiện nay còn 681 TNXP hy sinh chưa được giải quyết do không còn “giấy tờ gốc”. Bên cạnh đó cũng còn 8.713 người bị thương chưa được giải quyết cũng do không còn “giấy tời gốc”. Về chế độ, chính sách đối với TNXP bị nhiễm chất độc hóa học, hiện còn 11.108 TNXP và 3.000 cháu (con đẻ hậu nhiễm) của TNXP chưa được giải quyết chế độ.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim báo cáo tại buổi làm việc

Do đó, để cơ bản giải quyết dứt điểm các tồn đọng chính sách đối với Cựu Thanh niên xung phong, tại buổi làm việc, Hội Cựu TNXP Việt Nam kiến nghị với Bộ LĐ-TBXH:

  1. Báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung địa bàn đông và tây Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, và địa bàn đặc biệt khó khăn vùng Tây Bắc, Đông Bắc trong kháng chiến chống Pháp và giai đoạn 1954-1958 vào quy định về điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ và Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ sửa Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BNV hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh ở địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
  2. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung địa bàn giáp ranh vùng Mỹ giải chất độc hóa học vào khoản 1 Điều 39 Nghị định 31/2013/NĐ-CP.
  3. Đối với những trường hợp đã lập hồ sơ hiện nay chưa được xem xét giải quyết, trong khi chờ đợi sửa đổi các văn bản đề nghị có Tổ công tác của Bộ LĐ-TBXH và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết điểm ở những tỉnh có nhiều hồ sơ tồn đọng như: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi vì tuổi cựu TNXP đã rất cao và thời gian đã kéo dài.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khối lượng công việc giải quyết chế độ, chính sách đối với lực lượng cựu TNXP là rất nhiều do đó cần xem xét nên ưu tiên vấn đề gì và có lộ trình thực hiện, đi từng bước. Để làm được điều đó, trước mắt cần đưa ra được số liệu thống kê chính xác, trên cơ sở đó phân loại để tập trung xử lý.

Bộ trưởng cho biết, chủ trương của Bộ là ưu tiên tối đa, là khâu đột phá trong giải quyết chính sách người có công là giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, cần phải được xem xét, giải quyết một cách thận trọng theo một quy trình chặt chẽ, thấu tình đạt lý, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, đầy đủ trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương. Theo đó, Bộ chọn 5 tỉnh, thành phố, bao gồm các tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và TP. Đà Nẵng làm thí điểm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng qua đó rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân ra diện rộng. Trên cơ sở thí điểm về giải quyết Hồ sơ tồn đọng, Bộ trưởng cho rằng Hội Cựu TNXP cần có cách tiếp cận mới trong việc giải quyết số hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng, có thể triển khai điểm theo cách làm của Bộ LĐ-TBXH.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên trong Đoàn Hội Cựu TNXP Việt Nam và Lãnh đạo Cục Người có công, Thanh tra Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận:

Thứ nhất, vấn đề sửa đổi chính sách liên quan đến TNXP, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cần tách bạch rõ trách nhiệm của từng Bộ như: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Quốc phòng. Nếu các Thông tư, Nghị định do Bộ LĐ-TBXH chủ trì, Bộ sẽ chủ động giao Cục người có công phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, tham mưu để sửa đổi.

Thứ hai, tiến hành rà soát, thống kê, đảm bảo đầy đủ, chính xác số liệu về TNXP, trong đó phân ra 4 đối tượng: liệt sĩ, thương binh, người nhiễm chất độc hóa học và khác. Trên cơ sở phân loại, tập trung xử lý giải quyết hồ sơ tồn đọng cho đối tượng là thương binh, liệt sĩ, ưu tiên những trường hợp đã có hồ sơ.

Thứ ba, trước khi tiến hành rà soát, thống kê số liệu, Hội Cựu TNXP phối hợp với Cục Người có công xây dựng biểu mẫu, tiêu chí phân loại để thống kê chính xác.

Theo http://molisa.gov.vn/