Nghị lực phi thường của một nữ cựu thanh niên xung phong

Đăng lúc: 04-10-2019 9:35 Sáng - Đã xem: 35 lượt xem In bài viết

Với hai lần đối mặt với cái chết và sống đơn chiếc nhưng cô Võ Xuân Nghi – người nữ cựu TNXP ở ấp Bửu II, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu – lại lạc quan, yêu đời và luôn tích cực lao động sản xuất để vươn lên trong cuộc sống. Nghị lực phi thường của cô Võ Xuân Nghi luôn được mọi người ghi nhận và nể phục.

Cô Xuân Nghi chăm sóc vườn rau

Sinh năm 1948, cô Võ Xuân Nghi sớm giác ngộ ý thức cách mạng từ gia đình. Khi 10 tuổi cô tình nguyện tham gia giao liên và đến 15 tuổi cô được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tham gia chiến trường miền Đông tại đơn vị C239 – Nguyễn Việt Khái I và lập được nhiều chiến công. Năm 1968, cô cùng đồng đội tham gia chiến dịch vượt sông Sài Gòn tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất, thế nhưng khi vào đến bờ thì bị địch phát hiện, nã pháo và tất cả đồng đội đều hy sinh, riêng cô thì bị mảnh pháo ghim sâu vào ngực, nhưng được cứu chữa kịp thời nên sau hai ngày hôn mê thì tỉnh lại. Năm 2004 cô được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Sau khi hòa bình lập lại, cô Xuân Nghi được bố trí công tác tại Xí nghiệp Chăn nuôi 1/5 của tỉnh Minh Hải cũ, đến năm 2000 được nghỉ hưu, cô về sống tại Ấp Bửu II, xã Long Điền Đông. Do cuộc sống nghèo khó, chồng thì mất sớm nên một mình cô phải gồng gánh làm thuê, làm mướn để lo mọi mặt chi tiêu cho gia đình và chăm lo cho 04 người con ăn học. Cũng bởi làm việc quá sức nên năm 2012 cô lâm bệnh nặng, tưởng chừng như không còn cơ hội sống nữa nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, đồng chí, đồng đội và đội ngũ y, bác sỹ nên một lần nữa cô Xuân Nghi vượt qua “lưỡi hái tử thần”.

Cô Xuân Nghi kể lại quá trình tham gia kháng chiến

Sau khi lành bệnh, cô Xuân Nghi tự mình cải tạo 2.000m2 đất vườn tạp xung quanh nhà, mua hạt giống trồng rau màu để phục vụ bửa cơm gia đình và đem bán tăng thu nhập. Đến năm 2015, cô tiếp tục duy trì việc cải tạo vườn tạp để trồng hoa màu, bổ sung thêm mô hình mới là nuôi heo rừng thương phẩm và gây đàn để bán cho bà con xung quanh. Từ đó cuộc sống gia đình ngày càng phát triển.

Nhận xét về con người và nghị lực của cô Xuân Nghi, cô Trần Thị Hải – người dân ấp Bửu II, xã Long Điền Đông – nói: Tôi cảm nhận thì thấy dì Năm rất xuất sắc, làm ăn lương thiện. Từ ngày chiến tranh ngưng tới giờ thì thấy về đây, về quê nhà làm ăn hứng thú lắm. Theo ý cô thì nên khen ngợi người em có ý chí phấn đấu để làm ăn phát triển.

Theo lời kể của cô Xuân Nghi: Năm 2015 cô trực tiếp liên hệ với người quen ở miền Đông mua hai cặp heo rừng F1 dùng làm giống gây đàn; trong năm đầu tiên hai cặp heo đẻ được 10 heo con và nuôi lớn xuất bán với giá 100 ngàn đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí cô còn lãi được khoảng 20 triệu đồng. Bằng đồng lời có được, cô tiếp tục mở rộng số lượng heo giống và nhân đàn lên để xuất bán heo thịt, đến nay tính bình quân mỗi năm cô thu về lợi nhuận từ 40 đến 60 triệu đồng/năm. Từ cuộc sống nghèo khó, hiện cô đã vươn lên khá giả và có thêm nhiều động lực hơn trong cuộc sống; cô vui vẻ cho biết: Hồi đó từ TNXP về mình chỉ có hai bàn tay không hà. Sau khi nghỉ hưu ra thì về quê hương của ông già, bà già; khi đó mình quá khổ mà đất thì quá rộng rãi nên mình gắng phát triển trồng thọt, chăn nuôi heo rừng để sản xuất, có đồng tiền để thoát nghèo. Từ nay trở lên không còn nghèo nữa nhưng mà trong khi đó mình phải quan tâm cho đồng đội. Tới ngày hôm nay mình đã “xanh chồi nở nồi”, từ bây giờ nói chung là khỏe rồi, hết nghèo rồi, không còn nghèo nữa.

Một bầy heo rừng trong đàn heo cô Xuân Nghi chăm sóc

Điểm đáng quý ở cô Xuân Nghi là mặc dù tuổi đã ngoài 70 nhưng tinh thần nhiệt huyết cống hiến thì không hề thay đổi. Theo thông tin của Hội Cựu TNXP huyện Đông Hải thì từ khi thành lập đến nay cô chưa từng vắng mặt lần nào trong các cuộc họp, sự kiện của Hội và tham gia đóng góp đầy đủ trong các đợt vận động. Đặc biệt, mỗi năm cô đều tặng 01 con heo rừng nặng khoảng 25kg để Hội Cựu TNXP tổ chức buổi tiệc họp mặt; cô cũng là người đóng góp nhiều nhất cho nguồn quỹ ủng hộ nghĩa tình đồng đội hàng năm.

Đánh giá về cô Xuân Nghi, chú Phan Thanh Phong – Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đông Hải – cho biết: Đồng chí Xuân Nghi tham gia kháng chiến vào lực lượng TNXP, sau khi trở lại thì hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng đồng chí cũng cố gắng làm rất nhiều việc; trong đó có vấn đề nuôi heo. Từ 02 con heo rừng mà phát triển đến nay là mấy chục con heo, đời sống kinh tế đồng chí Xuân Nghi giờ tương đối khá. Như vậy thì có thể nói, đối với đồng chí Xuân Nghi thì hội viên cựu TNXP cũng nên học hỏi gương của đồng chí Xuân Nghi trong lao động, sản xuất để mà phát triển kinh tế gia đình. 

Còn cô Trần Thị Hồng Mai – Trưởng ban chấp hành Nữ Cựu TNXP huyện – nói: Hiện nay cô là một người lao động giỏi nhất ở trong huyện Hội Đông Hải, mà cổ có uy tín nhất trong người lao động sản xuất giỏi hàng năm mà thu lại hiệu quả cuộc sống gia đình và còn giúp cho đồng đội.

Với sự tích cực trong phát triển kinh tế gia đình và công lao đóng góp cho cách mạng, cô Võ Xuân Nghi không chỉ đơn thuần là điểm sáng của tổ chức Hội Cựu TNXP mà đó còn là một điển hình tiêu biểu để các thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước noi theo./.

Quốc Quý