Yếu tố tâm linh trong một số hoạt động về cựu thanh niên xung phong

Đăng lúc: 21-07-2020 2:29 Chiều - Đã xem: 96 lượt xem In bài viết

 

1. Chuỗi sự kiện tâm linh được mở đầu vào một đêm giữa tháng 7/1995, năm kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ sáng lập Lực lượngThanh niên xung phong (15/7/1950) và 48 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947). Trong giấc mơ chập chờn tôi nhìn thấy 5 đồng đội cùng đơn vị Tổng đội 204 – Liên khu 5, tập kết ra Bắc, đã hy sinh hiện về với thân hình tiều tụy và nét mặt không vui. Tôi hốt hoảng và đau xót, quỳ xuống cúi đầu vái lạy xin nhận lỗi chưa làm tròn trách nhiệm nhân chứng lịch sử để giúp Đảng, Nhà nước giải quyết tình trạng tồn đọng chính sách đối với các đồng đội đã anh dũng hy sinh. Rồi từ đêm hôm đó, suốt một thời gian dài hầu như đêm nào tôi cũng được các đồng đội hiện về vừa như giận dỗi trách cứ, vừa như động viên chỉ bày chúng tôi về “những việc trên Trần phải làm thì dưới Âm vong hồn các đồng đội mới được siêu thoát“. Cũng từ những lời dặn dò chỉ bảo của các liệt sỹ, một số cựu TNXP chúng tôi gặp nhau cùng trao đổi thì trong đầu bừng lên niềm tin và sức mạnh trong 4 câu thơ lịch sử Bác Hồ tặng Thanh niên xung phong:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Tác giả trong một lần thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Hà Nội (tối 27/7/2016)

Niềm tin và sức mạnh đạt được đầu tiên là được rất nhiều đồng đội, đồng chí cựu TNXP đủ các thế hệ chống Pháp, chống Mỹ ở cả ba miền Bắc Trung Nam đồng cảm sâu sắc với nhau và rất tin tưởng vào những lời chỉ bảo linh thiêng của các liệt sỹ: “Phải dồn tâm huyết vượt qua mọi khó khăn cản trở, cùng nhau chung sức đồng lòng tiến hành cho bằng được Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam“. Hội ra đời mới đoàn kết tập hợp được mấy chục vạn cựu TNXP trên mọi miền đất nước, nhất là với hàng nghìn nữ cựu TNXP đơn côi sống ở vùng sâu, vùng xa tạo nên sức mạnh tinh thần mới, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng và nêu cao vai trò nhân chứng lịch sử giúp Đảng, Nhà nước giáo dục rèn luyện thế hệ trẻ vững bước trên con đường cách mạng của các thế hệ cha anh, vừa nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tập trung giải quyết tình trạng tồn đọng chính sách đối với liệt sỹ TNXP.

Tuy nhiên việc Đại hội thành lập Hội ở thời điểm lúc bấy giờ đang gặp phải rất nhiều trở ngại. Nhiều cựu TNXP rất tâm huyết nhưng còn rất nhiều việc “lực bất tòng tâm”. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm nhưng vướng phải những quy định hiện hành mà các cơ quan chức năng chưa tham mưu được những chính sách phù hợp. Tất cả như đang đi vào con đường bế tắc thì trong đầu chúng tôi có linh cảm nhận tiếp được sự phù hộ, chỉ bày một cách cụ thể từ vong hồn các liệt sỹ. Và thật linh thiêng, dẫn đến kết quả một cuộc gặp lịch sử giữa Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với Ban Liên lạc Cựu TNXP Trung ương.

Vào ngay buổi sáng khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (8/6/1997) tôi đang ngồi dự họp, bỗng nhiên trong đầu vang lên lời thúc giục “Phải báo cáo ngay đi, không còn có cơ hội nào hơn nữa“. Tôi bừng tỉnh và chấp hành nghiêm như mệnh lệnh của chỉ huy thời kháng chiến. Tôi chớp nhanh lấy thời điểm giờ giải lao tiến đến chỗ Thủ tướng Võ Văn Kiệt và làm đúng theo sự chỉ bày của các liệt sỹ từ mấy đêm vừa qua: “Báo cáo anh Sáu Dân, tình hình tồn đọng chính sách đối với cựu TNXP đến nay còn rất nhiều trường hợp hết sức đau lòng. Ban Liên lạc Cựu TNXP Trung ương chúng tôi suốt hai năm nay có công văn trình xin gặp báo cáo nhưng không biết sao mãi đến nay anh vẫn chưa cho gặp“. Thủ tướng lặng người mấy giây vì xúc động, rồi quyết định ngay: Sáng ngày mốt chúng ta sẽ làm việc vào lúc trước giờ Trung ương họp.

Từ trái qua phải là các đồng chí: Phan Văn Khải; Lê Văn Sang, Nguyễn Anh Liên; Võ Văn Kiệt;
Nguyễn Văn Đệ; Trần Đình Hoan; Vũ Trọng Kim; Nguyễn Việt Phát 
sau phiên họp ngày 10/6/1997

Rồi đúng 6h sáng ngày 10/6/1997, tại Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải đã tiếp Ban Liên lạc Cựu TNXP Trung ương. Đúng một tiếng đồng hồ, với thái độ hết sức trân trọng, xúc động lắng nghe, Thủ tướng đã ghi nhận toàn bộ các kiến nghị, đề xuất của Ban Liên lạc và kết luận chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các chủ trương chính sách hiện hành, đồng thời tham mưu cho Chính phủ ban hành mới những chủ trương chính sách, chế độ phù hợp với tính đặc thù của lực lượng Cựu TNXP. Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của Ban đại diện Cựu TNXP Trung ương được Đảng, Nhà nước cho phép tiến hành Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam để Hội thật sự trở thành một tổ chức chính trị – xã hội có vai trò làm nhân chứng lịch sử của “Trường học lớn TNXP” do đích thân Bác Hồ kính yêu sáng lập, giáo dục rèn luyện. Cuối cùng ý kiến kết luận và chỉ đạo của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã trở thành một dấu ấn lịch sử cho sự ra đời Hội Cựu TNXP Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất trọng thể tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội ngày 18 và 19 tháng 12 năm 2004.

2. Hội Cựu TNXP Việt Nam ra đời như một luồng gió mới thổi bùng lên ngọn lửa trong trái tim hàng chục vạn cựu TNXP khắp mọi miền đất nước, tạo nên một sức mạnh tinh thần mới của lớp người cao tuổi đã đi qua các cuộc chiến tranh góp phần phục vụ công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên Hội Cựu TNXP chưa phải một tổ chức chính trị – xã hội, tiếng nói của Hội chưa đủ sức nặng trong hệ thống chính trị để phát huy tốt nhất vai trò nhân chứng lịch sử. Để khắc phục sự hạn chế này, Hội được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, trước tiên là Quốc hội dành một chỉ tiêu cho Hội cử đại diện ứng cử bầu làm đại biểu Quốc hội. Sự quan tâm đặc biệt này đã làm nức lòng cán bộ hội viên và cựu TNXP cả nước. Với tư cách Chủ tịch Hội tôi được Ban Chấp hành Trung ương Hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa XII.

Song, bản thân tôi tự thấy không còn đủ sức để làm tròn nhiệm vụ cử tri giao. Bởi vào thời điểm ấy, tôi đã sắp bước vào tuổi 75, hơn nữa là một thương binh với ba lần bị thương nặng, nhất là lần bị sức ép mìn clâymo của Mỹ gây chấn thương đầu, di hại vẫn còn dai dẳng, đau đầu, buốt óc, ù tai nghe không rõ. Tôi đang tìm cách xin rút khỏi danh sách đề cử, vì sợ không làm tròn nhiệm vụ đại biểu Quốc hội thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Hội trước cử tri, trước nhân dân. Do quá lo lắng nên suốt nhiều đêm liền tôi mất ngủ và sức khỏe suy sụp. Nhưng thật may sao, ngay giữa ban ngày lúc nào tôi nhắm mắt lại thì trong đầu hình dung rất nhiều đồng đội hiện về và trong tai văng vẳng những lời vừa như động viên, vừa như ra mệnh lệnh: “Không được lãng quên đồng đội, còn sống một ngày là còn phải sống cho cả những đồng đội đã hy sinh, không được phép từ chối những việc đồng đội cần và giao. Nếu gặp khó khăn không tự giải quyết được thì khấn để Vong về phù hộ độ trì cho“. Rồi thật là linh thiêng! Cuộc tiếp xúc cử tri lần đầu trước khi bầu cử Quốc hội sắp diễn ra thì bất ngờ tôi phải vào Bệnh viện Việt Xô cấp cứu, rồi chuyển sang Bệnh viện Việt Đức mổ sỏi thận. Theo bác sĩ thì tôi phải điều trị và nghỉ dưỡng vài ba tháng mới có thể làm việc được. Nhưng kỳ lạ thay, mới hơn một tuần người đang xanh xao, đi đứng không vững vậy mà khi xe đưa tôi qua khỏi Ninh Bình, vừa sang đất Thanh Hóa để tiếp xúc cử tri thì bỗng nhiên tôi khỏe ra, không ai có thể biết tôi đang là bệnh nhân nằm viện. Bất ngờ hơn nữa là qua cuộc tiếp xúc cử tri suôn sẻ, không ai phát hiện nhược điểm lớn của tôi là bệnh đau đầu, ù tai nghe không rõ, nhất là rất khó nghe tiếng người dân địa phương. Trái lại, nhiều cử tri vui vẻ thốt lên: “Nếu bác không vào thì chúng tôi không bầu cho bác, vì đại biểu Quốc hội giai đoạn hiện nay là đại biểu hành động chứ không phải chỉ danh dự, mà bác thì tuổi đã quá cao, làm sao đủ sức để hành động được. Nhưng qua tiếp xúc đối thoại hôm nay, cử tri thấy sức khỏe của bác còn dồi dào, phong độ, trí tuệ minh mẫn, nên chúng tôi rất tin bà con sẽ tập trung phiếu bầu cho bác“. Rồi vượt trên cả sự mong đợi, tôi trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII tại tỉnh Thanh Hóa với tỷ lệ 80,3% phiếu bầu.

3. Hội Cựu TNXP ra đời và Hội có đại diện tham gia Quốc hội nên tâm tư nguyện vọng của hơn 50 vạn cựu TNXP, nhất là gia đình liệt sỹ, thương binh, nhiễm chất độc da cam và nữ cựu TNXP đơn côi già yếu được tập hợp nhanh chóng, báo cáo phản ảnh lên các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt nhiều ý kiến trăn trở của cử tri là cựu TNXP được đưa lên diễn đàn Quốc hội, được các thành viên Chính phủ tâm huyết trả lời chất vấn, được truyền hình phát thanh trực tiếp trước nhân dân cả nước. Từ đó sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công nói chung, với cựu TNXP nói riêng được lan tỏa rộng khắp và trong đó có nhiều sự kiện đau lòng kéo dài nhiều năm, nay được giải quyết dứt điểm. Điển hình là tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thể hiện bản lĩnh của Tư lệnh ngành để giải quyết đặc cách công nhận Nghĩa trang Chăn Nưa, Lai Châu là Nghĩa trang Liệt sỹ TNXP.

Nghĩa trang Chăn Nưa đang là nơi chôn cất gần 100 TNXP của Đội 34, 40 hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ mở con đường quốc phòng đặc biệt từ Lai Châu ra Ma Lù Thàng (biên giới Việt – Trung) Đội TNXP 34, 40 sau khi kết thúc nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và hoàn thành khai thông con đường Mộc Châu đi Pa Háng. Do đặc thù của lịch sử và của lực lượng TNXP nên hầu hết các đồng chí hy sinh đến nay không có hoặc không còn hồ sơ để công nhận là liệt sỹ. Và cũng vì vậy mà Nghĩa trang Chăn Nưa chỉ được coi là nghĩa trang nhân dân, lại chôn cất giữa rừng sâu không có người trông nom bảo vệ. Đặc biệt, nghĩa trang đang nằm giữa vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu, nguy cơ sẽ chìm sâu dưới đáy nước. Trước nguy cơ đau lòng đó, hơn 2.000 đồng đội còn sống ngày đêm trăn trở, nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan thẩm quyền công nhận là Nghĩa trang Liệt sỹ để có quy chế, chính sách bảo tồn hài cốt các đồng chí đã hy sinh. Tuy nhiên, đã mấy chục năm qua, các cơ quan chức năng đều cho rằng không có thẩm quyền để giải quyết các trường hợp trái với quy định của luật pháp hiện hành. Đứng trước bức xúc cao độ đang gần như tuyệt vọng đó, thì trong đầu chúng tôi lại được vọng về những lời chỉ bày thống thiết: “Cơ hội đang nằm trong nguy cơ, cần phải có bản lĩnh“. Tiếp nhận tinh thần đó, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội chúng tôi cấp tốc làm văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII. Khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn, rất nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện đồng cảm với Hội Cựu TNXP và trăn trở day dứt với thực trạng tồn đọng chính sách, đề nghị Chính phủ phải tìm mọi giải pháp khẩn trương giải quyết. Đại tướng Lê Văn Dũng – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – không thể kìm được, đã bật thốt lên “Bộ đội chúng tôi còn món nợ lớn đối với TNXP, nhất là những đồng chí đã anh dũng hy sinh vì bộ đội mà đến nay chưa được công nhận là liệt sỹ”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) bồi hồi nhắc lại lời khẳng định và biểu dương của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp “Trong kháng chiến, nhất là trong các chiến dịch, không có thanh niên xung phong thì bộ đội sẽ gặp khó khăn… Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội, vì trong phẩm chất của Thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ“. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngậm ngùi trăn trở: “Chúng ta không được kéo dài hơn nữa nỗi đau tâm linh lịch sử này“. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (vừa được Đại hội XI của Đảng bầu làm Tổng Bí thư) đã xúc động phát biểu chỉ đạo chí nghĩa chí tình: “Thực tiễn của đặc thù lịch sử đã để lại cho chúng ta nhiều khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Song, Đảng và Nhà nước không bao giờ quên hoặc xem nhẹ một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với sự hy sinh cống hiến vô cùng to lớn của các thế hệ cha anh. Đó còn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đảm bảo chiến lược an sinh xã hội trong tình hình mới. Đảng, Nhà nước và Nhân dân yêu cầu cán bộ các cơ quan làm công tác chính sách từ trung ương đến địa phương phải dồn tâm huyết tìm mọi biện pháp, kể cả biện pháp “đặc cách” và chính sách “đặc thù” đẻ giải quyết thấu tình đạt lý tình trạng tồn đọng chính sách đối với người có công“. Trên tinh thần đó, Quốc hội nhất trí rất cao và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh, xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân (nay là Chủ tịch Quốc hội) đã quyết đoán cho chủ trương chuyển gấp toàn bộ hài cốt các chiến sỹ TNXP ra khỏi lòng hồ thủy điện Lai Châu và xây dựng Nghĩa trang mới đúng quy chuẩn Nghĩa trang Liệt sỹ và chính thức công nhận Nghĩa trang Chăn Nưa là Nghĩa trang Liệt sỹ Thanh niên xung phong.

Tác giả (quân phục xanh) đang nói chuyện với anh Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tại 30 Hoàng Diệu

Từ đây, hơn 60 vạn cán bộ, hội viên và cựu TNXP khắp mọi miền đất nước được tiếp thêm sức mạnh vật chất, tinh thần và cả tâm linh để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng và nêu cao vai trò nhân chứng lịch sử vào giai đoạn mới; Đã chung sức, đồng lòng vượt lên mọi gian nan góp phần đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho đồng đội, như lời biểu dương của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đến thăm “xông nhà” Trung ương Hội nhân dịp đầu năm mới 2015: “Hôm nay tôi hết sức xúc động được đồng chí Chủ tịch Hội mời đến “xông nhà” Trung ương Hội – ngôi nhà mà các đồng chí coi là “ngôi nhà hạnh phúc” của lực lượng cựu TNXP. Tôi càng xúc động hơn khi được biết trong căn phòng nhỏ hẹp này đã chứa đựng biết bao tình cảm, bởi các đồng chí đã đại diện cho hơn nửa triệu nam nữ cựu TNXP các thế hệ trong cả nước, những người đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân nơi chiến trường, rồi ngày nay dù tuổi cao, sức yếu, nhiều người còn mang nặng di hại của chiến tranh, vẫn không ngừng nỗ lực “Nguyện suốt đời phấn đấu theo lời Bác Hồ dạy” để góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là góp phần giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Tôi cũng biết, trong căn phòng nhỏ hẹp này, hơn 10 năm qua từ ngày mới thành lập Hội, các đồngchí đã dồn tâm huyết, công sức giúp Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết chính sách và chăm lo cải thiện đời sống cho hàng chục ngàn gia đình liệt sỹ, thương binh… Tôi có thể khẳng định rằng: Những việc các đồng chí đã làm và đang tiếp tục làm cho đồng đội cũng là làm cho Đảng, cho Nước, cho Dân“!

Nguyễn Anh Liên

Nguyên Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam