Làm giàu trên bến Lục Đầu Giang

Đăng lúc: 15-10-2019 3:26 Chiều - Đã xem: 109 lượt xem In bài viết

 Nguyễn Văn Vũ sinh ra ở thôn Phong Cốc (xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) nơi hợp lưu của sông Cầu, sông Đuống, sông Thương, sông Lục Nam hợp thành bến Lục Đầu Giang mênh mang sóng nước. Nơi đây rất gần bến Bình Than, nơi diễn ra Hội nghị Bình Than lịch sử thời Trần bàn kế sách chống quân Nguyên. Nơi đây cũng là phòng tuyến quan trọng chông quân Nguyên do Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương bày trận. Thời kháng chiến chống Mĩ mặc dù bị đánh phá ác liệt, địch rải bom từ trường dày đặc nhưng phà Phả Lại vẫn thông suốt những chuyến hàng chiến lược ra tiền tuyến.

Mặc dù lợi thế sông nước “nhất cận thị, nhị cận giang” nhưng người dân nơi đây vẫn rất khó khăn kiếm ăn. Mùa nước lên bờ bãi ngập mênh mang, dân làng xiêu bạt tứ tán kiếm ăn. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Vũ lớn lên đúng vào thời điểm biên giới phía Bắc đang nóng lên từng ngày. Sự kiện người Hoa bỏ về nước hàng loạt hòng làm rối loạn nước ta, rồi anh hùng Lê Đình Chinh hi sinh để bảo vệ bình an cho nhân dân. Thanh niên tòng quân lên biên giới lớp này lớp khác. Nguyễn Văn Vũ cũng tham gia lực lượng thanh niên xung phong bảo vệ biên giới vào tháng 11/1978, được biên chế vào Đại đội 4 huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng). Biên chế tổ chức quân sự hóa, có trang bị vũ khí, có huấn luyện chiến đấu và cũng tự xây dựng doanh trại như đơn vị quân đội. Huấn luyện vừa xong thì chiến tranh biên giới nổ ra. Toàn đơn vị vừa phối hợp chiến đấu với đơn vị quân đội, vừa làm nhiệm vụ vận tải vũ khí, tải thương phục vụ chiến đấu. Nguyễn Văn Vũ đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tháng 11/1980 anh được giải ngũ về quê tiếp tục xây dựng, sản xuất.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương, anh xây dựng gia đình và vừa sản xuất nông nghiệp vừa tìm hướng làm giàu. Những năm đầu làm kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, không có vốn đầu tư, không có kinh nghiệm, không có trình độ khoa học, kỹ thuật nên quá trình phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, thất bại nhiều lần.

Với ý chí quyết tâm và rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó, Nguyễn Văn Vũ đã tìm ra hướng đi phù hợp, lấy ngắn nuôi dài, triển khai 3 kế hoạch sản xuất gồm: Làm cây cảnh; đào ao thả cá; sản xuất lưới, vó phục vụ ngư nghiệp. Ban đầu gia đình anh chỉ làm mức độ nhỏ, trồng 20 cây cảnh, chăm chút, tỉa cắt tạo dáng đẹp quay vòng nhanh. Rồi mở rộng dần quy mô lên đến 200 cây bán quay vòng thường xuyên nhờ uy tín tạo dáng cây của anh. Vừa làm cây cảnh anh vừa  đào 5 sào ao thả cá thương phẩm, mỗi năm thu một lần vào dịp áp Tết. Đặc biệt, anh phát huy nghề truyền thống đan lưới, đan vó đánh bắt cá phục vụ cho toàn bộ khu vực lân cận. Lưới, vó của gia đình anh rất “sát cá” nên làm ra đến đâu có người đến cất hàng ngay tới đó. Hiện mô hình sản xuất của gia đình anh đang rất thông đồng bén giọt, thu nhập ổn định. Hằng năm vốn đầu tư chỉ gần 500 triệu đồng nhưng doanh thu đạt tới 900.000.000 đồng, lợi nhuận đạt 450.000.000 đồng. Nghĩa là hiệu quả sản xuất kinh doanh rất cao. Số lao động sử dụng thường xuyên 20 người, thu nhập trả lương theo công khoán bình quân một tháng 8 triệu đồng/người.

     Sự thành công trong phát triển kinh tế của gia đình cựu TNXP Nguyễn Văn Vũ đã lan tỏa sâu rộng tại địa phương; có nhiều hộ gia đình đã đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh không chỉ bày cách làm ăn cho bà con mà còn giúp cả về vốn ban đầu mức 30 triệu đồng. Anh cũng thường xuyên hỗ trợ các hoạt động của Hội Cựu TNXP xã Đức Long hàng năm từ 5-10 triệu đồng.

Giỏi làm kinh tế gia đình, chăm giúp đỡ đồng đội và bà con làng xóm, Nguyễn Văn Vũ được anh em tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Cựu TNXP xã. Năm 2018 anh là điển hình làm kinh tế giỏi và được Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Ninh tặng Giấy khen./.

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh