Nâng tầm văn hóa tự phê bình và phê bình  để rèn luyện nhân cách đạo đức cán bộ đảng viên

Đăng lúc: 08-09-2020 3:31 Chiều - Đã xem: 94 lượt xem In bài viết

Để công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng đạt mục tiêu thật sự trong sạch vững mạnh, để ngăn chặn tình trạng sa sút nhân cách, đạo đức của một bộ phận cán bộ đảng viên, nhất là ngăn chặn tình trạng suy thoái tới mức phạm pháp phạm tội của một số cán bộ cấp cao vừa qua, theo tôi: Việc nâng cao tính Đảng và nâng tầm văn hóa Đảng, trong đó có văn hóa tự phê bình và phê bình cho cán bộ, đảng viên là yêu cầu rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

Văn hóa Đảng, trong đó có văn hóa tự phê bình và phê bình theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và, phải được coi là một phẩm chất quan trọng của đạo đức cách mạng, đạo đức đảng viên. Bởi như Bác Hồ dạy: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Mà đạo đức văn minh phải đặt trên nền tảng văn hóa – văn hóa Đảng. Phải thấm nhuần thật sâu, hiểu thật đầy đủ tinh thần Tự phê bình và phê bình của Bác, để coi tự phê bình và phê bình là một nhu cầu thiết thân, không làm không được. Phải giống như nhu cầu rửa mặt hàng ngày. Không rửa để mặt bẩn thì có thể gây bệnh tật cho mình, lại còn để cho người xung quanh coi thường, khinh bỉ. Phải thấm sâu lời cảnh báo của Bác Hồ về nguy cơ trốn tránh tự phê bình và phê bình (đại ý): Không chỉ một cán bộ, đảng viên hay một tổ chức mà cả đến một Đảng nói chung nếu che giấu khuyết điểm, trốn tránh tự phê bình và phê bình thì là một Đảng hỏng, một Đảng thoái hóa, không thể lãnh đạo được nhân dân. Vừa qua, có một số nơi thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt văn hóa kiểm tra, văn hóa tự soi, tự sửa để ngăn chặn những sai sót, khuyết điểm nhỏ, không trở thành sai lầm lớn. Làm như vậy là khơi nguồn cảm hứng để phát huy mặt tốt, hành vi đẹp ngày càng nảy nở. Có một số tấm gương mẫu mực về văn hóa từ chức, đã làm cho những người này thôi chức nhưng không hề mất chức trong lòng dân, mà sự tin yêu, kính trọng của dân càng được tăng lên.

Để thực hiện văn hóa Đảng, văn hóa tự phê bình và phê bình thật sự có hiệu quả thì vai trò người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu tổ chức là yếu tố quyết định nhất. Người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị… cái Tâm phải thật trong sáng, cái Trí phải thật tinh tường để phân biệt đâu là đạo đức thật, đâu là đạo đức giả, đâu là tự giác tự phê bình chân thật với loại “kịch bản sám hối” thủ thuật “đánh bóng cá nhân”, thủ đoạn mị dân, mua phiếu…

Vừa qua đã có một số nơi do người đứng đầu không gương mẫu nên việc tiến hành tự phê bình và phê bình đã đi chệch hướng. Họ lấy việc tự phê bình và phê bình làm bình phong để trang sức, vuốt ve, nịnh bợ, tâng bốc cho nhau. Lấy tự phê bình và phê bình làm chứng chỉ cho sự tăng tiến, chui sâu leo cao đối với một số cán bộ thoái hóa. Không ít trường hợp dùng tự phê bình và phê bình để khuyếch đại, cường điệu mặt tài năng, che đậy mặt yếu kém, sa sút đạo đức. Họ lấy tự phê bình và phê bình để đề cao, khai khống hàm chức, rồi dùng hàm chức để trang sức, đánh tráo đức tài ; hợp pháp hóa sự gian dối trong kê khai lý lịch, kê khai tài sản, bằng cấp… Số người này, sau khi được lên chức, tăng quyền… thì bị mất lòng dân, nên mất tất cả, mất sạch trơn.

Tình trạng này thể hiện rất rõ ở một số vụ án mà bị can, bị cáo là cán bộ cấp cao, cho đến khi đứng trước vành móng ngựa mà chi bộ, cấp ủy, cơ quan quản lý nhân sự vẫn nhận xét là cán bộ xuất sắc, đảng viên gương mẫu. Với thực trạng đó, nhân dân mong muốn công tác nhân sự thời gian tới nên bổ sung thêm một tiêu chuẩn về tính Đảng, tính tự giác nghiêm túc tự phê bình cho các chức danh lãnh đạo. Tất cả các chức danh lãnh đạo trước khi giao chức, trao quyền đều phải được kiểm tra giám sát, kết luận về vai trò gương mẫu tự giác tự phê bình theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đến đâu. Chưa gương mẫu và nghiêm túc tự phê bình thì nên dừng ngay việc giao chức hoặc phương án quy hoạch nguồn. Đừng lập lại tình trạng tiêu cực trong công tác nhân sự như ở một số nơi vừa qua là “mặc cái áo quá rộng cho người chưa đủ lớn”.

Gần đây cớ 3 trường hợp: Người đứng đầu 3 thành phố lớn đều đứt gánh giữa đường. Nguyên nhân có nhiều và đương nhiên chủ yếu là do những con người đó tự diễn biến, tự thoái hóa. Nhưng về phía công tác cán bộ, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng phải nghiêm túc rút ra bài học trách nhiệm của mình, nhất là bài học cho nhiệm kỳ tới.

Trong các nguyên nhân, tôi cho rằng có hai nguyên nhân đáng lưu ý: Một là xem lại tổ chức Đảng từ chi bộ đến Đảng ủy, Ban Cán sự Đảng ở các cơ quan này từ trước đến nay có tiến hành nghiêm túc tự phê bình và phê bình hay không, có tiến hành học và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như thế nào. Hai là, xem lại trong đội ngũ làm công tác nhân sự còn có cán bộ nào cái Tâm chưa thật trong sáng nên cái Trí chưa đủ độ tinh tường đã ngộ nhận “thấy vỏ đỏ đã cho là quả chín”, thấy thân hình “dậy thì” phổng phao đã cho là người lớn, mặc cho họ cái áo quá rộng, nên tạo cho họ tự tin thái quá, rồi tự cao, tự mãn với thành tích, với tài năng và chủ quan cho mình đã xứng đáng được mặc cái áo rộng hơn nữa. Từ đó, khơi dậy lòng tham vô đáy về chức tước, quyền lực, tham lam vật chất, ham mê cuộc sống vương giả, phè phỡn quên đi lời dạy và cảnh báo của Bác Hồ: “Ngày hôm qua, anh là anh hùng, không nhất định hôm nay vẫn được mọi người yêu mến, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa”. Và, “Đạo đức không tự trên trời sa xuống mà phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện mới thành”.

Nguyễn Anh Liên