Chương trình dạy kỹ năng trồng dược liệu trong trường học: Một bài học hay nên nhân rộng

Đăng lúc: 13-04-2018 9:30 Sáng - Đã xem: 169 lượt xem In bài viết

 

          Sau một năm về thăm lại căn cứ kháng chiến Nước Oa, Khu 5 – Vùng sâm Ngọc Linh nổi tiếng, tôi nhận được tin vui từ các bạn cựu TNXP già: Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Nam Trà My đã đưa chương trình trồng dược liệu vào dạy cho học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông trên địa bàn. Cụ Đinh Ân, cựu TNXP, Ban Dân tộc Khu 5 hồ hởi kể lại câu chuyện cách đây 5 năm. Khi ấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang là Phó Thủ tướng về thăm có tâm tình với cán bộ các xã trong huyện một ý tưởng nung nấu là tìm mọi cách khuyến khích người dân trồng dược liệu, trong đó trước hết là hướng dẫn, giúp đỡ bà con dân tộc nắm vững kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng, khai thác, bảo vệ nguồn giống các loại dược liệu đặc hữu của địa phương, nhất là sâm Ngọc Linh để bà con tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

          Nguyên Chủ tịch Mặt trận, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Nam Trà My, Nguyễn Văn Điền vui sướng cho biết thêm: Từ ý tưởng tâm huyết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền cho cán bộ các ngành rồi được các vụ lãnh đạo Hiệp hội dược liệu Việt Nam và Trung ương Hội Cựu TNXP vào thăm động viên, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện đã thiết kế và đưa Chương trình giảng dạy kỹ năng trồng dược liệu vào trong các trường học. Sau mấy năm triển khai, đến nay nhiều trường đã hình thành được Khu vườn thực nghiệm các loại cây dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, Quế, Giảo cổ lam, Đương Quy, Sa nhân tím, Sâm nam…Các trường đã có vườn thực nghiệm thì tổ chức cho học sinh tự chăm bón, giúp các em hiểu biết kết hợp lý thuyết với thực hành, tích lũy dần kinh nghiệm để trồng và từng bước đi sâu nghiên cứu phát triển dược liệu. Ngoài hoạt động dạy và học tại Vườn thực nghiệm, nhà trường tổ chức học sinh đi thăm quan, học tập tại các phiên chợ sâm núi Ngọc Linh được tổ chức trên địa bàn huyện. Sau khi các chuyến đi trực quan tại các phiên chợ và đến các vùng dược liệu đã được quy hoạch, được các doanh nghiệp đầu tư theo quy trình khoa học…cả học sinh lẫn thầy giáo rất vui mừng nhận biết và hiểu hơn giá trị các loại dược liệu.

          Chương trình “Giáo dục kỹ năng về Trồng dược liệu dưới tán rừng” được thiết kế và triển khai phù hợp theo từng bậc học. Các trường căn cứ vào từng lứa tuổi, từng bậc học và thực tế điều kiện của trường để có cách truyền đạt phù hợp, linh hoạt, giúp học sinh nhận biết hình thái, đặc tính, môi trường sinh trưởng của cây. Khi biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sử dụng dược liệu sẽ thúc đẩy niềm vui, niềm tin và say mê cho các em tham gia trồng dược liệu, trước mắt nhằm tăng thu nhập cho gia đình, về cơ bản là giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp khi học xong phổ thông. Cùng với Chương trình giáo dục kỹ năng về trồng dược liệu, hiện nay còn có Đề án phát triển Sâm Ngọc Linh với biện pháp nhân giống và di thực cây sâm từ đỉnh núi Ngọc Linh xuống các vùng thấp. Cùng với đó, địa phương còn có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp và người dân. Trong đó có nhiều gia đình cựu TNXP tham gia trồng dược liệu theo mô hình khoa học để có sản phẩm chất lượng cao, tăng thu nhập, giảm nghèo, tiến lên làm giàu.

          Trang bị kiến thức và kỹ năng phát triển dược liệu dưới tán rừng của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là một sáng kiến và có nhiều triển vọng, nhằm góp phần định hướng cho học sinh khởi nghiệp, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Một mô hình hay, ngành Giáo dục – Đào tạo cần vận dụng và Hội Cựu TNXP nên phối hợp, ủng hộ để nhân rộng ra các trường có điều kiện trong cả nước./.

Nguyễn Anh Liên

Cố vấn Hiệp hội Dược liệu Việt Nam