Sát nhập và sáp nhập, Giành và dành

Đăng lúc: 31-05-2023 2:38 Chiều - Đã xem: 104 lượt xem In bài viết

Sát nhập hay sáp nhập
Khi diễn tả hành động “nhập vào với nhau làm một” (thường nói về các đơn vị hành chính) trong thực tế, có người, có nơi, nói và viết là “sát nhập”, lại có người, có nơi nói và viết là “sáp nhập”. Và hầu hết mọi người không để ý đến cách dùng từ này, cũng như không ít người nếu có để ý thì cũng phân vân không biết từ nào đúng, từ nào sai. Còn tìm trên Google, trong 0,38 giây sẽ tra được 7.450.000 trường hợp sử dụng “sát nhập” và trong 0,42 giây tra được 2.160.000 trường hợp sử dụng “sáp nhập”. Nếu theo chủ nghĩa đa số, “sát nhập” áp đảo “sáp nhập”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chân lý không phụ thuộc vào số đông. Vậy đâu là từ đúng, “sát nhập” hay “sáp nhập”?

Theo Từ điển Tiếng Việt, “sáp nhập” là “nhập vào với nhau làm một” và thường để nói về các tổ chức, đơn vị. Ví dụ: Ngày 7/3/2008, báo VnExpress đưa tin: “Hà Nội mở rộng, sáp nhập toàn bộ Hà Tây”; hoặc ngày 22/11/2016, Thời báo Kinh tế đưa tin: “Bộ Công Thương sẽ sáp nhập hàng loạt cục, vụ”.

Còn “sát nhập” không có nghĩa. Lý do bởi vì: “nhập” (từ Hán – Việt) có nghĩa là “vào”, “sáp” có nghĩa là “chêm vào, lách vào, xen vào”, còn “sát” (từ Hán – Việt) có nghĩa là “giết” (thời nhà Trần các tướng sỹ thích lên cánh tay chữ “Sát Thát” (nghĩa là giết giặc Thát – tức giặc Nguyên).

Do đó, từ dùng đúng trong trường hợp này phải là “sáp nhập” (nhập vào với nhau làm một) chứ không phải “sát nhập”.

Lý là như vậy. Tuy nhiên trong trường hợp này, đến nay cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng phải dùng từ đúng là “sáp nhập” chứ tuyệt nhiên không được dùng từ “sát nhập” vì từ này không có nghĩa. Nhưng cũng có quan điểm lại cho rằng, đã đành từ đúng là “sáp nhập” nhưng trong thực tế, từ “sát nhập” được dùng phổ biến, đến mức tần suất sử dụng còn cao gấp nhiều lần từ “sáp nhập” nên cần “cấp chứng minh nhân dân” cho từ vựng này (sát nhập). Tuy nhiên, với tư cách là hãng thông tấn quốc gia, tính chuẩn mực cần được đặt lên hàng đầu. Do đó, các phóng viên và đặc biệt là biên tập viên nên biết điều này để xử lý theo nguyên tắc thống nhất về cách sử dụng từ chuẩn: “Sáp nhập” chứ không phải “sát nhập”.

Giành và dành
Đây là hai từ gần nhau về âm, nhưng lại hoàn toàn khác nhau về nghĩa, thậm chí trong một số trường hợp cụ thể còn có sắc thái trái ngược nhau. Tuy nhiên, trong thực tế không ít người vẫn sử dụng lẫn lộn giữa hai từ này. Vậy sự khác nhau ở đây như thế nào?

Theo Từ điển Tiếng Việt, “giành” (động từ) là “cố dùng sức lực để đạt được, để lấy được về cho mình, không để bị chiếm mất hoặc tiếp tục chiếm mất”. Ví dụ: “Sau hơn 1.000 năm đấu tranh giành độc lập, tổ tiên ta đã để lại cho chúng ta Lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bền bỉ vì độc lập của đất nước, ý thức vươn lên, bảo vệ nền văn hóa dân tộc”, “Việt Nam giành giải nhất toàn đoàn tại giải Vô địch đá cầu thế giới lần thứ VII với 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc ở các nội dung đơn nữ, đôi nam, ba nam và ba nữ”, “Giành nhau miếng mồi”… Nói nôm na, “giành” có nghĩa là lấy (còn được ghép thành từ “giành giật”), đồng nghĩa với từ “đoạt”, “tranh”; trong đó, từ “tranh” ở đây được hiểu với nghĩa như trong từ “tranh cướp”, “tranh giành”. Ví dụ: Giành phần nói trước = Tranh phần nói trước, Giành phần hơn = Tranh phần hơn; hay: Giành được bóng = Đoạt được bóng, Giành Huy chương Vàng = Đoạt Huy chương Vàng…
 Trong khi đó, từ “dành” (động từ) lại có hai nghĩa: Một là “giữ lại để sau này dùng” (còn được ghép để thành từ “dành dụm”, “để dành”). Ví dụ: Nó ăn uống dè sẻn để dành tiền mua xe máy; của để dành; suốt cả mùa hè, các con sóc cần mẫn tha các quả thông về cất giữ trong tổ để dành cho mùa đông giá rét… Hai là “để riêng cho ai hoặc cho việc gì”. Ví dụ: “Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho ‘mọi kiếp người’, có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng”; lớp học dành cho người khiếm thính; năm nay lên lớp 12 rồi nên em phải dành nhiều thời gian cho việc học…
 Trong thực tế, việc viết sai chủ yếu là “giành” viết thành “dành” chứ ít khi viết sai từ “dành” viết thành “giành”.
 Để khắc phục tình trạng viết sai này, có người đã nghĩ ra một cách nhớ máy móc nhưng khá hiệu quả. Đó là ghi nhớ hai từ “giành giật” và “để dành”, nghĩa là khi diễn tả hành động đoạt lấy (gần nghĩa với từ “giật”) thì nhớ ngay đến từ “giành”, vì trong từ “giành giật” cả hai đều dùng “gi” và ít có người nhầm lẫn giữa “giật” và “dật”. Khi diễn tả hành động cất giữ lại hoặc cho riêng ai thì nhớ ngay đến từ “để dành”, vì trong từ “để dành” cả hai âm tiết dùng phụ âm đầu là “đ” và “d” rất gần nhau.

Theo dhtn.ttxvn.org.vn