Những chiến công thầm lặng

Đăng lúc: 26-06-2018 9:25 Sáng - Đã xem: 117 lượt xem In bài viết

 Cuối năm 1967, khi phong trào cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam quyết định mở chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 để mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện chủ trương của cấp trên, tháng 10/1967 Hội đồng Cung cấp tiền phương (Ban tiền phương) tỉnh Bình Định đã ra quyết định thành lập lực lượng TNXP để phục vụ cho chiến dịch Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân.

Kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh

Tổng đội TNXP thường trực của tỉnh được thành lập trên cơ sở các đơn vị TNXP Nguyễn Kim, Ngô Mây và đảng viên, cán bộ, thanh niên chủ chốt của các xã trong huyện Hoài Nhơn, lấy tên là Tiểu đoàn TNXP Quyết Thắng. Tiểu đoàn do đ/c Nguyễn Tấn Ích phụ trách có 2 Trung đội TNXP với khoảng 100 đồng chí. Từ tháng 10 đến tháng 12/1967 Tiểu đoàn đóng quân tại thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh, đến đầu tháng 01/1968 khi đầy đủ quân số thì chuyển về chân núi Hòn Đền (thuộc thôn Hội Phú, xã Hòai Hảo, Hoài Nhơn). Sau chiến dịch, ngày 09/02/1968 đơn vị được huy động đi cứu đói cho đồng bào Dân tộc thiểu số huyện An Lão, chỉ còn bộ khung lãnh đạo ở lại căn cứ.

Ngày 11/2/1968 phát hiện nơi đóng quân của lực lượng TNXP tại núi Hòn Đền; địch đã ném bom, bắn phá, toàn bộ lực lượng lãnh đạo Tiểu đoàn 13 đồng chí đã hy sinh. Sau trận đánh lực lượng TNXP mới tiến hành tìm kiếm và an táng đồng đội đã hy sinh tại chân núi Hòn Đền. Đến sau ngày giải phóng, các liệt sĩ được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Hảo, một số được gia đình đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Đồng đội về thăm lại chiến trường xưa

Ghi nhận những chiến công:

Cuối tháng 2/1968, các vùng giải phóng tiếp tục bị địch càng quét đánh phá, lực lượng TNXP được cấp trên chủ trương chuyển về tập trung ở hậu cứ.

Đầu tháng 3/1968, Tổng đội TNXP tiếp tục tuyển quân để bổ sung lực lượng từ các huyện An Lão, Hoài Ân. Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Khê, Vĩnh Thạnh và hình thành 3 Đại đội với tên gọi: CĐI; CĐV, CĐX (sau này đổi tên là Đội 1, Đội 2 Đội 3); Đội 1 đóng quân tại xóm Lớn, xóm Nhỏ thuộc thôn Vạn Hội, xã Ân Tín huyện Hoài Ân; Đội 2 đóng quân tại thôn Nghĩa Điền xã Ân Nghĩa huyện Hoài Ân; Đội 3 đóng quân tại núi Zang Điên, xã Bình Giang, huyện Bình Khê. Lúc này, lực lượng đã hình thành đầy đủ, quân số trên 300 người; có nhiệm vụ chính là củng cố tổ chức, xây dựng đơn vị, mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí, quân trang, thuốc men phục vụ bộ đội chiến đấu, thu dọn chiến trường, làm công tác tử sĩ, chuyển thương binh về hậu cứ…

Những năm tháng tiếp theo là những chặng đường đầy gian nan, ác liệt, bị địch càng quét đánh phá từ đồng bằng đến rừng núi, hậu cứ, lực lượng TNXP ngày đêm vừa phục vụ cho bộ đội đánh giặc vừa phải chiến đấu với Mỹ, ngụy; Trong quá trình công tác, lực lượng TNXP đã chiến đấu dũng cảm có trên 150 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh; đến nay vẫn còn 62 liệt sĩ chưa quy tập được hài cốt về với gia đình, đồng đội.

Để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ TNXP tỉnh Bình Định, ghi dấu một địa chỉ đỏ, Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Định đã đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho phép xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP tỉnh Bình Định tại thôn Hội Phú, xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn, nơi thành lập Tiểu đoàn TNXP Quyết thắng và có 13 TNXP hy sinh ngày 11/2/1968.

50 năm trôi qua, nhưng những chiến công thầm lặng mà lực lượng TNXP đã cống hiến luôn ghi đậm trong tâm trí của mỗi cựu TNXP còn sống. Phát huy truyền thống của lực lượng TNXP, họ đã và đang quyết tâm vượt khó vươn lên trong cuộc sống hôm nay./.

VÕ VĂN CHIẾN
Chủ tịch Hội
 CựuTNXP tỉnh Bình Định