Một nữ cựu thanh niên xung phong Ngãi Tứ

Đăng lúc: 29-08-2017 9:54 Sáng - Đã xem: 58 lượt xem In bài viết

 

 

Dù đã ở cái tuổi 67, đi lại khá khó khăn bởi hai chân bị thương tật trong những ngày chiến đấu trên tuyến đường huyền thoại 1C tại An Giang, nhưng khi kể về những tháng ngày gian lao mà anh dũng trong màu áo thanh niên xung phong (TNXP) thì bà phấn chấn hẳn lên với nụ cười rất tươi.

Bà là nữ thương binh 2/4 Trà Kim Cúc (tên thường gọi Tám Hoa) hiện ngụ tại phường 6, TP Vĩnh Long.

Bà Cúc kể: “Quê tui ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, hồi mới 15 tuổi đã đi theo cách mạng và gia nhập đội TNXP Nguyễn Văn Khái 2 tại Cà Mau. Căm thù giặc nên cứ ra đi, hẹn khi đất nước thống nhất sẽ về. Đơn giản vậy thôi”.

Năm 1967, bà được tăng cường công tác tại biên giới Việt Nam – Campuchia với nhiệm vụ chuyển thương, tải đạn từ biên giới về các tính miền Tây. Nhiệm vụ nầy rất nguy hiểm và vô cùng gian khổ nhưng với lòng yêu nước và sự mưu trí, dũng cảm bà và nhiều TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bà Cúc nhớ lại: “Chúng tôi thường tập kết lúc tám giờ tối và chuyển vũ khí lên các xuồng ghe rồi xuất phát lúc nửa đêm để qua mắt địch. Nhiều lúc bị địch phát hiện mình phải nhận chìm vũ khí để không để rơi vào tay giặc. Có nhiều khi phải chiến đấu để bảo vệ an toàn những chuyến hàng. Nguy hiểm là vậy nhưng TNXP chúng tôi luôn chiến đấu kiên cường để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao”.

Năm 1968, trong một chuyến vận chuyển khí tài vượt qua biên giới, TNXP trong đó có bà bị một tên chiêu hồi chỉ điểm cho giặc bao vây. Trận chiến đấu không ngang sức đã diễn ra giữa một bên 3 tiểu đoàn có xe tăng, máy bay, tàu chiến yểm trợ, một bên là hơn 30 TNXP với vũ khí thô sơ. Khó khăn là vậy nhưng bà và đồng đội chiến đấu rất kiên cường hàng ngày trời. Sau đó bà bị thương vào hai chân nhưng vẫn bắn hết viên đạn cuối cùng và được đồng đội đưa về tuyến sau. Toàn bộ vũ khí đã được bảo vệ an toàn nhưng đã có 5 người hy sinh.

Bà Trà Kim Cúc cho biết: “Khi tỉnh dậy biết vũ khí được bảo vệ an toàn tôi rất mừng nhưng khi biết có những đồng đội TNXP đã vĩnh viễn ra đi thì đau xót vô cùng”.

Khi vết thương chưa lành hẳn, thương binh 2/8 (nay là hạng 4/4) Trà Kim Cúc lại xin tổ chức trở vệ đơn vị cũ để tiếp tục công tác. Tại đây bà đã gặp được nửa phần còn lại của đời mình khi kết hôn cùng ông Huỳnh Trung Hiếu (tự Hiển), một chiến sỹ rất nổi tiếng gan dạ, hiền lành, mưu trí. Trong một trận công đồn tại Vĩnh Long năm 1970, ông đã bị thương ở mắt và trở thành thương binh hạng 4/8 (nay là hạng 2/4) cho đến nay.

Sau ngày giải phóng bà Cúc tiếp tục công tác đến năm 1980 thì xin nghỉ vì vết thương tái phát. Còn người bạn đời tiếp tục công tác đến năm 2004 thì nghỉ hưu theo chế độ. Đôi vợ chồng thương binh nầy đã có được 3 người con ăn học tới nơi, tới chốn, trong đó 2 người con gái đã tốt nghiệp khoa Dược, trường đại học Cần Thơ (nay đã tách ra thành trường Đại Học Y Dược Cần Thơ).

Chị Huỳnh Thị Kim Hà, con gái út của bà Cúc xúc động nói: “Ba mẹ tôi đều là thương binh cả đời hy sinh vì nước. Tuy nhiên ba mẹ tôi đều không có tư tưởng công thần, luôn dạy chúng tôi tự lực vươn lên, không trông chờ sự hỗ trợ của Đảng và nhà nước, phải sống hòa đồng với bà con lối xóm, đi đầu trong các hoạt động phúc lợi, dân sinh tại địa phương”.

TRƯƠNG THANH LIÊM