Hội thảo khoa học “Truông Bồn – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”

Đăng lúc: 09-11-2018 11:14 Sáng - Đã xem: 127 lượt xem In bài viết

Sáng ngày 02/11/2018, tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Truông Bồn – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động thiết thực Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Truông Bồn lịch sử (31/10/1968-31/10/2018).

Toàn cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thuận Hữu – UVT.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đắc Vinh – UV T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Thái Thanh Quý – Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

    Tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, tỉnh Nghệ An, đại diện lãnh đạo Hội Cựu TNXP Việt Nam, Hội Cựu TNXP tỉnh Nghệ An; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; các nhân chứng lịch sử, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đông đảo học sinh, sinh viên.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

      Báo cáo Đề dẫn Hội thảo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông trình bày, khẳng định: “… những nghiên cứu, tổng kết về lý luận và thực tiễn sinh động qua nửa thế kỷ đã để lại một kho tàng tư liệu và bài học lịch sử chiến tranh cách mạng quý giá về Truông Bồn. Truông Bồn không chỉ là một địa danh, một cột mốc, một bức tranh thu nhỏ về cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta trên mặt trận bảo đảm giao thông liên tục cho tuyến đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, mà còn là bài học về đường lối chiến lược của Đảng ta trong lãnh đạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam; về nghệ thuật lãnh đạo, phát huy sức mạnh toàn dân tộc… để làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975.”.

     Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: “Với Truông Bồn, chúng ta không chỉ tri ân sự hy sinh của 13 chàng trai, cô gái TNXP mà còn tri ân 1.240 Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại cung đường mưa bom, bão đạn này; tri ân sự dũng cảm, tinh thần sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì mạch máu giao thông huyết mạch, vì miền Nam thân yêu, vì Tổ quốc của lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An cũng như các lực lượng khác. Truông Bồn đã đi vào lịch sử và là biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng.”.

     Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng khẳng định: “Chúng ta đến với Truông Bồn không chỉ bằng tình cảm, trách nhiệm tri ân của thế hệ hôm nay với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, mà chúng ta còn dành cho Truông Bồn với đầy đủ những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện về giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại. Để chiến thắng Truông Bồn thật sự có ý nghĩa với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Nghệ An cần phát huy tinh thần và giá trị nhân văn cao đẹp của Truông Bồn trong mọi lĩnh vực công tác, sản xuất và chiến đấu…”.

Đại diện lãnh đạo Hội Cựu TNXP Việt Nam và Hội Cựu TNXP tỉnh Nghệ An cùng nữ cựu TNXP Trần Thị Thông (giữa) – nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317 TNXP Truông Bồn và Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Thành Nguyễn Tâm Cớn (bên trái ngoài cùng) – nguyên Đội trưởng Đội phá bom mìn, Đại đội 317 TNXP Truông Bồn

    Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận giá trị của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, Anh hùng LLVTND…, đều đánh giá: Truông Bồn cũng như nhiều tọa độ lửa “yết hầu” trên các tuyến đường chiến lược khác đã khẳng định chiến thắng của tinh thần yêu nước cách mạng, lòng quả cảm, không sợ gian khổ hy sinh của bao người con ưu tú đất Việt trước mưa bom bão đạn của kẻ thù tại một trong những trọng điểm ác liệt nhất, nơi mà tương quan lực lượng quân sự giữa ta và địch chênh lệch nhất, sự thiếu thốn gian khổ nhất của những người bám trụ sống và chiến đấu với kẻ thù. Địch dùng mọi sức mạnh quân sự hiện đại lúc bấy giờ hòng hủy diệt Truông Bồn cũng như các cung đường khác, hòng ngăn chặn việc cung cấp sức người, sức của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Nhưng với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”; “sống bám đường, bám cầu, chết kiên cường dũng cảm” … dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, chúng ta vẫn giữ vững mạch máu giao thông cho đoàn xe, đoàn quân ra tiền tuyến…

    Ban Tổ chức chọn 27 tham luận tiêu biểu in thành Kỷ yếu Hội thảo, nhằm mục đích phục vụ công tác lưu trữ và nghiên cứu lâu dài.

    Kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định, các tham luận trình bày tại Hội thảo có nhiều nội dung mới, sâu sắc và toàn diện về giá trị lịch sử của chiến thắng Truông Bồn. Thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy một cách tốt nhất giá trị của Khu di tích lịch sử Truông Bồn[i], để Khu di tích thật sự trở thành di tích quốc gia đặc biệt, nơi tôn vinh giá trị lịch sử cách mạng, không gian văn hóa tâm linh và là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời cũng thể hiện sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay với các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương, tuổi thanh xuân của mình cho quê hương đất nước./.

Hà Dũng


[i] Ngày 12/01/1996, di tích Truông Bồn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia