Quốc lộ 279 – con đường huyền thoại mang dấu ấn Sư đoàn 391

Đăng lúc: 27-02-2019 8:38 Sáng - Đã xem: 259 lượt xem In bài viết

          Trong 2 ngày 23-24/2/2019, tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Ban Liên lạc Sư đoàn 391 phối hợp với Đảng, chính quyền địa phương đã long trọng tổ chức buổi lễ kỷ niệm 40 năm Ngày mở đường chiến lược 279 (2/1979-2/2019). Tham dự buổi lễ kỷ niệm có Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng – Anh hùng LLVTND, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; đại diện lãnh đạo Binh đoàn 12, đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền huyện Quỳnh Nhai, đặc biệt là sự có mặt của gần 1.200 cựu quân nhân của 25 tỉnh trên cả nước thuộc Sư đoàn 391, Binh đoàn 12[i] đã hội tụ về đây…

Lễ chào cờ

          Tháng 2/1079, tiếng súng chiến tranh bùng nổ khắp 6 tỉnh biên giới phía Bắc; quân địch đã cắt đứt toàn bộ tuyến quốc lộ nối liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Lai Châu, khiến bộ đội ta không có đường nào khác để vận chuyển vật chất và cơ động lực lượng bảo đảm chiến đấu.

          Xác định phải có tuyến phòng thủ bảo vệ Thủ đô là cần thiết, nên giữa tháng 2/1979 Đảng và Chính phủ ta quyết định giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng con đường “Vành đai 2”, với mật danh N2 (sau này là QL 279). Bộ Quốc phòng đã giao cho Binh đoàn 12 thần tốc khảo sát, thi công tuyến đường đi qua 10 tỉnh, bắt đầu từ Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) và kết thúc ở Tây Trang (tỉnh Điện Biên) với chiều dài 970km. Lực lượng tham gia thi công trên toàn tuyến khi đó gồm 5 sư đoàn và 1 trung đoàn, trong đó có Sư đoàn 391.

Mặc niệm những đồng đội đã hy sinh

          Sư đoàn 391 (tháng 8/1978 gọi là Sư đoàn 341b, được điều động từ tỉnh Quảng Bình ra Tây Bắc thi công, nâng cấp tuyến Quốc lộ 6 – đoạn từ Hòa Bình đi Sơn La, Lai Châu) thuộc Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Khi đó Sư đoàn có 4 trung đoàn là E1, E22, E55 và E79. Quân số được bổ sung từ nguồn quân nhân nhập ngũ năm 1977 của Quân khu Thủ đô, cùng với đội ngũ nữ quân nhân nhập ngũ tháng 8/1978.

          Cuối tháng 2/1979, sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 6 để thuận tiện cho việc cơ động lực lượng và phương tiện lên phía Bắc, Sư đoàn 391 được cấp trên điều động sang làm Đường N2, điểm xuất phát từ huyện Quỳnh Nhai, nối liền 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Hoàng Liên Sơn[ii]. Đường N2 là tuyến đường cơ giới chiến lược bảo vệ vùng biên giới phía Bắc, là tuyến đường cơ động chiến đấu nhanh nhất khi có chiến tranh. Với tiêu chí đặt ra là thời gian thi công ngắn nhất, nhưng kỹ thuật phải đạt tiêu chuẩn đường quân sự làm gấp, nên lực lượng khảo sát đi trước đến đâu, lực lượng thi công theo sau đến đó.

Một trong những tiết mục văn nghệ cuả chính người lính Sư đoàn 391

          Từ tháng 2/1979, Sư đoàn 391 đảm nhiệm thi công tuyến đường từ phà Pá Uôn[iii] đến Bản Khì, độ dài toàn tuyến là 70km.

          Những ngày đầu, nhiệm vụ thi công trên tuyến của Sư đoàn rất khó khăn, càng soi mở vào sâu trong tuyến, địa hình càng hiểm trở, với nhiều núi cao, vực thẳm, lèn đá chênh vênh, đặc biệt là gần khu vực Bản Khì (giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) khí hậu khắc nghiệt: “Mùa hè dội cái nắng khét nồng vai áo/Mùa đông găm cái rét thấu tận cùng da thịt”. Gian khổ là vậy, nhưng soi mở tuyến thi công đến đâu, những người lính Sư đoàn đều được bà con các dân tộc tạo điều kiện giúp đỡ, nhường nhịn từng tuýp xôi, từng chỗ ngủ trên nhà sàn cho bộ đội. Những chén rượu ấm tình đoàn kết quân dân đã làm tan biến cái rét, xua đi bao khó khăn, nhọc nhằn của những người lính trẻ Sư đoàn 391 phải thi công trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, phương tiện cơ giới ít, chủ yếu là thủ công.

Lãnh đạo Đảng, chính quyền huyện Quỳnh Nhai tặng hoa chúc mừng

          Với quyết tâm cao độ, cuối năm 1980 Sư đoàn 391 cùng với các đơn vị bạn đã hoàn thành nhiệm vụ thông tuyến. Lúc này trục đường N2 được gọi tên là Quốc lộ 279 (có nghĩa là tháng 2 năm 79).

          Việc thông tuyến QL 279 có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những về mặt quân sự, mà còn cả về mặt kinh tế. Bởi, QL 279 đã góp phần phân bố lại dân cư để tổ chức sản xuất; phát triển kinh tế cho các vùng núi phía Bắc; giúp nhân dân các vùng biên giới giao lưu thuận lợi, xóa đói giảm nghèo; mở mang dân trí cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Có thể nói, QL 279 đưa vào khai thác đã đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của cả vùng Tây Bắc giàu đẹp.

          Cuối năm 1980, Sư đoàn tiếp nhận Trung đoàn 8 của Sư đoàn 384 chuyển về. Tháng 12/1980, Sư đoàn tiếp tục được bổ sung quân nhân là nữ từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Sơn Bình, Hải Phòng và Thái Bình. Nhiều đồng chí nữ không trong diện nhập ngũ nhưng đã trốn gia đình, theo tiếng gọi thiêng liêng vì biên giới theo đoàn quân đi, mà sau này trong nhật ký thơ của đồng đội đã viết: “Mắt em ngời lên bao ước mơLàm một cánh chim giữa trời rộng mở/Giấu nỗi riêng tư chín hồng đôi má/Em đã đi, Đường 279 đang chờ.”.

Tặng quà những đồng đội khó khăn

          Được tiếp thêm sức mạnh, khả năng hoàn thành nhiệm vụ mở đường của Sư đoàn tăng lên.

          Năm 1983, các đơn vị trên tuyến giải thể, riêng Sư đoàn 391 tiếp tục đảm nhiệm nâng cấp thêm đoạn từ Than Uyên (Lai Châu) qua đèo Khau Cọ đến Minh Lương (Lào Cai) với độ dài 60 km.

          Tuy thi công trong điều kiện khó khăn, nhưng với khẩu hiệu “Thần tốc”, trong vòng 8 năm, từ năm 1979 -1987 Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ mở mới và nâng cấp được 130 km đường trên QL 279. Những năm tháng này, mỗi đồng đội chúng tôi đã để lại nơi đây bao kỷ niệm khó quên về một thời quân ngũ. Những địa danh như: Pá Uôn, Pắc Ma, Bản Tậu, Bản Cút, Bản Khì, Khau Co…, đã in đậm trong ký ức về một thời tuổi trẻ của những người lính Sư đoàn.

          Những câu chuyện và những dấu tích huyền thoại về đồng đội của chúng tôi trên QL 279 có rất nhiều. mà điển hình là ở dốc Cút thuộc bản Cút, xã Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai). Chiến sĩ ta gùi gạo, Phải trèo đèo vượt dốc Cút, lên đến nơi quần áo thấm đẫm mồ hôi, cộng thêm giá rét và nỗi nhớ nhà, làm cho các chiến sĩ nữ khóc như mưa. Từ đó, bộ đội ta đặt tên cho dốc “dốc Lệ Rơi” và có thơ: “Gùi gạo qua dốc Lệ Rơi/Em ngồi, em khóc gạo vơi ít nhiều”.

Một hình ảnh xúc động

          Cũng chính nơi đây, cô nữ chiến sĩ văn nghệ xung kích tên Lệ Thúy của Trung đoàn 55 (quê Thanh Oai, Hà Tây) trên đường công tác, xuống phục vụ đơn vị thi công. Khi qua đỉnh đèo, xe ô tô gặp nạn, đồng chí đã hy sinh khi mới 19 tuổi. Sau khi thông tuyến, đèo đã được đặt tên là đèo Cô Thúy. Rồi còn nhiều tấm gương khác như đồng chí Cải khi nổ mìn, bị đất đá ta luy dương vùi lấp ở cách đèo Cô Thúy không xa; 2 đồng chí lái ca nô của Sư đoàn bị nước cuốn trôi ở phía bắc phà Pá Uôn khi làm nhiệm vụ cơ động lực lượng qua sông v.v…, tất cả các anh, các chị đều anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ mở đường 279…

          Cuối năm 1987, sau khi bàn giao đưa QL 279 vào khai thác sử dụng, Sư đoàn 391 được rút gọn thành Lữ đoàn.

          Đến tháng 3/1990, Lữ đoàn 391 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân đội, Lữ đoàn 391 được giải thể để giảm nhẹ biên chế trong lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

          Sau khi Sư đoàn rút gọn, Lữ đoàn 391 giải thể, một số đồng chí được cử đi học đào tạo hoặc chuyển công tác về đơn vị mới phục vụ lâu dài trong Quân đội. Với kinh nghiệm thực tiễn và bản lĩnh được tôi luyện trong gian khổ từ cái nôi là Sư đoàn 391, khi về đơn vị mới tiếp tục phấn đấu, công tác, nhiều đồng chí cán bộ đã trưởng thành và là những sĩ quan cao cấp, có học hàm, học vị và được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo quan trọng ở các đơn vị trong Quân đội.

          Nhiều đồng chí khác chuyển ngành về các cơ quan của Đảng, Nhà nước Trung ương và địa phương vẫn tiếp tục rèn luyện và phát huy được bản lĩnh của anh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn có tâm sáng, năng động trong công tác lãnh đạo ở cả các cấp tỉnh, huyện và cấp xã.

          Một số đồng đội về trải nghiệm cuộc sống đời thường, nhưng không cam chịu cảnh nghèo, với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, quyết tâm làm kinh tế giỏi và đã trở thành những doanh nhân tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp cả nước.

          Đa số những đồng đội còn lại, sau khi trở về quê hương, trở về với cuộc sống đời thường, tuy hành trang theo về chỉ có bộ quân phục màu xanh với chiếc ba lô đã bạc màu, nhưng bên trong chứa đựng sự chững chạc, từng trải của bản thân và bao nghĩa tình đồng đội, đó là động lực để cho các đồng chí củng cố quyết tâm xây dựng quê hương.

          Cho đến hôm nay, mỗi đồng đội ngồi đây đều có mỗi công việc, điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng luôn lạc quan, yêu đời và yêu cuộc sống, bởi trong mỗi chúng ta sẵn mang trong mình “trái tim của người chiến sĩ Việt Nam” luôn đầy ắp sức sống và lòng nhiệt huyết. Mong rằng, tất cả chúng ta hãy luôn trân trọng, giữ gìn, phát huy tình cảm đồng đội của người chiến sĩ Sư đoàn 391 trong suốt cuộc đời của mình.

          Trở lại Quỳnh Nhai, anh em đồng chí, đồng đội từ mọi miền của Tổ quốc đã vượt hàng ngàn cây số về hội tụ ở mảnh đất “chiến trường xưa” này, để được tay nắm trong tay mà dâng trào nước mắt xúc động, vì sau mấy chục năm mới được gặp lại. Để được cùng nhau chia sẻ những ký ức hào hùng đã qua và bùi ngùi tiếc thương những đồng đội đã ngã xuống vì sự tồn sinh của Con đường 279. Trong tột cùng cảm xúc, đồng chí Đại tá Hoàng Minh đã viết: “Gặp nhau chẳng nói nên lời/Ngỡ ngàng vỡ òa cảm xúc/Đồng đội người còn, người mất/Nụ cười, nước mắt chứa chan”.

          Về Quỳnh Nhai hôm nay, đi trên con đường trải nhựa thênh thang, được sải chân trên Pá Uôn (ảnh trên) dài rộng, có trụ cầu cao nhất Việt Nam và là cầu đẹp nhất vùng Tây Bắc, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến kỳ diệu của thiên nhiên vùng du lịch lòng hồ được ví như “Hạ Long của vùng Tây Bắc” và sức vươn mãnh liệt của một phố huyện mới Quỳnh Nhai. Về nơi đây, cúng ta còn cảm nhận được sự náo nức, chờ đợi của người dân Quỳnh Nhai, những mong được đón tiếp bộ đội 391 trở về như những người thân sau bao năm xa cách…

          Để tri ân với sự giúp đỡ và tình cảm đó, mỗi chúng ta – những cựu quân nhân Sư đoàn 391 – hãy là những tình nguyện viên, quảng bá những điều mắt thấy tai nghe về vẻ đẹp sinh thái vùng lòng hồ, đến khắp các vùng miền cả nước, để khơi đậy tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây. Đó là hành động thiết thực giúp đỡ nhân dân huyện Quỳnh Nhai phát triển kinh tế. Để lần sau đến, chúng ta lại được thấy Quỳnh Nhai có diện mạo thay đổi nhiều hơn.

Quỳnh Nhai ơi! Xin hẹn lại mùa sau

Chúng tôi sẽ về, nói thêm câu thương nhớ.

Sơn La ơi! Đời này chúng tôi mắc nợ

Những ân tình của xứ sở ngàn lau…

                                                                   Bài: Đại tá, TS. LÊ ĐIỆP
Ảnh: Nhà báo – Th.s MỸ HẠNH    


[i] Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn hay là Binh đoàn 12 (tiền thân là Đoàn 559) là đoàn công binh và vận tải quân sự chiến lược phụ trách vận tải trên tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, nay trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.

[ii] Hoàng Liên Sơn là một tỉnh cũ của Việt Nam, nằm ở giữa đông bắc và tây bắc Bắc Bộ Việt Nam, được thành lập vào ngày 27 tháng 12 năm 1975 trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Than Uyên của tỉnh Nghĩa Lộ (riêng 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên trở về tỉnh Sơn La quản lý). Tỉnh lỵ của Hoàng Liên Sơn là thị xã Yên Bái.

[iii] Phà Pá Uôn trên quốc lộ 279,  qua sông Đà thuộc địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Tây Bắc Việt Nam – cách thành phố Sơn La khoảng 70 km.