Phát huy tinh thần thanh niên xung phong tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đăng lúc: 03-10-2019 9:57 Sáng - Đã xem: 32 lượt xem In bài viết

 

Kính thưa Đại hội!

Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam là tổ chức xã hội tập hợp, đại diện cho Lực lượng TNXP cả nước (660 ngàn người) đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống của Lực lượng TNXP Việt Nam Anh hùng do Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cựu TNXP cả nước. Trải qua các thời kỳ hoạt có trên 6.000 liệt sĩ, trên 36.000 thương binh, gần 17.000 người và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và có trên 40 tập thể, 40 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động. Hội Cựu TNXP Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn bó mật thiết với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hôm nay hân hạnh về tham dự Đại hội chúng tôi tham luận về một số nội dung sau đây:

I. VỀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Hội Cựu TNXP Việt Nam được thành lập từ tháng 12/2004, sau gần 15 năm tổ chức và hoạt động, Hội đã thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích của Hội, thể hiện rõ vai trò tích cực là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là:

  1. Xây dựng, phát triển hệ thống Hội cả nước hoạt động vững mạnh

Đến nay, đã có tổ chức hội ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 628 Hội ở cấp huyện (bằng 88 % đơn vị hành chính cấp huyện), 7.568 Hội ở cấp xã (bằng 68% đơn vị hành chính cấp xã) với 424.662 hội viên (bằng 75,6% cựu TNXP cả nước). Cán bộ, hội viên đều ở trong độ tuổi đã cao (chống Pháp trên 80 – 90 tuổi, chống Mỹ trên 70 – 80 tuổi) nhưng vẫn nhiệt tình phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào và mọi mặt công tác xã hội ở địa phương; gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ. Hiện có trên 3.000 hội viên tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã hội ở các cấp. Trung ương Hội đã kịp thời hướng dẫn các cấp Hội, đông đảo hội viên, cựu TNXP hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận tổ chức, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời Hội đã đóng góp tích cực vào các mặt công tác Mặt trận ở các cấp, nhất là tại cơ sở. Hội kịp thời phản ánh các ý kiến nhân dân, thực hiện đầy đủ các chế độ báo cáo đến Mặt trận, tham gia góp ý các dự thảo của các dự án Luật, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, năm vừa qua đã dẫn đầu cụm thi đua khối các hội quần chúng của Trung ương Mặt trận.

  1. Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của cựu TNXP

Các cấp Hội và nhiều cá nhân tiêu biểu trong cựu TNXP đã thực hiện sứ mệnh “nhân chứng lịch sử”, tích cực đề xuất với Đảng và Nhà nước, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp để xây dựng và tham gia giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP với tư cách là người trong cuộc. Nhờ đó, Hội góp phần giải quyết được chế độ liệt sĩ cho 1.628 trường hợp, 24.465 thương binh, 5.685 người bị nhiễm chất độc hóa học, trên 211.000 người còn sống hưởng chế độ trợ cấp một lần và gần 25.000 người hưởng trợ cấp từ trần, gần 9.000 TNXP cô đơn không nơi nương tựa hưởng trợ cấp hằng tháng, 206.000 người được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, 33.000 người có chế độ mai táng theo chế độ người tham gia kháng chiến. Hoạt động này đã thế hiện vai trò không thể thiếu được của Hội, với tư cách là những nhân chứng lịch sử, tích cực thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng, với Dân, với Nước. Đó cũng là “nghĩa tình đồng đội” lúc còn sống cũng như lúc đã từ trần, luôn đoàn kết gắn bó và có trách nhiệm với nhau, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng khi có yêu cầu của Hội hoặc hội viên.

  1. Vận động “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”

Hội Cựu TNXP Việt Nam ở các cấp đã vận động cựu TNXP cả nước tích cực thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và chương trình thống nhất phối hợp hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể là hội viên luôn tích cực học tập, làm việc theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh, đã có hàng chục nghìn cựu TNXP tuổi cao nhưng vẫn tích cực tham gia công tác chính trị, văn hóa, xã hội, vận động con, cháu, người thân hăng hái tham gia các mặt công tác tại địa phương. Điểm nổi bật là Hội đã tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “cựu TNXP nêu gương sáng học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phối hợp với một số cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức Hội thảo cấp ngành về “Khoa học và thực tiễn tư tưởng Hồ Chí Minh – Trường học lớn TNXP”; xuất bản bộ sách “Thanh niên xung phong Việt Nam anh hùng” (3 tập); phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng Đề án quy hoạch, tôn tạo các di tích lịch sử TNXP trên toàn quốc (với hơn 100 công trình) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xếp hạng di tích lịch sử, trong đó có “nôi cách mạng” đó là khu Núi Hồng ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nơi Bác Hồ chỉ đạo thành lập Lực lượng thanh niên xung phong Việt nam (năm 1950); xây dựng được Bản tin và trang thông tin điện tử là hai phương tiện thông tin cần thiết của Hội để thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và hoạt động của cựu TNXP cả nước với xã hội, với cựu TNXP.

  1. Phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội”

Do lịch sử để lại, trong lực lượng TNXP có nhiều người thuộc diện chính sách người có công và hàng vạn cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, do đó Hội đã đặt ra nhiệm vụ thiết thực hàng đầu là đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững – đó chính là hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”. Trong 5 năm (2014 – 2019), đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ được trên 463 tỷ đồng, tặng 1.383 nhà tình nghĩa (trị giá 65 tỷ đồng), 3.191 sổ tiết kiệm (trị giá 13 tỷ đồng), 324.697 phần quà (trị giá 88 tỷ đồng), 2.043 con bò, dê (trị giá 41 tỷ đồng), chăm sóc, nuôi dưỡng 308 cựu TNXP cô đơn, …. Đây là hoạt động tình nghĩa “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” theo đạo lý của dân tộc Việt Nam; đồng thời góp phần cùng Nhà nước thực hiện chế độ, chính sách, tri ân người có công của Đảng và Nhà nước ta.

Những nét cơ bản về hoạt động trên đây của Hội là thể hiện trách nhiệm kết nối những tấm lòng đồng đội trong cả nước, phát huy truyền thống cao đẹp và tinh thần cống hiến của TNXP, góp phần trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ theo tôn chỉ, mục đích Điều lệ Hội đã quy định.

II. THAM GIA DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI IX (2019 – 2024) MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM.

Hội Cựu TNXP Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam để thảo luận, tham gia ý kiến dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội IX (2019 – 2024) Mặt trân Tổ quốc Việt Nam. Tại tham luận này chúng tôi tham gia một số ý kiến như sau:

  1. Về nội dung dự thảo Báo cáo

– Dự thảo Báo cáo đã tổng kết, đánh giá kết quả trên nhiều mặt công tác của Mặt trận, có tính khái quát cao, có tầm lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong đó đã phản ảnh bức tranh đại đoàn kết, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có vai trò tập hợp của các tổ chức thành viên trong các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo…. Nội dung Báo cáo chính trị đã làm nổi bật tình hình khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng tăng cường trong các tầng lớp nhân dân, mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của Đại đoàn kết”.

– Hoạt động của Mặt trân Tổ quốc Việt nam đã thể hiện rõ, đầy đủ vai trò của mình theo Hiến pháp năm 2013 quy định; Đặc biệt cần có những chuyên đề nghiên cứu, thảo luận sâu và thực hiện có hiệu quả hơn quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

  1. Tham gia ý kiến và đề nghị Đại hội tham khảo, làm rõ một số vấn đề trong báo cáo:

– Cần tổng kết, đánh giá sâu sắc vai trò của Mặt trân Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cả về phương diện lý luận và thực tiễn sau hơn 30 năm tham gia thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng ta.

– Cần phải đề cập về tình hình Biển đông, là sự kiện nóng và nhạy cảm của những năm qua và nhất là hiện nay, khi mà Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền, biển đảo, đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, cố tình đi ngược lại Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982, mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

– Báo cáo chưa nêu rõ về hoạt động, kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt là những vụ việc, vụ án mà quần chúng nhân dân phát hiện. Đề nghị cần làm sâu sắc hơn và có biện pháp thực hiện hiệu quả hơn, vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

– Về công tác tổ chức: hệ thống Mặt trận trong thời gian tới đây như thế nào, khi một số nơi đang bố trí Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận ở các địa phương?.

– Trong Báo cáo chưa thể hiện đầy đủ về bối cảnh chính trị, kinh tế xã hội, an ninh trật tự trên thế giới và trong nước. Nhất là nền kinh tế của nước ta trong những năm tới sẽ có những cơ hội và thách thức như thế nào khi nước ta tham gia các Hiệp định kinh tế quốc tế (TPTTP và EVFTA).

– Cần đề cập đến cuộc cách mạng 4.0 ảnh hưởng đến thông tin và dư luận quần chúng nhân dân mà Mặt trận cần chủ động thực hiện. Cần phải thấy rõ 2 mặt tích cực và tiêu cực của thông tin mạng trong xã hội để nhân dân ta chủ động tích cực đóng góp vào quá trình đổi mới trên nền tảng “Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

– Hội Cựu TNXP Việt Nam đề nghị Mặt trận phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng và Nhà nước; nhất là đề nghị Bộ Chính trị sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện, thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “hội quần chúng”, để các hội có cơ sở pháp lý hoạt động và kịp thời cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân có trách nhiệm trong việc “đa dạng hóa” các loại hình tập hợp và vận động trong giai đoạn mới.

Trân trọng cảm ơn! Kính chúc sức khỏe quý vị đại biểu! Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

 

 

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2019

ĐOÀN CHỦ TỊCH

HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM