Việc xem xét, lựa chọn “Trường hợp đặc biệt” được thực hiện như thế nào?

Đăng lúc: 15-01-2021 7:31 Chiều - Đã xem: 38 lượt xem In bài viết

“Quyết định cuối cùng về trường hợp đặc biệt là của Đại hội. Sau khi thảo luận tại Đại hội, việc lựa chọn sẽ được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín”, ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.

“Trường hợp đặc biệt” là một trong những nội dung quan trọng sẽ được xem xét, thống nhất tại Hội nghị Trung ương 15 để trình ra Đại hội Đảng XIII quyết định.

Để làm rõ hơn bối cảnh lựa chọn “trường hợp đặc biệt” và quy trình xem xét, lựa chọn, Zing trao đổi với ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa từ khóa VIII đến XI.

Trước đó, trong Hội nghị Trung ương 13 và 14, Trung ương đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gồm cả ủy viên chính thức và dự khuyết; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

LỰA CHỌN QUA NHIỀU VÒNG

– Với nhiều nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành Trung ương, ông có thể chia sẻ việc lựa chọn các “trường hợp đặc biệt” được thực hiện trong bối cảnh như thế nào?

– Truyền thống trong Đảng là luôn tìm người xứng đáng làm trụ cột. Trước đây, chúng ta không nhắc đến trường hợp đặc biệt, nhưng thực tế cũng có việc xuất phát từ nhu cầu cần thiết mà Đảng phân công đồng chí nào đó tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo dù tuổi cao hơn so với quy định.

Từ Đại hội XI đặt ra trường hợp đặc biệt – là những người tuổi cao hơn quy định, nhưng lại có năng lực, kinh nghiệm và sự từng trải, rất cần thiết giữ vị trí chủ chốt.

Nhờ kinh nghiệm thực tiễn, sự từng trải và cương vị công tác đã trải qua, họ có nhiều điều kiện để dẫn dắt, định hướng cho lớp cán bộ đi sau trong giải quyết những tình huống khó khăn.

Trường hợp đặc biệt thì không có nhiều, như Đại hội khóa XII có một trường hợp đặc biệt của Bộ Chính trị và 3 trường hợp đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương. Đây đều là do sự cần thiết, do bối cảnh khách quan chứ không phải áp đặt hay bắt buộc.

Lần này, không biết Trung ương sẽ chọn bao nhiêu trường hợp đặc biệt, nhưng theo tôi là số ít, không thể là số nhiều, trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị chỉ nên 1-2 người. Đã nhiều rồi thì không còn là đặc biệt nữa.

– Có 4 khóa là ủy viên Trung ương, trong đó đã có những khóa trải qua quy trình lựa chọn trường hợp đặc biệt. Ông có thể chia sẻ việc lựa chọn, xem xét, quyết định trường hợp đặc biệt được thực hiện như thế nào?

– Thường những trường hợp đặc biệt nếu ở lại sẽ tiếp tục giữ vị trí chủ chốt mà họ từng đảm nhiệm.

Trường hợp đặc biệt là người có độ tuổi cao hơn quy định, ví dụ trường hợp đặc biệt của Bộ Chính trị là trên 65 tuổi.

Nhưng đó cũng phải là người có trí tuệ, có bản lĩnh, có sức khỏe, đặc biệt là có uy tín và là tấm gương cho toàn Đảng. Đã là đặc biệt thì phải toàn diện mọi mặt, từ đạo đức đến năng lực lãnh đạo. Việc lựa chọn, xem xét trường hợp đặc biệt dựa trên góc nhìn như vậy.

Theo quy trình, Bộ Chính trị sẽ xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt, sau đó trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu với Đại hội để Đại hội đưa ra quyết định cuối cùng.

Việc lựa chọn nhân sự đặc biệt được xem xét dựa trên nhiều tiêu chuẩn để chọn ra những tấm gương nổi bật trong một tập thể lãnh đạo. Trước khi trình danh sách trường hợp đặc biệt ra Đại hội, phải làm tốt và có sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Sự thống nhất này gần như là tuyệt đối, như vậy sẽ có sức thuyết phục cao đối với Đại hội.

Trường hợp đặc biệt khi được đem ra xem xét phải là người không có điều tiếng, đủ tín nhiệm để bầu tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo.

Sau khi Trung ương giới thiệu danh sách trường hợp đặc biệt, Bộ Chính trị sẽ giải thích lý do lựa chọn những người này để Trung ương thảo luận công khai. Thậm chí, nội dung này được thảo luận rất kỹ, có nhiều lần thăm dò, lấy phiếu tín nhiệm để qua đó so sánh từng ứng viên.

Danh sách trường hợp đặc biệt đưa ra Trung ương có thể nhiều, nhưng được lựa chọn qua nhiều vòng, có sự trao đổi để đi đến nhận thức chung. Và khi có nhận thức chung, trường hợp đặc biệt rất dễ tìm, không có gì khó khăn.

Quyết định cuối cùng về trường hợp đặc biệt là của Đại hội. Sau khi thảo luận tại Đại hội, việc lựa chọn sẽ được thực hiện thông qua hình thức bỏ phiếu kín.

“TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT” PHẢI SẴN SÀNG, TỰ NGUYỆN

– Những tiêu chuẩn đi kèm khi xem xét, lựa chọn trường hợp đặc biệt là gì?

– Danh sách đặc biệt khi đưa ra thường có kèm tiêu chí và yêu cầu công việc để Trung ương, Bộ Chính trị lựa chọn.

Ngoài việc có độ tuổi cao hơn so với quy định, các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra là những tiêu chí chung như đối với Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng sẽ có những đòi hỏi cao hơn như vị trí công tác đó cần thiết, có nhu cầu thực sự phải có trường hợp đặc biệt. Trường hợp này ở lại sẽ là phù hợp, sẽ tiếp tục phát huy tốt năng lực, xứng đáng là người chèo lái con thuyền đi đúng hướng.

Một yêu cầu quan trọng khác là trường hợp đặc biệt ấy phải có bản lĩnh, năng lực để giữ vai trò dẫn dắt, quy tụ được sự đoàn kết nội bộ. Đây là tiêu chuẩn rất quan trọng, vì chỉ khi quy tụ được sự đoàn kết mới tạo ra được sức mạnh.

Phải lưu ý rằng, trường hợp đặc biệt không phải muốn đứng vào đâu cũng được mà họ phải đứng đúng vị trí để phát huy tốt năng lực, kinh nghiệm.

Và việc lựa chọn trường hợp đặc biệt là do nhận thức từ thực tế khách quan chứ không phải ý chí chủ quan của một người hay nhóm người.

Hay nói cách khác, trường hợp đặc biệt chọn trên từng vị trí cần thiết, đòi hỏi khách quan ở cương vị nào đó cần có nhân vật đặc biệt. Tức là từ vị trí yêu cầu con người chứ không phải từ con người xác lập vị trí.

Trường hợp đặc biệt ở lại không phải là mong muốn cá nhân mà do sự lựa chọn, do yêu cầu của sự nghiệp chung. Họ ở lại theo đúng sự phân công, nhưng cũng phải trên tinh thần sẵn sàng, tự nguyện.

– Quan sát các trường hợp đặc biệt được ở Đại hội trước, ông thấy việc lựa chọn đó mang lại hiệu quả như thế nào?

– Đến giờ phút này, có thể thấy những trường hợp đặc biệt được Đại hội XII lựa chọn là rất đúng đắn, sáng suốt. Vì chọn đúng người và đúng việc nên họ đều phát huy rất tốt vai trò trên cương vị “trường hợp đặc biệt”.

Điển hình như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị, ông tiếp tục ở lại một nhiệm kỳ trên cương vị Tổng bí thư và phát huy rất tốt vai trò người đứng đầu Đảng, quy tụ được sức mạnh, sự đoàn kết, phát động, đẩy mạnh khí thế của cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Chúng ta cơ cấu các độ tuổi trong Trung ương là cần thiết, nhu cầu trẻ hóa cán bộ cũng là cần thiết, nhưng không phải trẻ hóa để làm trụ cột. Vì người giữ vị trí trụ cột nhất thiết phải tham gia Bộ Chính trị nhiều khóa mới có đủ năng lực, kinh nghiệm, sự từng trải, hiểu từ công việc nội bộ đến công việc chung, có thể quán xuyến các lĩnh vực khác nhau.

Công việc do Đảng phân công chứ không có sự tranh giành, chọn trường hợp đặc biệt cũng thế. Mọi người đều vui vẻ, không đặt nặng vấn đề gì nên khi giới thiệu được một trường hợp đặc biệt xứng đáng thì cũng thấy vui, mà không được chọn cũng không có gì nặng nề.

– Xin cảm ơn ông!

Theo Zingnews.vn