Cần tôn tạo di tích ngã ba Cò Nòi xứng với tầm vóc lịch sử

Đăng lúc: 28-04-2019 9:19 Chiều - Đã xem: 105 lượt xem In bài viết

Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, địa danh ngã ba Cò Nòi (thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã ghi dấu những trận chiến đấu ác liệt của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam. Tại đây, tỉnh Sơn La đã xây dựng công trình Tượng đài TNXP. Năm 2004, công trình đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng quá trình quản lý, khai thác, sử dụng hiện còn nhiều bất cập…

Khách tham quan thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử TNXP ngã ba Cò Nòi.

Biểu tượng của TNXP thời kỳ chống Pháp

“Ngã ba Cò Nòi Anh hùng – Tầm vóc và giá trị lịch sử”, đó là chủ đề cuộc hội thảo quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã được tỉnh Sơn La phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức cách đây hai năm. Qua đó khẳng định: Ngã ba Cò Nòi – một địa danh lịch sử khắc ghi một thời kỳ chiến đấu oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó có công tác quy hoạch, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, đồng thời rất nhiều ý kiến, mong mỏi, tâm huyết để nâng tầm di tích xứng đáng với tầm vóc lịch sử của nó.

Ngã ba Cò Nòi là nơi gặp nhau của con đường 13 (quốc lộ 37) và đường 41 (quốc lộ 6), được ví như cửa ngõ của con đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, khu III, khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi rằng: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra mặt trận đều phải vượt qua…”. Tại đây, đầu năm 1954, ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Pháp sử dụng một lực lượng lớn máy bay ném hàng vạn tấn bom đạn nhằm cắt đứt con đường huyết mạch tiếp tế hậu cần cho chiến trường. Ngã ba Cò Nòi trở thành “tọa độ lửa”, “túi bom”, nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, người trước ngã, người sau thay thế, TNXP không sợ hy sinh, gian khổ. Tại đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt của 1.200 TNXP Đại đội 300, 301, 303, 403, thuộc Đội 34, 40. Theo một số tài liệu thống kê, có 100 chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh tại tuyến lửa ngã ba Cò Nòi. Có những trận chiến đấu, Đại đội 300 hy sinh 20 người trong một ngày. Nhưng theo tài liệu còn lưu trữ tại Tổng đội TNXP tỉnh Sơn La, khoảng 60 TNXP đã hy sinh tại đây. Trong danh sách của TNXP huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có chín người hy sinh thì chỉ có hai trường hợp tìm thấy hài cốt đưa về quê an táng, bảy trường hợp hiện nay hài cốt vẫn nằm đâu đó trong lòng đất ngã ba này. Đó mới là một trong rất nhiều trường hợp TNXP hy sinh chưa tìm thấy hài cốt. Chính vì thế, khi tượng đài TNXP được xây dựng, các gia đình thân nhân liệt sĩ, các đồng đội trong lực lượng TNXP và nhân dân khắp cả nước đã về đây thắp hương, tri ân, coi đây như địa danh linh thiêng, bất tử, biểu tượng Anh hùng của TNXP thời kỳ chống thực dân Pháp.

Nói về điều này, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn Bộ Quốc phòng, khẳng định: Ngã ba Cò Nòi là một địa danh lịch sử nổi tiếng đã viết nên bản anh hùng ca trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; một mốc son chói lọi, khắc ghi thời kỳ chiến đấu oanh liệt, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo của lực lượng TNXP Việt Nam. Nếu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, TNXP đã để lại những hình tượng bất tử của 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc, 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn, thì trong kháng chiến chống thực dân Pháp, gương chiến đấu hy sinh của TNXP ngã ba Cò Nòi cũng đầy quả cảm, vô cùng cao đẹp. Chính vì thế, công tác nghiên cứu, sưu tầm, tôn tạo, phát huy truyền thống đối với di tích lịch sử quốc gia này là hết sức cần thiết.

Tiếc rằng, thời gian qua, công tác tôn tạo, phát huy giá trị của di tích lịch sử này chưa đúng với tầm vóc giá trị của nó, công trình đang xuống cấp, chưa đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của thân nhân gia đình các Anh hùng liệt sĩ TNXP và nhân dân tỉnh Sơn La, cũng như cả nước.

Xứng với tầm vóc lịch sử

Để ghi nhớ công ơn đối với sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ TNXP Đội 34, 40, ngày 21-4-2000, UBND tỉnh Sơn La đã quyết định khởi công xây dựng Tượng đài TNXP ngã ba Cò Nòi. Sau hai năm xây dựng, tượng đài với nhóm ba TNXP ở tư thế khác nhau, được tạo từ chất liệu đá xanh, cao 12 m, nặng 280 tấn, cùng hai bức phù điêu có diện tích 42 m2, thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận, tất cả để chiến thắng.

Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia ngày 29-4-2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sau khi đi vào hoạt động, di tích đã được UBND tỉnh Sơn La quyết định giao cho huyện Mai Sơn quản lý. Ban đầu, UBND huyện lập một ban quản lý liên ngành, sau đó giao cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện điều hành. Bởi, di tích ở xa Trung tâm huyện hơn 10 km, cho nên đơn vị này thuê một người dân sở tại trông coi, quét dọn, mở cổng khi có khách. Không gian trưng bày bên trong di tích rất chật hẹp; kỷ vật, hình ảnh, tổ chức trưng bày còn sơ sài, không có thuyết minh. Điều đáng băn khoăn là, khi mới xây dựng khu Di tích ngã ba Cò Nòi, dường như chưa có hộ dân nào đến ở gần, hoặc lấn chiếm. Hiện nay, 26 hộ dân đang sinh sống gần khu di tích, một số hộ lấn chiếm làm nương rẫy, lợi dụng làm sân phơi nông sản, dựng nhà cửa, kinh doanh hàng quán, gây mất mỹ quan, cảnh quan của di tích.

Tại Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 17-1-2019, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 về phục hồi, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi. Quy mô của đồ án này mở rộng phạm vi lên 10,5 ha, bổ sung xây dựng khu tưởng niệm tâm linh, khu vườn tưởng niệm liệt sĩ, quảng trường, sân lễ hội, chứng tích hố bom, bãi đỗ xe… Đồ án phân kỳ đầu tư giai đoạn I từ nay đến năm 2025, dự kiến đầu tư 32,5 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 1-4-2019, Đoàn công tác của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và T.Ư Hội Cựu TNXP Việt Nam làm việc tại huyện Mai Sơn về việc tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia TNXP ngã ba Cò Nòi. Có ý kiến cho rằng, từ quy mô cho đến mức đầu tư, tiến độ phân kỳ đầu tư đều chưa tương xứng với tầm vóc, giá trị lịch sử của Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi. Một di tích lịch sử quốc gia lại giao cho cấp huyện quản lý, nhưng thực chất là khoán cho một người dân sở tại trông coi là rất sơ sài, thiếu trách nhiệm.

Tỉnh Sơn La và huyện Mai Sơn cần làm tốt công tác quản lý, xác định không gian, phạm vi của di tích để không bị người dân lấn chiếm; cố gắng tổ chức quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích một cách bài bản, nhất là trong dịp này, hàng trăm đoàn khách đang hướng về nguồn, kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ khi ghé thăm cũng cảm thấy ấm lòng.

Di tích lịch sử TNXP ngã ba Cò Nòi đang cần sự lựa chọn, tính toán kỹ lưỡng trong đầu tư tôn tạo. Khi có chủ trương đúng đắn, sẽ không khó kêu gọi xã hội hóa trong trùng tu tôn tạo Di tích lịch sử TNXP ngã ba Cò Nòi đúng với tầm vóc, giá trị lịch sử.

BÀI VÀ ẢNH: ĐỨC TUẤN

Theo nhandan.com.vn