Người lao công ngay thẳng

Đăng lúc: 05-11-2018 9:43 Sáng - Đã xem: 45 lượt xem In bài viết

          Chị Hoàng Thị Thích (ảnh dưới) thường trú tại Đội 3 khu Hồng Hải, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tuy là vùng ngoại thành nhưng gia đình chị chỉ có 80 m2 đất ở, không có ruộng vườn. Đã mấy chục năm nay, kể từ khi về nhà chồng, người mẹ hai con này vẫn thường đi làm thuê, làm mướn. Nơi nào “việc cần người” là người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé ấy tìm đến.

          Được người quen giới thiệu, hơn chục năm nay, chị Thích làm lao công ở Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ. Đối với loại hình hợp đồng lao động nhận khoán gọn công việc, trụ được ngần ấy thời gian đó cũng đủ cho thấy chị được nhà trường “tín nhiệm” như thế nào.

          Công việc hàng ngày của chị là quét dọn, đảm bảo vệ sinh khu giảng đường của trường. Để việc làm của mình không ảnh hưởng tới giảng dạy và học tập, ngày hai lần, trước và sau giờ học, chị với chùm chìa khóa nặng trĩu trên tay lại có mặt ở trường làm vệ sinh hơn 50 phòng học cùng sân bãi, đường đi lối lại. 5 giờ sáng, chị đã đến trường quét đường đi lối lại, sân bãi, hành lang. Kể cả mùa thu, mùa đông lá rụng nhiều, cứ đến trước 7 h sáng mỗi ngày là cả khu giảng đường đã sạch tinh tươm. Buổi chiều, tầm bốn, năm giờ chị lại có mặt để quét nền lớp học, lau cửa kính, kê lại các dãy bàn ghế cho ngay ngắn. Ngày nối ngày, lịch trình của chị diễn ra đều đặn như vậy. Khi mọi việc đã chỉn chu, chị mới rong ruổi về nhà trên chiếc xe cà tàng cùng câu hát “đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh” thuộc lòng từ thuở thanh niên xung phong.

          Thấy khung cảnh lớp học sạch sẽ và cô lao công cần cù như vậy, anh chị em sinh viên, dù là người vô tâm nhất, cũng không nỡ xả vỏ hạt hướng dương, hạt dưa ra lớp, không nỡ để vương giấy vụn ra đường. Vì vậy, khu giảng đường Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ luôn “xanh, sạch, đẹp”, tạo được hưng phấn giảng dạy và học tập.

          Mười năm với ba ngàn ngày làm việc, chị Hoàng Thị Thích rất nhiều lần nhặt được ví tiền, túi xách, ba lô, điện thoại, máy tính bảng cùng vô số vật dụng mà cán bộ, giáo viên, sinh viên, khách đến trường bỏ quên hoặc đánh rơi. Từ những chiếc ví trong đó có cả số tiền hàng chục triệu đồng hay những chiếc điện thoại, máy tính bảng đắt tiền đến chiếc kính, cây bút, chùm chìa khóa, chiếc bấm móng tay… nhặt được, chị Thích đều tìm cách thông báo đến trường, đến lớp để người mất nhận lại.

          Nếu được biết gia cảnh của người cựu nữ TNXPnày, hẳn nhiều người càng thêm trân trọng sự tận tụy với công việc, đức tính ngay thẳng, thật thà của chị. Chồng là bộ đội phục viên, sức yếu, không làm được việc gì. Con gái lớn học xong đại học sư phạm nhưng không có việc làm, khi lấy chồng đành mở hàng ăn kiếm sống. Con trai đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ba triệu tiền lương lao công của chị và mấy trăm nghìn trợ cấp của chồng là tổng thu nhập hàng tháng của gia đình chị!

          Trong buổi nhà trường tổ chức khen thưởng đột xuất về sự tận tụy, ngay thẳng cho mình, chị Hoàng Thị Thích mặc chiếc áo mới (ảnh trên) thay thế bộ bảo hộ lao động thường ngày. Gương mặt vốn khắc khổ chợt ánh lên niềm vui rạng rỡ, chị chia sẻ: Tuy cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà tôi tơ hào vật chất, tiền bạc của người bỏ quên hoặc đánh rơi; luôn canh cánh trong lòng ý nghĩ làm sao để trả lại người mất!

Nguyễn Sản

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Thọ