Một công trình nghĩa tình đồng đội

Đăng lúc: 14-12-2017 10:27 Chiều - Đã xem: 64 lượt xem In bài viết

Thấm thoắt đã hơn 40 năm!

Đó là những ngày tháng 5 lịch sử năm 1972 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tập trung sức người, sức của cho chiến trường miền Nam với ý chí “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Thái Bình lại tiễn đưa hàng nghìn con em lên đường ra mặt trận. Đơn vị TNXP C892 Đội 89 (mới) nhiệm kỳ III vinh dự được Đảng bộ và nhân dân trao cho lá cờ “Quyết thắng” và được mang tên đồng chí Nguyễn Đức Cảnh[i]. 146 đồng chí với tuổi đời 18, 20 tạm biệt quê hương, bạn bè, người thân, gác lại những ước mơ những mối tình để lên đường vào tuyến lửa Quảng Bình với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Tháng 8/1972 đơn vị đóng quân tại xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho Đường 15 đang bị địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt.  C892 đã vượt qua mọi gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo cho những chuyến hàng, những đoàn xe ra tiền tuyến. Mặc dù công việc vất vả, nguy hiểm luôn rình rập, nhưng anh chị em vẫn luôn tạo cho mình một cuộc sống lạc quan, yêu đời. Nhưng rồi, một sự bất ngờ ập đến. Hôm ấy, ngày 19/8/1972 vào khoảng 8 giờ, máy bay B52 của giặc Mỹ ném bom rải thảm trên tuyến đường đơn vị đang thi công và nơi đóng quân. Tiếng bom nổ chát chúa, khói bom mù mịt, 8 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 52 đồng chí bị thương và bị sức ép. Phạm Thị Nguyên, Trần Thị Thoa, Cao Thị Viên, Vũ Thị Đức, Vũ Thị Ngữ, Nguyễn Thị Én, Trần Văn Mạnh, Hoàng Văn Phòng đã vĩnh viễn ra đi.

Biến căm thù thành hành động, C892 xốc lại đội hình, củng cố lực lượng tiếp tục làm thêm phần việc của những đồng đội đã hy sinh, thực hiện khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch đánh ta sửa ta đi” luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tuyến đường 15, đường 12, đường Quốc lộ 1A góp phần vào Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến tranh đã kết thúc, trở về cuộc sống thường nhật, dù còn nhiều bộn bề, khó khăn, thiếu thốn, song trong lòng mỗi chiến sĩ TNXP C892 luôn mơ ước và khát vọng phải làm gì để tưởng nhớ và tri ân các đồng chí, đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng của cuộc chiến tranh ác liệt trên đất lửa Quảng Bình.

Rồi ý tưởng xây dựng Nhà bia tưởng niệm được toàn thể đơn vị đồng lòng và được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền hai tỉnh Quảng Bình và Thái Bình; sự tài trợ của các nhà hảo tâm; sự chia sẻ của các cựu TNXP các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Tiền Hải (Thái Bình),… Đặc biệt là sự quan tâm đùm bọc và chia sẻ hết lòng của Đảng bộ và nhân dân xã Hóa Hợp dành đất để công trình Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP C892 con em của quê lúa Thái Bình được xây dựng và hoàn thành với giá trị xây dựng trên 300 triệu đồng. Công trình khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, 62 năm ngày Thương binh liệt sĩ và 37 năm ngày 8 đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Ai có dịp hành hương về thăm các địa danh lịch sử dọc theo chiều dài của đất nước trên đường Hồ Chí Minh sẽ thấy tại Km 884+400 “Một công trình tri ân những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, một công trình của nghĩa tình đồng đội, một công trình tâm linh đời đời bất diệt” tưởng nhớ các liệt sỹ TNXP C892 Nguyễn Đức Cảnh,Thái Bình hy sinh ngày 19/8/1972.

                                                  Đ.V.B

Theo tập sách: “Thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình – Những dấu ấn lịch sử”
NXb Giao thông vận tải – 2016

 

[i] Nguyễn Đức Cảnh (2 tháng 2 năm 1908 – 31 tháng 7 năm 1932) là một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Ông là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao động. Ông là người làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Tên ông được đặt cho nhiều trường học và đường phố tại Việt Nam tại Hải Phòng, thành phố Cẩm Phả, thành phố Hạ Long.

Ngày 20 tháng 7 năm 1984, Tổng cục Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 – 28-7-1984)”, mã số 444, trong đó có 1 mẫu tem về Nguyễn Đức Cảnh – người lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Một khu lăng mộ tưởng niệm ông được xây dựng tại Thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Năm 2007, di thể của ông sau khi được tìm thấy đã được quy tập về đây. Tại trung tâm thành phố Thái Bình, một bức tượng ông được đặt tại quảng trường 14 tháng 10. Ở xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng cũng có một đền thờ ông. Tên ông còn được đặt cho một giải thưởng mang tên “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” nhằm tôn vinh những công nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.