Làm giám sát mà phải dò ý Bí thư, Chủ tịch, sợ ghế lung lay thì… hỏng!

Đăng lúc: 19-09-2019 2:19 Chiều - Đã xem: 86 lượt xem In bài viết

Góp ý báo cáo kiểm điểm hoạt động của UB Trung ương MTTQ Việt Nam trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Mặt trận, đại biểu Vũ Trọng Kim nêu tiêu chuẩn với cán bộ làm công tác giám sát, phản biện phải bản lĩnh, phải đặt quyền lợi của người dân lên trên cái ghế của mình…

Hình ảnh Mặt trận phải ở trong lòng biển cả, trong lòng người dân

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm phát biểu tại phiên thảo luận.

Phiên thảo luận chiều 18/9 về báo cáo kiểm điểm của UB Trung ương MTTQ trong ngày làm việc đầu tiên của đại hội, khẳng định so với nhiệm kỳ trước, báo cáo lần này thẳng thắn, không “tô hồng”, không có nhận xét “hoàn thành xuất sắc nhiệm”, song đại biểu Đặng Văn Khoa (TPHCM) cho rằng, việc bày tỏ thái độ chính kiến của UB Trung ương MTTQ Việt Nam, của Đoàn chủ tịch, Ban Thường trực trước một số vấn đề cấp bách còn hạn chế.

Chúng ta phải suy nghĩ đến hình ảnh của MTTQ trong lòng biển cả, trong lòng nhân dân, rộng hay hẹp, sâu hay nông, lỏng lẻo hay bền chặt là tùy thuộc vào vào chính MTTQ”, ông Khoa nói.

Cũng đề cập đến vấn đề này, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định, biển đảo hiện nay không yên ổn và đang rất sôi sục. “Cả vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế, khu vực biển Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán đang bị xâm hại. Vậy mà trong báo cáo kiểm điểm lại thiếu vắng phần nói về biển đảo. Tôi đề nghị xem xét đưa vấn đề biển đảo vào báo cáo của MTTQ Việt Nam”, ông Lê Kế Lâm đề nghị.

Chưa nói đã sợ mất ghế thì giám sát làm sao?

Trong khi đó, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, MTTQ chưa phát huy được quyền dân chủ của nhân dân. Dẫn câu nói của Bác Hồ rằng “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”, ông Dũng nhấn mạnh, hiện nay ở nhiều nơi, nhiều lúc, quyền dân chủ bị vi phạm một cách nghiêm trọng.

Theo ông Dũng, hiện nay có không ít đơn thư của người dân bị chuyển lòng vòng, không được xem xét thấu đáo. Trong rất nhiều năm biết bao bờ xôi ruộng mất bị thu hồi để phục vụ lợi ích phi nông nghiệp và nhân dân bị đền bù mức rẻ mạt. Còn tồn tại những vụ án oan sai do bức hình, bức cung.

Càng dân chủ thực sự chúng ta càng phát hiện ra tham nhũng, càng dễ dàng chọn được người tài gánh vác việc dân, việc nước. Tôi đề nghị MTTQ cần tạo điều kiện để người dân nói lên tiếng nói của mình” – ông Dũng phát biểu.

Đại biểu Vũ Trọng Kim từng là Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đại biểu Vũ Trọng Kim – nguyên Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ nhận xét, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận trong thời gian qua đã được phát huy. Tuy nhiên chất lượng và chiều sâu của hoạt động là vấn đề còn phải bàn thêm.

Tâm lý nhiều người, nhiều nơi, nhiều cơ quan vẫn còn ngại phản ánh về những vấn đề nóng, nhạy cảm. Đó là do bản lĩnh của những người đứng đầu MTTQ các cấp. Mặt trận mà lúc nào cũng  ngại, phải dò ý Bí thư, Chủ tịch thế nào rồi mới giám sát, phản biện thì khó mà phát huy được hiệu quả. Do đó, cử cán bộ làm công tác Mặt trận phải là những người có bản lĩnh, không sợ chiếc ghế lung lay, phải đặt quyền lợi của người dân, đất nước, địa phương lên trên cái ghế của mình. Có như thế mới nói được tiếng nói của nhân dân, mới phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chứ chưa nói mà đã sợ bị quy chụp, bị mất ghế thì giám sát, phản biện sao?” – ông Kim bình luận.

Nguyên Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ cũng cảnh báo, thiếu sự giám sát, phản biện của tổ chức như Mặt trận, đất nước khó đi lên nên những cán bộ Mặt trận cần phát huy tích cực tiếng nói của mình. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế để MTTQ đề xuất, giới thiệu cán bộ tốt cho Đảng. Đảng chọn cán bộ cũng nên sớm công khai để MTTQ góp ý. Khi đó, ý Đảng và lòng dân sẽ gặp nhau, đất nước lựa chọn được cán bộ xứng đáng.

P. Thảo

Theo dantrí.com