Giữ lửa truyền thống Thanh niên xung phong

Đăng lúc: 21-04-2022 2:04 Chiều - Đã xem: 141 lượt xem In bài viết

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2022) và 47 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30-/4/2022) Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài “Giữ lửa truyền thống Thanh niên xung phong” của phóng viên Quang Linh đăng trên Báo Lao động Thủ đô số 32+33+34 ngày 21/4/2022.

 

Cách đây gần 72 năm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Thanh niên xung phong (TNXP) ra đời bởi sự chỉ đạo thành lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) chúng tôi đã tìm gặp ông Vũ Trọng Kim – một nhân chứng sống cựu TNXP; và được ôn lại nhiều câu chuyện hay về lực lượng này trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Lực lượng xung kích trong kháng chiến

Thanh niên xung phong Việt Nam được thành lập vào ngày 15/7/1950, với tiền thân là Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương. Lực lượng này là những thanh niên trẻ, khỏe, là con em bần cố nông và trí thức lao động, có phẩm chất tốt, có tinh thần hăng hái được Đảng đoàn Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam huy động và tổ chức.

Tìm hiểu về những công lao đóng góp to lớn của lực lượng TNXP trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; chúng tôi có cơ hội được gặp ông Vũ Trọng Kim, hiện ông là cựu TNXP vẫn còn đang hoạt động chính trị vì lợi ích nước nhà. Đồng thời, ông cũng đang cương vị là Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.

Ôn lại những năm tháng cứu quốc hào hùng của dân tộc, ông Trọng Kim tâm sự, lực lượng TNXP trở thành đề tài để các thế hệ trẻ, tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ những năm kháng chiến chống Pháp ác liệt và gay go, các đội TNXP nhận nhiệm vụ góp phần cùng bộ đội và toàn dân chiến thắng địch trên mặt trận chiến trường.

“Với đội ngũ ban đầu chỉ có 225 cán bộ, đội viên, ngay sau đó đã lên đến ba, bốn chục ngàn người và huy động cả 18.000 người khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số đó, có 8.000 được điều động, bổ sung vào quân đội nhân dân Việt Nam trên chiến trường chống giặc Pháp”, ông Trọng Kim nói.

Suy nghĩ về vai trò của TNXP, ông Trọng Kim tự hào: “Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng TNXP ở tiền tuyến cũng như hậu phương đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Họ mang trong mình khí phách hiên ngang xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. TNXP đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Trọng Kim chia sẻ, với trận đánh Điện Biên Phủ, có thể nói rằng, cống hiến của TNXP không chỉ nằm ở số lượng, mà còn ở hiệu quả, năng suất, chất lượng phục vụ chiến đấu, trực tiếp tham gia chiến đấu.

Những con đường vận tải chiến lược được làm bởi lực lượng TNXP như đường 42 Tuần Giáo – Điện Biên (nay là Quốc lộ 279), đường Hữu nghị 12 Điện Biên – thị xã Lai Châu (nay là Quốc lộ 12)… đã vận chuyển hàng chục nghìn tấn vật chất từ hậu phương lên tiền tuyến, góp phần vào chiến thắng của lịch sử dân tộc.

Lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước từ năm 1965 – 1975 có trên 271.000 đội viên đã có mặt ở tất cả các chiến trường, các địa bàn trọng điểm của cả nước. Họ làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông; phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu; tháo gỡ bom mìn; cáng tải thương binh, tử sĩ; vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, hậu cần; thu dọn chiến trường.

Đặc biệt trên hệ thống đường Trường Sơn lịch sử, có 46.000 TNXP làm nhiệm vụ ở tất cả 5 tuyến trục dọc và 21 tuyến trục ngang, điển hình là các con đường 12, 15A, 15B, đường 20 Quyết Thắng, đường 10 (20/7) Đông Trường Sơn, các trọng điểm phà Long Đại, phà Xuân Sơn…

Thanh niên xung phong đã bám trụ hàng chục năm ròng rã cùng với bộ đội, công nhân giao thông và nhân dân địa phương để giữ vững mạch máu giao thông chủ đạo cho chiến trường miền Nam.

Với lực lượng “3 sẵn sàng, 5 xung phong” hùng hậu gần 4,5 vạn TNXP hàng chục năm ròng kề vai sát cánh cùng bộ đội trên khắp các chiến trường miền Nam. Tại các địa bàn trọng điểm, ác liệt như: Miền Đông Nam Bộ; miền Tây Nam Bộ, Tây Ninh; đường 1C “Gang thép – lịch sử”; Chiến dịch Phước Long – Sông Bé; Núi Thành (Quảng Nam); chiến dịch Quảng Đà và các chiến dịch khác ở Liên khu 5…

Chỉ riêng ở tuyến đường 1C, TNXP Liên phân đội I đã suốt 9 năm hoạt động dũng cảm, gan dạ chiến đấu, vượt qua mưa bom bão đạn của địch để vận chuyển 10.000 tấn quân trang, vũ khí; tiếp nhận đưa về đất Mũi cả chục ngàn quân; phối hợp cùng bộ đội bắn rơi hơn 100 máy bay, diệt 50 xe tăng và hàng ngàn tên địch, giữ vững đường huyết mạch từ khu 9 về Trung ương Cục miền Nam.

Thanh niên xung phong cả nước đã mở được 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài 4130 km, vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường. Trực chiến, chốt giữ, bảo đảm trên 3.000 trọng điểm giao thông quan trọng thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. San lấp trên 100.000 hố bom; đào 1135 km hầm hào, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 272 kho tàng; phá, dỡ thu gom trên 100.000 quả bom các loại.

Thanh niên xung phong cũng đã góp phần bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 phi công và gần 1.000 tên địch (trong đó có 286 lính Mỹ), phục vụ bộ đội trên 1.000 trận đánh lớn nhỏ; trực tiếp chiến đấu 40 trận, bổ sung hơn 16.000 người sang quân đội.

Là những người cáng tải, chăm sóc 2.077 thương binh, tử sĩ, TNXP đã đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông, cung cấp cho Lực lượng vũ trang và Trung ương Cục miền Nam trên 500 cán bộ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Tôi luôn coi Thanh niên xung phong như bộ đội, vì trong phẩm chất của Thanh niên xung phong có phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong 15.000 người được kết nạp vào Đảng có 52 người là Dũng sĩ diệt Mỹ; và 1.432 người là Dũng sĩ Quyết Thắng. Đồng thời TNXP đã có 6.051 người hy sinh; 42.455 người bị thương, 18.000 người và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam.

Thanh niên xung phong góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Giữ lửa truyền thống xung phong

Chiến thắng trong mùa Xuân năm 1975 mở ra một trang sử mới; TNXP tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong kháng chiến, thi đua thực hiện các phong trào như: “Ba xung kích làm chủ tập thể”, “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước,” “5 xung kích, 4 đồng hành,” “Thanh niên tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,” “Tuổi trẻ sáng tạo,” “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, TNXP chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng phát triển kinh tế, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Cùng hỗ trợ nước bạn Campuchia thoát khỏi ách nô lệ, cùng bạn thanh niên Lào tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim nhấn mạnh: “Với những đóng góp to lớn đó, lực lượng TNXP Việt Nam luôn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và những phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc của Đảng, Nhà nước trao tặng”.

Cũng theo ông Trọng Kim, thời bình, các thế hệ cựu TNXP luôn giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, thắt chặt nghĩa tình đồng đội. Phải kể đến phong trào “Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi – Vì nghĩa tình đồng đội” do Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phát động, đã đáp ứng nguyện vọng của cựu TNXP, đóng góp vào công tác xã hội và cải thiện đời sống gia đình hội viên.

“Cùng với đó, chúng tôi luôn động viên nhau để thực hiện các chính sách đối với TNXP các thời kỳ theo tinh thần phát huy vai trò nhân chứng lịch sử nhằm thực hiện tốt chính sách của Đảng và nhà nước cho cựu TNXP”, nhiều đồng chí vượt khó học tập vươn lên thành người cán bộ trung kiên, thấm đậm bản chất vốn có của mình, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam nói thêm.

Theo Báo Lao động Thủ đô số 32+33+34 ngày 21/4/2022