Kỷ niệm 60 năm thanh niên xung phong xây dựng đường sắt Đông Anh -Thái Nguyên

Đăng lúc: 28-05-2019 9:13 Sáng - Đã xem: 115 lượt xem In bài viết

Ngày 25/5/2019, tại hội trường Trường Cao đẳng nghề Đường sắt, Gia Lâm, Hà Nội, Ban Liên lạc Cựu TNXP Công trường Thanh niên xây dựng đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên đã tổ chức cuộc gặp mặt kỷ niệm 60 năm TNXP xây dựng đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên (1959- 2019) với sựu có mặt của 250 đại biểu là cựu cán bộ, đội viên TNXP Công trường thanh niên xây dựng đường sắt Đông Anh- Thái Nguyên của 9 tỉnh, thành phố phía Bắc tham gia xây dựng.

Đến dự hội nghị có các đồng chí: Đoàn Duy Hoạch, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đại diện Đoàn TNCSHCM, Công đoàn Đường sắt Việt Nam; Đào Thanh (92 tuổi), nguyên Phó Cục trưởng cục Công trình I, nguyên Phó Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp công trình I (nay là CIENCO1), nguyên Chỉ huy trưởng Công trường xây dựng đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên; đại diện Hội Cựu TNXP thành phố Hà Nội, Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên; đại diện Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái

Thay mặt Ban liên lạc, Trưởng ban Vương Kim (ảnh trên) đã ôn lại quá trình tổ chức và xây dựng trên Công trường Thanh niên xây đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên.

Sau khi giải phóng miền Bắc (1954), Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện đường lối chiến lược đưa miền Bắc nước ta tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đồng thời với miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Thực hiện việc khôi phục kinh tế sau chiến tranh và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm (1961-1965), chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp nặng và phát triển kinh tế các tỉnh Miền núi phía Bắc, năm 1959, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng tuyến đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên, vận tải phục vụ cho khu gang thép Thái Nguyên, con chim đầu đàn của công nghiệp Việt Nam lúc đó.

Đồng chí Đoàn Duy Hoạch

Ngày 11/7/1959, Bộ Giao thông và Bưu điện (GTBĐ), Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam, Tổng cục Đường sắt Việt Nam, đã tổ chức khởi công xây dựng tuyến Đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên. Công trường I, Công trường II đã được thành lập. Bộ GTBĐ cử đồng chí Đào Thanh (khi đó 32 tuổi) làm Tổng chỉ huy Công trường xây dựng.

Cũng trong tháng 7/1959, Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam và Đảng uỷ Tổng cục Đường sắt đã Quyết định thành lập “Công trường thanh niên xây dựng đường sắt Đông Anh- Thái Nguyên”, huy động 15.000 thanh niên từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định tham gia xây dựng; điều động 70 cán bộ đoàn về Công trường để tổ chức thực hiện[i].

Đồng chí Đào Thanh

Với khối lượng xây dựng gần 120 km đường sắt, đào đắp 35 triệu m3 đất đá đắp nền đường, rải 47.216 m3 đá dăm, đặt 5.500 tấn ray, xây dựng 14 cầu, 50 cống, 7 nhà ga và hệ thống thông tin, tín hiệu từ Đông Anh đến ga Lưu Xá (Thái Nguyên) là một khối lượng rất lớn. Mặt khác đất nước vừa giải phóng, ta lại chưa có kinh nghiệm xây dựng đường sắt và những công trình lớn, phương thức thi công chủ yếu bằng thủ công, chưa có máy móc, nhưng với quyết tâm của Đảng và Nhà nước, cộng với sức trẻ và nhiệt huyết của lực lượng thanh niên, nên chỉ 14 tháng thi công, Công trường xây dựng đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên đã hoàn thành xây dựng xong hệ thống đường sắt, cầu cống, nhà ga, thông tin, tín hiệu, thông đường từ Đông Anh đến Thái Nguyên, vượt kế hoạch 4 tháng 2 ngày so với tiến độ đề ra.

Đồng chí Sơn Thạch

Ngày 30/8/1960, tại nhà ga Đông Anh, thay mặt cho Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Lam, Thứ trưởng Bộ GTBĐ kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục đường sắt Dương Bạch Liên, đã cắt băng khánh thành, thông tuyến đường sắt Đông Anh-Thái Nguyên. Ngày 31/8/1959, các chuyến tàu chở khách đầu tiên từ Hà Nội đã đến ga Lưu Xá, Thái Nguyên.

Đây là một kỳ tích, là sức mạnh của trí tuệ, của tuổi trẻ, của TNXP Việt Nam trên Công trường xây dựng lúc bấy giờ. Ghi nhận thành tích của thanh niên trên công trường, Đảng và Nhà nước, Hồ Chủ tịch đã quyết định tặng 4 Huân chương Lao động hạng nhì, 6 Huân chương Lao động hạng Ba cho 8 tập thể và 2 cá nhân; Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam đã tặng bằng khen cho 20 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trên Công trường xây dựng. Điển hình là các tập thể Công trường II, Đội đặt đường, C9 Công trường I, Ban mộc, Đội cầu 1 của Đội cầu Trần Quốc Bình, Đội kiến trúc 1, C203 của Công trường II, C209 Đội đặt đường, các ông Trần Văn Mãn, Vũ Văn Trí công nhân Đội cầu Trần Quốc Bình và nhiều tập thể cá nhân tiêu biếu khác. Đã có 119 đoàn viên được kết nạp vào Đảng, 1.030 thanh niên được kết nạp vào Đoàn.

Kết thúc công trình, đại bộ phận anh chị em được biên chế vào Công ty 2, Công ty 4, được điều động chuyển sang Cục Công trình I, phụ trách đảm bảo giao thông từ Thanh Hoá vào tới Quảng Bình, phục vụ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ. Một số đồng chí được cử đi học chuyển về công tác các ngành kinh tế khác, một số bổ sung cho quân đội, một số chuyển về địa phương.

Tháng 10/2003, các cựu TNXP trên công trường đã thành lập Ban liên lạc, tìm lại đồng đội. Trải qua 16 năm hoạt động, 4 lần gặp mặt, kỷ niệm 50 năm, 60 năm Công trường xây dựng, tay bắt, mặt mừng. Ban liên lạc đã thực hiện hoạt động “nghĩa tình đồng đội”, làm nhân chứng lịch sử, giúp cho các địa phương giải quyết chế độ chính sách cho hội viên. Đến nay đã có trên 1.000 đồng chí được Trung ương Đoàn tặng Kỷ niệm chương TNXP, xây dựng 7 nhà tình nghĩa giúp các hộ nghèo, tặng 14 sổ tiết kiệm cho các hội viên khó khăn, đã có 22 hội viên được hưởng trợ cấp 1 lần, hưởng BHYT.

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Đoàn Duy Hoạch, Đào Thanh, Sơn Thạch (Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Hà Nội), đều ghi nhận sự cống hiến lớn lao của các cựu TNXP trên Công trường Thanh niên xây dựng đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên; chúc các cụ sống vui, sống khoẻ, tiếp tục góp sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước, góp phần giáo dục con cháu, thế hệ trẻ tiếp tục truyền thống cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

                                              NGÔ VĂN TUYẾN

 


[i] Nguồn tư liệu: Lịch sử Đường sắt Việt Nam; Ban LL TNXP Công trường xây dựng đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên.