Huyền thoại Truông Bồn – sự thật lịch sử càng làm cho cõi thiêng lay động lòng người!

Đăng lúc: 04-10-2018 9:10 Sáng - Đã xem: 183 lượt xem In bài viết

 Sự mất mát, hy sinh nào trong cuộc sống cũng đáng trân trọng! Càng đáng trân trọng và tự hào khi đó là sự mất mát, hy sinh vì nước! Tấm gương nghĩa liệt của những TNXPxả thân vì nước ở Tiểu đội 2 Đại đội 317 Truông Bồn sáng sớm ngày 31/10/1968 là như vậy. Sự hy sinh cao cả này xứng đáng với sự niềm tự hào của cả dân tộc, nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn trân trọng, giữ gìn! Bởi máu xương của các chị, các anh đã hòa vào lòng đất mẹ, anh linh bất diệt của các chị, các anh đã hòa cùng khí thiêng sông núi để giữ vững nền độc lập tự do của Tổ quốc! Truyền thống Lạc Hồng của chúng ta là như vậy!

Dọc chiều dài đất nước, suốt cuộc trường chinh chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, khí tiết oanh liệt, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do ngời sáng khắp nơi nơi. Chỉ nói riêng về lực lượng TNXPvà du kích thôi thì những tấm gương dũng cảm hy sinh oanh liệt như vậy cũng đâu phải chỉ có Truông Bồn, mà chúng ta còn đó rất nhiều tấm gương nghĩa liệt ngời sáng như: Tấm gương 10 liệt nữ ở Ngã ba Đồng Lộc; tấm gương 10 nữ du kích Lam Hạ[i]; tấm gương 13 nữ TNXP hy sinh ở Đông Sơn, Thanh Hóa[ii]; tấm gương về 8 nữ TNXP hy sinh do bom Mỹ đánh sập hang đá nơi các cô trú ẩn để rồi thành di tích Hang Tám cô huyền thoại ở Cây số 34, Đường 20 Quyết Thắng[iii]; tấm gương Tiểu đội 10 nữ du kích Nam Phú bên dòng sông Bến Hải[iv]; rồi tấm gương 11 nữ du kích sông Hương[v],…

Viết về huyền thoại Truông Bồn là viết về một nốt son huyền thoại trong cuộc trường chinh giữ nước của chúng ta, bởi đây là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của ý chí gan góc, kiên cường, bất chấp hiểm nguy vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất non sông! Bởi tấm gương oanh liệt hy sinh của Tiểu đội 2 Đại đội 317 TNXP sáng sớm ngày 31/10/1968, rơi vào những giờ khắc điên cuồng cuối cùng của giặc Mỹ trước khi chúng phải thực hiện cam kết hạn chế ném bom toàn miền Bắc Việt Nam, như một nốt son vút lên cao trong khúc tráng ca hào hùng bất tử của quân và dân ta, vì vậy mà ngày này được chọn là ngày tưởng niệm về Truông Bồn; dù bên cạnh còn hàng ngàn liệt sĩ đã xả thân hy sinh vì nước ở Truông Bồn[vi]. Cũng có thể gọi theo cách khác, ngày 31/10 hàng năm là ngày kỷ niệm Chiến thắng Truông Bồn, bởi vì dù bom Mỹ có thể cướp đi sinh mạng của các chị, các anh nhưng không thể khuất phục ý chí của chúng ta vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do. Dù bị cày xé bằng hàng chục nghìn tấn bom đạn nhưng đường ra tiền tuyến vẫn luôn được giữ thông, sức người, sức của vẫn kịp thời được đưa tới miền Nam để đánh giặc! Chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về chúng ta. Chúng ta đã chiến thắng bằng ý chí quật cường và niềm tin sắt son vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc!

Toàn cảnh Khu tưởng niệm Truông Bồn. Ảnh Sỹ Minh

Về Truông Bồn hôm nay, cuộc sống đã hồi sinh mạnh mẽ ngay trên “Tọa độ chết” năm xưa. Bằng tấm lòng tri ân của cả nước, khu tưởng niệm Truông Bồn đã được xây dựng lại bề thế, khang trang, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các chị, các anh, của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ! Từng giờ, từng ngày, nơi đây luôn ngát thơm hương hoa, hòa quyện cùng tiếng chuông thỉnh nguyện để nâng giấc cho anh linh các chị, các anh, hòa cùng khí thiêng sông núi, đất trời và cũng như là để nhắc nhở thế hệ đi sau phải luôn khắc sâu tấm lòng tri ân, sống sao cho xứng đáng, noi gương các chị, các anh để giữ vững thành đồng Tổ quốc, xây đắp non sông, đất nước ngày càng giàu mạnh, tự do!

Ngày nay Truông Bồn tràn đầy sức sống, vẫn là nơi chứa đựng biết bao điều cần nói. Để sự thật lịch sử được trả lại nguyên vẹn, đầy đủ và được tôn vinh xứng đáng như ngày hôm nay, đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức, trách nhiệm của nhiều người, mà trong đó tiếng nói những nhân chứng sống từ tuyến lửa Truông Bồn là vô cùng quan trọng! Vấn đề còn lại là, tất cả những thông tin đã được bạch hóa đó, cần phải được chuyển tải đầy đủ đến với mọi người, để mọi người hiểu rõ hơn về huyền tích Truông Bồn cũng như ngọn nguồn những câu chuyện liên quan, dù rằng có thể sẽ không tránh khỏi những đụng chạm nhất định.

Ngược về Truông Bồn ngày định mệnh 31/10/1968… và những sự hy sinh “lặng thầm như đất” kết tinh thành huyền thoại…

Tháng 10, trời xanh ngăn ngắt, chúng tôi về thăm lại Truông Bồn. Đã từng rất nhiều lần về nơi này, đã từng cố gắng tìm tòi nghiên cứu, đã từng nghe nhiều người kể về thời hoa lửa đấy, nhưng mỗi lần về nơi đây, trong lòng chúng tôi đều rưng rưng cảm xúc!

… Chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ sáng ngày 31/10/1968, Truông Bồn đã phải hứng chịu 3 đợt oanh kích của đế quốc Mỹ. Theo số liệu thống kê được, 164 quả bom các loại rải xuống phạm vi 120m chiều dài và 50m chiều ngang. Ngay loạt bom đầu tiên vào lúc 6h10 sáng hôm đó, 13 chiến sĩ TNXP của Tiểu đội 2, Đại đội 317 mãi mãi dừng lại tuổi đôi mươi. Thi hài 6 chiến sĩ được tìm thấy, máu xương 7 chiến sĩ còn lại đã mãi mãi hòa vào đất, trời. Duy nhất một người may mắn thoát chết hy hữu, nhờ cài đầu nòng súng trường còn nhô lên khỏi mặt đất nên được đồng đội tìm thấy trong tình trạng ngất xỉu vì bom vùi. Đó chính là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông như mọi người đã biết.

Không nghẹn lòng sao được, khi chỉ ngày mai nữa thôi, 7 nữ chiến sĩ của đại đội TNXP 317 sẽ lên đường nhập học và cũng chỉ ngày mai, anh Cao Ngọc Hòa, chị Nguyễn Thị Tâm sẽ về nhà làm lễ thành hôn,… Các chị, các anh được phép không phải ra chiến hào hôm đó. Nhưng không, còn sống ở Truông Bồn một ngày là một ngày là các chị, các anh còn cầm cuốc, cầm xẻng. Với họ: “Tim có thể ngừng đập, đường không thể tắc”. Bằng tinh thần ấy, họ lao ra chiến hào. 13 chiến sĩ, 13 ước mơ tuổi mười tám đôi mươi mãi mãi còn gác lại. Thân thể các chị, các anh đã hòa vào đất trời, để hôm nay, “Tọa độ chết” năm xưa đã liền một màu xanh ngắt của ngàn thông xen lẫn sắc tím của những đồi mua đua sắc; từng đoàn người, mọi cấp mọi ngành, rồi các cựu TNXP trên cả nước, các em học sinh từ khắp các tỉnh thành xung quanh, đến các đoàn du khách nước ngoài,… đang lặng lẽ viếng thăm các chị, các anh.

Vâng ạ, chỉ chưa đầy một giờ nữa thôi, đến 7 giờ sáng hôm đó, Cao Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Tâm sẽ được đưa nhau về nhà của Tâm để chú rể ra mắt nhà gái trong lễ đính hôn, nhưng điều đó mãi mãi không thành hiện thực; để cho câu thơ tưởng niệm các nữ TNXP đã hy sinh của Trần Tuấn càng trở nên trĩu nặng thương yêu khắc khoải: Đường làng tháng giêng dài ra hút tắp/ Em không về, vắng một cuộc đưa dâu!

Mà đâu phải chỉ có Nguyễn Thị Tâm. Làm sao có thể kể hết bao nhiêu cô gái TNXP mãi mãi không bao giờ có niềm hạnh phúc một lần làm cô dâu! Mơ giấc mơ về một tổ ấm gia đình như mười cô gái Đồng Lộc trước đó, như hàng ngàn ngàn cô gái TNXP mở những tuyến đường ra trận đã không về! Đau đớn hơn, rất nhiều người đã mang cả tuổi trẻ ra trận, khi hy sinh không tìm thấy thi thể, nay phụng thờ không có di ảnh và có liệt sĩ không còn thân nhân để thờ tự. Vâng ạ, còn sự hy sinh nào lớn hơn thế!?

Người viết bài này đến thăm gia đình cô Trần Thị Thông ở phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào một buổi chiều cuối thu, đang đợt áp thấp đầu mùa, sau cơn dông trời dịu mát hẳn. Trong khoảng sân nhỏ khá mát mẻ, liền phía trước là Nhà thờ họ, câu chuyện được bắt đầu bằng cốc nước chè vối dịu ngọt, bác Lê Hải Diên (chồng cô Thông) bảo, chúng tôi tuổi già không dám uống chè xanh nữa chú ạ, vì sợ mất ngủ, dù đôi lúc cũng thèm lắm! Từ câu chuyện của cô Thông, từng gương mặt, từng giọng nói, tiếng cười, từng buổi lao động quên mình trong bom đạn với tinh thần “đường chưa thông, không tiếc máu xương”, từng kỷ niệm tuổi thanh xuân của một thời hoa lửa đều như hiện về rõ mồn một! Cô tâm sự: “Tôi cũng đã nói nhiều lần rồi. Hơn 20 năm trước, sau khi xem ti vi, nhiều người chất vấn diễn lại cảnh Truông Bồn răng không có mi hả Thông? Tôi nghĩ có hay không chả thành vấn đề chi! Sống được với con cháu đến lúc ni là may mắn lắm rồi! Nhưng đến hôm nay, tôi và nhiều người đồng đội còn sống đã có thể nở nụ cười mãn nguyện. Đồng đội chúng tôi đã hy sinh tại Truông Bồn cũng đã có thể ngậm cười nơi chín suối. Chúng tôi không đòi hỏi chi cả, nhưng không mần thì thôi, mần thì phải cho đúng. Cùng làm, cùng ăn, cùng ở, cùng chịu hòn tên mũi đạn như nhau và cùng thịt nát xương tan, người được người không, tội lắm…!!!”

Tác giả bài viết chụp ảnh cùng cô Trần Thị Thông, chiều muộn ngày 01/10/2018

Cô cũng nhắc lại, tiểu đội chỉ có 12 nữ, 1 nam, nam là anh Cao Ngọc Hòa, cũng của C317 chuẩn bị xuất ngũ, trong khi chờ đợi làm thủ tục, Đại đội tạm thời cử anh về bổ sung cho Tiểu đội 2. Còn anh Trần Văn Hạp hy sinh cùng trong trận bom đó là trực ban của Chi bộ và Chỉ huy Đại đội, thời gian đó chỉ huy đại đội và các tiểu đội còn lại đang đi làm nhiệm vụ ở vị trí khác, anh ở lại trực và cùng ra san lấp hố bom với Tiểu đội 2.

Nối tiếp mạch vấn đề, chúng tôi tìm về gặp ông Nguyễn Tâm Cớn ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành; những năm tháng ở Truông Bồn, ông Cớn là tổ trưởng tổ phá bom của Đại đội 317 (lúc đó ông còn có tên gọi là Nguyễn Bích Cớn). Qua ông, chúng tôi biết chính xác Đại đội 317 ngày ấy có quân số 127 người, nay chỉ còn hơn 60 người. Mỗi cựu đội viên đều được ông ghi chi tiết hoàn cảnh gia đình, nơi cư trú. Dường như đã đi qua những năm tháng khốc liệt, chịu đựng quá nhiều thử thách của chiến tranh nên cũng như bà Thông, ông Cớn luôn xem mỗi ngày bình yên, không đạn không bom, được thanh thản đi thăm bạn bè đã là hạnh phúc.

Bà Phạm Thị Thuần cũng là một cựu TNXP của Đại đội 317, bà ở xã Vĩnh Thành, Yên Thành. Cho đến năm mà Tiểu đội 2 Đại đội 317 được truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND (2008) và Truông Bồn được bắt đầu được khởi động tôn tạo lại với quy mô của ngày hôm nay, thì do hoàn cảnh mà nhà của bà Phạm Thị Thuần cũng vẫn chỉ căn nhà gỗ 2 gian ọp ẹp, dột nát, đến cả chiếc giường gỗ cũng đã lung lay và gãy vai được tháp bởi một đoạn gỗ thô vụng. Còn bản thân bà thì, do những trận bom ở Truông Bồn cộng với tuổi tác đã khiến hai tai bà gần như điếc hẳn. Nhưng bà vẫn cười nói: “Ừ, thì nằm cái giường gãy như vậy nhưng vẫn ngủ ngon vì không còn nghe kẻng báo động, nghe tiếng máy bay, tiếng bom nổ như hồi xưa!”

Còn rất nhiều những sự hy sinh lặng thầm như vậy nữa, chính những tấm gương hy sinh “lặng thầm như đất”, những sự thật lịch sử ấy đó đã góp thêm vào để kết tinh thành huyền thoại Truông Bồn lưu danh hậu thế, để lớp lớp thế hệ đi sau phải luôn nhớ rằng, thế hệ cha anh đã chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Như trong một bài thơ của Thanh Thảo: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Tuổi hai mươi làm sao không tiếc?/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc!…”

Đến câu chuyện tiến hành các thủ tục cần thiết để truy tặng Danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND cho Tiểu đội thép ở trọng điểm Truông Bồn từ năm 1997…

Khoảng năm 1997, với tinh thần dẫu muộn còn hơn không, một quyết định từ trên xuống là khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để truy tặng tập thể tiểu đội thép ở trọng điểm Truông Bồn danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Mọi thủ tục được tiến hành nhanh chóng. Tất nhiên không thể thiếu được một bộ phim tài liệu về những chiến sĩ TNXP của Tiểu đội thép Truông Bồn. Ngoài ra, một số bài báo thời điểm ấy cũng đã viết với nội dung tương tự.

Phim được phát hành rộng rãi. Nhưng đùng cái, có nhiều ý kiến phản ánh đến các cơ quan có trách nhiệm rằng trong bộ phim tài liệu phóng sự ấy có 2 nhân vật không phải là người của Tiểu đội 2 Đại đội 317! Và quan trọng hơn, nhân vật chính dẫn chuyện trong phim, xưng là tiểu đội phó Tiểu đội 2 không phải là chị Trần Thị Thông!

Hóa ra duyên do cũng vì bệnh thành tích mà ra. Khi ấy người ta đã dàn xếp và thỏa thuận hồn nhiên điều và gắn chị P. (mất vì bệnh sốt rét) và chị B. của một đại đội khác (C304) còn sống (nhân vật dẫn chuyện trong bộ phim nọ) vào Tiểu đội 2 của Đại đội 317 Truông Bồn!

Đó chính là điều buộc những người có tâm huyết, trách nhiệm và các nhân chứng sống phải vào cuộc, trong đó người có công đầu phải kể đến là nhà báo Nguyễn Giao Hưởng, phóng viên Báo Lao Động thường trú ở thành phố Vinh. Câu chuyện dùng dằng mãi, nên vì thế, phải mất bao nhiêu công sức, thời gian, huyền thoại Truông Bồn, nhất là sự kiện Tiểu đội 2 Đại đội 317 hy sinh sáng sớm ngày 31/10/1968 mới được làm sáng tỏ.

Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An. Trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 2 chiến sĩ nam đã anh dũng hy sinh. Chỉ mình cô Trần Thị Thông còn sống.

Ngẫm lại mới thấy, bệnh thành tích, cách làm hời hợt, dối trá, dẫu không vì vụ lợi, có thể được coi là sai phạm nhẹ nhàng hơn ở lĩnh vực nào đó. Nhưng với lịch sử, đó là điều khó có thể tha thứ! Cũng qua đó mới thấy hết được sự khiêm nhường và đức hy sinh vô cùng cao cả của thế hệ cha anh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, cũng như công sức khó nhọc của những con người giàu tâm huyết và trách nhiệm với lịch sử. Để cho con cháu hôm nay được tìm về nguồn cội với ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình với lịch sử cũng như tương lai của đất nước.

Hôm nay đây, về thăm lại Truông Bồn, lòng rưng rưng xúc động khi thắp nén tâm nhang dâng lên anh linh của hàng ngàn TNXP liệt sĩ, của 13 anh chị Tiểu đội 2 Đại đội 317 năm xưa, của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao phải hy sinh cả khi Truông Bồn đã không còn là “túi lửa” như trước đó vài tháng[vii]. Lần giở cuốn sổ lưu niệm tại nơi đây, một lần nữa mắt tôi lại ngấn lệ và sống mũi cay xè, khi gặp dòng bút tích của một vị khách người Mỹ, ký tên là Alfred Postell: “Tôi đã từng đi thăm nhiều đài tưởng niệm chiến tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng không có nơi nào mang lại xúc cảm mãnh liệt như Truông Bồn. Nó mang lại cho người ta cảm giác vừa đau đớn, vừa kinh ngạc. Từ một đài tưởng niệm hữu hình, nó khắc ghi trong tim mỗi người một đài tưởng niệm vô hình mà day dứt, không thể nào quên!”.

Cũng như mọi người, trong lòng chúng tôi xen lẫn niềm vui và xúc động. Vui vì Khu tưởng niệm Truông Bồn đã được xây dựng lại khang trang, bề thế trên diện tích 217.327m2, gồm 21 hạng mục chính; ban thờ 13 liệt sĩ Tiểu đội 2 Đại đội 317 cũng như tất cả các liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn đã đàng hoàng thơm tỏa hương hoa, tri ân các chị, các anh, những người anh hùng đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”! Xúc động vì tấm lòng của các thế hệ đi sau biết thành kính phụng thờ và trân trọng, giữ gìn truyền thống cách mạng.

Rời khu di tích, “Âm vang Truông Bồn” của Hoàng Thi cứ văng vẳng trong tôi suốt chặng đường về: “Em hát lời đất mẹ/Truông đỏ máu kiên cường/Tôi ru lời lặng lẽ/Khấn mười ba linh hồn…”./.

 

                                     Ths. Nguyễn Văn Đổng

Tòa án quân sự Quân khu 4

 


[i] Tiểu đội 10 nữ du kích Lam Hạ (xã Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam) được ví như Đồng Lộc thứ hai; các chị đã ngã xuống ngày 01/10/1966 vì bom Mỹ dội xuống giữa trận địa pháo.

[ii] Tiểu đội 13 nữ TNXP thuộc c873, Đội 87 TNXP, đóng quân và hy sinh dưới chân Núi Nấp, giữa xã Đông Hưng và Đông Văn, Đông Sơn, Thanh Hóa, do bị bom tọa độ của giặc Mỹ dội trúng vào lúc 20h45 ngày 11/5/1967, khi dự kiến 15 phút nữa các chị sẽ sửa chữa xong đoạn đường sắt bị phá hỏng bởi trận bom trước đó, khi hy sinh trên tay các chị vẫn cầm chắc dụng cụ!

[iii] Cây số 34, đường 20 Quyết thắng, tức là nhánh phía đông, đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Mỹ, thuộc địa phận huyện Bố Trạch, Quảng Bình, gần biên giới Việt – Lào.

[iv] Tiểu đội 10 nữ du kích Nam Phú bên dòng sông Bến Hải được ví như “Tề Thiên Đại Thánh”, bởi giữa bom đạn cày xé, các chị vẫn sống và gùi lương, tải đạn ra các trận địa cho bộ đội đánh giặc nhanh như hô biến vậy; cả Tiểu đội đã được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu của Người năm 1966!

[v] Bia tưởng niệm tiểu đội nữ du kích sông Hương được di dời từ khu vực ngã ba Lê Quý Đôn – Bà Triệu, Huế lên khu quy hoạch ở phường Vỹ Dạ, nơi không gắn với bất kỳ chiến công nào của tiểu đội này, nên đang có nhiều người phản đối, nhất là những nhà nghiên cứu lịch sử.

[vi] Tại “túi lửa” Truông Bồn có có tất cả 1240 liệt sĩ đã hy sinh do bom Mỹ.

[vii] Anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao, là sĩ quan, kỹ sư phá bom từ trường, ngày 30/12/1968, khi đi ngang qua Truông Bồn, đã dừng lại để phá hai quả bom còn cắm trên sườn đồi chưa nổ, theo đề nghị của địa phương, nhưng thật không may, anh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phá bom.