Sơn La tổ chức gặp mặt kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP

Đăng lúc: 02-08-2019 3:10 Chiều - Đã xem: 94 lượt xem In bài viết

Ngày 15/7/2019 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Hội Cựu TNXP tỉnh Sơn La tổ chức gặp mặt Kỷ niệm 69 năm ngày Truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950-15/7/2019) và trao giải thưởng sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Ngã Ba Cò Nòi anh hùng tầm vóc và giá trị lịch sử”. Dự cuộc gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Mai Thu Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí; lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh và gần 100 đại biểu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các cựu TNXP tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu đã ôn lại  lịch sử hào hùng của lực lượng TNXP Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, các thế hệ TNXP tỉnh Sơn La đã trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt trong chiến dịch Đông Xxuân năm 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng ngàn TNXP C261, C264 (thuộc Tổng cục Cung cấp[i]), Đội 34 – 40 (thuộc Đoàn TNXP “XP” trung ương), đã sát cánh cùng các  lực lượng bộ đội, dân công hỏa tuyến… đã làm nên những chiến công hiển hách tại Ngã Ba Cò Nòi anh hùng, nơi giao điểm giữa hai con đường 13 (Quốc lộ 37) với Quốc lộ 41 (Quốc lộ 6 ngày nay). Đây là cửa ngõ vào Tây Bắc, là huyết mạch giao thông nối đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ,  Ngã Ba Cò Nòi là nơi không quân Pháp tập trung đánh phá ác liệt nhất (bình quân mỗi ngày 69 tấn bom các loại) hòng chia cắt mạch máu giao thông của ta dẫn đến chiến trường Điện Biên Phủ. Nhưng dưới mưa bơm lửa đạn, hàng ngàn chiến sỹ TNXP Đội 34-40 vẫn ngẩng cao đầu dũng cảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu: mở đường, san lấp hố bom, kéo xe, kéo pháo, chuyển quân, vận chuyển hàng tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng… kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng – làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan chủ nghĩa thực dân cũ của đế quốc Pháp tại Việt Nam, mở ra một phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa trên phạm vi thế giới.

Đã gần 60 năm trôi qua, những mẩu chuyện, những kỷ niệm không thể nào quên lại dâng tràn trong ký ức của những nhân chứng lịch sử Đội 34 – 40 khi xem phóng sự “Ngã Ba Cò Nòi anh hùng – tráng ca bất tử” đã đạt giải A xuất sắc nhất do Đài phát thanh truyền hình tỉnh Sơn La thực hiện.

Di tích lịch sử “Ngã Ba Cò Nòi” thực sự là nơi khắc ghi mốc son hào hùng, chói sáng của lực lượng TNXP Việt Nam; đã được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch xếp hạng cấp quốc gia ngày 29/4/2004.

Những truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam nói chung, các thế hệ TNXP tỉnh Sơn La nói riêng lại được các tác giả chia sẻ, tri ân, tôn vinh trong Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Ngã ba Cò Nòi anh hùng – Tầm vóc và giá trị lịch sử” do tỉnh Sơn La phát động giai đoạn 2018-2019. Qua 2 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 156 tác phẩm tham dự, trong đó có 138 tác phẩm văn học nghệ thuật, 18 tác phẩm báo chí. Các tác phẩm đã tập trung khơi dậy truyền thống cách mạng, lòng tự hào về sự hy sinh cống hiến tuổi thanh xuân của hàng trăm liệt sỹ TNXP tại mảnh đất thiêng liêng “Ngã ba Cò Nòi” anh hùng.

Nhân dịp gặp mặt, ban tổ chức đã trao giải cho 58 tác phẩm: 6 giải A; 12 giải B; 14 giải C; 26 giải khuyến khích. UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 1 nhóm tác giả và 5 tác giả đạt loại A.

Cuộc gặp mặt đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các vị đại biểu và các nhân chứng lịch sử TNXP tỉnh Sơn La./.

 

                                 Nguyễn Thị Mai

                              Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Sơn La    


[i] Ngày 11 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 121/SL quy định tổ chức của Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh gồm ba cơ quan trong đó có Tổng cục Cung cấp gồm có: Cục Quân lương, Cục Quân trang, Cục Quân y, Cục Quân giới, Cục Vận tải, Cục Quân vụ và Phòng Quân khí. Tổng cục có nhiệm vụ quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng. Ngày 13 tháng 1 năm 1955, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 221/QĐ về việc đổi tên Tổng cục Cung cấp thành Tổng cục Hậu cần. Ngoài các Cục Quân y,… có từ trước, thành lập thêm các Cục: Quân nhu, Tài vụ, Doanh trại, Nông binh (ngày 23 tháng 8 năm 1955, sau đổi thành Cục Nông trường).