Đời thường của những người một thuở mở đường Trường Sơn

Đăng lúc: 13-05-2019 11:02 Sáng - Đã xem: 34 lượt xem In bài viết

Sau những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trở về với đời thường, đến nay, ai cũng đã già, sức đã yếu nhưng hễ nhắc đến những năm tháng tuổi xuân ai cũng như sống lại một thuở hào hùng.

Lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện Quảng ninh thăm trang trại tổng hợp của bà Trần Thị Khương, xã Vĩnh Ninh

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có hàng nghìn thanh niên nam, nữ tuổi mười tám đôi mươi hăng hái lên đường cứu nước. Trên các tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, các anh chị Thanh niên xung phong(TNXP) ngày đêm dãi dầu mưa nắng, đạn bom để mở đường. Ông Mai Xuân Sự – thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh – kể: “Từ tháng 11 năm 1970 đến tháng 12 năm 1972, tôi được cấp trên cử làm Chính trị viên đại đội Dân công hỏa tuyến 234, tiểu đoàn 95, đoàn 559. Đại đội có 160 cán bộ, chiến sỹ quê huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy. Đơn vị hành quân vào huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị. Tại đây, nhiệm vụ của đơn vị là mở đường giao liên từ bờ Nam sông Bến Hải vào Cam Lộ, lên Đacarông. Mở đường xong, anh em ngày đêm vận chuyển lương thực, thực phẩm, súng đạn. Lúc vận chuyển, đèo dốc hiểm trở, muốn lên dốc là phải có dây kéo lên, chân người trước đạp sát trên đầu người sau. Do đường đi quá khó nên mặt trận quy định mỗi người chỉ mang 20 kg, nhưng thực tế có người mang đến 40 hoặc 50 kg trên lưng. Nhiều lần, vượt sông Cam Lộ, bị máy bay OV – 10 của Mỹ phát hiện chúng thả bom và bắn 12,7 ly xối xả; rồi pháo trầm canh từ Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đồi 241 bắn lên. Hàng ngày, mọi người ăn cơm sớm, đúng 6 giờ sáng nhận hàng và gùi trên lưng, đến 3 giờ chiều mới trở về lán trại”. Sau những năm mở đường Trường Sơn, giờ đây, ông Sự đã già yếu, bệnh tật, vợ chồng ông chung sống trong một căn nhà cấp 4.

          Ông Hà Xuân Nguyễn – thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh – hồi tưởng: “Năm 1971, khi mới 24 tuổi, tôi cùng 36 thanh niên huyện Quảng Ninh được gọi lên đường tham gia đơn vị C3- D1- E8 thuộc Đoàn 559. Nhiệm vụ của chúng tôi là vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí súng đạn và cáng tải thương bệnh binh. Từ đường 10, đơn vị hành quân vào Làng Ho, dốc Khỉ, qua đèo 1.101. Sáng dưới chân đèo, trưa lên đỉnh đèo, chiều tối mới sang bên kia chân đèo. Khi lên đến đỉnh đèo, người nào cũng mệt lả, nhưng ai cũng cười cười nói nói, hát hò động viên nhau. Đợt sau, đơn vị mở đường giao liên xuyên rừng từ Lệ Thủy vào đường 9, Khe Sanh Quảng Trị. Quá trình mở đường, máy bay Mỹ thả bom, bắn phá ác liệt, người hy sinh, người bị thương. Nghe tiếng bom, anh chị em xuống hầm trú ẩn, hết bom, tất cả lên mặt đường san lấp hố bom cho xe ta qua. Rồi từ Quảng Trị, đơn vị cáng tải thương binh, bệnh binh theo đường giao liên ra tuyến sau. Trở về quê, vợ chồng tôi sinh 6 người con, trong đó có 5 cháu bị nhiễm chất độc da cam, 3 cháu bị nhiễm nặng nên mất từ lúc còn nhỏ, trong 3 cháu còn sống thì 2 cháu sống chung với chất độc da cam…”.

Vợ mất, đã mấy năm rồi một mình tự cơm nước, tự chăm sóc bản thân, cụ ông Nguyễn Lương Táo, 75 tuổi ở thôn Hữu Hậu, xã Võ Ninh tâm sự: “Tôi lên đường nhập ngũ tháng 10 năm 1964, trải qua nhiều đơn vị. Kỷ niệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chiến đấu với những cơn sốt rét rừng thì nhiều, kể sao hết được. Nhưng có những trận như trận chiến ngày 15/5/1965 tại Bản Thẳm bên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh thì có chết tôi cũng mang theo. Trên trời, 4 máy bay AD6 quần thả bom, bắn 14,5 ly xối xả vào đại đội của ta ròng rả một tuần liền. Là tiểu đội trưởng của đại đội, tôi cùng các chiến sỹ liên tục quần nhau với bắn máy bay và bọn Phỉ, tôi bị bom Mỹ vùi lấp, đồng đội vừa bắn vừa đào đất đá cứu tôi. Trận đó, đại đội tôi hy sinh 73 cán bộ, chiến sỹ, những hình ảnh đó luôn ám ảnh trong tôi”.

Về với đời thường, các cựu TNXP huyện Quảng Ninh mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ vẫn vẹn nguyên phẩm chất người lính cựu TNXP trong phát triển kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau theo tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa đồng đội.

Đến nay, toàn huyện còn 60 cựu TNXP nữ sống cô đơn không nơi nương tựa, trong đó, có 11 bà được hưởng trợ cấp thường xuyên. Năm 2018, được các cấp, các ngành, các mạnh thường quân hỗ trợ cho xây mới 32 ngôi nhà. Đã có nhiều đợt, Hội Cựu TNXP huyện phối hợp cùng các cấp về các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn làm công tác thiện nguyện. Mặt khác, Hội đã xây dựng nhiều mô hình làm kinh tế, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, trong đó chủ yếu là con em cựu TNXP, có thu nhập ổn định như: doanh nghiệp may mặc của bà Đỗ Thị Cúc ở xã Vĩnh Ninh với vốn đầu tư 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 40 lao động, có mức lương trên 6 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp thu lãi trên 160 triệu đồng/năm. Trang trại tổng hợp của bà Nguyễn Thị Khương cũng ở Vĩnh Ninh có vốn đầu tư 20 tỷ đồng, tổng thu nhập trên 01 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 50 lao động. Ở xã An Ninh, có 4 công ty TNHH có vốn đầu tư từ 15 đến 20 tỷ đồng thu hút trên 80 lao động. Hội cựu TNXP xã miền núi Trường Xuân có HTX nuôi ong lấy mật do ông Nguyễn Ngọc Lãnh làm chủ nhiệm, có vốn đầu tư 384 triệu, tạo việc làm cho 8 lao động; mỗi năm, HTX thu về 590 triệu đồng, lãi ròng 350 triệu…

Ngồi cùng ông Nguyễn Quang Trung và ông Đặng Quốc Trị- Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Quảng Ninh, ông Trung cho biết: “Huyện Quảng Ninh hiện có 4.485 hội viên cựu TNXP. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên các tuyến đường Trường Sơn, không có truyến đường nào, cung đường nào, nơi nào là không có dấu chân các anh, các chị. Suốt những năm tháng mở đường các anh chị không có một ngày đêm nào trọn giấc ngủ; nhiều đồng đội hy sinh, nhiều người khác để lại một phần xương máu hoặc phơi nhiễm chất độc da cam. Những người mà ngày ấy “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm giờ đây ai cũng già yếu, mỗi người mỗi hoàn cảnh, vất vả. Nhưng được cái là mọi người được xã hội quan tâm, được đồng đội chia sẻ, giúp đỡ. Nghĩa tình đồng đội của cựu TNXP Quảng Ninh vẫn luôn vẹn nguyên”.

Thái Toản