ĐBQH: Cán bộ tín nhiệm thấp thì cần xem xét yêu cầu từ chức

Đăng lúc: 14-02-2023 7:59 Sáng - Đã xem: 89 lượt xem In bài viết

Theo ĐBQH Vũ Trọng Kim, việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện và xác đáng đối với vấn đề đánh giá và sử dụng cán bộ.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào? Làm sao để ngày càng nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu?… Về vấn đề này, Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ từ ĐBQH Vũ Trọng Kim – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu đoàn Nam Định.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm thành công

NĐT: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đại biểu đánh giá thế nào về việc lấy phiếu tín nhiệm này?

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn phải tuân thủ theo quy định lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình hoạt động của tổ chức Quốc hội; căn cứ theo Quy định 96 ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị.

Căn cứ vào nhiệm vụ trong Luật Tổ chức Quốc hội, với tư cách là ĐBQH – tôi coi đây là trách nhiệm cần phải đề cao. Điều quan trọng nhất là bằng lá phiếu của mình phải góp phần đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm của Quốc hội và kể cả cử tri và nhân dân.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Lấy phiếu tín nhiệm lần này, cần phải tỏ rõ chính kiến của ĐBQH, nhận xét, đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đạo đức lối sống như thế nào. Theo tôi, đây là việc làm hết sức cần thiết, có đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì mới có thể giúp cho cán bộ tiếp tục phát huy vai trò của mình, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Việc hoàn thành nhiệm vụ được thể hiện ở 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Lá phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được năng lực và uy tín của cán bộ, giúp cho các cơ quan chức năng quản lý đội ngũ cán bộ. Bởi vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện và xác đáng đối với vấn đề đánh giá và sử dụng cán bộ.

NĐT: Vậy theo đại biểu, trong việc lấy phiếu tín nhiệm, các bên cần có trách nhiệm gì để việc lấy phiếu diễn ra công tâm, tránh cảm tính?

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Để việc bỏ phiếu tín nhiệm chính xác, đúng với kết quả mà các chức danh đã hoàn thành nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ của Quốc hội thì cần phải có những bước chuẩn bị chặt chẽ.

Đối tượng được bỏ phiếu tín nhiệm cần phải trình bày đầy đủ về quá trình làm việc, kết quả tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu một cách toàn diện, kể cả việc làm gương không những của cán bộ mà vợ con, người thân cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng. Vì thế, bản tự kiểm điểm ưu khuyết điểm trong quá trình làm việc tu dưỡng đó phải được cung cấp sớm cho ĐBQH, ít nhất 10-15 ngày.

Để bảo đảm chính xác, ĐBQH cũng cần phải có đủ thông tin, tìm hiểu và có một quá trình theo dõi, giám sát cán bộ, để tránh việc cảm tính, lợi dụng phiếu của mình làm thiệt hại đến danh dự, uy tín của người khác. Như vậy, việc ghi phiếu tín nhiệm đòi hỏi ĐBQH phải có quá trình tìm hiểu người cán bộ đó một cách công phu, cụ thể và rõ ràng, không chạy theo dư luận, thiếu căn cứ xác đáng.

Với những đồng chí tín nhiệm ở tỉ lệ cao thì cần tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, để xứng đáng trọng trách và Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

ĐBQH Vũ Trọng Kim – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu đoàn Nam Định.

Tuy nhiên, với người tín nhiệm thấp thì phải có hình thức xử lý xem xét chuyển đổi vị trí công tác (hạ tầng chức vụ) hoặc yêu cầu từ chức. Bối cảnh công tác quản lý cán bộ hiện nay, bắt buộc phải làm như vậy, phải hướng tới mục tiêu như vậy thì việc lấy phiếu tín nhiệm mới có giá trị đích thực.

Cho nên, các khâu, các việc từ người được lấy phiếu tín nhiệm với bên có quyền ghi phiếu tín nhiệm phải xác định được trách nhiệm của mình theo tinh thần có trách nhiệm cao, trách nhiệm xây dựng và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, đủ tài, đủ đức, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, cũng tránh tình trạng làm cho qua loa, hình thức, lãng phí công sức.

Tuy là việc quan trọng, cần thiết, nhưng đây là một việc làm bình thường trong vấn đề xem xét đánh giá cán bộ, sắp xếp, bố trí, sử dụng đúng cán bộ. Vì thế, không thể coi thường, coi đó là thủ tục hành chính.

NĐT: Theo đại biểu, lấy phiếu tín nhiệm đây có phải là việc cần làm ngay theo định kỳ để đánh giá công tác cán bộ?

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Đây không phải là công việc làm ngay mà đã có chương trình nghị sự được công khai, rõ ràng. Cho nên, đây là lúc tiến hành một cách có hiệu quả.

Đánh giá đúng, sắp xếp bố trí đúng cán bộ

NĐT: Việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy điều gì trong công tác quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ?

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Công tác quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ nằm trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ theo quy hoạch cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Việc lấy phiếu tín nhiệm khẳng định lại việc bố trí, sử dụng cán bộ đúng chưa, người đó đã thể hiện được vai trò, nhiệm vụ của mình chưa, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hay chưa? Điều đó thể hiện ở lá phiếu tín nhiệm. Như vậy, góp phần vào việc giúp cơ quan có trách nhiệm có phương án sắp xếp, bố trí lại, hoặc sa thải cán bộ, công chức.

NĐT: Ở nhiều cơ quan, địa phương đang có nhiều biểu hiện né tránh, chờ đợi, “lấy an toàn là bạn”, nhiều cán bộ sợ sai, không dám làm quyết liệt, trong khi thực tiễn cần những con người quyết liệt, mạnh mẽ, vì nước, vì dân. Theo đại biểu, chúng ta cần làm gì để không còn xuất hiện những tình trạng tương tự?

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Tình trạng xuất hiện tư tưởng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai, không dám làm trong một số cán bộ, đảng viên cho thấy chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, những người sợ làm việc, sợ sai là chưa có đủ bản lĩnh, chưa đủ một khả năng làm việc đúng theo chức năng, nhiệm vụ giao cho họ.

Đơn cử, trong trường hợp triển khai xây dựng các công trình đầu tư xây dựng, nếu cán bộ không có động cơ bớt xén, trục lợi, làm thất thoát tài sản thì không phải e ngại.

Thời gian qua, Quốc hội đã luôn đồng hành với Chính phủ mở nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy công việc. Vì thế, cán bộ nào sợ sai, không làm việc thì nên rút lui, để tổ chức lựa chọn, đề bạt cán bộ đủ bản lĩnh, tài năng, đức độ thay thế. Việc đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng sẽ tạo ra sức ì, kéo lùi sự phát triển của đất nước.

NĐT: Theo đại biểu, từ khâu lấy phiếu tín nhiệm này chúng ta cần phải làm gì để ngày càng nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu?

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Đây là một dịp để những người có chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn tự nhận thấy ưu khuyết điểm của bản thân và những điều cần phải phấn đấu. Để một lần họ nhìn lại vai trò, vị trí, tư cách, trách nhiệm của mình đã làm đến đâu, để tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong công việc.

Mặt khác, tổ chức cũng thông qua đó động viên, hỗ trợ giúp đỡ để cán bộ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Điều này, cũng thể hiện được sự mong đợi của cử tri là nhìn thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là có tác dụng tích cực; đánh giá đúng, sắp xếp bố trí cán bộ phù hợp. Đặc biệt, phát hiện trong xã hội những người có tài năng, đức độ, có đủ phẩm chất để có thể sẵn sàng thay thế những người có năng lực, phẩm chất yếu kém, thoái hóa biến chất.

NĐT: Xin cảm ơn đại biểu!

3 mức tín nhiệm

Tương tự Quy định 262, Quy định 69 quy định có 3 mức tín nhiệm gồm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cấp uỷ và chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được thực hiện theo 3 bước:

Bước 1 chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm; bước 2 tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; bước 3 báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Việc công khai kết quả phiếu tín nhiệm cũng được quy định rõ hơn. Theo đó, kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành Trung ương.

Với chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn thì được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với các chức danh, chức vụ còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Theo nguoiduatin.vn