Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam

Đăng lúc: 05-12-2022 3:03 Chiều - Đã xem: 84 lượt xem In bài viết

Sự ra đời của Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam

 Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc là: Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần. Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ nhất phát động phong trào “Năm xung phong chống Mỹ cứu nước” là:

  1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều xinh lực địch.
  2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.
  3. Xung phong đi dân công và TNXP phục vụ tiền tuyến.
  4. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.
  5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Ngày 20/4/1965, đơn vị TNXP – GPMN đầu tiên là C100 được thành lập tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; gồm 108 cán bộ, đội viên. Đồng chí Trần Lê Dũng (Sáu Dũng), Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng làm chính trị viên, đồng chí Nguyễn Đức Toàn (Tư Dũng), ủy viên chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng làm Tổng đội trưởng. Cuối năm 1965 Trung ương Cục chỉ đạo thành lập Đảng ủy Tổng đội trực thuộc Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Sáu Dũng làm Bí thư, đồng chí Tư Dũng làm Phó Bí thư, các đồng chí Mười Luông, Trần Văn, Mười Trực làm ủy viên.

Thanh niên xung phong ngâm mình làm cầu cho đồng đội cáng thương (ảnh internet) 

Qua thực tiễn phục vụ chiến đấu và chiến đấu, nhất là sau các trận Bình Giã, Đồng Xoài thắng lợi, vai trò của lực lượng TNXP – GPMN càng được khẳng định và phát triển nhanh chóng.

Mười một đơn vị TNXP lần lượt được thành lập:

Ngày 2/9/1965, Đội “Hiệp Hòa anh dũng” của Long An.

Ngày 23/11/1965, Đội “Hoàng Lệ Kha” của Tây Ninh.

Ngày 1/12/1965, Đội 112 “Phú Lợi căm thù” của Bình Dương.

Ngày 12/12/1965, Đội 1265 “Bình Giã chiến thắng” của Biên Hòa.

Ngày 20/12/1965, Đội “Nguyễn Văn Tư” của Bến Tre.

Đầu năm 1966, Mỹ Tho thành lập đội 2163 “Ấp Bắc”.

Ngày 23/9/1966, Cà Mau thành lập Đội 239 “Nguyễn Việt Khái”.

Ngày 3/2/1967, Đội “ Tây Đô quyết thắng” của Cần Thơ.

Tháng 11/1967, Đội 1167 “Đông Xuân quyết thắng” của Trà Vinh.

Ngày 20/4/1968, C204 Ấp Bắc 2 của Mỹ Tho.

Ngày 26/3/1970, C263 Hiệp Hòa anh dũng của Long An

 Bên cạnh các đơn vị TNXP trên, các địa phương cũng thành lập nhiều đơn vị TNXP cơ sở, tập trung từ 3-6 tháng theo nhu cầu cấp bách. Chỉ riêng trong hai năm 1966-1967 trên toàn miền Nam đã có gần 60.000 TNXP địa phương và cơ sở.

 Khác với TNXP – chống Mỹ cứu nước (tập trung) của miền Bắc được huy động có thời hạn, theo nhiệm kỳ và chủ yếu là bảo đảm giao thông, TNXP-GPMN tập trung không thời hạn, có mặt khắp chiến trường, cả ở xã phường làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn gạo, tải thương, chăm sóc thương binh, đào hầm hào, làm nhà kho, đường xá và trực tiếp tham gia chiến đấu bên các đơn vị Quân giải phóng. Từ năm 1966 đến năm 1968, do tính chất và quy mô chiến tranh ngày ác liệt, các sư đoàn chủ lực như Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 ra đời. Cùng với đó, Tổng đội TNXP-GPMN thành lập 3 Liên đội TNXP mang phiên hiệu như các sư đoàn chủ lực gồm: Liên đội 5 do anh Tám Quang phụ trách, Liên Đội 7 do anh Mười Tấn phụ trách và Liên đội 9 do anh Trần Tài Ba phụ trách để trực tiếp phục vụ 3 sư đoàn trên trong các trận đánh ác liệt.

 Từ năm 1969 đến năm 1972, TNXP- GPMN cùng các Đoàn Hậu cần quân đội vận chuyển hàng chiến lược, chuyển thương binh và chiến đấu bảo vệ tuyến hành lang trọng điểm như tuyến Tây Ninh-Dầu Tiếng (Liên đội 9); tuyến Dầu Tiềng- Chơn Thành- Bến Cát- Củ Chi (Liên đội 7); tuyến Long Khánh- Núi Mây Tàu, Bà Rịa – Phước Long, Bình Long. Cũng trong thời gian này, Tổng đội TNXP-GPMN đã thành lập một Tiểu đoàn tăng cường D601 với 600 người làm nhiệm vụ trên chiến trường Căm-pu-chia, trực tiếp chiến đấu bắn rơi 2 trực thăng, bắn cháy 4 xe bọc thép, diệt hàng trăm tên địch, sau đó chuyển thành D579 và chuyển sang lực lược Công an vũ trang nhân dân miền Đông Nam Bộ.

 Từ năm 1972 đến cuối năm 1973, Lực lượng TNXP- GPMN được giao nhiệm vụ tiếp đón hơn 3.500 cán bộ, chiến sĩ ta bị địch bắt nay được trao trả tại Tây Ninh, sau đó toàn lực lượng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và tiếp quản Sài Gòn 30/4/1975. Những thành tích chiến công oanh liệt của TNXP – GPMN Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam, sự quản lý trực tiếp của Tổng cục Cung cấp Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam, với tinh thần “Năm xung phong”, TNXP giải phóng miền Nam đã anh dũng kiên cường cùng bộ đội trên các chiến trường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực, vận chuyển thương binh, rà phá bom mìn. Liên đội 9 là đơn vị thành lập sớm nhất của Tổng đội TNXP- GPMN, gồm các Đội 198 Thành Đồng, Đội 2012 Nguyễn Văn Tư (Bến Tre), Đội 239 Nguyễn Việt Khái (Cà Mau) đã theo sát bước chân Sư đoàn 9 quân giải phóng trong 5 năm 1965-1969 đã phục vụ 401 trận đánh, tiêu biểu như trận Bầu Bàng, Nhà Đỏ – Bông Trang, Dầu Tiếng. Riêng trận Gian-xơn-Xi-ty tháng 2/1967, Liên đội 9 đã phục vụ Sư đoàn 9 bẻ gãy trận càn có quy mô lớn nhất, diệt nhiều sinh lực Mỹ. Tiếp đó Liên đội phục vụ trận Mậu Thân năm 1968. Kết thúc chiến dịch có 40 đội viên TNXP hy sinh, 120 đồng chí bị thương. Trong 9 năm hoạt động, Liên đội đã vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, 01 vạn tấn gạo, tải thương 6.415 cáng, trực tiếp chăm sóc 1.240 thương binh. Liên đội được Sư đoàn 9 tặng cờ 14 chữ vàng: “Đoàn kết khiêm tốn, phục vụ chí tình, sống anh dũng, chết vinh quang”. 

Thanh niên xung phong tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ – Ảnh: Tư liệu 

Trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu, nhiều đội viên TNXP GPMN đã nêu gương sáng tiêu biểu như Đoàn Thị Liên thuộc Đội 112 quả cảm với câu nói nổi tiếng “Chiến trường còn thương binh thì TNXP chưa rời trận địa”, “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”. Hành động lấy thân mình chắn cửa hầm che đạn pháo cho thương binh và hy sinh anh dũng. Năm 2010, liệt sĩ TNXP Đoàn Thị Liên đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nguyễn Thị Hoàng Anh (Nguyễn Thị Bé), quê Tân Trụ, Long An là một đội viên TNXP tận tụy, gan dạ. Trong một lần đi công tác gặp địch phục kích định bắt sống, chị đã dũng cảm cho nổ lựu đạn diệt 4 tên Mỹ tại chỗ và anh dũng hy sinh. Liên đội 5 phối thuộc với Sư đoàn 5 Quân giải phóng, với tinh thần vượt qua gian khổ, “Bám trụ chiến trường, bám trụ tuyến đường”, các đội viên TNXP vừa làm nhiệm vụ cáng thương, vừa chiến đấu ngăn chặn truy kích của địch, bảo vệ thương binh. Đội 1256 chuyển thương binh ra tuyến sau lọt vào ổ phục kích của địch, vấp phải bãi mìn địch gài trên đường, 5 đội viên hy sinh, xe tăng Mỹ đánh vào đội hình, các đội viên Tạo, Hồng, Oanh, Vân đã dũng cảm cõng thương binh vượt vòng vây của địch. Liên đội 5 có Đội 2311 là lá cờ đầu của lực lượng, với nhiều gương điển hình như: Võ Thị Rậm, Trịnh Duy Hoàng, Lê Hùng Minh, Phan Văn Be. Liên đội xứng đáng được các chiến sĩ quân giải phóng gọi là “Thanh niên xung phong, chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”.

 Liên đội 7 phục vụ Sư đoàn 7 Quân giải phóng, về sau phục vụ Đoàn 83, Đoàn 70 Cục Hậu cần (tuyến hành lang “tam giác sắt” Dầu Tiếng-Chơn Thành-Bến Cát). Đây là địa bàn địch dung B52 và chất độc da cam để hủy diệt. Mỗi đội viên phải hứng chịu trung bình hàng tấn bom, pháo của địch. Ngày 5/10/1969, B52 đánh trúng hầm của Ban chỉ huy Liên đội khiến đồng chí Mười Tấn, Chính trị viên; đồng chí Mai Hoàng, Đội phó; đồng chí Minh, Trung đội phó hy sinh.

 Ngày 18/2/1969, Đội 112 bị B52 đánh trúng căn cứ khiến 20 cán bộ, đội viên hy sinh. Sau đó địch dùng trực thăng đổ biệt kích xuống suối Độn đánh vào đội hình của Đội 112, các đồng chí Tùng, Út Lầm và Đào Văn Thiết trong lúc đánh trả đã anh dũng hy sinh. Trong trận này Đội 112 bắn rơi một trực thăng và tiêu diệt 20 tên Mỹ. Ngày 11/3/1969, B52 lại đánh trúng đội hình Đội 32, khiến 32 anh chị em hy sinh. Địch phát hiện các bãi hàng của ta tại bến Chùa, bến Cây Dừa trên sông Sài Gòn, giáp Củ Chi, chúng dùng B52 hủy diệt…

 Liên đội 7 là đơn vị có truyền thống: “Kiên cường dũng cảm trong lửa đạn, hăng say bền bỉ trong phục vụ, kiên quyết đánh địch bảo vệ chiến thương, bảo vệ tuyến đường, triệt để chấp hành mệnh lệnh, đi bất cứ nơi nào có yêu cầu. Đơn vị có số cán bộ, đội viên hy sinh, bị thương nhiều nhất”. Trên tuyến đường 1C , bao gồm khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế – Tám Ngàn – Cái Sắn – Bảy Núi, Ba Hòn, trọng điểm là những cánh rừng với những địa danh Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây.

 Suốt hơn 8 năm bám trụ, Liên đội I TNXP đã trung kiên bám địa bàn xen kẽ giữa ta và địch, sự sống và cái chết kề trong gang tấc, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, hy sinh gian khổ, trực tiếp chiến đấu với địch, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển 10.000 tấn quân trang, tiếp nhận đưa về mũi Cà Mau trên 01 vạn quân, phối hợp cùng bộ đội chiến đấu bắn rơi 100 máy bay, diệt 50 xe tăng và tàu sắt, hàng ngàn tên địch giữ vững thông suốt tuyến đường huyết mạch từ Khu 9 về Trung ương cục. Cán bộ, chiến sĩ của Liên đội I TNXP anh hùng (trong đó có 399 liệt sĩ) và những tấm gương anh hùng liệt sĩ Võ Thị Hồng Láng, Phan Văn Be, Nguyễn Ngọc Đẹp, Trang Bá Phúc… đã làm nên huyền thoại

Lực lượng TNXP cáng thương binh về tuyến sau cứu chữa. Ảnh: tư liệu 

Đường 1C lịch sử, xứng đáng với truyền thống trung dũng kiên cường của Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam “Không tiền tuyến, không hậu phương, đâu Đảng cần đó là tiền tuyến”, “Phục vụ quên mình – Anh dũng xung phong – Lập công vẻ vang”. Đội 2311, Đội 1265, Đội 112, Đội 1263, Đội 32… thường xuyên theo sát quân giải phóng đánh trận, âm thầm, lặng lẽ trong đêm tối, dưới trời mưa, đường lầy, cắt rừng tránh địch phục kích, vượt qua bãi mìn của địch, vận chuyển quân lương, thương binh, bộ đội hy sinh và nhịn đói nuôi dưỡng thương binh, chiến đấu với địch phục kích bảo vệ thương binh. Nhiều cán bộ chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Liên đã hy sinh trong tư thế lấy thân mình che chở cho thương binh trước bom đạn địch, câu nói của chị: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề của các chiến sĩ TNXP mỗi lần ra trận. Trong trận Bàu Bàng, TNXP Bình Dương đã băng mình dưới mưa bom bão đạn vận chuyển vũ khí đạn dược ra phía trước, bị B52 rải thảm trúng đội hình hy sinh cùng một lúc 40 người ở Phú Bình, Bến Cát. TNXP cơ sở Củ Chi, Bình Chánh, Tân Bình chuyển vũ khí bị địch phát hiện dùng pháo và trực thăng bắn phá khiến 30 người phần lớn là nữ TNXP hy sinh. Trong 6 năm từ 1965 – 1971, Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam đã phục vụ 641 trận đánh, trực tiếp chiến đấu trên 40 trận, bắt sống 856 tên địch, trong đó 286 lính Mỹ, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, phá hỏng 20 xe tăng; làm và sửa chữa 29 km đường ô tô, 185 km đường xe thồ 125 m cầu, đào 1.135 km hầm hào, xây dựng 08 bệnh viện và 272 kho quân dụng; vận chuyển 23.117 tấn hàng, 9.538 thương binh và đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông; chăm sóc nuôi dưỡng 2.077 thương binh, cung cấp cho lực lượng vũ trang 550 cán bộ chiến sĩ và các cơ quan Trung ương cục 160 người.

Quá trình phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động, học tập, rèn luyện và trưởng thành, Lực lượng TNXP- GPMN đã xây dựng nên truyền thống PHỤC VỤ QUÊN ÌNH, ANH DŨNG XUNG PHONG, LẬP CÔNG VẺ VANG. Với những thành tích xuất sắc đó, Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (tập thể và cá nhân) đã được tặng thưởng 01 Huân chương Thành đồng hạng Nhất, 03 Huân chương Thành đồng hạng Ba, 01 Huân chương Quân công hạng Ba, 10 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, 50 Huân chương Giải phóng hạng Hai, 117 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 26 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 152 Huy chương Giải phóng hạng Nhất, 207 Huy chương Giải phóng hạng Hai, 54 dũng sĩ các loại, hàng ngàn bằng khen, giấy khen. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (2009) và chiến sĩ TNXP Đoàn Thị Liên (2000).

TNXP trên chiến trường Trung Trung bộ (Khu V)

 Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang giai đoạn gay go, quyết liệt, năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” và sự ra đời của TNXP – CMCN ở miền Bắc, Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Khu V kêu gọi thanh niên Khu V hưởng ửng phong trào “Năm xung phong” và tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP giải phóng. Tháng 3/1965, Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam tăng cường cho Khu V một số cán bộ như đồng chí Trần Đức Lượng (sau đó đồng chí hy sinh tại Đà Nẵng) và đồng chí Nguyễn Anh Liên từ Bắc vào để gây dựng, phát triển phong trào “Năm xung phong” và xây dựng lực lượng TNXP. Lực lượng TNXP Khu V, chủ lực là Tổng đội TNXP Quyết Thắng mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với 2.000 đội viên, được thành lập tại Khu căn cứ Nước Oa có nhiệm vụ bám theo phục vụ các sư đoàn chủ lực và một số tiểu đoàn TNXP hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đoàn 559. Đến tháng 9/1965, Tổng đội TNXP giải phóng Khu V có quân số lên tới 12.000 người. Đến tháng 8/1968 thành lập thêm Trung đoàn 240 trực thuộc Quân khu. Tổng quân số TNXP toàn Khu V (10 tỉnh) lên tới 25.000 người. Một trong những đơn vị tiêu biểu của lực lượng TNXP Khu V là Tiểu đoàn nữ TNXP 232 trực thuộc Cục Hậu cần Quân khu V và trực tiếp phục vụ Binh Đoàn 559. Các đội viên TNXP tiểu đoàn 2 phần lớn đều quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, gia nhập các Tổng đội TNXP Võ Như Hưng, Võ Thị Sáu từ năm 1965. Bốn năm sau, vào đầu năm 1969, do nhu cầu của nhiệm vụ vận tải trên tuyến hành lang phục vụ chiến đấu, tiểu đoàn được chuyển sang chịu sự chỉ đạo của Cục Hậu cần Quân khu V. Ngoài nhiệm vụ vận tải, tiểu đoàn còn làm các nhiệm vụ khác như nuôi dưỡng thương binh, mở đường, làm kho tàng, nhà ở, chăn nuôi tự túc. Với khẩu hiệu

 “Đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên một tạ” và Không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu công hiến tất cả”, riêng năm 1969, tiểu đoàn đã vận chuyển được 1.344 tấn hàng, bình quân mỗi chị em vận chuyển được hơn 8 tấn. Đợt cao điểm, mỗi chị em vận chuyển được 100 kg/chuyến. Bước chân của Tiểu đoàn 2 in đậm khắp các chiến trường Khu V, từ Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi đến Kon Tum, Gia Lai, Đường 9, Nam Lào… Địch phát hiện tuyến hành lang vận tải, chúng tập trung đánh phá ác liệt, nhiều chị đã anh dũng hy sinh. Có lần 13 chị em gùi hàng xuống Quế Sơn, bị địch phát hiện gọi pháo bắn vào đội hình khiến 6 người hy sinh và 6 người bị thương. Gần 4 năm làm nhiệm vụ (1969-1972), Tiểu đoàn 2 đã vận chuyển được 9.019 tấn hàng. Bình quân mỗi người vận chuyển được 6.250 kg, trên chặng đường bộ 600 km. Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao, Chính trị viên phó Đại đội Nguyễn Thị Huấn và Trần Thị Lâu được tặng Huy hiệu Bác Hồ cùng nhiều phần thưởng khác, được Cục Hậu cần Quân khu V tặng danh hiệu: “Kiện tướng hành lang, gương mẫu đảm đang, chân đồng vai sắt”. Năm 2000, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Tiểu đoàn 2 và chị Phạm Thị Thao. Tháng 7/1967, Đoàn vận tải H50 do Quân khu VI thành lập, trong đó C2 Bình Thuận làm nòng cốt để mở đường từ Bình Thuận đi Căm pu chia vận chuyển gạo đạn cho chiến trường cực Nam Trung Bộ, là đơn vị đầu mối tiếp nhận vũ khí, lương thực và hàng hóa từ miền Bắc chi viện và Trung ương cục miền Nam cho các chiến trường cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.

 Đa Kai, xã căn cứ cách mạng, nơi cửa ngõ xung yếu án ngữ phía tây bắc của huyện Đức Linh, điểm địa đầu nối con đường hành lang chiến lược từ Trung ương cục miền Nam vào Khu VI, là nơi Đoàn vận tải TNXP H50 đóng quân, thực hiện nhiệm vụ bám giữ hành lang nối liền quân khu V và Miền, liên hệ chặt chẽ đường dây Bắc – Nam, đưa các đoàn khách qua lại, tiếp nhận và nuôi dưỡng bệnh binh, sẵn sàng chiến đấu khi Quân khu cần. Gần 10 năm hoạt động phục vụ đường dây vận tải, vượt qua bao gian nguy ác liệt, khó khăn gian khổ, 125 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, Đoàn H50 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào những chiến thắng oanh liệt của quân và dân trên chiến trường Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyê. TNXP giải phóng Khu V không chỉ lập thành các tiểu đoàn, đại đội sát cánh phục vụ các sư đoàn chủ lực như TNXP các tỉnh Nam bộ, mà còn có không ít đội viên các huyện Hòa Vang, Tam Kỳ (Quảng Nam), Đức Phổ, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn, Phù Mỹ (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Ninh Hòa (Khánh Hòa)… đêm ngày hoạt động âm thầm trong vùng địch kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ các đội vũ trang tuyên truyền, diệt ác ôn, bảo vệ cán bộ, chuyển thương binh ra vùng căn cứ.

 Trong suốt 10 năm từ 1965 đến 1975, Lực lượng TNXP Khu V đã đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi thử thách ác liệt, hiều đơn vị, cá nhân đã lập biết bao thành tích xuất sắc, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ TNXP hy sinh anh dũng, tô thắm những chiến công vẻ vang góp phần cùng với quân dân Khu V giành nhiều thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo  thanhnienxungphong.vn

Có chỉnh sửa của đồng chí Trần Văn Mãnh, nguyên Tổng đội trưởng TNXP Giải phóng miền Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam