Đoàn Thị Liên, hết lòng vì đồng đội dũng cảm hy sinh

Đăng lúc: 06-09-2017 2:29 Chiều - Đã xem: 48 lượt xem In bài viết

…Sau ngày kết thúc Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng và Đại hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng miền Nam, hưởng ứng lời kêu gọi “Năm xung phong” của Đoàn, Đại đội TNXP Giải phóng miền Nam đầu tiên đã ra đời tại căn cứ Bảy Bàu, Tây Ninh. Đại đội gồm 108 cán bộ và chiến sĩ – trong đó có 14 đảng viên, được tập hợp từ các cơ quan thanh niên, phụ nữ, nông hội, giáo dục, dân y… Họ được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, sát cánh cùng bộ đội tải thương, vận chuyển vũ khí, mở đường, làm cầu, xây dựng và bảo vệ các trạm xá, bệnh viện dã chiến…

Sau đại hội này, các địa phương miền Nam đều thành lập các đại đội TNXP Giải phóng miền Nam. Ngày 01/12/1965, Đại đội TNXP mang tên “Phú Lợi căm thù” của Tỉnh Đoàn Thủ Dầu Một ra đời, mang phiên hiệu Đội 112, tham gia phục vụ các đơn vị của Sư đoàn 9 vừa thành lập ngày 02/9/1965. Trong đội hình của Đội 112 có Đoàn Thị Liên, 21 tuổi, gia đình ở ấp 1, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát. Đoàn Thị Liên có khuôn mặt bầu bĩnh, nước da “học trò”, dù cô đang là công nhân cạo mủ cao su của Sở Bình Quất, Nhà Đỏ – Bông Trang. Liên sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên mới dời sang Chánh Phú Hòa. Cô tham gia du kích từ năm 1964 rồi sau đó được giao nhiệm vụ làm xã đội phó. Cô đoàn viên tính tình dịu dàng, cởi mở, luôn nở nụ cười trên môi và thích ca hát cùng đồng đội nên không chỉ các chiến sĩ mà còn được bà con yêu mến.

Đoàn Thị Liên đã tham gia phục vụ 12 trận chiến bên cạnh các đơn vị Sư đoàn 9 như Phước Long – Đồng Xoài, Nhà Đỏ – Bông Trang, Bàu Bàng, Lai Khê, Lộc Ninh, Cần Đâm, Cần Lê… Là một cô gái dịu hiền nhưng là một chiến sĩ dũng cảm, luôn nhận phần khó khăn về mình, hết lòng thương yêu bộ đội, thương binh. Đoàn Thị Liên đã được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” do có nhiều thành tích phục vụ chiến đấu.

Năm 1965, máy bay B52 Mỹ bắt đầu thả bom xuống miền Đông Nam Bộ. Loạt bom đầu tiên đã trúng đội hình TNXP “Phú Lợi căm thù” đang cùng các anh chị dân công trên đường vận chuyển vũ khí phục vụ trận đánh Bàu Bàng. Hơn 40 anh chị em đã hi sinh tại Phú Bình, Bến Cát. Đoàn Thị Liên vừa khóc vừa thu gom xác liệt sĩ, rồi chị cùng những đồng đội còn sống mang gấp đạn tiến ra trận địa.

Sau những trận B52 ấy, có chiến sĩ TNXP lo lắng. Đồng chí Hai Sô – Thường vụ Trung ương Cục, Chủ tịch Hội đồng Cung cấp tiền phương đã đến thăm và nói chuyện với các chiến sĩ TNXP: “Giặc Mỹ có B52, Bác cháu ta có “B hai chân”, nhưng chắc chắn “B hai chân” của chúng ta sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ”. Đoàn Thị Liên và các chiến sĩ TNXP không thể nào quên được lời động viên đó và nhắc nhau vượt hiểm nguy phục vụ chiến đấu ngày một tốt hơn.

Liên được đề bạt làm Tiểu đội trưởng. Với trách nhiệm này, cô luôn gắn bó với tiểu đội, vừa gương mẫu nhận việc khó, vừa lo cho chị em cùng tiểu đội. Có đội viên đang hành quân bỗng lên cơn sốt rét, hoặc có chị em đến ngày hành kinh đều được Liên dìu qua cầu, cõng qua suối để kịp hành quân.

Mỗi khi trận đánh bắt đầu, các chiến sĩ TNXP đều bám theo bộ đội và đón thương binh về hậu cứ. Có lúc chị em phải vào tận trận địa để cõng thương binh, Đoàn Thị Liên nêu khẩu hiệu cho toàn đơn vị: “Chiến trường còn thương binh thì TNXP chưa rời trận địa”. Sau mỗi trận đánh, địch thường bắn pháo chặn đường rút quân của ta, Đoàn Thị Liên và đồng đội luôn phải che đạn cho thương binh, nấu nước, nấu cháo cho thương binh, có lúc ca hát làm dịu cơn đau cho thương binh. Đã có lần trong lúc đang khiêng cáng thương binh, lại bị địch phục kích, các chiến sĩ TNXP kiên cường cầm súng chiến đấu bảo vệ thương binh không để kẻ thù sát hại. Các chiến sĩ Sư đoàn 9 rất yên lòng khi có TNXP cùng ra trận. Anh em nói với nhau: “Khi bị thương gặp TNXP là thấy sống rồi” hoặc “Ra trận nhìn lại phía sau có TNXP là yên tâm...”.

Mùa mưa năm 1966, Sư đoàn 9, với sự phối hợp của Trung đoàn 16 mở chiến dịch đánh xe cơ giới Mỹ trên đường 13, tại cầu Cần Lê đoạn từ An Lộc đi Lộc Ninh. Đó là những ngày mưa tầm tã nhưng các chiến sĩ TNXP vẫn tấp nập đi, về chuyển lương thực, súng đạn đến sát đường 13 cho các đơn vị chuẩn bị chiến đấu. Đoàn Thị Liên đang lên cơn sốt nặng, đại đội phân công chị ở lại phía sau nhưng chị kiên quyết đòi ra trận bởi chị biết trận đánh này rất ác liệt cần phải có TNXP. Chị đến gặp đồng chí Tư Nha, Chính trị viên đại đội, năn nỉ xin đi phục vụ chiến đấu. Cuối cùng Liên cũng được cùng tiểu đội vác đạn chạy theo đơn vị bộ đội ra trận.

Trận đánh của ta gặp khó khăn: xe tăng địch phản kích dữ dội, lại thêm bom pháo dày đặc nên nhiều chiến sĩ bị thương nặng, Đoàn Thị Liên phân công anh em tiếp tục tìm kiếm, còn mình lần lượt cõng từng thương binh về hầm để tránh đạn, hầm chỉ đủ cho 2 thương binh, chị phải núp sau gò mối, chuẩn bị lao tiếp vào trận địa. Một trái pháo nổ gần hầm thương binh, Liên bị một mảnh đạn gim vào lưng, ngã gục xuống bên gò mối. Các loạt pháo khác lại rú lên rất gần. Liên la lớn: “Chị em xông ra trận cõng tiếp thương binh về hầm, nhanh lên!“. Rồi nén đau, Liên trườn về hầm có hai thương binh, nằm vắt ngang miệng hầm và gọi chị em: “Thà hi sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai“. Một trái pháo chụp lên ngọn cây. Đoàn Thị Liên trúng thêm nhiều mảnh đạn rồi lịm dần. Hai đồng chí thương binh không bị thêm thương tích nhưng biết rõ người TNXP che đạn cho mình không còn nữa. Đó là ngày 10/7/1966.

Tấm gương anh dũng của Đoàn Thị Liên và câu nói bất hủ: “Thà hi sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của đơn vị TNXP Giải phóng miền Nam.

Năm 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã truy tặng Đoàn Thị Liên Huân chương Thành đồng hạng Ba. Ngày 28/4/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định số 161/KT/CTN truy tặng danh hiệu: “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” cho người chiến sĩ TNXP miền Nam Đoàn Thị Liên. Gia đình chị – ba người anh của Đoàn Thị Liên cũng hi sinh trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Mẹ của Đoàn Thị Liên – Bà Phạm Thị Nhòng đã được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chiến Phong

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015