Nhà báo Phạm Mỵ, hành trình 40 năm ‘giữ lửa’ nghề

Đăng lúc: 21-06-2018 1:43 Chiều - Đã xem: 115 lượt xem In bài viết

Nghề báo là nghề nguy hiểm và vất vả. Với phụ nữ làm nghề báo, họ chịu nhiều áp lực hơn các đồng nghiệp khác giới. Thực tế hiện nay, không ít nhà báo nữ đã bỏ nghề mặc dù họ đã từng tâm huyết và yêu nghề tha thiết. Những phụ nữ còn ở lại với nghề báo, họ phải nỗ lực không ngừng nghỉ để làm nghề, thậm chí đôi khi còn phải hy sinh hạnh phúc cá nhân.

Phóng viên báo VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Phạm Mỵ (Phạm Thị Mỵ), Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam để lắng nghe những chia sẻ của bà về chuyện đời, chuyện nghề sau 40 năm làm báo.

Thưa bà, nghề báo vẫn được coi là một trong những nghề nguy hiểm. Theo bà, đâu là những hiểm nguy đối với những người làm báo? 

Nhà báo Phạm Mỵ: Thế giới đều thừa nhận nghề báo là một nghề rất nguy hiểm.

Tại Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hàng trăm nhà báo cũng ra trận như bộ đội để có được những bức ảnh, những thước phim, những tin, bài phản ánh tình hình cuộc chiến. Họ là những chiến sỹ trên mặt trận thông tin và vẫn ngày đêm đương đầu với súng đạn của kẻ thù, trong khi vũ khí của họ chỉ là cây bút, là máy ảnh. Hàng trăm nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chỉ tính riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có hơn 260 phóng viên, biên tập viên đã nằm lại chiến trường.

“Tôi đã đặt chân đến mọi miền Tổ quốc. Nghề báo nhiều gian khổ, nhưng đem lại không ít niềm vui. Những chuyến đi đã cho tôi hiểu được trách nhiệm của người cầm bút.”

Trong thời bình, tuy không còn bom đạn, nhưng sự nguy hiểm vẫn luôn rình rập nhà báo ở nhiều dạng thức khác nhau. Ví dụ như trong các cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhà báo cần bản lĩnh, vượt qua những thế lực cản trở, thậm chí đe dọa, để khui ra những vụ việc để góp phần làm trong sạch xã hội. Điều đó cũng vô cùng nguy hiểm.

Là người đã có đến 40 năm trong nghề, bà đã từng phải đối diện với những hiểm nguy đó?

Nhà báo Phạm Mỵ: Tôi học về kinh tế, nhưng ngay khi ra trường lại được phân công về làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam. Khi đó, tôi phải học nghề từ đầu, theo các anh chị đi trước để được cầm tay chỉ việc, học từ cách ghi tốc ký đến việc viết một cái tin, đánh máy chữ.

Nghề báo không có giờ giấc cố định, có khi phải làm cả thứ Bảy, Chủ nhật, buổi tối vẫn phải đi lấy tin, đến giờ đón con ở trường nhưng mẹ còn đang phải làm việc là chuyện bình thường. Và có cả những chuyến công tác liên miên.

Về cơ quan từ năm 1978 thì đến năm 1979, tôi cùng nhiều đồng nghiệp nhận nhiệm vụ sang Campuchia để giúp bạn xây dựng Thông tấn xã Campuchia SPK.

Dù có thể từ chối, dù biết Campuchia khi đó điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn, an ninh còn bất ổn, nhưng tôi vẫn nhận nhiệm vụ này không một chút đắn đo. Tôi đơn giản nghĩ mình còn trẻ, cần phải rèn giũa qua thực tế và trước tôi, cũng đã có rất nhiều nhà báo dấn thân nơi chiến trường trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Hơn hết, giúp đỡ bạn cũng là một nhiệm vụ quốc tế quan trọng do Đảng và Nhà nước giao phó.

Nhà báo Phạm Mỵ tự tin khi tham gia đưa tin tại các diễn đàn quốc tế.

Đó là những ngày tháng không thể nào quên. Nước bạn thời tiết rất khắc nghiệt. Đến 6 tháng liền không có mưa, thiếu nước sạch để uống, ăn cũng rất kham khổ. Nhưng những thách thức đó chưa là gì so với việc luôn phải cảnh giác cao độ với tàn quân Polpot, vốn là những tay bắn tỉa thiện xạ và thông thuộc địa hình.

Sau khi sang nước bạn một năm, tôi trở về Thông tấn xã Việt Nam, tiếp tục với những bài viết, những chuyến đi thực tế.

Khi Trung Quốc tràn qua biên giới, tôi “cầm bút” lên đường, đến tận các chốt bộ đội để phản ánh tình hình thực tế.

Ngay cả khi không đối diện với hiểm nguy từ súng đạn, trong hòa bình cũng có nhiều vụ việc đòi hỏi sự dũng cảm của phóng viên. Tôi còn nhớ kỷ niệm cùng đồng nghiệp một số báo đấu tranh phanh phui một vụ án ở xã Hiền Lương, huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ nhiều năm trước. Khi đó, một em bé đã bị công an xã đánh chết.

Những chuyến đi được gặp gỡ nhiều cuộc đời, nhiều số phận, nhiều sự vụ đã cho nhà báo Phạm Mỵ nhiều trải nghiệm và vốn sống.

Nhận được thông tin, với quyết tâm đưa vụ việc ra ánh sáng, trả lại công bằng cho em bé và gia đình, chúng tôi đã đến tận xã Hiền Lương. Đường đi khi đó không thuận lợi như bây giờ mà phải qua rất nhiều đồi dốc, sông suối. Chúng tôi phải ở nhờ nhà một người dân, ăn khoai sắn và đi thu thập tư liệu. Từ sáng đến tối luôn luôn trong trại thái không yên tâm vì có nhiều đối tượng cản phá. Rủi ro rình rập, nhưng chúng tôi vẫn kiên định đi tìm công lý. Cuối cùng, cán bộ công an xã cũng phải cúi đầu nhận tội, bị xét xử theo pháp luật.

Trong 40 năm làm nghề, tôi đã đặt chân đến mọi miền Tổ quốc. Nghề báo nhiều gian khổ, nhưng đem lại không ít niềm vui. Những chuyến đi với những cuộc gặp gỡ nhiều cuộc đời, nhiều số phận, nhiều sự vụ đã cho tôi trải nghiệm và vốn sống, để hiểu mình cần sống tích cực hơn, hiểu được trách nhiệm của người cầm bút. Tôi cho rằng người làm báo là phải tích lũy liên tục cả vốn sống và kiến thức thì ngòi bút mới “sắc” và lòng cũng “trong” hơn.

– -Để tích lũy được vốn sống cần phải đi rất nhiều, đó cũng là đặc điểm của nghề báo. Nhưng với phóng viên nữ, họ còn rất nhiều ràng buộc về trách nhiệm gia đình, con cái. Theo bà, đó có phải là một bất lợi đối với phóng viên nữ? Và phải làm thế nào để cân bằng giữa công việc – gia đình? 

Nhà báo Phạm Mỵ: Đó đúng là một thách thức với phóng viên nữ. Nghề báo không có giờ giấc cố định, có khi phải làm cả thứ Bảy, Chủ nhật, buổi tối vẫn phải đi lấy tin, đến giờ đón con ở trường nhưng mẹ còn đang phải làm việc là chuyện bình thường. Và có cả những chuyến công tác liên miên.

Vừa giữ được lửa nghề, vừa làm tròn trách nhiệm gia đình là một điều rất khó với nhà báo nữ. Điều đó đòi hỏi người phóng viên nữ phải nỗ lực rất nhiều và hy sinh cũng rất nhiều. Nếu những nghề khác, để cân bằng công việc – gia đình, người phụ nữ phải nỗ lực 1 thì với nghề báo, họ phải nỗ lực gấp 10.

Có nhiều người may mắn được chồng và gia đình thông cảm, tạo điều kiện, nhưng cũng có người không có được may mắn đó. Tôi biết có nhiều người thành đạt trong nghề nhưng mái ấm gia đình không được trọn vẹn. Đó là thực tế.

Để tích lũy được vốn sống cần phải đi rất nhiều, đó cũng là đặc điểm của nghề báo.

Bên cạnh rất nhiều thử thách như vậy, nhưng trong nghề báo, phụ nữ có lợi thế gì, thưa bà? 

Nhà báo Phạm Mỵ: Tôi nghĩ nhà báo nữ có nhiều khó khăn, nhưng cũng có nhiều lợi thế. Nghề báo là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp để tiếp cận nguồn tin, khai thác tư liệu. Vì thế, phụ nữ với sự uyển chuyển, nhẹ nhàng sẵn có sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn tin, thuyết phục nhân vật.

Bên cạnh đó, phụ nữ vốn bản tính thiên bẩm nhạy cảm hơn nam giới, giàu lòng trắc ẩn, tính nhân văn. Vì thế, những bài viết của họ, nhất là trong các bài dạng phóng sự, thường giàu cảm xúc hơn, dễ đi vào lòng người hơn.

Cũng chính lòng trắc ẩn ấy cũng giúp cho phụ nữ đứng vững hơn trước những cám dỗ của đồng tiền trong nghề nghiệp, nhất là khi nhu cầu của cuộc sống ngày một lớn hơn, phong phú hơn. Đó có lẽ cũng là một trong những lý do để phóng viên nữ ít khi “nhúng chàm” hơn.

Là người đứng đầu Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, bà có thể cho bạn đọc biết thêm về những hoạt động của câu lạc bộ? 

Nhà báo Phạm Mỵ: Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ luôn chú trọng trước hết đến việc tạo một “sân chơi nghiệp vụ”, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho chị em phóng viên, biên tập viên.

Vài năm trở lại đây, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ có ý nghĩa như tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm giao lưu về nhà báo nữ với nghề và với trách nhiệm xã hội tại Hà Nội, Lý Sơn – Quảng Nam, Khánh Hòa, các tỉnh đồng bằng sông Hồng… giúp chị em hiểu nghề hơn, hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau được nhiều hơn để làm nghề tốt hơn và cân bằng, hài hòa được hai chức phận cùng rất nặng nề: Làm nghề báo và “giữ lửa” trong gia đình; kết nối để các nhà báo nữ làm tốt công tác chuyên môn và giữ vững phẩm chất, đạo đức của người làm báo trong nền kinh tế thị trường.

Lời khuyên với những nhà báo nữ ư? Bằng vào cả cuộc đời làm báo của tôi cùng với làm nghề là cả quá trình học và học…

Chúng tôi tổ chức những chuyến đi thực tế tới các vùng đất của Tổ quốc, vừa để các nhà báo nữ có cơ hội tác nghiệp nhưng cũng vừa là dịp để các Câu lạc bộ thành viên được giao lưu, chia sẻ với nhau về nghề nghiệp và cuộc sống. Cũng từ các chuyến đi này, nhiều bài báo nóng hổi mang hơi thở cuộc sống đã ra đời, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp thông tin truyền thông của báo chí cách mạng.

Từ một Câu lạc bộ ban đầu với khoảng 100 hội viên, chủ yếu ở Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã phát triển và hình thành một mạng lưới rộng khắp trên mọi miền của đất nước với 50 câu lạc bộ thành viên, thu hút hàng ngàn hội viên cùng tham gia.

Các chuyến đi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai; giao lưu với các đơn vị bộ đội hải quân ở Hải Phòng, Đà Nẵng; với bộ đội tăng thiết giáp, bộ đội biên phòng Lạng Sơn, đảo Cồn Cỏ; đến với những nữ thanh niên xung phong năm xưa ở Thái Bình, Thanh Hóa; đến với các nữ lái xe Trường Sơn trong những năm chống Mỹ… Đặc biệt, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã tổ chức cho các nhà báo nữ ra tác nghiệp ở Trường Sa…

Nhiều bài viết của các nhà báo nữ sau các chuyến đi của Câu lạc bộ đã có sức lan tỏa và tạo được hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm báo chí của các chị từ các chuyến đi do Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam tổ chức đã đoạt các giải cao trong các Giải báo chí của các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, lực lượng vũ trang và Giải báo chí Quốc gia.

Nghề báo gắn bó máu thịt với đời sống xã hội. Nhận thức sâu sắc điều đó, cùng với những hoạt động nghiệp vụ, càng ngày Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam càng hướng tới những hoạt động xã hội thiết thực và nhờ thế hiệu quả hoạt động xã hội của Câu lạc bộ ngày càng rộng, càng sâu. Từ hoạt động chuyên môn của mình, các nhà báo nữ đã phát hiện những địa chỉ từ thiện và chủ động tổ chức hoạt động thiện nguyện trực tiếp, thiết thực và hiệu quả đến các địa phương, cơ sở với phương châm “đến tận nơi và trao tận tay”.

Theo bà, đâu là thành tích nổi bật trong quá trình phát triển của Câu lạc bộ?

Nhà báo Phạm Mỵ: Đi lên từ “ba không”: không trụ sở, không kinh phí, không có người chuyên trách, nhưng qua 15 năm hoạt động, dưới sự quan tâm sát sao của Hội nhà báo Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã thực sự là một tổ chức hoạt động nghiệp vụ mạnh mẽ, đặc thù, góp phần cùng đội ngũ đông đảo các nhà báo cách mạng Việt Nam hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Từ một Câu lạc bộ ban đầu với khoảng 100 hội viên, chủ yếu ở Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã phát triển và hình thành một mạng lưới rộng khắp trên mọi miền của đất nước với 50 câu lạc bộ thành viên, thu hút hàng ngàn hội viên cùng tham gia. Đó là một điều đặc biệt mà không một câu lạc bộ báo chí chuyên ngành nào có được. Có những tỉnh thành lập Câu lạc bộ Nhà báo nữ từ rất sớm như Yên Bái, Sơn La, Hải Dương (2002), Hà Tĩnh (2003); thậm chí có Câu lạc bộ Nhà báo nữ Thanh Hóa thành lập từ năm 1998.

Đến nay, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam còn tạo được sự gắn kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa Câu lạc bộ Trung ương và các Câu lạc bộ địa phương. Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động trao đổi, chia sẻ về nghiệp vụ, tổ chức các chuyến đi thực tế… để thực sự là một địa chỉ tin cậy, tập hợp được một đội ngũ nhà báo nữ đông đảo, tham gia tích cực vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong suốt 40 năm làm nghề, chắc hẳn bà đã luôn phải nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, không ngừng đổi mới để đáp ứng với yêu cầu của báo chí công nghệ tiên tiến, hiện đại, vậy bà có lời khuyên gì dành cho những nữ nhà báo khi bước vào thời đại 4.0?

Nhà báo Phạm Mỵ: Lời khuyên với những nhà báo nữ ư? Bằng vào cả cuộc đời làm báo của tôi cùng với làm nghề là cả quá trình học và học. Sau khi bước vào nghề báo tôi tiếp tục học thêm, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (ngành văn học), rồi học các lớp nghiệp vụ báo chí dành cho những người đã tốt nghiệp đại học không chuyên ngành… Và tôi tâm niệm sâu sắc một điều là đã là nhà báo phải biết ngoại ngữ, giỏi vi tính. Nên ngày ấy mặc dù công việc bộn bề, luôn phải đi công tác nhưng tôi bắt đầu học tiếng Anh. Trong trường đại học chỉ học tiếng Nga nên tiếng Anh tôi phải học từ a,b,c…Tôi kiên trì học từ trình độ A, B, C và sau đó thi tiếng Anh để nhận được học bổng đi học Thạc sĩ ở Australia.

Và, cũng bằng những năm tháng học Thạc sĩ ở nước ngoài cho tôi tầm nhìn mới, cách nghĩ mới về làm báo. Chính những năm tháng đó tôi đã được tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại.

Khi tôi về nước và được phân công về làm Trưởng phòng Phóng viên báo Việt Nam News và lúc đó Ban Biên tập yêu cầu xây dựng phòng đó với những phóng viên vừa viết tiếng Việt và có phóng viên viết trực tiếp tiếng Anh. Tôi đã làm tốt nhiệm vụ của mình.

Sau này khi trở thành Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập tôi không chỉ viết trực tiếp trên máy vi tính mà còn có thể chỉnh sửa ảnh, sửa bông… làm công việc của một kỹ thuật viên.

Là lãnh đạo cơ quan báo chí rồi tôi tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ; học các lớp báo chí do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, tham gia các khóa đào tạo tại nước ngoài… Và bây giờ đây khi là Tổng Biên tập một tờ tạp chí chuyên ngành tôi vẫn phải luôn đọc và học để đáp ứng yêu cầu thông tin của chuyên ngành mình phụ trách.

Đó là hành trang của tôi trong những năm làm báo và tôi nghĩ còn làm việc thì vẫn tiếp tục phải học, phải đọc bởi dòng chảy tri thức không bao giờ ngơi nghỉ.

Tôi chia sẻ với các bạn phóng viên trẻ suốt cuộc đời học tập của tôi với hy vọng giúp cho các bạn một điều gì đó trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống.

Xin cảm ơn bà./.

Đối với nhà báo Phạm Mỵ, nghề báo nhiều gian khổ, nhưng cũng đem lại không ít niềm vui.

Hồng Kiều + Phạm Mai