Gặp lại già làng Ma Doanh hai lần gặp Bác Hồ

Đăng lúc: 06-05-2020 3:31 Chiều - Đã xem: 81 lượt xem In bài viết

Được gặp Bác Hồ là một vinh dự hết sức to lớn đối tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Già làng Ma Doanh, 86 tuổi, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng ở thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên còn hạnh phúc hơn khi ông may mắn hai lần được gặp Bác. Đó là điều hết sức kỳ diệu giúp ông luôn tự hào, không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời tham gia cách mạng của mình.

Chuyện về hai lần được gặp Bác Hồ

Một sáng tháng 5/2020, chúng tôi được chị H’Nguyệt, Phó Trưởng thôn Bình Giang đưa đến ngôi nhỏ của Già làng Ma Doanh. Nghe gọi, ông Ma Doanh tất bật ra tiếp đón. Tuy sức khỏe năm nay đã giảm sút nhiều nhưng ông vẫn nhiệt tình kể về cuộc đời theo cách mạng, được gặp Bác Hồ trong niềm hân hoan, phấn chấn.

Ông Ma Doanh cho biết: Ông là người dân tộc Êđê, tên khai sinh là Kso Y Bứ, sinh ngày 01/1/935 tại xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 17 tuổi, ông đã trở thành chiến sỹ giao liên gan dạ và mưu trí của du kích, rồi gia nhập bộ đội chiến đấu tại vùng miền núi Sơn Hòa. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, ông được chọn là thanh niên đồng bào ít người miền Nam tiêu biểu tập kết ra miền Bắc để học tập.

Ngay khi tập kết ra miền Bắc, Ma Doanh hết sức may mắn được gặp Bác Hồ khi Người đọc diễn văn trong Lễ kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2/9/1955 tại Quảng trường Ba Đình. Già làng Ma Doanh nhớ lại: Hôm ấy, chúng tôi là học sinh miền Nam mới ra nên được dự lễ mít tin Kỷ niệm ngày Quốc khánh. Dù chỉ được nhìn thấy Bác ở trên lễ đài, nghe Bác đọc “Lời kêu gọi”  tôi xúc động rơi nước mắt. Đó là một ký ức đầu tiên về Bác Hồ không thể quên trong cuộc đời tôi.

Lần thứ hai Ma Doanh được vinh dự gặp Bác Hồ khi Người về thăm quê Nghệ An ngày 9/12/1961. Lúc ấy, Ma Doanh đang huấn luyện ở Trung đoàn 120, đóng quân tại Nam Đàn, Nghệ An.

Già làng Ma Doanh kể: Trước lúc Bác Hồ đến chúng tôi đã hồi hộp lắm rồi. Lúc Bác đi vào, cả Trung đoàn đứng dậy vỗ tay, Bác vẫy tay chào, rồi đến từng hàng quân bắt tay từng người. Đến lượt mình tôi run run, xúc động ngước nhìn Bác. Khuôn mặt Bác vui tươi, râu tóc bạc, Bác mặc bộ đồ kaki, đi dép cao su. Khi nói chuyện với các chiến sỹ trong Trung đoàn, Bác hỏi thăm và căn dặn nhiều điều. Bác hỏi: “Các chú, các cháu có nhớ nhà, nhớ quê không?” Chúng tôi đáp: “Có ạ!”.

Bác động viên: “Các chú, các cháu nhớ nhà, nhớ quê thì phải ra sức học tập và rèn luyện. Khi trở về quê hương phải đoàn kết nhân dân cùng nhau đánh đuổi kẻ thù, xây dựng quê hương…”.

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy

Được gặp, được nghe những lời huấn thị của Người, Ma Doanh luôn tự dặn lòng phải phấn đấu, rèn luyện, học tập tốt hơn để sau này cống hiến nhiều hơn cho đồng bào, cho đất nước. Cả cuộc đời Ma Doanh đã khắc ghi lời Bác dạy, luôn sống chiến đấu, lao động và học tập vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cống hiến cả đời mình vì sự đoàn kết các dân tộc anh em cùng chiến đấu, xây dựng quê hương.

Sau khi hoàn thành việc huấn luyện tại miền Bắc, Ma Doanh về lại miền Nam và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quân khu 6. Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương và chuyển công tác, sinh sống tại Buôn Thung, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Với uy tín và phẩm chất của người đảng viên, người bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện qua khói lửa chiến tranh, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã… Trên cương vị nào Ma Doanh cũng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Năm 1991, sau khi nghỉ hưu, thực hiện chính sách di dân để phục vụ cho dự án thủy điện Sông Hinh, ông Ma Doanh chuyển về thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh sinh sống.

Nhớ lời Bác Hồ dạy năm xưa, vài năm trước đây khi chưa lâm bệnh ông thường xuyên tham gia các hoạt động của địa phương. Trong vai trò là già làng uy tín, ông Ma Doanh tham gia vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế. Nói cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Nông Văn Trình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Bình Đông cho biết: “Với 60 năm tuổi Đảng và vai trò của một già làng uy tín, già làng Ma Doanh đã đóng góp rất nhiều cho địa phương. Khi còn sức khỏe cụ  luôn gương mẫu vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên con cháu và bà con tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, làm đường giao thông nông thôn…”

Vượt lên hoàn cảnh

Bà H’Nguyệt, Phó thôn Bình Giang cho biết: Mặc dù cụ Ma Doanh có chế độ lương mỗi tháng 2,7 triệu đồng, nhưng vẫn diện hộ cận nghèo. Bởi hộ của cụ còn đứa con gái út là H’Thủy đã ly dị chồng, có hai đứa con nhỏ, đứa 12 tuổi H’My thiểu năng trí tuệ, đứa 8 tuổi H’Miu bị nhiễm chất độc da cam nằm liệt giường, hưởng trợ cấp 650.000 đồng mỗi tháng. Do phải chăm sóc cha và hai đứa con bệnh tật nên H’Thủy chỉ còn rất ít thời gian để đi làm rẫy, làm nương cuộc sống hết sức khó khăn.

Hai năm trở lại đây, già làng Ma Doanh bệnh tình trở nên nặng dần, ngồi bên cụ tôi nghe nhịp thở gấp gáp, khó khăn. Đứng lên, ngồi xuống phải có người đỡ đần, có lúc thấy cụ nhắm nghiền hai mắt, tay chống gối để vận động. Tuy thế cụ vẫn luôn động viên co gái H’Thủy cố gắng đi làm để kiếm thêm thu nhập. Theo H’Thủy thì bình quân mỗi người trong gia đình có khoảng 800.000 đồng mỗi tháng để chi phí cho tất cả mọi sinh hoạt.

Khi được hỏi về cuộc sống già làng Ma Doanh vẫn tươi cười: “Mình phải cố gắng thôi, mình còn có lương, có trợ cấp còn đỡ hơn nhiều người khác”.

Tuy sức khỏe và đau đớn là vậy nhưng già làng Ma Doanh vẫn tự cố gắng lo toan mọi sinh hoạt của mình vượt lên số phận, bằng cả ý chí, nghị lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa./.

Nguyễn Bá Thuyết