Luật Tài nguyên nước cần có quy định về kênh đào

Đăng lúc: 27-10-2023 10:38 Sáng - Đã xem: 292 lượt xem In bài viết

Sáng 26/10/2023, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đã có bài tham luận được dư luận quan tâm. Được sự đồng ý của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim, Ban biên tập đăng toàn văn bài tham luận này.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) phát biểu tại nghị trường. Ảnh internet  

 Nghiên cứu Dự án Luật này, tôi thấy phạm vi điều chỉnh và một số điều luật cần thiết phải bổ sung thêm – đó là Kênh đào. Đầm nước, hồ nước được gọi tên và có luật điều chỉnh, tại vì sao cũng là nhân tạo mà Kênh đào – tên hay thế Luật chẳng gọi tên? Vậy, tôi đề nghị trong dự thảo Luật nên có điều luật quy định về Quản lý, khai thác và sử dụng, bảo vệ kênh đào.

 Ở nước ta, loại công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Đó là kênh đào sông Đáy kết nối sông Ninh Cơ. Rõ ràng đây là công trình đem laị nhiều cái lợi cho dân sinh, cho cả nông ngư nghiệp lẫn giao thông vận tải, nhất là cái lợi về giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm tiền của nhân dân và doanh nghiệp vì nó sinh lời khá lớn và ổn định. Nhân dân vùng đồng bằng sông Hồng rất biết ơn Đảng, Chính phủ đã đầu tư lớn cho một loại công trình mới, trên 100 triệu đô la (tương đương 2.300 tỷ đồng), nay đã hoàn thành đi vào khai thác sử dụng có hiệu quả.

 Như chúng ta biết, kênh đào Xuy-uê, mệnh danh là kỳ quan “thép”, cùng với 6 kênh đào nổi tiếng khác trên thế giới đã làm thay đổi cục diện giao thông vận tải và phát triển kinh tế khá năng động và thú vị. Như kênh đào Sông Đáy – Ninh Cơ, tôi vừa nêu ra cũng có tính chất hoạt động khoa học, công nghệ như kênh đào Xuy uê, (Thưa quý vị đại biểu, đúng như vậy tôi không cường điệu tý nào). Bởi vì công trình này có tính chất kỹ thuật là phải dùng âu tàu đưa nước lên nước xuống cho tàu bè 2 – 3 nghìn tấn qua lại. Như vậy, rất xứng đáng có chỗ đứng trong Luật Tài nguyên nước chúng ta đang bàn ở đây. Theo đó, Chính phủ cần ban hành quy phạm pháp luật để quản lý, khai thác và sử dụng loại công trình này; kể cả việc phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước hoặc sự cố tại công trình, chứ không thể bỏ qua loại công trình mới xuất hiện ở nước ta.

 Kính thưa Quốc hội! Tôi hiểu, nước là loại tài nguyên xếp loại nhất nhì, thiếu cơm mươi ngày chưa chết nhưng thiếu nước dăm ngày con người ta có thể chết luôn. Với quan điểm tầm nhìn xa, tôi đề nghị: Chúng ta cũng cần có ý tưởng cho một kế hoạch mới chủ động cho tương lai khi xuất hiện những kênh đào mới – Đơn cử là kênh đào Kara, xuất phát từ Nam Thái Lan hướng tuyến ngang qua đảo Phú Quốc của nước ta; và tương lai có thể xuất hiện một kênh đào mới mang tên Đông Dương, từ sông Mê Kông (Lào) chảy về miền Trung (Việt Nam) ta – đó là điểm xuất phát tại đoạn sông Sêbănghiên của nước bạn Lào đi tới giáp sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) – con kênh tương lai này chỉ có khoảng 14km, nếu đi theo đường chim bay.

 Tôi xin nhắc lại, tầm nhìn xa trông rộng cỡ 50 năm thì đây không phải là ý tưởng gọi là không tưởng. Tương lai về cái “kênh đào Đông Dương” (tôi xin tạm gọi kênh đào Đông Dương), chúng ta không nên bỏ qua; vậy Nhà nước ta cần có kế hoạch nghiên cứu, ở đây có thể có nhiều cái lợi, không những sinh lợi từ nguồn tài nguyên nước cho phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, mà còn là phát triển giao thông vận tải, dịch vụ du lịch của cả vùng trên bán đảo Đông Dương tươi đẹp này.

 Vậy tôi xin đề nghị, Quốc hội hãy coi “Kênh đào” này theo một thuật ngữ mới để có chế định, chế tài vào các Điều 3, Điều 39, Điều 53 và các Điều khoản khác cho tương thích với một loại công trình mới với nguồn lợi đa chiều mà chúng ta đã thấy- một loại công trình cũ của thế giới, nhưng là mới của Việt Nam ta.

 Xin cảm ơn Quốc hội.