Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam chung tay hành động chống ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ mội trường

Đăng lúc: 15-11-2019 9:08 Sáng - Đã xem: 90 lượt xem In bài viết

1. Rác thải nhựa – nguy cơ hiểm họa môi trường

Bên cạnh những thành quả phát triển kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, của các quốc gia trên thế giới, nhưng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về môi trường sinh thái. Trong đó, rác thải nhựa đang có nguy cơ trở thành một trong những hiểm họa môi trường mà con người trên toàn thế giới phải đối mặt. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần, mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế, số còn lại được xử lý dưới hình thức chôn lấp hoặc thải ra đại dương, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải nhựa mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Điều đáng lo ngại là thế giới đang phải đối mặt, mỗi năm với khoảng 4,8 – 12,7 triệu tấn rác thải nhựa từ lục địa đổ vào các đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ làm ô nhiễm môi trường và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Chất thải nhựa và ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan – những chất kịch độc – tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới; thuộc nhóm các nước thu nhập trung bình, có tỉ lệ chất thải nhựa chiếm 12% lượng chất thải rắn[i]. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, trung bình khoảng 2,5 triệu tấn/năm[ii], số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm; lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển; hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ, công nghệ tái chế nhựa được sử dụng đã lỗi thời nên hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa môi trường trong tương lai nếu nguy cơ trên không được ngăn chặn.

Bởi vậy, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề rất cấp bách toàn cầu. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Cũng như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự nỗ lực chung tay của các quốc gia, các khu vực và toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần nỗ lực chung của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Trong đó, các tổ chức hội xã hội có vai trò vị trí rất quan trọng.

2. Hội Cựu thanh niên xug phong Việt Nam chung tay hành động chống ô nhiễm rác thải bảo vệ môi trường

Các tổ chức hội xã hội thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thông qua nhiều hình thức tổ chức và vận động quần chúng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc tham gia phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cả nước có 52.565 hội xã hội, trong đó có 483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương[iii], hội viên là các tổ chức, cá nhân trong các thành phần, tầng lớp xã hội, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, từ trung ương đến cơ sở, là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường nói chung và chống rác thải nhựa nói riêng. Chính vì vậy, trong phát biểu tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, sáng ngày 9/6/2019[iv], tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ trân trọng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân cùng chung tay, chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại[v], thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Hội Cựu TNXP Việt Nam là một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện cho hơn 60 vạn cựu TNXP trên cả nước, là Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, có 63 hội thành viên cấp tỉnh, 628 Hội cấp huyện (bằng 88 % đơn vị hành chính cấp huyện), 7.568 Hội cấp xã (bằng 68% đơn vị hành chính cấp xã) với 424.662 hội viên (bằng 75,6% cựu TNXP cả nước). Cán bộ, hội viên là cựu TNXP trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào và mọi mặt công tác xã hội ở địa phương; gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ; là chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, là trụ cột trong gia đình. Hiện có trên 3.000 hội viên tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã hội ở các cấp.

 Nhận thức rõ về tác hại ô nhiễm môi trường của rác thải, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu TNXP Việt Nam và Hội các cấp ở địa phương đã tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trong đó có nội dung: “Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Ở Trung ương Hội, Bản tin và Trang tin điện tử Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam  đã kịp thời đăng tải các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhiều tin bài, hình ảnh hoạt động giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm, cách làm, những tấm gương cán bộ, hội viên tiêu biểu về bảo vệ môi trường sinh thái nói chung và chống rác thải nhựa nói riêng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt đời sống hàng ngày.

Hội Cựu TNXP các cấp ở địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn, phát động phong trào trong toàn thể cán bộ, hội viên tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng – xanh – sạch – đẹp; hướng dẫn để hội viên biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động hội viên giữ gìn cảnh quan sạch, đẹp; phân loại và thu gom rác thải đúng quy định; trồng cây xanh, bóng mát; quy hoạch vườn, ao, chuồng và các công trình vệ sinh đảm bảo môi trường; vận động hội viên giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy hiệu quả các hoạt động tự quản của cộng đồng trong việc chống rác thải độc hại, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, …

Cùng với các tổ chức hội xã hội khác, Hội Cựu TNXP Việt Nam, đặc biệt là tổ chức hội ở cơ sở đã và đang có nhiều đóng góp nhất định trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái nói chung và chống rác thải nhựa nói riêng. Với hệ thống tổ chức khá rộng khắp và lực lượng hội viên đông đảo, nhiệt tình ở cơ sở, các cấp hội có vai trò rất quan trọng phong chống rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

Đồng chí Lê Văn Hòa trình bày tham luận

3. Một số đề xuất:

Ở những nước phát triển việc ứng phó với ô nhiễm môi trường thường được chú trọng hơn so với những nước đang phát triển. Ví dụ như ở Nhật Bản hay châu Âu, việc phân loại và xử lý rác thường được làm rất nghiêm túc. Rác thải có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy vào mục đích và khả năng của nhà máy xử lý/tái chế. Ví dụ như ở Ý, rác thải được phân loại thành 3 nhóm để tái chế: Kim loại + giấy; rác thực phẩm và thủy tinh. Những rác thải nằm ngoài 3 nhóm trên được thu thập riêng. Riêng ở những nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển), người dân rất có ý thức về phong trào 3R (reduce (giảm thiểu), reuse (tái sử dụng) và recycle (tái chế). Những siêu thị đồ second hand thường đông hơn là những siêu thị nội thất đồ mới. Việc phân loại rác của họ cũng rất nghiêm ngặt, chính xác. Các nước phát triển cũng rất tập trung đầu tư phát triển những công nghệ thay thế thân thiện hơn với môi trường, như chính sách hỗ trợ sản xuất pin mặt trời (Việt Nam cũng có chính sách này). Vận dụng những kinh nghiệm này, xin có một số đề xuất:

a. Về môi trường: Việc ô nhiễm môi trường nói chung và vấn nạn rác thải nhựa nói riêng có liên hệ mật thiết với nhu cầu của con người. Ô nhiễm môi trường nói chung và vấn nạn rác thải nhựa nói riêng có liên hệ mật thiết với nhu cầu của con người, sử dụng vật liệu chống nước và dẻo dai, không phải quản lý những đồ đựng dùng nhiều lần ở nhà. Vậy nên, việc giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung về cơ bản sẽ có 3 cách:

Một: Kế hoạch hóa gia đình và kiểm soát sự tăng trưởng dân số cũng là điều rất cần thiết cho việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hai: Giảm nhu cầu về sự tiện nghi và thoải mái của con người. Đây chính là cách đang được sử dụng rộng rãi, có thể kể đến những biện pháp: Tránh sử dụng túi nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng những đồ xa xỉ, …Nhưng cách này không hẳn là biện pháp tối ưu vì thật khó để có thể làm con người giảm sự tiện nghi của mình. Xét cho cùng thì ai cũng muốn cuộc sống sung túc, mà sướng thì quen nhanh, khổ thì quen lâu nên biện pháp này khó có thể giải quyết triệt để được vấn đề môi trường.

Ba: Nghiên cứu và phát triển những công nghệ, sản phẩm có thể thay thế cho những sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường hiện nay. Ví dụ: Chế tạo những vật liệu mới có thể phân hủy dễ, rẻ tiền thay thế cho nilon, sử dụng quang hợp nhân tạo để sản xuất điện và nhiên liệu cho các phương tiện giao thông,

Cách thứ 3 này hứa hẹn nhất, vì không yêu cầu con người phải hi sinh sự thoải mái tiện nghi, những vật liệu mới có thể phân hủy dễ, rẻ tiền thay thế cho nilon, sử dụng quang hợp nhân tạo để sản xuất điện và nhiên liệu cho các phương tiện giao thông, h vật trên Trái Đất. Việc này đòi hỏi phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là khoa học, công nghệ và có những chính sách phù hợp giúp việc đưa sản phẩm ra thị trường diễn ra hiệu quả nhất.

Tuy 3 cách có vẻ riêng biệt, nhưng trên thực tế hiệu quả nhất vẫn là kết hợp cả 3: Kiểm soát sự gia tăng dân số, tuyên truyền để nhiều người có ý thức hi sinh sự tiện nghi của bản thân để bảo vệ môi trường hơn, và tăng sự đầu tư vào giáo dục và phát triển khoa học kỹ thuật đồng thời có những chính sách phù hợp cho việc đưa những sản phẩm khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống (ví dụ việc pin mặt trời được trợ giá).

b. Về rác thải nhựa: Nhựa không phải là vấn đề, vấn đề là việc quản lý và sử dụng nhựa của con người. Tạm không bàn đến đồ nhựa sử dụng nhiều lần, hiện tại nếu thay thế đồ nhựa sử dụng một lần bằng những vật liệu khác cũng sử dụng một lần (giấy, lá, …) thì câu hỏi đặt ra là liệu những vật liệu khác có tốt hơn không? Ví dụ việc sản xuất giấy đòi hỏi phải sử dụng cây, thải ra nhiều CO2 hơn, đắt hơn và có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Việc sử dụng lá trên quy mô lớn để gói sản phẩn (lá sen, lá chuố) là điều khó khả thi, vì phải trồng thêm cây trên một diện tích lớn, việc sử dụng sẽ tốn kém hơn so với sử dụng nhựa. Vậy nên chúng ta có thể nói về cách khắc phục.

Việc đầu tiên là giảm thiểu lượng đồ dùng nhựa dùng một lần mà chúng ta dùng. Giảm thiểu ở đây nghĩa là không hay ít sử dụng, chứ không phải là sử dụng những vật liệu thay thế khác, vì như đã nói ở trên, để đánh giá toàn bộ sự ảnh hưởng của một vật liệu đến môi trường là điều rất khó, và thậm chí những biện pháp thay thế nhựa có thể còn có ảnh hưởng tồi tệ hơn đến môi trường.

Việc thứ 2 là tái sử dụng, có nghĩa là chúng ta cố gắng tận dụng tối đa tất cả những đồ vật của chúng ta. Nói riêng về nhựa, chúng ta có thể sử dụng túi nilon dùng một lần để làm túi rác sau khi túi đã được sử dụng, những chai nhựa dùng một lần có thể dùng để trồng hay tưới cây hay những hộp nhựa dùng một lần (hộp sữa chua) để đựng các vật dụng nhỏ. Nên lưu ý là việc giảm thiểu sử dụng sẽ được ưu tiên hơn, chỉ khi việc không sử dụng đồ vật nào đó là rất khó, thì ta mới nên nghĩ đến việc tái sử dụng chúng.

Việc thứ 3 là tái chế: Trong các vật liệu thông thường, chỉ có duy nhất kim loại là có thể tái chế vô số lần với chất lượng không đổi và giá thành rẻ hơn khai thác quặng làm mới. Đối với những vật liệu khác như nhựa, thủy tinh hay giấy thì mỗi lần tái chế sẽ là một lần giảm chất lượng. Ví dụ như nhựa, một chiếc cốc uống nước bằng nhựa sau một lần tái chế sẽ không đủ tiêu chuẩn để trở thành cốc uống nước nữa, nó có thể trở thành vật liệu cho mục đích khác như hộp đựng. Chiếc hộp đựng tái chế ấy nếu được tái chế một lần nữa, dường như chỉ có thể trở thành túi nilon đựng rác hoặc những sản phẩm tương tự, và chu kì tái chế sẽ dừng lại. Vì vậy, khi và chỉ khi không thể giảm thiểu, tái sử dụng, chúng ta mới nên nghĩ đến việc tái chế.

c. Về pháp luật. chính sách, tuyên truyền

– Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường để quản lý chặt chẽ, có tiến độ cụ thể đối với rác thải nhựa trong quá trình sản xuát, kinh doanh và sinh hoạt xã hội, đời sống; có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với việc tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và việc sản xuất các vật liệu bao bì thân thiện môi trường thay thế bao bì bằng nylon;

– Có cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát huy vai trò của các tổ chức hội xã hội bằng những chương trình hành động cụ thể, thiết thực trong việc tham gia chống rác thải nhựa ở cơ sở;

– Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân “nói không với túi ni lông dùng một lần và rác thải nhựa”; thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông, góp phần bảo vệ môi trường sống cho chúng ta và các thế hệ mai sau;

– Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong hoạt động chống rác thải nhựa./.

Nguyễn Quang Trung – Đồng Sỹ Tiến

 


[i] baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/bo-tn-mt-tien-phong-giam-thieu-rac-thai-nhua-1259945.html

[ii] laodong.vn/bat-dong-san/3000-nguoi-tham-gia-chien-dich-hay-lam-sach-bien-tu-te-voi-dai-duong-752198.ldo

[iii] Tính đến tháng 12/2014, theo Báo cáo đánh giá tác động Dựu án Luật Hội, năm 2015

[iv] Do Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Hà Nội và T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức

[v] Mỗi gia đình làm 2 túi/thùng rác: Một để rác phân hủy được, thùng kia để rác tái chế được