Những bông hoa trên tuyến lửa

Đăng lúc: 11-11-2020 3:27 Chiều - Đã xem: 123 lượt xem In bài viết

Vừa qua, Hội Cựu TNXP xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tổ chức họp mặt. Nhân dịp này đồng đội cũ của Đội nữ TNXP năm xưa có dịp gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Hơn 40 năm xa cách, giờ đây mái đầu mỗi người đều đã điểm bạc, cùng ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa, mà trong ký ức mỗi cựu TNXP không bao giờ quên.

          Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, địch phản kích quyết liệt, tiến hành càn quét bình định nông thôn, thường xuyên đổ quân bằng trực thăng (đổ giò) chà đi xát lại. Quê hương Tân Hòa là xã nằm ven quận lỵ Kiến Bình, một trong những căn cứ lòng dân của tỉnh Kiến Tường, là trọng điểm của Vùng 4 chiến thuật[i], địch ra sức đánh phá ác liệt, có tháng địch đổ giò tới 29 ngày, quyết tâm gom hết dân ra ấp chiến lược, có lúc gần như không còn hộ dân nào ở lại được trong vùng giải phóng.

          Hầu hết nữ đoàn viên và nữ thanh niên theo gia đình ra vùng địch tạm chiếm. Thực hiện chủ trương “Đánh địch trên ba vùng chiến lược”, tuỳ theo đặc điểm từng vùng mà kết hợp các phương thức đấu tranh vũ trang và chính trị khác nhau, các địa phương xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, cơ sở mật, chi bộ mật trong vùng tạm chiếm và chi bộ công khai trong vùng giải phóng; chi bộ mật sinh hoạt đơn tuyến để đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã; tổ chức Đoàn cũng được xây dựng theo phương châm trên.

          Điểm nổi bật của tổ chức Đoàn và phong trào 5 xung phong của xã là khi ác liệt nhất, trên địa bàn xã không còn dân, bị địch gom hết ra ấp chiến lược, nhưng ý chí cách mạng, tinh thần tình cảm luôn hướng về cách mạng, quyết tâm đem hết sức mình góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khi cần lực lượng đi dân công phục vụ bộ đội, tải thương tải đạn, đi phá lộ, đấp mô, phá ấp chiến lược của địch, thì những đoàn viên thanh niên rời ấp chiến lược vô vùng căn cứ hoạt động, vì vậy luôn có đủ lực lượng đi làm nhiệm vụ theo yêu cầu cấp trên.

          Cách tổ chức và điều động lực lượng của Đội TNXP cơ sở như sau: Bí thư Xã đoàn phụ trách 2 khu vực vùng yếu, trong đó có ấp chiến lược – ấp Đông – nằm trong địa bàn xã về phía Nam quận lỵ Kiến Bình, Phó Bí thư Đoàn xã phụ trách TNXP cơ sở các xã thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Khi có chỉ thị điều động lực lượng thì dân công và TNXP cơ sở đi tải thương, tải đạn. Nếu đi nhiều ngày thì Đội TNXP cơ sở thông báo cho người phụ trách chi đoàn mật chọn đoàn viên và nữ TNXP, mỗi người đến Trưởng ấp và Xã trưởng VNCH xin giấy phép đi ra ngoài cắt lúa, hoặc đi làm thuê làm mướn thời hạn từ 15 ngày đến 1 tháng; khi có giấy phép rồi thì tổ chức đưa vô vùng giải phóng đúng ngày giờ và đúng điểm hẹn có tổ chức đến đón rước.

          Hầu hết nữ TNXP đi dân công tải đạn từ biên giới Campuchia về vùng 4 Kiến Tường đều có giấy phép của địch cho ra vùng giải phóng. Riêng đối với lực lượng nữ TNXP còn lại làm nhiệm vụ tại xã nhà như xây dựng xã chiến đấu, đi phá lộ, phá ấp chiến lược, nếu đi trong đêm thì không cần xin giấy phép. Mỗi đợt điều động đi ít nhất cũng được 10 người, có đợt lên đến 20 người, đa số làm nhiệm vụ trong đêm, sáng trở về ấp chiến lược sinh sống như người dân bình thường. Số đoàn viên TNXP vùng mật có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là hàng năm vận động số thanh niên mới lớn lên trong ấp chiến lược ra vùng giải phóng tham gia cách mạng, không để cho địch bắt lính, đồng thời vận động nhiều binh sĩ địch mang súng trở về với nhân dân.

          Chưa đầy một năm, mùa hè năm 1972 toàn bộ số đồn bót mà địch tái chiếm đều bị ta tiêu diệt và bứt rút, còn lại 2 đồn địch đóng trên địa bàn xã, lực lượng du kích xã bao vây bắn tỉa, trong vòng 10 ngày thì chúng bỏ chạy. Từ đó lực lượng TNXP cơ sở xã được tập trung thường xuyên một tiểu đội sẵn sàng phục vụ kịp thời cho công tác tải đạn, tải thương cho bộ đội chiến đấu trên địa bàn xã và các xã lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả tốt hơn.

          Những thanh niên, đội viên TNXP sống chung nhau còn hơn anh em ruột thịt, chia nhau từng miếng ăn, lo nhau từng giấc ngủ, nhất là trong những thời điểm khó khăn ác liệt nhất, càng thể hiện rõ tình đồng chí đồng đội, sống chết có nhau. Điển hình như: Đêm 15 rạng sáng 16 tháng 11 năm 1972 theo chỉ đạo của cấp trên, xã Tân Hòa phải cắt đứt đường giao thông tuyến liên Tỉnh lộ 29, nhằm phối hợp tấn công địch toàn miền Nam, Đội TNXP cơ sở xã được lệnh điều động ít nhất 2 tiểu đội làm nhiệm vụ đào, phá làm chướng ngại vật từ 200 đến 300 mét trên tuyến Tỉnh lộ này, trong đó có đặt 2 quả mìn hẹn giờ. Đến 4 giờ chiều đội tập trung được 18 đội viên, trong đó có 12 nữ, đi cùng 2 tiểu đội du kích xã chịu trách nhiệm án ngữ bám địch ở đầu và cuối đội hình     đào phá lộ, làm chướng ngại vật và chôn mìn; đến 8 giờ tối, Đội hành quân xuống Tỉnh lộ 29 đoạn kênh Bà Đầm, thuộc Ấp Đông xã Tân Hòa, trong lúc đang triển khai đội hình lên lộ, thì 1 đội viên dẫm phải trái mìn râu[ii] của địch, hy sinh tại chổ 1 đội viên, bị thương 7 đội viên nữ; số đội viên còn lại phải đưa 8 đội viên này về đến Quân y hơn chục cây số, gần sáng toàn đội mới đưa hết số bị thương về tới chốt quân y Đội 9 Quân khu 8. Sau đó có thêm 2 đội viên nữ trút hơi thở cuối cùng. Những người hy sinh còn rất trẻ, chỉ mới 18 tuổi. Chưa có lần nào Đội TNXP cơ sở xã phải chịu tổn thất nhiều như lần này. Đây là mất mát vô cùng to lớn của lực lượng TNXP cơ sở xã Tân Hòa huyện Tân Thạnh tỉnh Long An. Sau này các đồng chí hy sinh và bị thương đều được hưởng chính sách thương binh và liệt sĩ.

          Sáng hôm sau, số TNXP còn lại lo chôn cất người hy sinh, rồi vào chốt quân y Đội 9, mỗi người một việc. Người thì lo cơm cháo, người giặc quần áo, dìu cõng các em đi vệ sinh. Sau đó cử từng đội viên thay phiên nhau mỗi ngày vào nuôi những người bị thương đến khi ra viện. Tuy chịu hy sinh và bị thương khá nhiều, nhưng ý chí và tinh thần nhiệt huyết cách mạng của những người còn lại càng quyết tâm cao hơn.

          Thời gian trôi qua mới đây mà đã gần nửa thế kỷ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng các thế hệ TNXP cơ sở xã Tân Hòa vẫn giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của tuổi trẻ xung phong năm xưa, tiếp tục sinh hoạt, học tập lao động sản xuất cho tập đoàn và cho gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp đồng thời tích cực đóng góp vào công tác vì nghĩa tình đồng đội.

(Ghi lại lời kể của các nữ cựu TNXP xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)

Lê Bá Phước

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Long An


[i] Phần lãnh thổ trách nhiệm của Quân đoàn IV và Vùng 4 chiến thuật gồm 16 tỉnh và một Đặc khu thuộc miền tây Nam phần, tổ chức thành 3 Khu chiến thuật: Khu chiến thuật 41 (gồm các tỉnh Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình); Khu chiến thuật 42 (gồm các tỉnh Kiên Giang, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên); Khu chiến thuật 43 (gồm các tỉnh Định Tường, Kiến Tường, Kiến Phong, Kiến Hòa, Gò Công). Ngoài ra, còn có Khu chiến thuật đặc biệt bán tự trị 44 làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu vực tây bắc đồng bằng sông Cửu Long dọc biên giới Việt Nam-Campuchia (giải thể năm 1973)

[ii] Mìn M-116A1 hình giống như những ống bơ có tính sát thương người bằng mảnh vụn. Bán kính sát thương dày đặc 12 m, bán kính nguy hiểm 150 m. Trọng lượng mìn 2,83 kg chứa 501 g thuốc nổ TNT. Khi có lực từ 3 đến 5 kg trở lên tác động vào 3 râu tôm, mìn nhảy lên và nổ ở độ cao 0,5-1 m.