Kỳ vọng từ những lá phiếu tín nhiệm

Đăng lúc: 21-10-2023 7:57 Sáng - Đã xem: 146 lượt xem In bài viết

Tại kỳ họp thứ 6 khai mạc tuần tới, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để cán bộ tự nhìn lại quá trình công tác, tự soi tự sửa. Đặc biệt, kết quả lấy phiếu sẽ là cơ sở để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, không phải chỉ là kênh thông tin tham khảo.

ĐBQH Vũ Trọng Kim.

KHÔNG CÒN ĐỦ UY TÍN PHẢI NGHỈ

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã từng được tiến hành nhiều lần, song lần này có gì khác so với trước đây, thưa ông?

Nghị quyết 96 lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua dựa trên Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Với Nghị quyết 96 quy định rõ ràng về quy trình, hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, tôi tin rằng Quốc hội sẽ đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất cán bộ thông qua lá phiếu của các đại biểu. Thông qua việc này sẽ giúp sức cho việc xây dựng, bồi dưỡng, bố trí một đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ.

Ông Vũ Trọng Kim

Cụ thể hóa Quy định 96 của Đảng, Nghị Quyết 96 đã quy định rõ việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhệm sẽ là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là điểm mới rất đáng chú ý. Việc lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ để “tham khảo” trong đánh giá cán bộ như trước đây.

Theo đó, kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm ảnh hưởng trực tiếp đến việc cán bộ có còn ngồi “ghế” đó nữa hay không.

Nghị quyết quy định rất rõ, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức. Nếu không xin từ chức, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Khi cán bộ không còn đủ uy tín, sẽ không thể ngồi vào vị trí hiện tại mà buộc phải từ chức, hoặc nếu không từ chức, các cơ quan liên quan cũng cho nghỉ.

Một điểm nhấn nữa là kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết.

Theo ông, việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm có tác dụng như thế nào?

Việc công khai kết quả chậm nhất là ba ngày kể từ ngày nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được thông qua.

Quy định này có tác dụng để cử tri, nhân dân cả nước cùng tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, giám sát chất lượng thực thi nhiệm vụ, chức trách được giao của các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 23/10, dự kiến bế mạc sáng 29/11. Quốc hội sẽ họp tập trung và kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 là 15 ngày, từ ngày 23/10 đến ngày 10/11; Đợt 2 là 7,5 ngày, từ ngày 20/11 đến ngày 29/11.

Theo dự kiến, từ 16h ngày 24/10, Quốc hội bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, kết quả sẽ được công bố vào chiều 25/10.

Khi người dân có những thông tin, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ biết được mức độ tín nhiệm của từng cán bộ cụ thể, giúp việc đánh giá công tác đề bạt, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ được tốt hơn.

Tuy nhiên, cần tránh việc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để làm xấu hình ảnh hoặc làm ảnh hưởng đến danh dự cũng như cá nhân cán bộ, gây mất đoàn kết trong nội bộ.

Lấy phiếu tín nhiệm như một hình thức “chấm điểm” cán bộ. Theo ông, để việc “chấm điểm” được thực chất, công tâm, khách quan, trách nhiệm của người cầm lá phiếu quan trọng ra sao?

Để việc lấy phiếu tín nhiệm chính xác, thể hiện đúng kết quả mà các chức danh đã thực hiện trong nửa nhiệm kỳ của Quốc hội, cần phải có những bước chuẩn bị chặt chẽ.

Đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm cần phải trình bày đầy đủ về quá trình làm việc, kết quả tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu một cách toàn diện, kể cả việc nêu gương – không những của cán bộ mà vợ con, người thân cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng. Vì thế, bản tự kiểm điểm ưu khuyết điểm trong quá trình làm việc tu dưỡng đó phải trung thực, được cung cấp sớm cho đại biểu.

Để bảo đảm chính xác, người “chấm điểm” cũng cần có đủ thông tin, tìm hiểu và có một quá trình theo dõi, giám sát cán bộ, để tránh việc cảm tính, lợi dụng phiếu của mình làm thiệt hại đến danh dự, uy tín của người khác. Và đặc biệt, phải dựa vào kết quả công việc cụ thể, không chỉ dựa vào những bản báo cáo đơn thuần.

Như vậy, việc ghi phiếu tín nhiệm đòi hỏi đại biểu phải có quá trình tìm hiểu về cán bộ đó một cách công phu, cụ thể và rõ ràng, không chạy theo dư luận, thiếu căn cứ xác đáng.

Lấy phiếu tín nhiệm, tuy là việc quan trọng, cần thiết, nhưng đây là một việc làm bình thường trong vấn đề xem xét đánh giá cán bộ, sắp xếp, bố trí, sử dụng đúng cán bộ thường kỳ. Không thể coi đó chỉ là thủ tục hành chính, làm qua loa, hình thức, lãng phí công sức.

LOẠI NGAY CÁN BỘ VẬN ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT

Thưa ông, trong hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, liệu có xảy ra việc vận động hành lang không và cần làm gì để ngăn chặn việc này?

Toàn cảnh phiên họp báo do Văn phòng Quốc hội tổ chức chiều 19/10.

Vận động hoặc có hành vi trái pháp luật; Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc nhằm tác động đến đại biểu trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hành vi bị nghiêm cấm.

Nếu phát hiện ra cán bộ có hành vi như vậy cần phải “loại từ vòng gửi xe”. Có nghĩa là không cần biết kết quả lấy phiếu ra sao, phát hiện vận động trái pháp luật thì cần phải miễn nhiệm ngay, vì những người này không xứng đáng.

Để ngăn chặn hiện tượng này, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và khách quan của các đại biểu Quốc hội. Nếu nhận được lời mời, ngỏ ý vận động không trong sáng, đại biểu cần báo cáo ngay đến cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.

Trên thực tế, có những cán bộ hôm nay lấy phiếu thì đạt tín nhiệm cao, song có thể ngày mai lại phát hiện ra sai phạm lớn dẫn đến bị kỷ luật, xử án tù. Chúng ta nên nhìn nhận câu chuyện này thế nào, thưa ông?

Tham nhũng, tiêu cực hiện nay rất tinh vi. Thực tế, phải bằng nhiều công cụ khác nhau mới có thể phanh phui ra tham nhũng, tiêu cực của cán bộ.

Sự tinh vi ở đây là cán bộ có làm việc, có kết quả nhưng lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi cá nhân. Ví dụ như trong chống dịch Covid-19, rõ ràng những cán bộ mắc sai phạm có lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng chống dịch, nhưng việc làm này là không thực chất, lợi dụng quyền hạn của mình câu kết với doanh nghiệp để trục lợi.

Lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát của Quốc hội, còn hoạt động thanh tra, điều tra phát hiện vi phạm pháp luật là một kênh để các đại biểu tham khảo, từ đó đưa ra quyết định mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu. Cần kết hợp các biện pháp với nhau, không phải giám sát là biện pháp duy nhất.

THANH LỌC CÁN BỘ “KÝ SINH”, “TẦM GỬI”

Một số ý kiến lo ngại với những cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, thậm chí không ngại va chạm sẽ dễ nhận được tín nhiệm thấp, còn những người giữ mình, không làm gì có khi lại được tín nhiệm cao. Quan điểm của ông thế nào?

Trước hết, cán bộ mà không dám nghĩ, dám làm là người thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm và không có năng lực thực sự.

Xã hội luôn vận động và phát triển, nếu ta chỉ đứng im một chỗ, không nhúc nhích thì khác nào vật cản. Cán bộ lãnh đạo mà do dự không làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tức là tự biến mình trở thành vật cản.

Chúng tôi – các ĐBQH và nhân dân sẽ nhìn ra điều đó, vì vậy chắc chắn sẽ không có chuyện không làm gì, giữ mình lại có phiếu tín nhiệm cao. Những người như thế tôi gọi đó là cán bộ “ký sinh”, sống “tầm gửi”, cần phải loại khỏi đội ngũ cán bộ.

Ngược lại những người, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo vì lợi ích chung, không tư lợi, nếu có sai sót, khuyết điểm sẽ được nhìn nhận một cách khách quan. Bởi những cái mới thường chưa có tiền lệ, đôi khi trong thực tế có vướng mắc, thậm chí là khuyết điểm.

Muốn làm được điều này, người “chấm điểm” cần thực sự công tâm khách quan, có bản lĩnh và có hiểu biết về người được lấy phiếu tín nhiệm.

Cảm ơn ông!

Cán bộ được lấy phiếu đã gửi kê khai tài sản

Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, các chức danh không lấy phiếu là các nhân sự không còn giữ vị trí được phê chuẩn, các nhân sự đã có thông báo nghỉ hưu, chờ nghỉ hưu và các nhân sự mới được bổ nhiệm trong năm 2023.

Quốc hội khóa XV đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh. Hiện, có 49 người đang giữ vị trí và 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023. Như vậy, sẽ có 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm báo cáo kiểm điểm công tác, báo cáo về kê khai tài sản.

Trong báo cáo kiểm điểm công tác có tiêu chí về trách nhiệm nêu gương của vợ con, người thân.

“Đến thời điểm hiện tại chưa nhận được thông tin gì liên quan gì đến phản ánh đối với người được lấy phiếu tín nhiệm”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, Ban Công tác đại biểu tiếp tục theo dõi thông tin, nếu có phát sinh sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Quốc hội dành 1,5 ngày để lấy phiếu, trong thời gian này sẽ có phiên thảo luận tại đoàn, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo kiểm điểm công tác, báo cáo kê khai tài sản của người lấy phiếu tín nhiệm.

Theo baogiaothong.vn