Cựu TNXP Đặng Ngọc Trác – tuổi trẻ xông pha, về già gương mẫu

Đăng lúc: 06-09-2022 2:37 Chiều - Đã xem: 37 lượt xem In bài viết

Nếu trong thời chiến, lực lượng TNXP luôn có mặt ở những trận địa quan trọng nhất để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thì trong thời bình, họ luôn là những tấm gương sáng trong phát triển kinh tếhoạt động xã hội. Dù tuổi đã cao nhưng cựu TNXP Đặng Ngọc Trác sống tại ấp 6, xã Tân Thành (TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) vẫn luôn sống đẹpsống có ích.

Nhiều bằng khen, giấy khen được trao cho thương binh Đặng Ngọc Trác vượt khó, làm kinh tế giỏi

Ý chí chiến đấu và quyết tâm vượt khó

Tham gia TNXP từ năm 1972 tại đơn vị C734, hoạt động chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình; vào tháng 8/1972, trong một lần tham gia chiến đấu tại Ngầm Rinh (huyện Tuyên Hóa), anh Đặng Ngọc Trác bị thương nặng ở bụng, chân, đầu và được đưa ra Tiểu đoàn 151 để chữa trị. Vết thương khá nhiều nhưng với tinh thần chiến đấu và ý chí quyết thắng, anh tiếp tục quay lại đơn vị hoạt động ngay khi ổn định sức khỏe.

Sau 3 năm kề vai sát cánh cùng đồng đội, năm 1975 anh trở về quê nhà tham gia công tác Đoàn và hỗ trợ an ninh cho đội quân cơ động của xã Trà Giang (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Trong một lần đặt chân vào Bình Phước năm 1992, anh nhận ra khí hậu, thổ nhưỡng ở đây khá thuận lợi và thích hợp để phát triển kinh tế, không đắn đo, suy nghĩ, anh trở lại Bình Phước ngay sau đó và cố gắng tìm kiếm mảnh đất cho riêng mình.

Trên đôi chân không lành lặn do chiến tranh để lại, với quyết tâm vượt khó, thương binh Đặng Ngọc Trác đã không ngần ngại một mình khai phá hơn 2 hecta đất rẫy. Ông dùng số vốn ít ỏi tích góp được mua thêm 1000m2 đất ở và đưa gia đình vào Bình Phước an cư lập nghiệp vào năm 1993. Ban đầu, gia đình ông gặp không ít khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt, điện đường trường trạm còn lạc hậu, nguồn thu chưa có và thiếu thốn đủ đường. Thế nhưng chưa một lần nản chí, ông luôn động viên mọi người trong gia đình cùng nhau vượt qua khó khăn, tăng gia sản xuất và phát triển kinh tế.

Ông Trác luôn tâm huyết và có trách nhiệm với công việc

Kiên trì xây dựng kinh tế và nuôi dạy con cái trưởng thành

Bằng sự đồng lòng, cố gắng, gia đình ông đã khai phá thêm được 6 hecta đất rẫy, kết hợp trồng lúa, khoai mì, đậu phộng, đậu xanh, lấy ngắn nuôi dài rồi tính kế sinh nhai. Ông mở thêm tạp hóa và mua bán nông sản trong khu vực; lúc khoai mì chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch, những tưởng gia đình ông sẽ được hưởng thành quả sau chuỗi ngày dài vất vả, thế nhưng mọi nổ lực như đổ sông đổ bể khi hay tin nhà máy không thu mua khoai mì từ các hộ gia đình.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn, nhưng với ý chí được tôi luyện từ thời kháng chiến, ông Trác không ngại cày hết toàn bộ khoai mì, lấy đất trồng đậu phộng, đậu xanh; bỏ ra không ít công sức cày cấy, không ngờ ít lâu sau ông lại chuyển qua trồng điều khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây đậu không đáng kể.

Chưa dừng lại ở đó, với quyết tâm đi đến cùng trong hành trình xây dựng kinh tế mới, một lần nữa, những gốc điều sau bao năm gia đình ông chăm bón lại nhường chỗ cho những gốc cao su mọc lên. Người ta nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau 25 năm ròng rã, thành quả đã mỉm cười khi cao su cho thu hoạch ổn định vào năm 2018. Đến nay, ông Trác vẫn duy trì trồng 8 hecta cao su với 5 nhân công, hàng năm thu được hơn 350 triệu đồng.

Là thương binh, đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách là điều không dễ dàng. Thế nhưng để nuôi dạy con cái trưởng thành và phát triển kinh tế gia đình, ông luôn cố gắng, nổ lực từng ngày, không chấp nhận thất bại và đi đến cùng cho đến khi thu được thành quả. Nhìn các con có công ăn việc làm ổn định, ông cảm thấy yên tâm và ấm lòng hơn ở tuổi già – Ông Trác bồi hồi chia sẻ.

Tỏa sáng giữa đời thường

Thuận lợi nuôi dạy con cái ăn học và trưởng thành, ông Trác không ngừng lan tỏa nghĩa tình đồng đội đến những hội viên khó khăn thông qua việc chia sẻ giống cây cao su cho sản lượng cao. Trong các buổi sinh hoạt, gặp gỡ, ông thường giới thiệu đến hội viên những kỹ thuật trồng trọt, kinh nghiệm canh tác, việc ứng dụng các mô hình khoa học, công nghệ mà ông đúc kết được qua quá trình lao động, sản xuất. Từ đây, mô hình của ông được nhân rộng đến các ấp trong xã, đông đảo hội viên đã áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế, qua đó công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội tại địa phương ngày một khởi sắc.

Là người tâm huyết và có trách nhiệm với công việc, năm 2019 ông được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Tân Thành, là thủ quỹ Hội Người cao tuổi, hội viên các Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin ấp 6 (xã Tân Thành); đảm nhiệm nhiều vị trí nhưng ông luôn làm tròn trách nhiệm, quan tâm và hết lòng vì quyền, lợi ích của hội viên – theo nhận định của Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP. Đồng Xoài Mai Đức Tích.

Ông không ngừng động viên mọi người tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, tham nhũng; tích cực tham gia phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, ông còn vận động hội viên TNXP tham gia xây dựng Quỹ nghĩa tình đồng đội được 70 triệu đồng, qua đó giúp đỡ những đồng đội khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Cảm thông với những cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt, nữ cựu TNXP cô đơn, không nơi nương tựa và con cháu hội viên vượt khó học giỏi, ông Trác đã đứng ra đóng góp và vận động nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà và học bổng với tổng số tiền 60 triệu đồng. Đặc biệt, ông còn ủng hộ nhu yếu phẩm cho gian hàng không đồng và tiếp sức cho lực lượng chống dịch Covid-19 tại xã Tân Thành qua những phần rau, củ, quả.

Với tinh thần “lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”, ông Trác đã làm sáng ngời thêm hình ảnh TNXP trong thời chiến cũng như thời bình với những phẩm chất quý báu. Ông đã được nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì , Bằng ghi công của Bộ Giao thông vận tải và nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Hội Cựu TNXP tỉnh giành cho thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi, nêu gương sáng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thùy Trang

Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Phước