Sau dấu hai chấm (:), chấm phẩy (;) có phải viết HOA?

Đăng lúc: 03-07-2024 9:11 Sáng - Đã xem: 273 lượt xem In bài viết
  1. Sau dấu hai chấm (:), chấm phẩy (;) có phải viết HOA?

Căn cứ Mục I Phụ lục II Nghị định 30/2020/NĐ-CP, viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.

Như vậy, trường hợp sau dấu hai chấm (:), chấm phẩy (;) thì không cần phải viết HOA, trừ trường hợp phải viết HOA theo khoản 2 của bài viết này.

  1. Các trường hợp phải viết HOA khác

Căn cứ Mục II, Mục III, Mục IV, Mục V Phụ lục II Nghị định 30/2020/NĐ-CP, ngoài trường hợp tại khoản 1 nêu trên, các trường hợp sau đây phải viết HOA.

          2.1. Viết HOA danh từ riêng chỉ tên người

Ví dụ 1: viết HOA chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người (như là: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Đồng,…).

Ví dụ 2: tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: viết HOA chữ cái đầu tất cả các âm tiết (như là: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Bác Hồ, Cụ Hồ, …).

         2.2. Viết HOA tên địa lí

Ví dụ 3: tỉnh Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội,…

         2.3. Viết HOA tên cơ quan, tổ chức

Ví dụ 4: viết HOA chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức (như là: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Tài chính, …).

Ví dụ 5: trường hợp viết HOA đặc biệt (như là: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, …).

          2.4. Viết HOA các trường hợp đặc biệt khác

Ví dụ 6: danh từ thuộc trường hợp đặc biệt (Nhân dân, Nhà nước).

Ví dụ 7: tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự (viết HOA chữ cái đầu của các âm tiết của các thành phần tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ, hạng. Ví dụ: Huân chương Sao vàng, Nghệ sĩ Nhân dân, Anh hùng Lao động, …).

Ví dụ 8: tên chức vụ, học vị, danh hiệu (viết HOA tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể; như là: Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư Tôn Thất Tùng, …).

Ví dụ 9: Danh từ chung đã riêng hóa. Viết HOA chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng (như là: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam), …).

Ví dụ 10: tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm. Viết HOA chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm (như là: ngày Quốc khánh 2-9, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, …).

Ví dụ 11: tên các loại văn bản. Viết HOA chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể (như là: Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Quốc hội, …).

Ví dụ 12: trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều. Như là:

– Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự.

– Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Tiểu mục 1 Mục 1 Chương III của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14.

Ban biên tập