GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MÀ VIỆT NAM HƯỚNG ĐẾN

Đăng lúc: 21-05-2021 3:23 Chiều - Đã xem: 65 lượt xem In bài viết

 

Phóng viên Đài TH Việt Nam -VTV1:

Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng đây là mô hình hoàn toàn mới mẻ. Trong bài viết ngày 17/5/2021 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số định hướng về mục tiêu, giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, đó cũng là con đường Việt Nam tiến tới.

Ông bình luận thế nào về mục tiêu, giá trị cốt lõi của mô hình chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang quyết tâm xây dựng?

 

 Ông Vũ Trọng Kim[*]

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay có mục tiêu chung là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” Đây là 5 thành tố quan trọng nhất và thiết thực nhất, được các tầng lớp Nhân dân, đồng bào ta ở trong nước và sống ở nước ngoài rất hoan nghênh, đồng thuận và ủng hộ cao.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh mục tiêu đó. Đồng thời, đồng chí đã gợi mở ra những điều cụ thể, rất sâu sắc trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta:

Đó là vai trò Nhân dân làm chủ; là nền kinh tế phát triển cao, dựa vào tương quan lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; đó là nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo…Những thành tố trên đây là hết sức quan trọng, nói lên đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, chúng ta đang hướng tới.

 Vậy giá trị cốt lõi của mô hình chủ nghĩa xã hội là gì?

Tựu trung 6 vấn đề lớn sau đây:

  1. Chúng ta hướng tới một xã hội phát triển phải thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột, vì lợi nhuận mà coi rẻ phẩm giá con người.
  2. Giá trị cốt lõi của phát triển kinh tế, là phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, có chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
  3. Kế thừa và phát triển nền văn hoá hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam – giá trị cốt lõi là nhân ái, nhân văn, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh bất công, chỉ vì lợi ích của một số ít cá nhân và các phe nhóm.
  4. Giá trị cốt lõi là ở chỗ phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vô hạn khiến cho môi trường bị huỷ hoại.
  5. Hệ thống chính trị dần được hoàn thiện, có Đảng Cộng sản lãnh đạo, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, và hướng tới quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải cho một thiểu số giàu có.
  6. Tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước. Đồng thời, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Giá trị cốt lõi, đích thực của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam chúng ta đang hướng tới sẽ tiếp tục được nghiên cứu sâu rộng hơn, bổ sung và phát triển. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, kiến tạo ra một xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, nhất định chúng ta sẽ phấn đấu đi đến những thành công./.

21/5/2021


[*] Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam