Về câu nói của Bác với những trích dẫn khác nhau

Đăng lúc: 09-08-2022 8:25 Sáng - Đã xem: 54 lượt xem In bài viết

Ngày nay, mỗi khi được xem những thước phim lịch sử về buổi lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 ai nấy vô cùng xúc động khi nghe giọng trầm ấm, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có một câu nói vô cùng thân thương thường được trích nhắc, đó là khi Bác dừng lại hỏi xem mọi người có nghe rõ giọng Người đọc bản Tuyên ngôn. Tuy nhiên, toàn bộ những thước phim, băng gốc đều không lưu lại được câu nói đó. Câu nói chỉ được một số nhân chứng nhắc trong các bài báo, hoặc trong nghệ thuật, thơ văn. Câu được trích phổ biến nhất hiện nay là “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Nhưng trong Trường ca “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu thì câu nói đó lại được viết: Người đọc Tuyên ngôn… Rồi chợt hỏi: Ðồng bào nghe tôi nói rõ không?/ Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi/ Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!….

Còn theo ông Vũ Kỳ, Thư kí riêng của Bác thì chính xác Người nói là: “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?”.

Vì sao câu nói đó của Bác không có trong các băng gốc?

Theo lời kể của ông Trần Lâm, nguyên Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam, ba ngày sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thành công, đồng chí Xuân Thủy gặp các ông Trần Lâm và các ông Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích truyền đạt chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giao nhiệm vụ nhanh chóng thành lập đài phát thanh. Lúc bấy giờ, các ông Lâm, Xuyến, Tích còn rất trẻ, chưa từng làm báo và không biết kĩ thuật phát thanh.

Nhóm của ông Trần Lâm đã tìm cách để liên hệ các kĩ sư từng làm việc cho Pháp ở Sở Vô tuyến điện cũ và là những người hiểu biết kĩ thuật vô tuyến điện. Từ gợi ý của các nhà kĩ thuật, các ông đã tiếp quản lại đài phát sóng Bạch Mai của Pháp và cho cải tiến những máy phát tín hiệu thành máy phát sóng phát thanh AM. Về nội dung, nhóm đã mời được nhiều trí thức trẻ cùng tham gia biên tập, biên dịch tiếng Pháp, tiếng Anh để xây dựng chương trình.

Bác Hồ luôn gần gũi, quan tâm tới mọi tầng lớp Nhân dân. Ảnh tư liệu

Ðiều đặc biệt là kể từ khi bắt đầu “phát sóng thử nghiệm”, Ðài Tiếng Nói Việt Nam đã phải phát trực tiếp. Các phát thanh viên đọc trực tiếp ra máy phát và chương trình phát sóng. Lí do theo ông Trần Lâm, vì một thời gian dài Ðài không có máy ghi âm. Mãi đến sau này, các nước XHCN anh em mới viện trợ máy móc và giúp đỡ công nghệ làm phát thanh hiện đại. Từ đó, các chương trình mới được ghi âm trước.

Tại thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Ðài Tiếng Nói Việt Nam chưa phát sóng chính thức nhưng nhóm ông Trần Lâm đã quyết định kéo tín hiệu giọng đọc Bác Hồ từ lễ đài thông qua một micro đặt ở loa và dòng dây trần truyền từ Ba Ðình về số 4 Ðinh Lễ để thử phát. Nhưng đó cũng chỉ như một buổi phát thanh thử nghiệm theo cách nói ngày nay. Vào 11giờ 30 ngày 7/9/1945, buổi phát thanh đầu tiên bằng tiếng Việt mới được thực hiện.

Buổi phát thanh ngày 23/10/1946, Bác Hồ đã đến phòng thu của Ðài để nói chuyện trực tiếp với đồng bào cả nước về Tạm ước 14/9/1946 qua làn sóng của Ðài Tiếng nói Việt Nam.

Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Ðài Tiếng Nói Việt Nam được trang bị máy móc thiết bị tốt hơn và có máy ghi âm băng cối để thực hiện nhiều chương trình phát thanh thu trước. Lúc này ông Trần Lâm mới gặp trực tiếp Bác Hồ và kính mời Người đến phòng thu để đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập như một tư liệu.

Ngày nay, chúng ta nghe lại đoạn băng ghi âm trên với chất lượng âm thanh tốt, không có tạp âm, tiếng ồn hiện trường, nghe được rõ hơn chất giọng ấm áp thiêng liêng của Người và dĩ nhiên không có câu “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không”.

Trong đoạn phim tư liệu lấy từ Pháp về (của một người quay phim Việt Nam giấu tên), do chất lượng không tốt, chỉ gạn được 6 phút song không ghi được câu khi Bác hỏi đồng bào.

Vậy ba bản trích khác nhau về câu nói của Bác hiện nay nên theo bản nào?

Câu “Ðồng bào nghe tôi nói rõ không?” của nhà thơ Tố Hữu cũng rất đáng tin bởi ông là cán bộ tuyên truyền cao nhất trong những năm kháng chiến. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế. Cuối năm 1947, ông mới lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Như vậy ông không phải là nhân chứng trực tiếp nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. Câu nói trong bài thơ của ông có thể đã được nghe lại từ người khác.

Đối với khẳng định của ông Vũ Kỳ về câu nói trên, trong một bài trả lời phỏng vấn trên Báo Nhân dân, ông đã nói: “Nhân đây tôi cũng nói luôn, câu nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” mà mọi người biết đến từ nhiều năm qua thực ra là sai. Sở dĩ tôi biết tỉ mỉ như vậy là vì tôi có thói quen ghi nhật kí”.

Theo các tư liệu hiện nay, từ ngày 28/8/1945, ông Vũ Kỳ làm thư kí riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1953 ông mới được cử làm Đoàn trưởng đoàn Thanh niên xung phong Trung ương. Với nhiệm vụ của một thư kí riêng cho lãnh tụ, ít có khả năng ông nhớ và ghi chép sai khác so với lời của Bác.

Một số ý kiến trên báo chí còn lí giải cụ thể hơn vì sao Bác hỏi câu trên: Bác là người nói tiếng miền Trung, giọng pha Bắc nên khi đọc tuyên ngôn Người lo Nhân dân trên quảng trường không nghe được rõ tiếng của mình nên mới hỏi: “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?”. Về logic, bản Tuyên ngôn độc lập được Bác soạn trước, giấy trắng mực đen được Người đọc trịnh trọng chứ không phải là nói, do đó Bác không thể hỏi: “Tôi nói…”.

Nhiều ý kiến hiện nay cũng cho rằng, Bác là người luôn trọng dân, chữ Đồng bào, Nhân dân… luôn được người đặt trước chữ tôi. Rất hiếm thấy trong văn bản, lời nói nào của Bác có chữ tôi đặt trước, khi nó đi cùng chữ Nhân dân, Đồng bào… Đó là nhân cách của Người.

Cả hai câu trích của nhà thơ Tố Hữu và ông Vũ Kỳ, chữ Đồng bào được đặt trước, có lẽ đúng hơn nếu theo một trong hai nhân chứng này. Câu Bác hỏi: “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không” theo ông Vũ Kỳ là giả thiết tin tưởng hơn cả.

Còn câu “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” dù lâu nay nghe khá nhiều, đã quen song có thể chưa đúng với nhân cách của Bác – một tấm gương vĩ đại cả đời hi sinh cống hiến cho Nhân dân và dân tộc Việt Nam và Người luôn chỉ coi mình là một đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Đình KhảI

Theo ngaymoionline.com.vn