Quyết liệt kiểm tra nhận diện tham nhũng tiêu cực suy thoái để chỉnh đốn Đảng

Đăng lúc: 11-10-2021 2:06 Chiều - Đã xem: 121 lượt xem In bài viết

 

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 . Ảnh internet  

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XIII) một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh phải quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, nhận diện tham nhũng, tiêu cực suy thoái và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được thật sự trong sạch, thật sự vững mạnh. Bởi kiểm tra là chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng. Kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng là một phần không thể thiếu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là một trong bốn nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Với tầm quan trọng đặc biệt của công tác kiểm tra trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với mục đích vừa phát hiện, xử lý, ngăn ngừa tiêu cực vi phạm; vừa phát huy, bảo vệ nhân tố mới, tích cực, nên hoạt động kiểm tra Đảng phải là hoạt động tự giác và nghiêm túc của cả chủ thể lẫn đối tượng kiểm tra. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động kiểm tra – chỉnh đốn Đảng phải bao gồm cả hai mặt: Kiểm tra và tự kiểm tra; Chủ thể và đối tượng kiểm tra đều phải thực hiện nghiêm túc kiểm tra với tự kiểm tra, phê bình với tự phê bình, nhận diện với tự nhận diện trong toàn bộ quy trình hoạt động kiểm tra của Đảng.

Trên phạm vi toàn quốc, những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra từ Trung ương đến các Đảng bộ tỉnh, thành phố và Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã có một bước phát triển và đạt được kết quả nổi bật. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 – 2021, toàn quốc đã tiến hành kiểm tra hơn 23 vạn tổ chức Đảng và hơn một triệu đảng viên, đã phát hiện, xử lý kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và 88.000 đảng viên, bao gồm cả cán bộ lãnh đạo cấp cao đương chức và đã nghỉ hưu. Hiệu lực và hiệu quả kiểm tra cùng với kỷ luật Đảng đã có tác động mạnh mẽ, giáo dục răn đe, ngăn chặn một bộ phận khá đông cán bộ đảng viên, có cả cán bộ cấp chiến lược từng bước không dám và không thể tiêu cực, tham nhũng, vi phạm; đã xây dựng củng cố khá nhiều tổ chức Đảng từ yếu kém, sa sút vươn lên trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, từ kỷ luật nghiêm minh trong nội bộ Đảng, nhất là cấp cao đã làm nền tảng kỷ cương cho bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị triển khai thực hành xã hội “Thượng tôn pháp luật”.

Tuy nhiên, bên cạnh thành công, kết quả rất đáng ghi nhận, công tác kiểm tra giám sát phục vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng ở một số nơi, một số lúc vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Thể hiện rõ nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Một trong những nguyên nhân là phần lớn kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đều không phải do cấp ủy hoặc Ủy ban Kiểm tra tại chỗ tự kiểm tra, tự phát hiện mà do cấp ủy cấp trên thực hiện, do đơn tố cáo hoặc báo chí nêu. Một số tổ chức Đảng chưa coi trọng việc tự kiểm tra, tự phê bình, tự nhận diện nên hiệu quả thấp, dẫn đến tình trạng kết luận thiếu chuẩn xác, không minh bạch, thi hành kỷ luật chưa thật nghiêm minh, không triệt để, chỉ xử được phần ngọn mà chưa xử được gốc. Mục đích, mục tiêu của kiểm tra không phải chỉ dừng lại ở chỗ phát hiện, xử lý vi phạm mà quan trọng hơn là phải kết luận chuẩn xác, chỉ rõ đúng sai, nguyên nhân khách quan, chủ quan của khuyết điểm, tiêu cực một cách minh bạch, thấu lý đạt tình, thì mới có biện pháp hữu hiệu khắc phục, sửa chữa toàn diện, triệt để.

Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, bất kỳ ở đâu, lúc nào mà hoạt động kiểm tra chỉ có cấp trên kiểm tra cấp dưới, tổ chức kiểm tra cá nhân, bên ngoài vào kiểm tra bên trong, còn đối tượng kiểm tra thì thụ động, không tự giác kiểm tra thì hiệu quả không thể đạt yêu cầu toàn diện. Điều này đã được Bác Hồ nhiều lần căn dặn: “Cán bộ, đảng viên phải tự giác tự phê bình như người phải rửa mặt hằng ngày, như vậy người mới không bẩn, không bệnh”. Bác còn nhấn mạnh: “một Đảng cách mạng chân chính mà không tự phê bình và phê bình, còn che giấu sai lầm khuyết điểm là một Đảng hỏng”, chúng ta suy ra, một cán bộ, đảng viên mà không tự phê bình, tự kiểm tra, còn cố tình che giấu tiêu cực vi phạm là cán bộ hỏng, đảng viên hỏng. Chính vì vậy nên kiểm tra Đảng phải là hoạt động nghiêm túc và tự giác của cả chủ thể lẫn đối tượng kiểm tra. Cũng giống như thầy thuốc dù có giỏi đến đâu mà người bệnh không cộng tác, không cùng chữa bệnh thì cũng khó chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng thuốc để bệnh nhân khỏi bệnh. Tính nhân văn của kiểm tra Đảng chính là ở chỗ cứu giúp đồng chí mình kịp thời dừng lại và tự giác sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, không để tích tụ và trượt theo con đường suy thoái, biến chất./.

Nguyễn Anh Liên