Tấm gương chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng của Trần Đức Lượng

Đăng lúc: 25-11-2018 11:16 Sáng - Đã xem: 162 lượt xem In bài viết

Trong các cuộc kháng chiến, cứu nước của nhân dân ta hàng triệu, triệu tấm gương hy sinh cao cả tuyệt vời đã xuất hiện, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt và xây đắp nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Một trong những tấm gương hy sinh thầm lặng nhưng có sức mạnh tinh thần lan tỏa, cổ vũ thanh niên vươn lên lập công trong phong trào thi đua yêu nước, là tấm gương của chiến sĩ thi đua Trần Đức Lượng, xin được Chính phủ không vinh danh Anh hùng Lao động để đảm bảo bí mật lên đường trở về miền Nam chiến đấu chống Mỹ, cứu nước.

Ảnh: ĐST

Là một thanh niên xung phong Liên khu 5, sau khi chiến đấu lập công xuất sắc trên chiến trường Bắc Tây Nguyên, cuối năm 1954 Trần Đức Lượng tập kết ra Bắc, được cử đi đào tạo và trở thành tài xế trưởng “Đầu máy Thanh niên 202” chạy tuyến đường Yên Bái – Lào Cai nổi danh với “Cọp Bảo Hà, ma Trái Hút”.

Vốn thông minh lại cần cù học tập, đặc biệt là thấm sâu lời Bác Hồ dạy TNXP trong 4 Câu thơ lịch sử: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, đã giúp Trần Đức Lượng vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; và còn động viên cổ vũ cả tập thể tổ lái tàu 202 phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn, biến khó khăn thành thuận lợi, xây dựng tổ lái tàu 202 từ chỗ non yếu trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” của toàn ngành Đường sắt.

Ảnh: ĐST

Với những thành tích xuất sắc đạt được, Tổng cục Đường sắt và T.Ư Đoàn TNLĐ Việt Nam đã trình lên Chính phủ đề nghị phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho chiến sĩ thi đua Trần Đức Lượng, thì một thông tin mật từ đồng chí Tám Lý, phụ trách Ban Thanh vận T.Ư Cục miền Nam ra xin T.Ư chọn cử một số cán bộ có “phẩm chất đặc thù” vào hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát và các đô thị miền Nam. Trong danh sách chọn cử đợt đầu năm 1965 để tăng cường vào Ban Thanh vận Khu ủy khu 5 có Nguyễn Anh Liên và Trần Đức Lượng, ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đoàn. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động bí mật, T.Ư không thể cử những cán bộ có nhiều hoạt động và thành tích xuất sắc đang được các phương tiện truyền thông đưa lên, do đó Trần Đức Lượng không còn trong danh sách “đi B” đợt này. Biết tin đó, Trần Đức Lượng đã trực tiếp gặp lãnh đạo Tổng cục Đường sắt và T.Ư Đoàn tha thiết đề nghị Chính phủ dừng việc phong tặng danh hiệu Anh hùng để đồng chí được kịp lên đường theo kế hoạch của Ban Thanh vận T.Ư Cục miền Nam.

Trong khi các đồng chí lãnh đạo T.Ư cân nhắc, thì Trần Đức Lượng đã gửi tiếp bản quyết tâm thư xin T.Ư chấp nhận cho nguyện vọng tha thiết nhất là được trở về miền Nam, cùng bà con quê hương trực tiếp chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Và T.Ư đã chấp thuận để Trần Đức Lượng lên đường “đi B” với bí danh là Nguyễn Long Giang.

Ảnh: ĐST

Khi đặt chân tới chiến trường Khu 5, Trần Đức Lượng đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng xả thân và tình nguyện lao ngay vào nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Hơn một năm xông pha vào “vành đai diệt Mỹ” Quảng Đà, phẩm chất anh hùng của Trần Đức Lượng được thể hiện trên các lĩnh vực Dân vận, Công vận, Thanh vận và cả Binh địch vận nên chỉ trong một thời gian chưa lâu, Trần Đức Lượng đã xây dựng được một số cơ sở “nội tuyến”, “đặc tình” phục vụ đắc lực cho các Đội TNXP diệt Mỹ, diệt ác; hình thành các “lõm chính trị” làm bùng nổ các đợt công kích, nổi dậy của công nhân, thanh niên, học sinh, sinh viên. Phẩm chất anh hùng của Trần Đức Lượng còn thể hiện sáng ngời trong cuộc đối đầu với toán biệt kích Mỹ, phục kích đoàn công tác của Khu đoàn 5 trên đường vào vùng sâu, ven nội thành Đà Nẵng, tháng 7/1967. Trần Đức Lượng đã anh dũng chiến đấu và hy sinh khi viên đạn súng ngắn cuối cùng nổ vào đầu bọn biệt kích Mỹ.

Thời gian trôi qua đã hơn nửa thế kỷ, nhưng tấm gương anh dũng hy sinh của Trần Đức Lượng vẫn sáng mãi trong trái tim của hàng triệu “Thanh niên Ba sẵn sàng” và “Thanh niên 5 xung phong” cả hai miền đất nước từ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và còn trao truyền lại cho các thế hệ con em họ ngày nay./.

NGUYỄN ANH LIÊN

Nguyên Thường vụ T.Ư Đoàn TNNDCM miền Nam; nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP

Việt Nam