Đường 559 – Những ngày đầu tiên (1)

Đăng lúc: 30-05-2019 8:14 Sáng - Đã xem: 47 lượt xem In bài viết

Đầu tháng 1 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định con đường cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang đánh đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến – trước mắt là đánh đổ tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng.

Lời của đại tướng Võ Nguyên Giáp đề bạt trong tập sách Trường Sơn – có một thời như thế

Đường Trường Sơn chiến lược là một kỳ công lịch sử, một con đường huyền thoại, một mặt trận tiêu hao, tiêu diệt địch, đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm kiên cường, thông minh, sáng tạo, vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn, ác liệt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, bảo đảm sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.

Tôi hoan nghênh các đồng chí đã viết hồi ký những kỷ niệm sâu sắc về đường Trường Sơn. Mong cuốn sách “Trường Sơn – có một thời như thế” góp phần giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ Việt Nam.

Hà Nội, ngày 22 – 12 – 2008

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

 

Nghị quyết 15 cũng xác định nhiệm vụ của miền Bắc trong mối quan hệ với cách mạng miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, cùng với việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng quân đội chính quy trên miền Bắc, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy – Bộ Tổng tư lệnh tích cực chuẩn bị lực lượng, vật chất để chi viện cho chiến trường và tôi là một trong những người đầu tiên vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự chi viện cho miền Nam.

Ngày 5-5-1959, theo điện triệu tập, buổi sáng tôi vào cơ quan trực tiếp gặp anh Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Anh Vịnh đưa tôi vào phòng làm việc, tự tay pha nước mời. Từng cử chỉ, ánh mắt của anh muốn nói một điều gì đó rất hệ trọng.

Rồi như để tránh một sự đường đột không cần thiết, anh nhỏ nhẹ hỏi tôi về tình hình bên Cục Nông trường, về tinh thần, tư tưởng của một số cán bộ – chiến sĩ miền Nam tập kết, có đề đạt nguyện vọng về Nam chiến đấu như thời gian vừa rồi nữa không?

Tôi trả lời để anh nắm tình hình. Anh phấn khởi nói: Tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại với anh chỉ thị của Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng theo tinh thần của Nghị quyết 15. Lực lượng này được gọi là đoàn công tác quân sự đặc biệt.

Dường như sợ tôi không ý thức hết tầm quan trọng của nhiệm vụ, anh Vịnh nhắc đi nhắc lại: Đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị. Là một công việc lớn, rất khó và tuyệt mật. Bởi vậy, anh làm việc gì và quan hệ với ai đều phải lập danh sách để báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Tôi hiểu điều anh Vịnh lưu ý, vì lúc này Tổng Quân ủy – Bộ Quốc phòng cũng chưa trực tiếp chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ hiện thời cũng chưa có cơ quan nào triển khai nhiệm vụ chi viện chiến trường. Với tôi, nhiệm vụ được giao là vô cùng hệ trọng.

Điều tôi lo lắng trước tiên là vấn đề bảo mật. Tôi trình bày với anh Vịnh: Báo cáo anh, việc hệ trọng như vậy lực lượng tập trung hàng trăm, hàng nghìn người và chắc chắn sẽ đông hơn nữa, liệu có bảo đảm tuyệt đối bí mật được không?

Anh Vịnh nói: Đây là vấn đề hệ trọng bậc nhất trong công việc trên giao cho các anh lúc này. Anh em ta phải cùng nhau thực hiện cho bằng được.

Anh Vịnh cũng dự kiến về lực lượng ban đầu của chúng tôi, kể cả ban chỉ huy đoàn và lực lượng mở đường, vận chuyển… Rồi anh nói: Số lượng dự kiến là vậy, nhưng cụ thể, theo anh nên lấy ở đâu?

Tôi nhẩm tính một lúc rồi trả lời: để đảm bảo bí mật, cán bộ – chiến sĩ nên lấy ở những đơn vị bộ đội miền Nam tập kết và những người từng hoạt động ở miền Nam, ở khu V, thời kháng chiến chín năm. Tiền nong lúc đầu nên lấy từ quỹ bí mật của Tổng Quân ủy. Vũ khí, quân dụng chắc chắn phải là loại chiến lợi phẩm…

– Bộ Chính trị cũng đã dự kiến như vậy, nhất là người và vũ khí. Vậy là trên dưới cùng thống nhất. Sau đây chúng tôi sẽ thống nhất với Tổng Quân ủy – Bộ Quốc phòng nữa để triển khai – anh Vịnh nói.

Anh Vịnh còn nhắc: Bộ Chính trị chỉ cho phép các anh chuyển hàng và đưa người đến bờ bắc sông Bến Hải. Còn từ bờ nam trơ vào chỉ tập trung xoi đường; những việc còn lại sẽ do các đơn vị, địa phương trong đó đảm trách. Vì thế, công việc hiệp đồng với các đơn vị bên kia giới tuyến quân sự hết sức quan trọng. Riêng vấn đề này, anh nên gặp gỡ bàn bạc kỹ với anh Trần Lương.

Hơn 2 giờ đã trôi qua, mọi việc tuy mới chỉ là những nét chấm phá, nhưng về cơ bản cũng đã định hình về nhiệm vụ, phương thức hoạt động… Chia tay anh Vịnh, tôi nói: Báo cáo anh, chúng tôi sẽ gắng sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nhưng vì nhiệm vụ, nếu như có việc gì đó phải vượt quá giới hạn cho phép, tôi xin chịu kỷ luật. Chỉ xin các anh ghi nhận là bị kỷ luật do phải thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường.

Anh Vịnh vỗ vai tôi, cười và nói: Nếu như anh nói thì chúng tôi cũng sẽ bị kỷ luật cả. Thôi, giao cho anh “một mình một ngựa” làm sao cho nên sự nghiệp thì làm. Nhưng cũng đừng quên, sau các anh là cả hậu phương miền Bắc.

Mặt trời gần đứng bóng, tôi rời cơ quan Bộ với bao suy nghĩ. Tự hỏi, rồi tự trả lời: phải chăng những năm tháng lăn lộn trên chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, những lần vào Nam, ra Bắc lo gạo tiền cho bộ đội… là những điều để cấp trên tin tưởng giao cho mình nhiệm vụ đặc biệt này? Vậy lẽ nào tôi lại phụ niềm tin đó. Vả lại, đây cũng là dịp để tôi có thể làm được một chút gì đó cho miền Nam và Quảng Ngãi quê tôi.

Ngay chiều hôm đó, tôi đến gặp anh Trần Lương. Lúc này anh Lương đang là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng qua anh Vịnh, tôi được biết anh Lương đã có quyết định trở về làm Bí thư Khu ủy Khu 5, với bí danh là Trần Nam Trung. Thân tình như người nhà, mạch chuyện giữa tôi và anh Lương cứ trôi thật thoải mái, không cần rào đón.

Tôi báo cáo với anh nhiệm vụ Bộ Chính trị giao và những điều anh Nguyễn Văn Vịnh gợi ý. Nghe xong, anh Lương hỏi: Vậy ý cậu thế nào?

– Báo cáo anh – Tôi mạnh dạn nói – Anh đã từng cầm quân đánh giặc. Với tôi bây giờ tổ chức chi viện cho nửa nước mà chỉ ngót 500 quân với hai bàn tay trắng, lại hoạt động trong điều kiện rừng núi, như vậy thật không đơn giản; lại còn phải bí mật với cả đằng mình nữa.

Đợi tôi nói xong, anh Lương cười hiền lành, rồi nói:

– Thôi, trên đã giao cả cho cậu, làm sao cho miền Nam có quân, có súng thì làm. Nếu dễ thì chẳng phải bàn bạc làm gì. Riêng việc liên hệ, hiệp đồng với Liên khu 5, mình sẽ có kế hoạch báo trước với các anh ở trỏng (trong đó).

Vậy là ngay ngày đầu tiên vào cuộc, chúng tôi đã được những cán bộ thay mặt Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy – Bộ Quốc phòng quan tâm, ủng hộ hết lòng. Cũng vì vậy, dù chỉ một mình nhận trọng trách trên giao, nhưng tôi không cảm thấy đơn độc.

Mấy hôm sau, Ban chỉ huy đoàn có thêm anh Nguyễn Thạnh, anh Nguyễn Chương và một số cán bộ trợ lý.

Tôi quen biết anh Nguyễn Thạnh từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Anh Thạnh quê ở Đức Phổ – Quảng Ngãi, là đội viên đội du kích Ba Tơ. Cách mạng tháng Tám thành công, anh là một trong những đảng viên có mặt đầu tiên xây dựng Chi bộ 4 Vệ quốc đoàn Phú Yên, sau là Trung đoàn 79, mà tôi là Chính ủy trung đoàn. Sau khi tập kết ra Bắc, anh từng là Chính ủy công trường 50, Hiệu trưởng Trường Kiến trúc thuộc Cục Doanh trại.

Anh Nguyễn Chương quê Đà Nẵng, vốn là công nhân, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Đà Nẵng, sau đó gia nhập Vệ quốc đoàn. Về đội ngũ cán bộ cơ quan có các anh Lê Trọng Tâm – Thư ký đoàn trưởng, Huỳnh Chuân – Trợ lý quân nhu, Phạm Tề – Trợ lý tổ chức, Huỳnh Thường – Trợ lý tài vụ, Phạm Ngọc Anh – Trợ lý quân giới, Nguyễn Biên – Trợ lý bảo vệ, Phạm Ngọc Chuyên – Trợ lý doanh trại… các đồng chí được điều về đoàn đều đã từng chiến đấu trên chiến trường Khu 5, Trị – Thiên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trụ sở làm việc của đoàn khi mới thành lập là các nhà 63, 83 phố Lý Nam Đế – Hà Nội. Những căn nhà này náu mình trong khu dân cư nhưng gần cơ quan Bộ Quốc phòng, tiện cho quan hệ công tác, cũng như bình thường hóa việc đi lại của cán bộ trong đoàn. Những ngày đầu thành lập, mấy anh em quây quần như một gia đình nhỏ, công việc hối hả nhưng không vì thế mà ồn ào. Khi cần, căn hộ của gia đình tôi ở 25A Phan Đình Phùng cũng là nơi làm việc và chứa hàng.

Sau chừng nửa tháng chuẩn bị về tổ chức, ổn định về công việc, sinh hoạt, ngày 19-5-1959, tôi, anh Thạnh, anh Chương có buổi làm việc với anh Nguyễn Văn Vịnh. Anh Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của đoàn chúng tôi là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959, tổ chức thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu theo yêu cầu của chiến trường Khu 5: khoảng 7.000 súng bộ binh và bảo đảm cho 500 cán bộ trung – sơ cấp hành quân qua tuyến vào tăng cường cho chiến trường.

Biên chế ban đầu của đoàn có Ban chỉ huy đoàn, Đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí trang bị… Cả cơ quan và đơn vị gần 500 cán bộ – chiến sĩ. Cơ quan lãnh đạo của đoàn là Ban Cán sự Đảng. Theo sự chỉ định của trên, tôi là Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban Cán sự.

Võ Bẩm

Trích hồi ức “Những nẻo đường kháng chiến”

Theo tuoitre.vn