Có một doanh nghiệp gia đình thành công và phát triển như thế

Đăng lúc: 27-09-2022 10:21 Sáng - Đã xem: 64 lượt xem In bài viết

Trong không khí sôi sục của phong trào “Ba sẵn sàng[i], thực hiện chỉ thị 71/TTg-CN ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức các “Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước” phục vụ công tác giao thông vận tải, ngày 25/7/1965, nhiều đoàn viên thanh niên nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Đoàn đã gia nhập Tổng đội TNXP N57-P24. Tổng đội có trên 2.300 cán bộ, đội viên hai tỉnh (Hải Dương có trên 1.600 người) và Lạng Sơn (có 700 người) với 11 đại đội, sau 1 năm có thêm 2 đại đội chuyên xây cầu cống và sản xuất đá các loại.

Trong đoàn quân ấy có các đoàn viên Nguyễn Quốc Thái (ảnh trên) quê ở huyện Ninh Giang[ii], thuộc Đại đội 581và  chị Nguyễn Thị Cải (ảnh dưới) quê huyện Chí Linh[iii] thuộc Đại đội 579. Sau một thời gian làm việc ở đại đội, với những thành tích nổi bật anh Thái và chị Cải được điều chuyển lên văn phòng Tổng đội TNXP N57-P24. Làm việc ở Tổng đội TNXP trong điều kiện khó khăn, gian khổ  cùng đồng đội, anh Thái và chị Cải đã vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1968 hoàn thành nhiệm vụ, anh Thái chuyển về học trung cấp cơ khí luyện kim tại Thái Nguyên, được ở lại trường làm giáo viên. Năm 1969 chị Cải được chuyển ngành về Bộ Vật tư làm việc tại Công ty kim khí Bắc Thái. Đến năm 1970 anh Thái và chị Cải xây dựng gia đình; nghỉ hưu năm 1993 khi chưa đến 50 tuổi.

Sau khi nghỉ hưu,  không cam chịu cuộc sống khó khăn, anh chị mà tiếp tục phấn đấu vươn lên và “Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng” do chị Cải làm giám đốc, ra đời ngày 22/05/1993. Doanh nghiệp có trụ sở tại số nhà 595 đường Cách Mạng tháng 8, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên với số vốn ban đầu là 82 triệu đồng. Tổng số lao động 9 người (chủ yếu là người trong gia đình). Ngành nghề kinh doanh chính là sản phẩm thép xây dựng. Với số vốn ban đầu ít ỏi và nhân lực hạn chế, hoạt động trong điều kiện kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần kiên trì vượt khó và sáng tạo, đến năm 2003, Thái Hưng đã thay đổi quy mô và vị thế của mình trên thị trường thép, chủ động hội nhập quốc tế bằng việc lần lượt hợp tác với gần 10 đối tác rất lớn xuất nhập khẩu hàng hoá tại 13 nước phát triển. Hoạt động mang tính chiến lược này đưa thương hiệu Thái Hưng được biết đến ở ngành thép trong và ngoài nước.

Dần dần hoạt động của Thái Hưng đã bao phủ toàn bộ thị trường từ Bắc vào Nam với hơn 1.000 khách hàng truyền thống. Thị trường thế giới cũng đòi hỏi sự hợp tác sâu hơn. Do đó Thái Hưng đã thay đổi mô hình hoạt động bằng việc chuyển đổi thành Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng do ông Nguyễn Quốc Thái làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Thị Cải làm Tổng giám đốc.

Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, kinh tế thế giới vô cùng khó khăn. Kinh tế trong nước bị tác động không nhỏ, lạm phát tăng vọt, đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động thua lỗ đã được Thái Hưng mua lại và vực dậy làm ăn tốt hơn, như: Công ty Cổ phần Lâm sản Thái Nguyên; Công ty Phát hành sách Thái Nguyên; Công ty Cổ phần khách sạn Cao Bắc…Từ đây Thái Hưng đã mở rộng quy mô theo mô hình Công ty mẹ, Công ty con.

Đến năm 2015, công ty có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo: Chủ tịch Hội đồng quản trị là Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn (ảnh trên), Tổng giám đốc là Tiến sỹ Nguyễn Thị Vinh (ảnh dưới) (con trai và con gái của ông Thái, bà Cải).

Từ đây Thái Hưng hoạt động theo mô hình Tổng Công ty dựa trên 3 trụ cột: sản xuất – thương mại – dịch vụ, lấy ngành thép là trung tâm, có giá trị cốt lõi. Với định hướng chiến lược này tháng 10/2016 Thái Hưng chính thức bước vào lĩnh vực sản xuất khi trở thành cổ đông chi phối và là Công ty mẹ của Công ty cổ phần thép Việt Ý (VISCO). Doanh nghiệp thép được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Tháng 6/2017, Thái Hưng tiếp tục mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO), một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Thái Hưng có 12 đơn vị thành viên liên kết tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh. Các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị xã hội được thành lập và hoạt động tốt góp phần thiết thực vào sự phát triển của công ty.

Đến năm 2018, Thái Hưng từng bước kiện toàn lại các hoạt động hướng tới phát triển có chiều sâu, bền vững; mở rộng liên kết hợp tác với nhiều đối tác đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam,  Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình… Đến năm 2019 Thái Hưng nắm giữ 56,5% vốn của Công ty TNHH NatSteel Vina. Thái Hưng đã đầu tư vào bất động sản và giáo dục với dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ trường học và nhà ở Gia Sàng (Crown Villas). Dự án có quy mô hơn 35 ha với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Trường học liên cấp theo tiêu chuẩn Quốc tế đầu tiên tại Thái Nguyên: IRIS.

Khu đô thị Crown Villas

Năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhờ tranh thủ sự giúp đỡ, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thái Hưng đã duy trì tốt sản xuất, kinh doanh đảm bảo tăng trưởng ổn định, bảo toàn được lực lượng lao động. Trường IRIS tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả, Khu đô thị Crown Villas đã bàn giao căn hộ cho cư dân và đi vào vận hành. Đặc biệt, Thái Hưng đã tham gia dự án Nâng cấp tuyến đường Thanh niên xung phong, TP Thái Nguyên – tuyến đường dẫn vào Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh.

Nhờ có uy tín lâu năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thép xây dựng, sản phẩm thép do Thái Hưng cung cấp đã có mặt ở nhiều công trình trọng điểm của quốc gia, trở thành niềm tự hào của Công ty mỗi khi nhắc đến như: Trung tâm hội nghị quốc gia, tòa Keangnam, nhà ga T1 – Sân bay quốc tế Nội Bài, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Tập đoàn Sam Sung electronics, các khu đô thị lớn nhỏ hầu hết trong cả nước, các dự án đường cao tốc, đường vành đai ….

Năm 2021 – 2022, phòng Logistics Thái Hưng chính thức trở thành Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng, với hơn 100 đầu xe sơ mi rơ móoc, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa của khách hàng trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Cũng trong giai đoạn này Thái Hưng đã tái cấu trúc toàn diện từ Tổng Công ty đến các đơn vị thành viên theo hướng “giao vốn, giao quyền tự chủ có kiểm soát“. Cùng với đó là từng bước triển khai chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

Với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, doanh thu bình quân hàng năm từ 15.000 – 18.000 tỷ đồng, Thái Hưng nộp ngân sách nhà nước từ 200 – 650 tỷ đồng; trên 600 lao động (có thời kỳ trên 1.000 lao động) có thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, Thái Hưng thường xuyên làm tốt công tác an sinh xã hội bằng các chương trình từ thiện nhân đạo mỗi năm hàng tỷ đồng; ủng hộ gần 3 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trường IRIS được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế,
kết hợp hiệu quả giữa chương trình giáo dục quốc gia và quốc tế

Chiến lược phát triển của Thái Hưng là xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện cho sản xuất có hiệu quả; đào tạo người có tay nghề vững, tinh thông công việc và yêu nghề; xây dựng văn hoá doanh nghiệp tạo nên không khí dân chủ, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau từ lãnh đạo tới người lao động.

Thái Hưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị khi sản lượng tiêu thụ thép bình quân của Thái Hưng hàng năm chiếm khoảng 13% thị phần thép của Việt Nam. Ghi nhận những thành tựu đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Thái Hưng đã được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì (lần 2), Hạng Ba; 9 cờ thi đua của chính phủ và hơn 300 phần thưởng khác của các Sở, Ban, ngành từ trung ương đến địa phương. Thái Hưng vinh dự nằm trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, TOP 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Quốc Thái – Nguyễn Thị Cải (giữa) cùng Ban lãnh đạo Thái Hưng tại lễ trao huy hiệu 55 tuổi Đảng 

Ông Nguyễn Quốc Thái hiện là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần phát hành sách Thái Hưng. Là thành viên sáng lập, ông bà hiện là những cố vấn cao cấp của Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng. Bà Nguyễn Thị Cải đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, tôn vinh danh hiệu Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Ông Nguyễn Quốc Thái được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, huy hiệu 55 tuổi Đảng. Nhiều năm liên tục ông, bà được Tỉnh hội Thái Nguyên và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng giấy chứng nhận hội viên sản xuất kinh doanh giỏi.

Tổng giám đốc, Tiến sỹ Nguyễn Thị Vinh cũng dược vinh danh là Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, nữ doanh nhân tiêu biểu của khối ASEAN. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn đã được nhận giải thưởng khoa học Trần Đại Nghĩa.

Thế hệ lãnh đạo mới của Thái Hưng hôm nay đã và sẽ tiếp lửa truyền thống tốt đẹp của cha, mẹ – những TNXP dũng cảm, thông minh, sáng tạo và bản lĩnh – nhất định sẽ tiếp tục thành công cùng người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hải Dương, ngày 23 tháng 09 năm 2022

Vũ Thanh Sa

Chủ tịch Tỉnh hội Hải Dương


[i] Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần.

[ii] Nơi có đặc sản bánh gai thơm ngon nức tiếng cả nước.

[iii] Vùng đất địa linh nhân kiệt, có Côn Sơn (thờ Nguyễn Trãi, nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh (Trung Quốc) với Đại Việt), Kiếp Bạc (thờ Trần Hưng Đạo, nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần, chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288.