Người giữ lửa cho nghề tổ

Đăng lúc: 01-08-2019 3:46 Chiều - Đã xem: 96 lượt xem In bài viết

 

Những năm 1976 -1980, tỉnh Thái Bình đã huy động trên 22 ngàn lao động tiền trạm xây dựng kinh tế mới vào các tỉnh thành phố phía Nam. Trong đó có người đoàn viên trẻ – Đinh Quang Thắng, 19 tuổi – ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Đinh Quang Thắng tham gia lực lượng TNXP năm 1977, làm nhiệm vụ ở Tổng đội Lao động tiền trạm I tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Cuộc đời “người lính” của Đinh Quang Thắng còn có trên 5 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Cam-pu-chia thuộc Đoàn 7707, mặt trận 779 – Quân khu 7. Năm 1991, Thắng về quê, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm[i]. Ngày trở về trong cơ chế thi trường, Thắng không khỏi chạnh lòng. Anh chia sẻ: “… Thanh niên lớn lên, họ rời quê đi lên thành phố làm ăn xa; người được tôn vinh nghệ nhân có bàn tay vàng của làng nghề Đồng Xâm chỉ còn đếm bằng đầu ngón tay; hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo mang giá trị truyền thống bị mai một, tinh hoa nghề chạm bạc Đồng Xâm gần như bị đe dọa mất nghề… và trong khoảng 20 năm nay, người Đồng Xâm quê tôi chuyển sang làm đồ thờ cúng, mặt hàng chủ đạo là đồ thờ, tranh đồng bày bán khắp nơi...”

Tình yêu nghề thủ công mỹ nghệ được cha ông truyền dạy từ bé, ông Thắng tâm sự; ‘‘…Để giữ được nghề truyền thống của cha ông, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo phác thảo chi tiết cho từng sản phẩm; tôi duy trí sản phẩm chất liệu bằng bạc và bằng đồng; vận dụng vừa sản xuất và phục chế dù có phải mất nhiều công sức, thời gian để ‘‘Níu vàng son ở lại’’ của tinh hoa nghề chạm bạc Đồng Xâm…’’.

Ý chí của người lính, tài hoa của nghệ nhân Đinh Quang Thắng đã in đậm trong sản phẩm. Kiếm, mũ, hia của cung đình triều Nguyễn được ông phục chế lại[ii]. Tâm huyết của nghệ nhân Đinh Quang Thắng còn gửi gắm lịch sử vào những tác phẩm được trưng bày trong cung ‘‘Trần triều bảo kiếm’’ ở Đền Côn Sơn – Kiếp Bạc; gửi gắm lòng tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ qua bộ đồ thờ tại Đền thờ Liệt sỹ TNXP Thọ Lộc tỉnh Quàng Bình. Và ở nơi ‘‘đất trời giao thoa – Sa Pa’’ Đinh Quang Thắng đã gửi gắm tâm hồn mình qua bức thông điệp bằng đồng ‘‘Tinh Vân Đắc Lộ, Túc Tĩnh Trang Nghiêm”…(Ảnh dưới).

Miệt mài dưới nếp nhà nhỏ,  cũng là cơ sở sản xuất của gia đình ông, không có cửa hàng giới thiệu sản phẩm, không có biển hiệu quảng cáo “hoành tráng”ở đường lớn nhưng luôn tấp nập có khách tìm về.

Ông Đinh Quang Thắng năm nay 62 tuổi, ngày ngày phác thảo những họa tiết, hoa văn, khắc chạm trên kim loai quý, cho ra đời những sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt. Bấy năm xa quê, bao năm nay về quê “giữ lửa cho nghề tổ”, cơ sở sản xuất của ông đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động, bình quân thu nhập từ 3.500.000đ- 4000.000đ/người/tháng. Ngoài ra ông còn đào tạo nghề miễn phí cho con em cựu TNXP, cựu chiến binh, mỗi năm 3-5 thợ có tay nghề thuần thục. Những ngày lễ, tết ông đến thăm hỏi tặng quà cho đồng đội còn có khó khăn trong cuộc sống; hỗ trợ chương trình về nguồn thăm lại chiến trường xưa của các cấp hội, góp phần giáo dục, tiếp lửa truyền thống yêu nước và cách mạng cho hội viên và thanh , thiếu nhi địa phương.

Đinh Quang Thắng (bìa phải)  tặng sản phẩm nghề truyền thống cho Đại hội III, Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Bình

Vẫn áo xanh màu lính, bước chân của ông tiếp tục bươn chải trên thương trường, để góp phần giữ gìn danh tiếng của làng chạm bạc Đồng Xâm đã có từ hơn 500 năm nay. Đồng đội tự hào về cựu TNXP Đinh Quang Thắng, Ủy viên BCH Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Hồng Thái huyện Kiến Xương, Doanh nhân văn hóa Việt Nam./.

Đặng Văn Bộ


[i] Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã có từ lâu đời nay với bề dày lịch sử gần 600 năm.

[ii] Không có mẫu vật để tham chiếu, mọi chi tiết chỉ căn cứ vào tư liệu lịch sử đã được triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và nhiều nơi khác ở trong và ngoài nước