Thanh niên xung phong quê lúa Thái Bình  trên tuyến lửa Quảng Bình

Đăng lúc: 25-06-2020 9:29 Sáng - Đã xem: 46 lượt xem In bài viết

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, bước vào giai đoạn quyết liệt. Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, với dã tâm huỷ diệt Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố khác…Trên quê hương Thái Bình, nhà máy tơ (thị xã Thái Bình), trạm máy kéo (Hưng Hà) … cũng bị máy bay Mỹ tàn phá nặng nề.

Thi xã Đồng Hới (Quảng Bình) bị tàn phá (ảnh tư liệu)

 Căm thù giặc Mỹ xâm lược và nghe theo tiếng gọi của thiêng liêng Tổ quốc, 157 thanh niên, hầu hết là con, em của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, trong đó có 91 thanh niên nữ, 08 đảng viên trẻ, đã tình nguyện gia nhập Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước (nhiệm kỳ 1972 – 1975), thuộc đơn vị N3223-P31. Ban chỉ huy đơn vị do đồng chí Chu Kỳ Lam (quê Nghệ An), cán bộ Tỉnh đoàn Thái Bình làm Đại đội trưởng; Đại đội phó là các đồng chí: Nguyễn Thị Lấn, Đặng Văn Bộ, Đặng Thị Lê, Nguyễn Thị Dấu, đều quê ở huyện Hưng Hà. Hồi đó, đơn vị N3223-P31 còn có các đồng chí Nguyễn Thị Dần (quê Kiến Xương), Phạm Ngọc Đức (quê Thái Thuỵ) là giáo viên cấp 2; đồng chí Trần Thị Thơm, Nguyễn Thị Vân (quê Tiền Hải) là Y tá đựơc UBND tỉnh Thái Bình cử đi làm nhiệm vụ dạy bổ túc văn hoá và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ của đơn vị.

Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa (Đồng Hới) di tích lịch sử văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh (ảnh internet)

Với lực lượng lao động trẻ, trên 80% tuổi 19-20, nhiều chiến sỹ chưa tròn 18, lần đầu tiên xa nhà, chúng tôi lên đường hành quân vào ngay tuyến lửa Quảng Bình. Trên đường hành quân, hình ảnh “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” của các anh, các chị TNXP nhiệm kỳ trước đã lập nên sự tích anh hùng ở Ga Gôi (Nam Định), cầu Hàm Rồng, núi Nhồi, (Thanh Hoá), Truông Bồn (Nghệ An) và Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)… là nguồn động viên và tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi, vững bước trên đường hành quân, hát vang “Bài ca thanh niên ra tiền tuyến[i]”, nguyện giữ vững lời thề: “Chưa tan hết giặc, chưa về quê hương[ii]”.

Đứng chân làm nhiệm vụ ở tuyến lửa Quảng Bình ngày ấy, đơn vị N3223-P31, được sống, chiến đấu, lao động, học tập và rèn luyện ở những trọng điểm mà giặc Mỹ đã đánh phá ác liệt như: Cảng Sông Gianh, sông Nhật Lệ; thị xã Đồng Hới; các bến phà Long Đại, Quán Hầu… Nơi đây còn là gạch, ngói xới nhào, cỏ cây cháy trụi. Cùng với sự hoang tàn, đổ nát do chiến tranh để lại là thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của gió Lào, nắng lửa, cát bỏng; của biển động, sóng to, gió lớn mỗi khi đơn vị chúng tôi nhận lệnh lên tàu, vượt biển làm nhiệm vụ ở đảo Hòn La, phao số không, vào cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị)… để bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa (lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài quân sự…) chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bến phà Long Đại trong chiến tranh  (Ảnh tư liệu)

Thời gian đầu của nhiệm kỳ công tác, trong điều kiện thời chiến, chế độ quân trang, phương tiện bảo hộ lao động, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn, kham khổ, bệnh tật phát sinh, có tháng tỷ lệ chiến sỹ bị ốm, phải nghỉ việc chiếm 21% quân số; đơn vị chúng tôi đã xuất hiện tình trạng: Đào ngũ, vi phạm quy định về an toàn lao động bốc dỡ hàng hóa, gây rối của một số quá khích…

Vượt qua cảnh hoang tàn, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện và những diễn biến phức tạp trên đây được sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân xã Quảng Thuận, Hải Thành, Đồng Phú (nơi đơn vị đóng quân); được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của các đơn vị chủ quản: Sở lương thực, Trạm 3 giao thông vận tải (tỉnh Quảng Bình), Binh trạm16 (Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn), Cảng Quảng Bình(Cục vận tải đường biển Việt Nam) và Ban công tác TNXP Tỉnh đoàn Quảng Bình, Đơn vị N3223-P31 đã sớm ổn định tư tưởng, củng cố tổ chức, rèn luyện nếp sống quân sự hóa, phát động phong trào thi đua: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược… Với ý chí quyết thắng, chỉ bằng đôi vai và hai bàn tay lao động, những chiến sỹ TNXP quê lúa Thái Bình đã chẳng quản ngại gian khổ, hy sinh, căng sức trẻ, phơi mình trên cồn cát trắng, nắng lửa, mang vác những kiện hàng có trọng lượng gấp hai, ba lần trọng lượng cơ thể; ngâm mình dưới dòng nước xanh để cứu, vớt hàng ở các bến phà, cầu cảng; vật vã trên các con tàu vận tải giữa biển khơi để bốc dỡ hàng hóa, vũ khí, khí tài quân sự, đảm bảo an toàn. Cuối mỗi kỳ chiến dịch, kết thúc năm công tác, hàng vạn tấn hàng hóa đã thẳng tiến ra tiền phương, góp phần cùng với lực lượng Bộ đội, TNXP, Dân công hỏa tuyến… trên tuyến đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện kịp thời cho tiền tuyến, chuẩn bị cho những trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cầu Long Đại hôm nay  (Ảnh Intermet)

Sau ngày ký kết hiệp định Paris (tháng 01/1973), đơn vị N3223-P31 về làm nhiệm vụ ở Cảng Quảng Bình. Ngoài thời gian bốc dỡ, vận chuyển hàng hoá trên Bến chợ, Tam tòa và cửa sông Nhật Lệ… đơn vị chúng tôi còn bỏ ra hàng nghìn ngày công lao động, lên rừng kiếm củi, lấy gỗ, cắt cỏ gianh ; san đồi cát, lấp hố bom, tìm kiếm lưới cá hỏng làm dây buộc, xây dựng doanh trại đơn vị khang trang, sạch đẹp. Với những hàng cây phi lao xanh, khoảng sân chơi bóng chuyền và luyện tập TDTT, khu vực chăn nuôi, trồng rau, bếp ăn tập thể… Doanh trại TNXP, đơn vị N 3223- P31 bên bờ sông Nhật Lệ – ngôi nhà chung của những chàng trai, cô gái Thái Bình ra đi cứu nước ngày ấy – mãi là những kỷ niệm về tình yêu và nỗi nhớ đồng đội, đồng chí, đồng hương gắn bó keo sơn, yêu thương nhau thắm thiết như anh, em ruột thịt.

Thực hiện nếp sống quân sự hoá, rèn luyện ý thức, tác phong theo điều lệnh, và 10 lời thề danh dự của Đội TNXP chống Mỹ cứu nước, đơn vị chúng tôi đã xây dựng tốt mối quan hệ quân dân, thông qua việc giúp và hướng dẫn kỹ thuật cấy lúa mới cho nhân dân xã Hải Thành, Đồng Phú (thị xã Đồng Hới); xây dựng công trình thanh niên – hàng cây dâng Đảng – chào mừng đại hội Đảng bộ cảng Quảng Bình lần thứ nhất… Từ cuộc vận động: “Biết đi là biết múa, biết nói là biết hát”, đơn vị chúng tôi đã phát động phong trào “Sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát’’... Đội bóng chuyền nam, nữ, đội văn nghệ xung kích của đơn vị N3223- P31, đã tích cực tham gia các giải thể thao, hội thi, hội diễn… tiếng hát chèo của TNXP quê lúa Thái Bình thường là những tiết mục gây ấn tuợng và đạt giải cao trong các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng của cảng Quảng Bình.

Đồng Hới ngày nay

 Kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập và rèn luyện xây dựng đời sống mới của đơn vị chúng tôi hồi đó được các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Bình ghi nhận bởi: Phong trào dạy bổ túc văn hoá hết cấp 2 cho 42 chiến sỹ ; tổ chức ôn tập văn hóa cho các chiến sỹ, dự thi vào các trường Đại học, trung học chuyên nghiệp. Năm học 1974-1975, đơn vị chúng tôi đã có 05 đồng chí trúng tuyển vào học đại học, 37 đồng chí vào các trường trung học chuyên nghiệp; 38 cán bộ từ tiểu đội phó trở lên, được tập huấn nâng cao năng lực chỉ huy, trong đó có 10 đồng chí qua lớp huấn luyện cán bộ chỉ huy TNXP do Ban TNXP Trung ương Đoàn và Trường đoàn Quảng Bình tổ chức; 16 đoàn viên ưu tú được giới thiệu đi học lớp cảm tình của đảng, có 8 đồng chí được Đảng uỷ cảng Quảng Bình ra nghị quyết kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam; 04 đồng chí trong Ban chỉ huy đơn vị được Giám đốc cảng Quảng Bình ưu tiên xét tuyển vào biên chế nhà nước trong thời gian còn đang làm nhiệm vụ của TNXP.

Sổ vàng truyền thống của Tỉnh đoàn Quảng Bình tặng Đơn vị 3223 

Kết thúc nhiệm kỳ công tác, đơn vị N3223-P31 đã vinh đự được Trung ương Đoàn tặng bằng khen, và công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đội TNXP chống Mỹ cứu nước nhiệm kỳ 1972 – 1975; Uỷ ban hành chính tỉnh, Tỉnh đoàn Quảng Bình tặng bằng khen và sổ vàng truyền thống; Ty Giáo dục, Ty Y tế, Ban quản lý cảng Quảng Bình tặng giấy khen…Năm 1973, đơn vị N3223-P31 còn có vinh dự thay mặt cho lực lượng lao động và TNXP đang làm nhiệm vụ ở tỉnh Quảng Bình được chào đón Chủ tịch Cu Ba Phidel Catxro, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn Thái Bình tới thăm, động viên, cổ vũ ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng của quân và dân ta, của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Kết quả và vinh dự có được trong quá trình cống hiến và rèn luyện ở tuyến lửa Quảng Bình ngày ấy mãi là điểm tựa tinh thần quý giá, giúp cựu TNXP chúng tôi, tiếp tục vươn lên, phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam trong trận chiến đấu mới sau này…

Trang lưu bút của Bí thư Đảng ủy Cảng Quảng Bình

 Hoàn thành nhiệm của TNXP, đơn vị chúng tôi, có số đông các anh, chị trở về quê hương Hưng Hà, Thái Bình, tiếp tục lao động sản xuất, tham gia xây dựng chính quyền và tổ chức Hội Cựu TNXP địa phương… Một số anh, chị em, được đi học, tốt nghiệp các trường đại học, trung học chuyên nghiệp trở thành kỹ sư, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan Trung ương và địa phương… Một số lại tình nguyện đi đến các vùng kinh tế trọng điểm, là công nhân của những công trường, nông trường; đặc biệt có những đồng chí tiếp tục lên đường tòng quân, bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, trở thành sỹ quan QĐND Việt Nam. Hiện nay có nhiều đồng chí là Chủ tịch Hội Cựu TNXP cơ sở.

Ban giám hiệu trường Đoàn Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm với Ban chỉ huy đơn vị 3223

(Võ Trọng Bào, Trưởng ban TNXP Quảng Bình: Hàng đầu, thứ 2 từ trái sang; tác giả bài viết: Hàng 2, thứ 3 từ phải sang)

Từ ngày trở về, do điều kiện lao động đặc biệt và khắc nghiệt của cuộc chiến tranh… anh, chị, em chúng tôi, số đông đã được hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, được sự chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, nhưng vẫn còn có cảnh cô đơn, thương tật, lâm bệnh hiểm nghèo, có không ít người đã mất khi tuổi đời còn rất trẻ, và có người chưa kịp lên chức ông, bà…

 Chiến tranh đã lùi xa, tuyến lửa Quảng Bình – quê hương hai giỏi ngày ấy – bây giờ vẫn còn là nỗi nhớ, chứa chan tình đất, tình người với bao cảm xúc dạt dào về một thời hoa lửa của TNXP quê lúa Thái Bình (đơn vị N3223-P31). Chúng tôi tự hào đã có những năm tháng tiếp bước truyền thống yêu nước của cha ông, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, được đóng góp sức trẻ của mình để cùng với TNXP và quân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp vẻ vang giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Giờ đây, những cựu TNXP chúng tôi tuy tuổi cao, sức yếu, đây đó cuộc sống còn có khó khăn, trăn trở… nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, giữ vững niềm tin theo Đảng, theo con đường mà Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, cố gắng đem phần trí lực còn lại để sống trọn nghĩa, vẹn tình với nước non và đồng đội, nêu gương và cùng với con, cháu góp công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa./.

Một số hình ảnh khác:

Hàng trên, từ trái qua phải: Đào Thị Ninh – Cựu sinh viên Đại học Nông nghiệp I;
Đinh Thị Phiên,cựu sinh viên Đại học Hàng hải, cô giáo Nguyễn Thị Dần.
Hàng dưới: Chu Kỳ Lam, Đại đội trưởng Đơn vị 3223

Đơn vị 3223 gặp mặt truyền thống kỷ niệm 45 năm vào tuyến lửa Quảng Bình

 

Đặng Văn Bộ

Nguyên Ủy viên BCH đoàn cảng Quảng Bình

Đại đội phó, Đơn vị 3223.


[i] Bài ca thanh niên ra tiền tuyến, Trần Tiến (1967)

[ii] Hành khúc giải phóng của Long Hưng – Lưu Nguyễn, 1962