Người nữ cán bộ, thương binh thanh niên xung phong làm theo lời Bác

Đăng lúc: 07-11-2019 9:21 Sáng - Đã xem: 79 lượt xem In bài viết

Mải bận việc nên khá lâu rồi, hôm nay tôi mới trở lại thăm trang trại của Hoàng Thị Nguyệt. Ngút ngàn tầm mắt một màu xanh non của quất quả quất cảnh, xanh thẫm của cam Canh, bưởi Diễn; phớt vàng là màu của ổi quả đang vụ thu hoạch, vàng hanh là màu quả của bưởi cảnh, đu đưa trĩu cành, đang độ trữ nước làm mọng múi căng cùi, hứa hẹn tạo dáng đẹp cho mọi nhà dịp tết nguyên đán sắp về…

Vườn quả chuẩn bị đón Tết

Nguyệt sinh năm 1957, cháu Đại tướng Hoàng Văn Thái, quê xã Tây Giang, Tiền Hải, Thái Bình. Cùng nhiều thanh niên ưu tú khác của quê hương “đất lúa 5 tấn”, năm 1972, chưa tròn 16 tuổi, chị đã làm đơn tình nguyện gia nhập TNXP. Chị cùng các đồng đội đơn vị C14-N257- Tổng đội 572, theo Đường 20 Quyết thắng), vượt Trường Sơn sang Na Kay (Sầm Nưa) đất nước bạn Lào, nhận nhiệm vụ mở đường quân sự. Vạm vỡ, to khỏe nhưng không ít lần Nguyệt vật vã bởi những cơn sốt rét ác tính, những vết thương trên đầu, trên mình do bom Mỹ tại đèo Ba Bông (Nậm Nơn, Xiêng Khoảng)… Và cả những đớn đau xót xa khi phải tiễn đưa các đồng chí của mình, ở tuổi thanh xuân đã phải ra đi mãi mãi. Năm 1977, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xuất ngũ về Thái Bình… nhưng chị vẫn đau đáu nỗi nhớ về đồng đội về chiến trường, càng sâu đậm thêm quyết tâm vượt nghèo, vượt khó trên quê hương. 

Tháng 6 năm 1980 chị xây dựng gia đình, khăn gói theo chồng về vùng đất Đặng Cầu, Trung Nghĩa. Mãn nguyện với chàng trai Hưng Yên nhất mực yêu thương vợ… mấy phen “vượt cạn” để có được một “hoàng tử” và hai “tiểu thư”. Cái nghèo vẫn chưa buông tha nhưng chị luôn vui vẻ, lạc quan … Trớ trêu thay, tưởng sẽ được hạnh phúc cùng chồng đến “tóc bạc răng long”, đâu có ngờ đến tháng 8 năm 1995, căn bệnh hiểm nghèo đã kéo anh ra đi, để lại trên đời người đàn bà góa “một nách ba con thơ dại” …

Muôn vàn khó khăn, nhưng nữ thương binh TNXP Hoàng Thị Nguyệt không gục ngã trước số phận. Chị nỗ lực vượt qua tất cả, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới. Chị cần cù chịu khó trồng lúa trồng khoai, chăn nuôi gia súc gia cầm, để cuộc sống gia đình dần ổn định. Ngày mùa, chị trồng khoai cấy lúa. Ngày ba tháng tám, chị đi chợ gánh thuê bán mướn, kiếm thêm đồng tiền nuôi con ăn học. Có nhiều ngày, chị phải gửi con ông bà nội, cùng chủ hàng theo ô tô đưa rau xanh vào bán ở các chợ tận vùng xa Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… 

Vừa làm vừa suy ngẫm tìm cách thoát nghèo. Chị thấy người dân Văn Giang và Khoái Châu chuyển dần từ đất cấy lúa sang đất trồng màu, từ trồng rau sang trồng cây quả cây cảnh. Năm 2007, chị theo học một khóa “Bồi dưỡng kĩ thuật nuôi trồng cây cảnh” (Do trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội mở tại Văn Giang). Năm 2014, chị thuê chung đất ruộng, tập làm vườn, học cách của người Văn Giang. Ngoài cây quả nhà trồng được, chị gom thêm cây thêm quả của các gia đình xung quanh, đem về bán ở các chợ thị xã Hưng Yên “lấy công làm lãi”. Đến năm 2016, khi đã có chút vốn liếng, mượn thêm tiền của chị của em, chị quyết tâm làm vườn ngay trên đất quê chồng Trung Nghĩa. Chị gom dần các mảnh ruộng nhỏ lẻ, tạo nên được một khu đất gần một ha, đầu tư vào đó gần 3 tỉ đồng. Chị ươm cây, ghép chồi, “chiết đào, đảo quất, nhấc dây” xen canh gối vụ, cây cảnh kèm cây lấy quả. Vườn của Nguyệt dần đa dạng: quất thế quất quả, đào bích đào phai; cam Vinh, bưởi Diễn; hồng xiêm xoài lai; mít Việt mít Thái; ổi Đài táo Đài… Thuận lợi là tiền thuê nhân công ở đây rẻ hơn nhiều so với đất Văn Giang (120 – 150 nghìn đồng/người/ngày), đỡ được một nửa công vận chuyển… đầu ra giá rẻ nên người mua đông dần. Thương hiệu cây quả của chị đã dần ổn định. Cái khó nhất ở vùng quê này là nguồn nước ngầm nhiễm phèn, nước giếng khoan không tốt cho việc phun hoa tưới cây. Chị phải thuê người xẻ rãnh đào ao xây bể dự trữ nước mưa. Mùa nắng hạn, phải bơm thêm nước sông từ xa về vườn. Chị rất chăm cây, không chỉ mua đất phù sa sông Hồng chở về tạo luống cho cây, còn phải tăng cường cho cây ăn phân bắc phân chuồng và cả đỗ trắng đậu nành ngâm kĩ…

Năm 2015-2016, chị đã chuyển đổi được 1.080 m2 diện tích trồng lúa sang trồng cây cảnh, cho thu nhập từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đến 2019, diện tích đã mở rộng 3.5 mẫu, doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết được việc làm cho nhiều nông nhàn ngày ba tháng tám. Thường niên có 6 lao động, đúng vụ trồng cây/xuất cây thì có 10 – 15 người làm trên vườn nhà chị. Trời không phụ lòng người chăm chỉ, kiên trì. Thành công đã đến với chị. Ngay từ vụ đầu, chị đã thu về hơn 300 triệu đồng. Tiếp những vụ sau, số tiền thu về tăng cấp số nhân, bởi đã giảm dần việc đầu tư vốn giống. 

Vẫn còn không ít vất vả, nhưng vui nhiều vì mình đã chọn đúng hướng kinh doanh, đúng cách dịch vụ. Vui nhiều hơn vì các con chị dần khôn lớn, trưởng thành (trai có vợ, gái có chồng, 9 cháu nội – ngoại), đã cùng mẹ lo toan được nhiều việc. Vui hơn cả là có sự cổ vũ động viên của gia đình dòng họ, bà con lối xóm, đồng chí đồng đội và lãnh đạo quân – dân – chính trong xã nhà.

Thoát nghèo rồi, chị càng quan tâm chăm lo bồi đắp tình cảm đồng đội. Chị thường xuyên đóng góp, ủng hộ các quỹ nhân đạo, quỹ nghĩa tình của Hội cựu TNXP các cấp… Là thương binh nhưng chị luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Chị luôn gương mẫu trong mọi phong trào, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các đợt vận động ở địa phương, như “Vận động thanh niên lên đường nhập ngũ”, vận động các loại quỹ “Ủng hộ lũ lụt”;  “Quỹ nạn nhân chất độc da cam”; “Quỹ nghĩa tình đồng đội”; “Quỹ trẻ em nghèo vượt khó”… 

Chị Nguyệt giới thiệu cho Ban Chấp hành Hội Cựu Chiến binh xã tham quan khu vườn

Bằng nêu gương của chính mình, Hoàng Nguyệt đã vận động chị em cùng tham gia hoạt động trong Câu lạc bộ của Chi Hội Hội Phụ nữ thôn Đặng Cầu, Câu Lạc bộ Hội cựu Chiến binh – cựu Quân nhân. Chị được cử là Phó Chủ nhiệm Câu Lạc bộ sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ của Hội CCB TP Hưng Yên. Chị cùng các hội viên phát triển kinh tế mạnh theo hướng VAC. Nhiều hội viên đạt kết quả cao, như bà Phạm Thị Hoàn, Lương Thị Dậu, Trần Thị Mến, Phạm Thị Miện… 

Xuất thân từ đói nghèo nên chị hiểu “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Chị luôn quan tâm tới các đồng đội, những chị em và các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị đã nhận đỡ đầu 4 cháu học sinh nghèo trong thôn, giúp áo quần sách vở, tài trợ 1.200.000 đồng/cháu/năm. Chị đã ủng hộ Chương trình xây dựng nông thôn mới của thôn số tiền 3.000.000đ; Ủng hộ tết trung thu và trại hè các cháu thiến niên 1.000.000đ; tặng quà cho cựu TNXP trong tỉnh 3.000.000đ, quà cho TNXP chống Pháp 800.000đ. Chị còn tặng quà cho tân binh lên đường, tham góp Quỹ học sinh nghèo vượt khó, Quỹ xây nhà cho hội viên CCB – cựu TNXP nghèo, “Quỹ mái ấm tình thương” … mỗi loại quỹ từ 200.000đ đến 500.000đ. Chị đã tặng 10 sổ tình nghĩa cho hội viên nghèo các hội như Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội cựu TNXP, mỗi sổ 500.000đ; Nhận tài trợ cho 2 cháu ăn học từ lớp 1- lớp 12, đến năm 2018 tăng thêm 02 cháu, nâng tổng số là 4 cháu ăn học, mỗi năm 1.200.000đồng/1 cháu, tổng số tiền 4.800.000đ/năm. Đặc biệt năm 2018, chị đã tài trợ xây mới 1 nhà tình nghĩa trị giá 40.000.000đ cho hội viên TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn Trần Thì Hài, thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng, TP Hưng Yên

Mọi người rất quý mến, nể phục chị, đề cử chị giữ nhiều vị trí quan trọng trong công tác Hội cựu TNXP: Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Trung Nghĩa; Ủy viên Ban thường vụ – Trưởng ban kiểm tra Hội cựu TNXP TP Hưng Yên; Liên tục  từ năm 2016 đến nay, chị là Ủy viên BCH – Trưởng Ban công tác nữ Hội cựu TNXP tỉnh Hưng Yên. Chị còn tích cực tham gia công tác MTTQ, là ủy viên BCH MTTQVN tỉnh, Phó Trưởng ban cựu chiến binh sản xuất kinh doanh của Hội cựu chiến binh TP Hưng Yên. Ở cương vị nào chị năng động, sáng tạo, nhiệt tình, luôn đi đầu và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Chị đã được nhận 03 bằng khen của cấp tỉnh, nhiều giấy khen của các cấp; 04 bằng khen của Trung ương, đặc biệt là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, không “công thần” hay trông chờ ỷ lại, người nữ thương binh, cán bộ cựu TNXP Hoàng Thị Nguyệt đã là tấm gương sáng, điển hình trong phong trào thi đua “Cựu TNXP làm theo lời Bác” của tỉnh Hưng Yên.

Nguyễn Hữu Tiến

Chủ tịch  Hội Cựu TNXP tỉnh Hưng Yên