Hậu phương em vẫn chờ

Đăng lúc: 05-01-2018 10:30 Chiều - Đã xem: 46 lượt xem In bài viết

Khí thế phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ cả nước đã thôi thúc Phùng Thị Huệ, cô gái ở làng Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vừa chạm tuổi trăng tròn có lẻ đã hăng hái tình nguyện viết đơn gia nhập đội TNXP 537, E18, N5.

Huệ tuy ít tuổi nhưng nhanh nhẹn, tháo vát, hay làm nên đội viên trong đơn vị đã đặt cho cô gái có nụ cười rất duyên ấy một cái tên mới: “Huệ hạt tiêu”.

Suốt bốn năm (1965 – 1969) Huệ cùng đồng đội hăng hái lội suối, trèo đèo bám đường Trường Sơn để phục vụ ở các chiến trường Bình Trị Thiên, Quảng Trị. Cô TNXP dũng cảm, gan dạ Phùng Thị Huệ đã bị thương.

Bị thương, sức khỏe giảm sút, Huệ phải trở về địa phương. Ngày xuất ngũ, đồng đội xúm quanh lưu luyến tiễn đưa cô gái đẹp người, đẹp nết. Người lưu luyến nhất là đội viên Phạm Xuân Thọ. Thọ – Huệ, đôi bạn trẻ trai tài gái sắc đã chớm nở tình yêu trên cung đường Trường Sơn đánh giặc Mỹ. Tình yêu đích thực của đôi bạn trẻ ấy càng được nhân lên gấp bội khi Huệ trở về quê nhà. Thọ xung phong cầm súng ra mặt trận (1969).

Ngày lên đường, Thọ chỉ kịp ấn tấm ảnh chân dung của mình vào tay Huệ và nói: “Em giữ làm kỷ niệm, đánh giặc xong, Nam – Bắc thống nhất một nhà anh sẽ về đưa em lên xe hoa…”!!

Huệ lau nước mắt nói vội: “Anh yên tâm ra trận, ở hậu phương em chờ! Chờ anh trở về!”

Lời hứa sắt son ấy, Huệ gói vào hàng chục bức thư  đầy ắp tình cảm yêu thương, đã bất chấp bom đạn vẫn bay nhanh từ hậu phương ra tiền tuyến.

Rồi những bức thư Huệ gửi tiếp theo lại quay về với chủ của nó. Nhìn những lá thư nằm yên lặng, yên lặng đến khủng khiếp khi Huệ nhận được giẩy báo tử số 215 do đại tá Hồ Bá Phúc ký ngày 26/1/1974: “Chiến sỹ Đặng Xuân Thọ hy sinh ngày 26/1/1973 tại mặt trận phía Nam. Thi hài chiến sỹ Thọ mai táng ở khu riêng của đơn vị gần mặt trận”.

Ôm giấy báo tử vào lòng, Huệ ngất xỉu. Và trận ốm nặng ập xuống người con gái đang thì xuân sắc. Được gia đình, bạn bè, đồng đội chăm sóc tận tình, Huệ vượt qua trận ốm đột xuất. Khi sức khỏe dần dần hồi phục, Huệ tự nhủ lòng mình: “Dù thời gian dài đến mấy, dù khó khăn vất vả đến bao nhiêu, mình cũng đi tìm bằng được hài cốt và đưa anh về nghĩa trang quê nhà”.

Lòng chung thủy sắt son ấy là động để Huệ làm cật lực, ky cóp từng đồng để dành cho những chuyến đi tìm kiếm hài cốt người yêu.

Trước ngày vào Nam để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Thọ, Huệ xin phép bố mẹ để ra ở riêng với lý do để tránh một số trai làng không mời mà đến. Nhưng thực ra là để có nơi đặt bàn thờ người yêut. Nhưng năm 1989 cơn lũ khủng khiếp đã đổ vào đất Nghi Xuân, cuốn trôi tất cả tài sản mà Huệ đã ky cóp. Đối mặt với gian khổ ấy, Huệ vẫn kiên tâm vượt qua, vẫn lao động cật lực để tích góp từng đồng và đã dựng được mái nhà nhỏ hai gian bên bờ sông Lam.

Lần nào cũng vậy, trước lúc nào Nam đi tìm hài cốt của liệt sỹ Thọ, Huệ đều thắp ba nén hương thơm cắm trước di ảnh của người mình yêu, rồi cầu khấn vái: “Anh Thọ ơi! Anh sống khôn chết thiêng! Anh về báo mộng cho em biết chỗ anh đang yên nghỉ để em đưa anh về nghĩa trang quê nhà”. Tuy không được người mình yêu về báo mộng nhưng Huệ vẫn tiếp tục đi tìm nhiều lần ở các nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị, Đường 9, Tây Ninh, Tây Nguyên.

Sau những chuyến đi tìm vất vả Huệ trở về với hai bàn tay trắng, và nỗi buồn day dứt. Thấy sức khỏe của Huệ bị sa sút, mấy bạn thân rỉ tai: “Huệ à, mấy chục năm qua Huệ đã dốc sức lực, vượt mọi khó khăn để tìm hài cốt người mình yêu. Lòng chung thủy của Huệ đã làm chúng mình rất kính nể. Nhưng bây giờ Huệ phải nghĩ đến sức kohẻ của chính mình nữa”. Nhưng Huệ vẫn tìm mọi cách tìm hài cốt người yêu. Huệ chăm đọc báo, nghe đài, xem chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội” của truyền hình quân đội. Huệ đã ghi rành mạch từng nghĩa trang có các liệt sỹ đang yên nghỉ. Rồi công sức của Huệ đã được đền đáp, ngày 22/08/2010, Huệ đã nhận được thông tin. Huệ và 3 em của liệt sỹ Thọ tức tốc tận nghĩa trang xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tìm được mộ của liệt sỹ Phạm Xuân Thọ đưa hài cốt của anh về an táng tại nghĩa trang quê hương.

Và bây giờ chị cựu TNXP Phùng Thị Huệ, người phụ nữ đã bước tới tuổi lục tuần có lẻ vẫn đầy ắp lòng chung thủy với liệt sỹ Thọ. Tuy sức yếu nhưng chị vẫn chăm chỉ lao động để tự nuôi mình. Chị vẫn chăm chỉ làm những mâm cơm đầy đặn trong ngày giỗ của liệt sỹ Thọ, ngày 26/1 hàng năm.

Mới chỉ nắm tay nhay hò hẹn, mới chỉ một lần duy nhất Huệ trao nụ hôn đầu đời của mình cho người lính Phạm Xuân Thọ trước giờ ra trận; vậy mà, hơn ba mươi năm qua đã trôi qua, chị Huệ vẫn chờ đợi, chờ suốt cả đời người con gái… Người con gái Việt Nam!

Bích Hậu

(Viết theo lời kể của Văn Hải – Phan Lộc)