Gặp mặt truyền thống Đại đội 317 N27 thanh niên xung phong huyện Kim Bảng

Đăng lúc: 05-07-2019 9:58 Sáng - Đã xem: 35 lượt xem In bài viết

Thấm nhuần Chỉ thị 71[i], ngày 28/6/1965 những chàng trai cô gái của huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, viết đơn tình nguyện xung phong gia nhập Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Đại đội 451 gồm các đội viên của các xã: Khả Phong, Ngọc Sơn, Thụy Lôi, Tân Sơn, Tượng Lĩnh, Lê Hồ, Nguyễn Úy và 4 đội viên ở Đại Cương là 1 trong 16 đại đội của Tổng đội TNXP Trần Văn Chuông[ii]. Năm 1966, Đại đội 451 chuyển thành Đại đội 351 thuộc N27.

Các anh các chị đã chốt giữ đảm bảo giao thông cả đường sắt, đường bộ trên các địa danh: Ga Chu Lễ, Cầu Hương Lộc (Hà Tĩnh) Ga Tân Ấp, Cầu Đò Vàng, Phà Sông Gianh, Hang Minh Cầm (Quảng Bình) từ tháng 6/1965 đến năm 1969. Đây những trọng điểm đã đi vào huyền thoại của tuyến chi viện chiến trường. Năm 1967 do yêu cầu nhiệm vụ 40% các đồng chí nam chuyển sang bộ đội có nhiều người đã trở thành cán bộ của quân đội như các đồng chí: Nguyễn Duy Yên,  Trần Thế Kỷ, Nguyễn Tiến Khanh, Nguyễn Văn Hãn, Nguyễn Văn Đắc….

Hôm nay họ gặp nhau mái đầu đã bạc. Người ít tuổi nhất cũng đã thập tuần, nhiều người đã ngoại bát tuần nhưng vẫn trẻ trung, hồn nhiên như ngày nào ở độ tuổi 17, 18 đôi mươi…

Đồng chí Đặng Đình Đại – hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP (TNXP), Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn (TTTS) thị trấn Ba Sao – nhắc lại: “Mọi người có nhớ tết Bính Ngọ (1966) cả 3 ngày tết chúng ta vận chuyển hàng, ăn tết trên hiện trường. Tết đầu tiên xa nhà, nhớ nhà, nhớ quê hương song vui biết bao”. Đồng chí Nguyễn Duy Yên hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP, Chủ tịch Hội TTTS thị trấn Quế hồi tưởng: “Tôi nhớ một buổi tối mùa khô 1966- 1967, đồng chí Nguyễn Văn Thái, Đại đội phó đã ngồi trên quả bom nổ chậm ở phía Bắc đầu cầu Khe Nét nói: Các em cứ yên chí làm đi để nhanh chóng giải phóng mặt đường cho xe chạy; bom nổ anh sẽ chết trước…. Sau hơn 1 tiếng đường thông anh vừa rời quả bom nổ chậm đi về tới đầu cầu phía nam thì bom nổ…”

Đồng chí Nghiêm Xuân Bảo xã Đại Cương đã tận dụng những phế liệu bỏ đi như thùng phi xăng hỏng, lốp xe ô tô hỏng để tái chế dụng cụ làm đường như cuốc xẻng, xe cải tiến cho đơn vị, góp phần tăng năng suất lao động đơn vị đã được Tổng đội N27 tặng khen…

Các chị Dương Thị Mùa, Trần Thị Hoặc, Nguyễn Thị Thơm, Vũ Thị Nơi… là những cô gái rất giỏi chuyển hàng từ cầu sông Gianh sang Hang Minh Cầm theo đường thiên tuyến (cáp treo) nhanh thoăn thoắt làm nhiều đoàn bộ đội hành quân qua đây vô cùng thán phục…

Cô gái Nguyễn Thị Miền – giờ chị ở mãi Quảng Ninh – vẫn là người tiên phong trong phong trào văn nghệ ở buổi gặp mặt hôm nay. Phong trào: “Tiếng hát át tiếng bom” được tái hiện trong hội trường, tất cả cùng đồng thanh hát bài “Cô gái mở đường” “Đường Trường Sơn xe anh qua” mà chị là người lĩnh xướng…

Họ là những cán bộ đội viên TNXP (TNXP) năm xưa, là những cán bộ hội viên cựu TNXP,  Hội TTTS hôm nay đang giữ gìn phát huy truyền thống anh hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam, Lực lượng TNXP Hà Nam, truyền thống anh bộ đội cụ Hồ trong cuộc sống đời thường, trong xây dựng hội và hoạt động nghĩa tình đồng đội. Họ là những động lực, nội lực quan trọng để Hội các cấp hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Họ ôm nhau, chia tay nhau trong cái nắng mùa hè tháng 6 (39-400C) mà sao lòng tôi cứ thấy mát rượi như có một mạch nước ngầm vô hình tràn vào lòng mình.

Tạ Thị Hoán 

Hà Nam


[i] Ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71-TTg chỉ rõ: “Ðội TNXP-CMCN là lực lượng lao động đặc biệt… được tổ chức và xây dựng trên ba mặt sản xuất, chiến đấu, học tập…”

[ii] Trần Văn Chuông (1929 – 1954) đã được đảng, nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng ba, huân chương chiến công hạng nhất, được Bác Hồ tặng danh hiệu Cán bộ gương mẫu và được bầu làm chiến sĩ thi đua số một của toàn liên khu. Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Trần Văn Chuông được tặng Huân chương quân công hạng nhì và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.