Đổi mới Luật Thanh niên – Thực hiện khát vọng Chấn Hưng đất nước

Đăng lúc: 11-11-2019 1:38 Chiều - Đã xem: 99 lượt xem In bài viết

 

1/ Về quan điểm: Thứ nhất, xét về lý thuyết, tiêu chí căn bản để xem xét, đánh giá chất lượng Dự án Luật là tính khả thi của chính sách nào đó đang được ưu tiên giải quyết.

Thứ hai, luật ban hành phải bảo đảm tính cần thiết, để không xảy ra “lạm phát” pháp luật, khiến cho hệ thống pháp luật khó tiếp cận và khó thi hành;

Thứ ba, ban hành luật này nhằm quản lý nhà nước về công tác thanh niên (TN), nghĩa là bằng công cụ nhà nước để quản lý công tác TN mà cốt lõi là quản lý các chính sách tác động lên TN, chứ không phải quản lý TN 24/24 giờ.

Thứ tư, thực tiễn nước ta, giai đoạn này cần chú trọng phát huy vai trò TN ( lứa tuổi đặc thù, nhiều ưu thế đã được ưu tiên trong Chiến lược phát triển TN 2010) trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập, thực hiện khát vọng tuổi trẻ, khát vọng dân tộc là chấn hưng đất nước; thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của nhà nước;

Thứ năm, cái đáng quan tâm nhất là luật ra đời có chỗ đứng trong lòng TN, trong lòng xã hội hay không ? Trên đây là cốt lõi về những quan điểm của tôi.

2/ Quyền và nghĩa vụ TN: TN nắm giữ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân quy định bởi Hiến pháp; các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia; các luật chuyên ngành ở Việt Nam. Vậy, để bảo đảm tính không trùng lặp về nội dung, có tính mới và không trái Hiến pháp (theo kỹ năng soạn thảo văn bản pháp luật); rà soát lại, có tổng cộng 08 quyền và nghĩa vụ TN (08 điều), trong đó có 06 điều trùng lặp: Điều 11 &12 trùng lặp với Điều 39 Hiến pháp; Khoản 1&3 Điều 14 trùng lặp với Điều 35 Hiến pháp và Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động; Điều 18 trùng lặp với Khoản 1 Điều 38 Hiến pháp; Điều 21 trùng lặp với Điều 41 Hiến pháp; Điều 29 trùng lặp với Khoản 2 Điều 70 và Khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân gia đình; Điều 32 trùng lặp với Khoản 1 Điều 28 Hiến pháp.

Nói chung, các điều trùng lặp nêu trên đều có tính mới là, cụ thể hóa Hiến pháp vào đối tượng đặc thù. Tuy nhiên, có điều nào không được cụ thể hóa thì không cần thiết phải nhắc lại nguyên xi. Mặt khác, cần chú ý về nội hàm thực sự của các cụm từ viết trong Dự thảo, thế nào là gương mẫu thực hiện các quy định pháp luật (Điều 30 & Điều 33); thế nào là tích cực rèn luyện (Điều 19); thanh niên phải tích cực học tập (Điều 12) thế nào là tham gia đấu tranh (Điều 33) v.v…Thiết nghĩ, những ngôn từ ấy chỉ phù hợp với chính trị, báo chí, tuyên truyền. Nói chung, cần tránh những khái niệm mơ hồ dẫn đến nội dung trong chế định khó minh định, sẽ tùy tiện trong giải thích pháp luật và thực thi pháp luật. Cần điều chỉnh Khoản 2 Điều 32 vì quy định như Dự thảo đã giới hạn quyền giám sát và phản biện xã hội của thanh niên, là trái với Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3/ Về chính sách TN: Dự thảo có 62 cái gạch đầu dòng chỉ ra chính sách định hướng và chính sách cụ thể, nhưng phần lớn là tuyên bố; cần lưu ý tính khả thi, tránh chung chung, phân tán nguồn lực. Kết nối lại những điểm tương đồng, tích hợp lại, nâng cấp lên thành những chính sách có tính thuyết phục. Chính vì thế tôi đề nghị nên có phụ lục ghi rõ: Nhóm chính sách định hướng và có nhóm chính sách cụ thể, nói rõ chính sách nào ban hành, hướng dẫn có thể áp dụng được ngay. Chúng ta ý thức rằng, quy định chính sách trong luật này là rất quan trọng, vì đã quyết là phải làm. Nếu đã quy định chính sách gì phải thuyết minh rõ ràng, có tiến độ thực hiện, có cơ sở khoa học chứng minh. Chúng ta ngồi đây, ai cũng được vinh dự có một lần bước qua thời thanh niên sôi nổi và “máu lửa”, nhưng ở đây chúng ta chưa thấy “chính sách thanh niên tính”: Xông pha, xung kích, đi đầu, sáng tạo và hiệu quả; và nếu thiếu một chút “lãng mạn cách mạng” thì khó mà lay động lòng người.

Theo tôi, chúng ta cần lắm một hội đồng tư vấn, nghiên cứu đặt tên chính sách, phân tích, đánh giá tác động trước khi ghi vào Luật hoặc các Nghị quyết, hướng dẫn thi hành. Phải hiểu được những chính sách nào Chính phủ đầu tư nguồn lực, chính sách nào “làm mồi” kêu gọi xã hội hóa. Tôi tin rằng: Nhà nước mở ra chính sách Một thì xã hội sẽ tham gia cấp số Mười hoặc cả Trăm, cả Ngàn lần; ví dụ học bổng cho thanh niên du học những ngành nghề “hot”, thì gia đình cũng không tiếc tiền, tiếc của đầu tư; bản thân thanh niên cũng tự nâng cao ý chí một cách phi thường.

Tại giai đoạn này, đề nghị chúng ta nên ưu tiên ban hành các chính sách mang tính động lực, thúc đẩy TN phát triển tài năng, đào tạo lớp TN “vừa Hồng vừa Chuyên” theo Di chúc Bác Hồ. Thực tiễn 30 năm đổi mới đất nước, đã hình thành lớp TN tinh hoa, xứng danh những nhà lãnh đạo chính trị trẻ, những doanh nhân, chuyên gia, chuyên viên thành đạt, vậy tôi muốn đề nghị tuổi TN – tới 35 tuổi; vì họ là những cánh chim đầu đàn dẫn dắt thế hệ trang lứa, cùng đi vào sự nghiệp tuổi chừng 16 đôi mươi, “Học thầy không tầy học bạn”. Vả lại, cũng không phải là có nhiều TN chúng ta lại tốn nhiều chính sách (!). Thế ông Putin bên nước Nga thưởng cho những người đẻ nhiều con để làm gì, có sợ chính sách không?

4/ Đề xuất cách tiếp cận để hoàn chỉnh Dự án Luật TN

1/ Không nên quy định quá nhiều chế định về quyền và nghĩa vụ thanh niên, nhất là cái trùng lặp, trái với Hiến pháp. Theo Dự thảo, cơ bản tôi ủng hộ các quyền và nghĩa vụ đã nêu trong Dự thảo, tuy có điều trùng lặp nhưng đó là sự thể chế hóa, đặc thù và ưu tiên; mặt khác, Luật này có sứ mệnh điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội đặc trưng trực tiếp đến TN, làm nền tảng cho việc thực hiện Chiến lược phát triển TN đã được Chính phủ phê duyệt.

2/ Luật này cần định hướng chính sách lớn lâu dài và cần ban hành chính sách trước mắt khả thi. Đề nghị là nên ưu tiên trọng tâm là quy định các chính sách cho 2 nhóm: Nhóm chính sách cho đào tạo bồi dưỡng và nhóm chính sách cho phát huy sử dụng lực lượng TN. Kinh nghiệm các nước trên thế giới làm luật TN đều chú trọng sau khi nêu chiến lược, chương trình thì phần trọng tâm là xây dựng chính sách, chứ không quan tâm nêu quyền và nghĩa vụ, bởi đã có đầy đủ trong Hiến pháp và pháp luật[i]. Đất nước ta hiện có nhiều cơ hội, chính sách TN này phải được ưu tiên tiến lên phía trước, còn chính sách cho những người TN yếu thế đã có trong các chính sách trợ cấp và an sinh xã hội, đừng dàn trải làm mất đi tính chiến lược phát triển TN trong thời đại ngày nay – nhiều cơ hội, nhiều thử thách bức phá về tư duy lẫn trí tuệ của TN. Chính sách đào tạo bồi dưỡng đi đôi với chính sách phát huy, sử dụng nguồn nhân lực, hai loại chính sách này tác động biện chứng, tương hỗ lẫn nhau. Như vậy chính sách mới không hề có sự ban ơn, ban phát mà là chính sách có tầm nhìn.

3/ Đề nghị sớm thành lập Hội đồng tư vấn nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động của các chính sách trước khi ghi vào luật, ghi vào nghị quyết để giữ uy tín cho Quốc hội, Chính phủ, rằng là tiêu chí quy phạm pháp luật thì không thể là “khẩu hiệu suông”.

4/ Luật phải dùng khái niệm đúng, đó là Quản lý nhà nước về công tác thanh niên, vì quản lý nói ở đây là quản lý chính sách, chứ không hề quản lý con người TN, hay đối tượng TN cụ thể. Như vậy chúng ta nên có chế định Quản lý nhà nước về công tác TN, Luật không nên quy định trách nhiệm cơ quan này, tổ chúc kia (như Dự thảo Luật) vì nội hàm điều luật về “trách nhiệm” không có căn cứ pháp lý nào trong các chế định về tổ chức Nhà nước, tổ chức Chính phủ… Nếu trách nhiệm kiểu đó thì vô cùng, là vô hạn, nó chỉ là những nội dung kêu gọi trách nhiệm chung chung, không hề có chế tài chặt chẽ nào theo luật định.

5/ Luật này cần xác lập vai trò quản lý nhà nước của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, (1) Vì đây là thiết chế 2 trong 1, nghĩa là Trung ương Đoàn và Ủy ban cùng cơ sở vật chất, cùng bộ máy biên chế, cùng ngân sách không tăng thêm; (2) Ý nghĩa chính trị sâu sắc hơn, là củng cố vị thế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thể chế chính trị này, đã xác lập địa vị pháp lý trong Hiến pháp 2013 và vị thế trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; (3) Ý nghĩa thực tiễn sinh động hơn, là tổ chức này có bề dày lịch sử, truyền thống và sở trường công tác TN, kế thừa và phát huy tốt các mối quan hệ và hợp tác quốc tế. Trước đây, Chính phủ đã từng ủy thác công việc quản lý nhà nước về TN cho Chủ nhiệm Ủy ban (là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn) nên rất thuận lợi cho công việc đối nội và đối ngoại (thời kỳ 1998- 2010).

Bây giờ cơ chế này đã bị thay đổi, tôi đề nghị khôi phục lại chức năng quyền hạn quản lý nhà nước của Ủy ban theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/2/1998. Và, xin đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam./.

Ngày 10/11/2019

Luật sư Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương


[i] Ý kiến phản biện Luật Thanh niên tại cơ quan Trung ương Đoàn ngày 28/8/2019