Hồi ức của một cựu thanh niên xung phong qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ

Đăng lúc: 26-10-2019 4:10 Chiều - Đã xem: 71 lượt xem In bài viết

Tuổi đã cao, mái tóc bạc trắng theo thời gian, song ký ức về những năm tháng hào hùng phục vụ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Tấn Phúc.

          Trong cái nắng vàng dịu của tháng 9, trong ngôi nhà nhỏ ấm áp không khí gia đình ở thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, chúng tôi cùng trò chuyện với ông Nguyễn Tấn Phúc. Mặc dù bước qua tuổi 90 nhưng ông vẫn còn minh mẫn, từng mảng ký ức được ông kể lại rành rọt, sôi nổi và đầy tự hào.

Ông Nguyễn Tấn Phúc (trái) kể lại thành tích trong thời kháng chiến với ông Đặng Văn Long,
Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đồng Xuân. Ảnh: THÙY THẢO

Những trận đánh không quên

          Ông Phúc tên thật là Nguyễn Châu, sinh năm 1929 trong một gia đình nghèo ở thôn Châu Me (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 12/1945, chàng thanh niên 16 tuổi tên Châu nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Mau mau đoàn kết cùng nhau để đánh Tây, đánh Nhật” tham gia vào tổ chức Việt Minh ở quê nhà. Nhiệm vụ đầu tiên của Châu là giao liên, chuyển thư từ vùng căn cứ lên xã và ngược lại.

          Đến tháng 1/1947, Châu được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Hành Thịnh. Tháng 6/1947, Châu được phân công vào đội du kích của xã, cùng với dân quân, cảnh vệ canh gác Nhà lao Ba Tơ. Năm 1948, Châu được tuyển chọn vào đội du kích bán tập trung của xã và tham gia vận chuyển vũ khí tiếp tế cho bộ đội , chuẩn bị giải phóng huyện Nghĩa Hành. Tháng 10/1949, Châu tham gia vận chuyển vũ khí ở Xưởng quân giới 20 phục vụ chiến trường Miền Tây tỉnh Quảng Ngãi…

          Tháng 5/1950, Liên khu 5 thành lập các đơn vị TNXP: C15 (gồm 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) và C25 (thuộc Trung đoàn 187 phục vụ đường 19 Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum). Đến năm 1953, Nguyễn Châu được phân công về đơn vị 210 hoạt động tại Khu căn cứ Suối Tía (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa).

          Ông Châu nhớ lại: Tháng 11/1953, để chuẩn bị đánh đồn Tri Bình, từ suối Tía (thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa) đơn vị TNXP của ông khoảng 60 người, vận chuyển vũ khí tiếp tế cho đơn vị 210 phải mất 2 ngày 1 đêm mới đến nơi. Đến giờ G (12 giờ đêm) quân ta đồng loạt nổ súng tấn công, đánh đồn. Bị đánh bất ngờ, quân Pháp tháo chạy, quân ta bắt sống được 30 tù binh. Sau khi chiếm lĩnh đồn, lực lượng TNXP ở lại thu dọn chiến trường, đưa thương binh qua sông Ba tập kết rồi chuyển tiếp về Trạm xá huyện Sơn Hòa. Đến khi trời sáng, vì cầu phao đã rút, đơn vị kẹt lại, bị tàn quân của địch phát hiện bắn tới tấp, anh em lập tức phân tán và nằm núp dọc theo bìa sông. Sau một giờ, địch ngừng bắn, tập hợp kiểm tra thì phát hiện có một đồng chí hy sinh. Anh em mai táng xong rồi vượt sông Ba rút về căn cứ Suối Tía.

          Một trong những trận đánh mà ông Châu nhớ nhất là trận đánh vào Nhà thờ Mằng Lăng (huyện Tuy An). Sau khi hạ đồn Tri Bình, chiều hôm sau ta nhận được mật báo quân Pháp ở La Hai và Sông Cầu sẽ tập trung về Nhà thờ Mằng Lăng để làm lễ. Hai đơn vị TNXP và 210 hành quân đến nơi, mai phục chờ sẵn. Khi quân lính Pháp tập trung, ta bất ngờ tấn công tiêu diệt địch rồi rút về căn cứ trước khi trời sáng. Ông Châu cùng đồng chí Huỳnh Đức Phô, y sĩ của đơn vị TNXP ở lại để vận chuyển thuốc men, băng bó cho thương binh của ta và địch. Đến khi trời sáng, hai người vội vàng trở về căn cứ thì bị lính Pháp nhìn thấy nên nã đạn theo. May mà có một phiên dịch của Pháp cho biết đây là lực lượng Hồng Thập Tự quốc tế làm nhiệm vụ cứu thương cho quân Pháp nên họ thôi bắn. Nhờ vậy mà hai anh em rút về đơn vị an toàn.

          Còn trận đánh ác liệt nhất là trận đèo Cả trong chiến dịch Át- lăng 1954. Nhận chỉ lệnh của cấp trên, quân Pháp sẽ tập trung về Tuy Hòa để đi vào Khánh Hòa. Hai đơn vị TNXP, 210 và dân công vận chuyển vũ khí hành quân tập kết ở đèo Cả trước 10 giờ đêm, dàn trận địa chờ sẵn. Đến 11 giờ đêm, địch đi qua quân ta đồng loạt tấn công. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt đến 1 giờ sáng hôm sau mới kết thúc. Địch tháo chạy, quân ta bắt sống được 30 tên rồi thu dọn chiến trường rút về căn cứ.

          Đến năm 1954, ông Châu tập kết ra Bắc, tham gia xây dựng và khôi phục tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đến năm 1963, ông được điều động trở về miền Nam, công tác tại đơn vị CO2 đứng chân ở tỉnh Kon Tum. Ngày 30/3/1966, ông Châu chuyển về công tác tại Phân khu Nam, Phú Yên và được tổ chức đổi tên là Nguyễn Tấn Phúc. Sau đó ông được đồng chí Cao Xuân Thiêm (Văn Công), Chủ tịch Hội đồng Chi viện tiền phương bố trí về công tác tại đơn vị TNXP ở căn cứ Rộc Hiểm (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa).

          Năm Mậu Thân 1968, ông Phúc tham gia phục vụ trận đánh Gò Thì Thùng. “Tháng 10/1968, đơn vị chúng tôi vận chuyển vũ khí, thuốc men tiếp tế Tiểu đoàn 12 chuẩn bị đánh gò Thì Thùng thì bị địch phát hiện nã pháo. Cả tiểu đội phân tán nằm núp dưới suối. Đồng chí Trần Thị Trọng, quê ở xã Xuân Sơn (huyện Đồng Xuân) là đội viên TNXP và 2 đồng chí bộ đội đã anh dũng hy sinh. Sau khi mai táng các đồng đội xong, cả tiểu đội tiếp tục vận chuyển hàng cất giấu ở thôn Phong Cao, xã Sơn Long, chờ đến khi an toàn mới rút về khu căn cứ”, ông Phúc nhớ lại.

          Tháng 3/1972, ông Phúc tham gia vận chuyển vũ khí tiếp tế trận đánh giải phóng xã Xuân Phước. Trên đường đi, bị địch pháo kích, ông Phúc bị thương nặng, được đồng đội đưa về Bệnh xá Trúc Bạch (xã Sơn Định) điều trị. Sau khi vết thương lành, ông Phúc về đơn vị TNXP tiếp tục công tác cho đến ngày giải phóng 30/4/1975.

 Gắn bó với quê hương thứ hai

          Sau ngày thống nhất đất nước, ông Phúc công tác tại đơn vị cầu đường, ngành GT-VT Phú Yên cho đến năm 1982 thì về hưu. Ra đi từ đất mẹ Quảng Ngãi, tham gia phục vụ chiến đấu ở chiến trường Phú Yên nên ông Phúc quyết gắn cuộc đời còn lại của mình ở mảnh đất được ông xem như quê hương thứ hai này cùng người bạn đời là bà Nguyễn Thị Năm – cũng là đồng chí, đồng đội của ông.

          Năm 1986, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Mặt trận thôn Phước Lộc. Tháng 6/1996, làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Xuân Quang 3, kiêm Chi hội trưởng thôn Phước Lộc cho đến năm 2012. Từ 2013-2015, ông Phúc là Chi hội trưởng Cựu TNXP thôn Phước Lộc. “Gần 29 năm sống trong gian khổ, “nếm mật nằm gai”, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội tham gia phục vụ nhiều trận chiến oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, thi thể nằm lại nơi trận địa mà lòng xót xa vô hạn…”, ông Phúc bùi ngùi.

          Bao năm chinh chiến qua đi, nay đã 90 tuổi đời và 55 tuổi Đảng, trong tâm trí của cựu chiến binh Nguyễn Tấn Phúc không bao giờ quên kỷ niệm chiến trường xưa và nhất là những giờ phút cận kề bên cái chết. Nhiều đêm bên chiếc giường của mình, ông Phúc ghi lại những chiến công của đồng chí đồng đội để lại cho con cháu sau này. Ông Phúc trải lòng: “Trong những trang viết của tôi, từng chi tiết, từng mẩu ký ức nhỏ đã thành máu thịt, nước mắt xen lẫn niềm vui và những nỗi đau đều chẳng thể xóa nhòa. Qua đó, tôi muốn nhắn nhủ với thế hệ con cháu phải luôn biết trân trọng cuộc sống hòa bình hôm nay mà cha ông đã tốn biết bao máu xương mới kiến tạo, xây dựng nên”.

          Với những chiến tích, công lao trong suốt hai cuộc kháng chiến, ông Nguyễn Tấn Phúc được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quyết thắng năm 1968, Huy chương Kháng chiến hạng nhì năm 1987, Huân chương Kháng chiến hạng nhất năm 1988, Kỷ niệm chương TNXP năm 2000, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GT-VT năm 2015.

Cựu TNXP Nguyễn Tấn Phúc là người mẫu mực, luôn nêu cao bản chất tốt đẹp của TNXP, truyền thống cách mạng của quê hương đất nước. Ông luôn tích cực trong các hoạt động của Hội và các phong trào ở địa phương; thường kể cho thanh niên và con cháu trong thôn nghe những mẩu chuyện thời kháng chiến có tính giáo dục cao.

          Trong những trang viết của tôi, từng chi tiết một, từng mẩu ký ức nhỏ đã thành máu thịt, nước mắt xen lẫn niềm vui và những nỗi đau đều chẳng thể xóa nhòa. Qua đó, tôi muốn nhắn nhủ với thế hệ con cháu phải luôn biết trân trọng cuộc sống hòa bình hôm nay mà cha ông đã tốn biết bao máu xương mới kiến tạo, xây dựng nên. 

Thu Hằng

 Phú Yên